Mục Tử Nhân Lành – SN Chúa Nhật IV PS, năm B

0

Suy niệm: Ga 10, 11-18

Hôm nay Giáo Hội dành Chúa nhật IV PS để đề cao vai trò Mục tử của Chúa Giê-su, Ngài là mục tử tốt lành, duy nhất, tối cao và mẫu mực cho các mục tử. Ngài yêu thương đoàn chiên cách cá vị, vô điều kiện. Ngài tự hiến cho đoàn chiên tới cùng: “Ta là mục tử tốt lành, Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10, 11). Ngài luôn đi đầu để dẫn lối và bảo vệ đoàn chiên. Ngài dẫn chiên đến những đồng cỏ xanh tươi có suối reo trong mát để chiên được no thỏa. Hình ảnh người mục tử hiền hòa giữa bày chiên diễn tả làm chúng ta ngưỡng mộ. Thiên Chúa của chúng ta luôn diên bên chúng ta để che chở, bênh đỡ và cứu giúp khi chúng ta gặp nạn. Nếu đi trong sự dẫn dắt của Ngài chúng ta không lo sợ gì.

Tôi có người em họ gian truân trong hướng ơn gọi. Em rất muốn dâng cuộc đời để phục vụ những anh em thiểu số. Em gắn bó với họ đến nỗi sự xa hoa, tiện nghi nơi phố phường không thể quyến rũ được em. Thế nhưng ơn gọi của em rất lận đận. Em chuyển đổi nhiều nơi nhưng không xuôi chảy. Tuổi đời của em đã ngoài bốn mươi rồi nhưng em vẫn không bỏ cuộc. Ngày 20 tháng 4 vừa qua tôi được tin em đã sang châu Phi (nước Burkina Faso), một đất nước nghèo đói nhất thế giới. Tôi nhìn các em quay nước kiểu xưa cũng đủ hiểu hoàn cảnh túng nghèo của họ thế nào, ngay cả nước sinh hoạt cũng thiếu. Các em hứng từng giọt nước được quay từ đáy giếng lên. Đường đi lối lại của họ còn rất hoang sơ. Thậm chí những căn nhà nhỏ hẹp tối tăm của họ được làm bằng bằng đất, rơm, gỗ và phân bò. Nhìn những cái nhà của họ tôi cũng phát sốt rồi. Nhưng em đã chọn đây là quê hương của mình. Em bỏ lại tất cả sau lưng và tiến đến đích của mình.

Mới đến mà Em đã được các em nhỏ đón bằng tất cả tình thương của sự  vui vẻ đơn sơ. Các em tranh nhau được nắm tay Thầy, người mục tử tương lai của các em. Người mục tử hiền lành hòa đồng giữa các em nghèo về kinh tế, về văn hóa, về khí hậu, về phong tục, về phong thủy và nghèo về tất cả. Tất cả vì cái nghèo truyền thống từ cha ông để lại đã ảnh hưởng trên cuộc đời các em. Các em không được hưởng nếp sống văn minh của những nước tiên tiến từ trong bụng mẹ cho đến chết. Nhìn các em vây quanh thày mình như mong muốn được lãnh nhận điều gì đó nơi người khách lạ này. Chắc chắn không phải vật chất vì vị khách này cũng nghèo khó như các em. Nhìn vẻ mặt hớn hở tươi vui này có lẽ các em đã lãnh nhận được điều gì đó. Tình thương là món quà quí hơn tất cả. Vì tình thương những người bé nhỏ nên thày đã chọn miền đất khắc nghiệt và nghèo nhất thế giới này làm quê hương của mình. Ngày đầu tiên đến nơi mơ ước nên không đợi chờ thày đã mau lẹ bắc nhịp cầu yêu thương ngay dẫu khác phong tục, ngôn ngữ va màu da.Tình yêu không có khoảng cách, không đợi chờ, Thày trò ở cách nhau nửa vòng trái đất nay đã gặp gỡ nhau. Tôi nhìn hình ảnh này mà ngưỡng mộ. Thật khác xa với thế giới văn minh, giầu có tiện nghi, con người đã bị công nghệ hóa, đã bị chủ nghĩa hưởng thụ điều khiển nên khó có thể gần nhau. Con người lạnh lùng không muốn nhìn mặt nhau. Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi đọc kinh truyền tin tại quảng trường thánh Phê-rô trong ngày Chúa nhật III PS 18/4/2021: Ba động từ hôm nay Chúa nói với chúng ta là nhìn, chạm và ăn.

“Hãy nhìn chân tay Thầy đây”, Chúa Giêsu nói. Nhìn, để ý, không chỉ là nhìn mà còn bao hàm cả ý hướng và ý muốn. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ giỏi nhìn bệnh nhân cẩn thận… Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt khỏi những khó khăn và đau khổ của người khác.

Động từ thứ hai là chạm. Bằng cách mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy Người không phải là ma, Chúa Giêsu chỉ cho họ và cho chúng ta rằng, mối quan hệ với Người và với anh em chúng ta không thể “ở khoảng cách xa”, không tồn tại một Kitô giáo xa cách, không tồn tại một Kitô giáo chỉ dừng lại ở cái nhìn. Tình yêu đòi hỏi sự gần gũi, tiếp xúc, chia sẻ cuộc sống. Người Samari nhân hậu không chỉ nhìn người nửa sống nửa chết trên đường: ông dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho người ấy, chạm đến người ấy và đặt người ấy lên lưng lừa và đưa về quán trọ. Và cũng vậy với chính Chúa Giêsu: yêu mến Người có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sự sống, một sự hiệp thông với Người.

Và sau đó, chúng ta đến với động từ thứ ba là ăn, động từ diễn tả rất rõ con người của chúng ta trong sự nghèo hèn tự nhiên nhất của nó, đó là nhu cầu của chúng ta để nuôi sống bản thân. Nhưng việc ăn uống, khi chúng ta làm điều đó với nhau, với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của lễ hội…”

Nhìn hình ảnh nghèo này tôi tưởng tượng ra những hình ảnh đàn cừu thả ăn trong đồng cỏ xanh tươi bên những dòng suối êm ả. Những ngọn cỏ xanh rờn mềm mại ấy trải dài trên các đồi trọc điểm trắng những chú cừu hiền hòa gặm cỏ trông rất thơ mộng. Cỏ ở đây không phải là của vật chất nhưng là cỏ tình thương. Chắc Em đã có chọn lựa nên không bỏ chiên nửa chừng bơ vơ. Em sẽ theo gương người Mục Tử nhân lành để tận tình dạy dỗ, giáo dục những con chiên ngoan hiền này. Gần các em, em biết phải thí mạng như thế nào vì đất nước này không cho em được sự an toàn như quê hương của em, khủng bố rất cao như lời Đức Giám Mục địa phận cảnh giác.

Em theo gương vị Mục Tử chân thật, Ngài chăn dắt đoàn chiên của Cha. Ngài biết rõ từng con chiên và chúng cũng biết Ngài. Một tương quan rất  chặt chẽ giữa Ngài và chiên. Ngài yêu chiên đến nỗi phải hy sinh mạng sống để bảo vệ chiên. Ngài tự nguyện chết để đàn chiên được sống. Đó là mầu nhiệm thập giá và phục sinh. Ngài thí mạng cách đau đớn trên Thập giá để cứu chúng ta, những con chiên phản bội, đi hoang, xé rào, phiêu bạt giang hồ… cố tình lẩn trốn Ngài, hay tệ hơn nữa, chống lại Ngài cách ngang tàng và ác độc như trong biến cố tử nạn của Ngài. Trước sự gian ác cao ngạo ngoan cố như thế, Ngài vẫn kiên nhẫn đi tìm bằng giá rất đắt của tình yêu. Ngài tình nguyện hiến mạng sống mình cho đàn chiên bất kể tốt xấu, mập gầy, già  non của mọi nơi mọi thời cho đến tận thế. Và trong sự hiến dâng cao đẹp đó, Chúa Cha đã cho Ngài phục sinh để Ngài lại lấy lại sự sống đó trong sự viên mãn tuyệt vời.

 Có một sự liên hệ thường hằng giữa cho và lấy lại. Đối với Thánh Gioan, chính Cha đã làm cho Chúa Giê-su sống lại: “Ta có quyền cho sự sống và lấy lại”. Đó là mầu nhiệm tình yêu và sự tự do.

Bản văn Thánh Gioan nói mục tử thật thì hiến mạng sống mình vì đàn chiên. Người hiến vì Người yêu chúng ta. Đó là sợi dây nối kết Cha, Chúa Giê-su và chúng ta. Sự thông hiệp này là cốt lõi của màu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Đây là sự thông hiệp lớn lao: “Ta là Mục Tử tốt lành; Ta biết chiên Ta như Chúa Cha biết Ta và Ta biết Chúa Cha; và Ta thí mạng vì chiên Ta”. Có một sự thông hiệp sâu sa lạ lùng giữa chiên và Chúa Ki-Tô: Cha tự nộp trọn vẹn trong Con. Con tự nộp trọn vẹn nơi thập giá và sự phục sinh và chúng ta được cứu chuộc nhờ màu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh.

Do đó mà mọi ơn gọi trong Giáo Hội là để biểu lộ màu nhiệm tình yêu này. Chúng ta được Thiên Chúa yêu, chúng ta là con Thiên Chúa, chúng ta phải sống tâm tình ngoan thảo, yêu mến, biết ơn, cảm nghiệm tình cha, để có thể giới thiệu Cha cho anh em của mình. Chỉ có ngôn ngữ tình yêu, chỉ có đời sống thiết thân với Cha, mới có thể thuyết phục người khác đến với Cha. Chỉ có cuộc gặp gỡ với Chúa Giê-su, Vị Mục Tử Nhân Lành, chúng ta mới tiến sâu vào sự hiểu biết mà Chúa Giê-su đã nói: “Ta biết chiên Ta và chiên Ta biết Ta”.

Chúng ta là con Thiên Chúa. Chính Thánh Thần làm cho chúng ta là con cái theo hình ảnh của Con sống trong Cha trong tình yêu vô cùng. Tất cả chúng ta được kêu gọi đến gặp gỡ Thiên Chúa. Chúng ta hãy để Thiên Chúa hướng dẫn trong ơn gọi của mình, ngoan ngoãn để Ngài vác chúng ta trên vai nếu lỡ xa đường lạc lối. Chính Đấng đã hiến mạng vì ta, Ngài không tiếc với ta điều gì miễn là chúng ta không xua đuổi Ngài. Ngài sẽ hoàn trọn nhiệm vụ Cha trao phó là dẫn chiên về đàn. Và khi sống được tâm tình con thảo của Thánh Phao-lô, chúng ta cũng có thể nói: Tôi biết Chúa và Chúa biết tôi trong tình yêu trung kiên. Lúc đó chúng ta mới có thể là mục tử đích thực cho anh em mình.

Xin Chúa cho chúng ta được gặp gỡ Chúa cách đích thực, để nhờ hồng ân ChúaThánh Thần chúng ta có thể dẫn anh em đến với Chúa.

Nt. Maria Faustina Lý Thị Báu 

Comments are closed.

phone-icon