Có lẽ không ai trong chúng ta dám xưng mình là người khiêm nhường, bởi chúng ta chưa thực sự sống sự khiêm nhường. Nhưng còn Đức Giêsu, Ngài chẳng những sống sự khiêm nhường, dạy người ta về sự khiêm nhường, mà chính Ngài còn là sự khiêm nhường “Anh em hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11, 29). Thánh Vinh Sơn Phaolô còn quả quyết, “khiêm nhường là nhân đức của Đức Giêsu Kitô…và là nhân đức của nhà truyền giáo”[1].
Trong bài này, chúng ta cùng nhau tìm hiểu về sự khiêm nhường của Đức Giêsu trong cuộc đời của Ngài: từ Mầu Nhiệm Nhập thể, đời sống công khai và trong mầu nhiệm sự chết và sự phục sinh của Ngài. Từ đó, chúng ta rút ra bài học khiêm nhường cho người môn đệ đi theo Chúa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.
1. Trong mầu nhiệm Nhập Thể
Qua mầu nhiệm này, chúng ta nhận ra Ngài chính là Thiên Chúa, một Thiên Chúa toàn năng, đầy quyền uy mạnh mẽ, nhưng Ngài đã “hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2, 6-7). Vì sao? Thánh Gioan trả lời: vì “Thiên Chúa yêu thế gian, đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16), và “Ngài đã không tiếc với chúng ta điều gì” (Rm 8, 32). Đã thế, Ngài còn nhập thể trong một gia đình nghèo, sinh ra nơi chuồng bò hôi tanh, lạnh lẽo ngoài thành Belem giữa đêm thanh vắng. Thật sự, Ngài có dư khả năng để có điều ngược lại, nhưng Ngài đã hạ mình chọn cách giáng sinh nơi khiêm hạ để có thể ở với con người, hiểu con người, yêu con người, đồng cảm với người nghèo và ban tình yêu cứu độ của Ngài cho toàn thể nhân loại.
Người môn đệ tự nguyện theo Đức Giêsu trên đường truyền giáo cũng sẽ sống như thế: từ bỏ chính mình để nghĩ đến tha nhân, hy sinh thời giờ để thăm viếng người nghèo cũng như người đau khổ; dấn thân củng cố niềm tin của những người muốn xa Chúa; ân cần khích lệ quan tâm người khao khát tìm Chúa; chia sẻ của cải cho những ai nghèo túng, bần cùng… Khi chọn sống phục vụ như thế, người môn đệ còn phải khiêm tốn đón nhận những gì mình có từ gia đình, người thân hoặc một tổ chức truyền giáo nào đó (nếu có) về tài chánh, thời gian, sức khoẻ… giống như Đức Giêsu từng được sinh ra trong khung cảnh khó nghèo như thế trong thiên hạ. Tất cả những gì người môn đệ học khiêm nhường nơi Chúa Giêsu, cũng xuất phát từ một mục đích duy nhất là lòng mến Chúa và phần rỗi của các linh hồn.
2. Trong đời sống công khai
Con Thiên Chúa lớn lên trong sự bao bọc của một gia đình nghèo tại làng quê Nazareth. Ngài cùng với cha mẹ làm việc bằng đôi tay cần cù của mình; Ngài cũng phải trải qua đau khổ mới học biết thế nào là vâng phục (x. Dt 5, 8) và yêu thương mọi người bằng trái tim nhân loại của mình. Sự khiêm hạ của Đức Giêsu còn được Chúa Cha mạc khải trước đoàn người đang chờ nhận phép rửa từ ông Gioan: “Đây là Con yêu dấu của Ta, hài lòng về Người” (Mt 3, 17). Và trong chính sứ mạng rao giảng của mình, Đức Giêsu đã cầu nguyện, tin vào quyền năng của Cha nhờ sức mạnh của Thánh Thần để thực thi trọn hảo sứ mạng được trao. Mọi lời nói, suy nghĩ và hành động của Ngài đều bộc lộ về đức khiêm nhường, nhất là khi cúi xuống rửa chân cho các môn đệ (x.Ga 13, 1-20) và trở nên tấm bánh bẻ ra hiến trao mọi người (x.Lc 22, 17-20).
Người môn đệ bước theo Đức Giêsu trong sứ mạng loan báo Tin Mừng trước hết phải là người có lòng biết ơn, vì ý thức mình là người được Thiên Chúa tuyển chọn để công bố Tin Mừng của Người. Tiếp đến, môn đệ phải là người cầu nguyện: công việc thì bao la, khó khăn thử thách luôn không thiếu dễ làm ta nản chí sờn lòng. Việc cầu nguyện giúp ta dễ dàng nhận định thánh ý Chúa, tránh rơi vào cạm bẫy của Satan, không tự tôn-tự ti khi thành công hay thất bại. Sau cùng, người môn đệ khiêm tốn cần noi gương Chúa trong việc làm chứng, không chỉ bằng suy nghĩ hoặc lời nói suông, mà còn phải hành động một cách cụ thể trong cuộc sống đời thường của mình.
3. Trong cái chết và Phục sinh
Đỉnh cao của bài học khiêm nhường mà chúng ta học được, đó là cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Giêsu. Khi vào thành Giêrusalem, Đức Giêsu không như các vị vua khác ở trần gian: mặc cẩm bào, cưỡi ngựa tiến vào thành cách uy nghi, lẫm liệt… nhưng Ngài thật khiêm tốn ngồi trên lưng lừa mà tiến vào thành của Thiên Chúa. Một hình ảnh trông thật đơn sơ mang đậm nét Do thái, diễn tả Đấng Messia không phải là một vị vua của bạo lực, mà là một vị Vua hiền hoà, khiêm tốn được sai đến để đem ơn cứu độ cho toàn dân như ngôn sứ Dacaria đã loan báo: “kìa Đức Vua của ngươi đang đến…Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9,9). Nhưng Đấng hiền lành và khiêm tốn đã từng rao giảng, chữa lành, ban ơn và phục vụ như người “đầy tớ” rửa chân cho các môn đệ lại bị họ phản bội, bán đứng, chối bỏ để người ta bắt bớ, nhục mạ, lên án, đánh đập và kết án tử hình. Trên thập giá, với tấm thân đau đớn tột cùng và con tim tan nát, trước mặt những người lên án mạnh mẽ, lính canh và đám đông dân chúng đi theo Ngài trên đường thương khó, Chúa Giêsu đã khiêm tốn nài xin Cha sự tha thứ: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23, 34). Kinh Thánh còn cho biết, Đức Giêsu chấp nhận cái chết như bao người khác, nhưng Ngài đã chiến thắng tử thần (Kh 1, 18), Ngài còn xuống ngục tổ tông loan báo ơn cứu độ cho những ai đang bị giam giữ (1Pr 3, 18-20). Sự khiêm nhường vâng phục của Đức Giêsu đã được Chúa Cha tôn vinh và ban tặng một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Người môn đệ theo Đức Giêsu cũng cần vượt qua những ranh giới về văn hoá, tôn giáo, quốc gia để có thể đến với các dân tộc như Chúa Giêsu, nhất là những nơi gặp khó khăn trong việc tiếp nhận các nhà truyền giáo. Thái độ khiêm tốn coi mình như người cần giúp đỡ, quan tâm đến đời sống cá nhân của những người nghe, tôn trọng và lắng nghe tiếng lòng của những người bé nhỏ để khám phá nơi họ hạt giống Nước Trời đang còn tiềm ẩn. Nhưng khi đã cố gắng mà vẫn không đạt được kết quả gì, thậm chí sự bách hại có thể xảy ra thì hãy nhớ lời Đức Giêsu căn dặn: “thế gian đã ghét Thầy trước rồi!” (Ga 15, 18). Bị ghét bỏ hay bị giết hại, đó là thân phận của Thầy Giêsu cũng như của những ai dấn bước theo Ngài.
Trên đây là bài học khiêm nhường mà Đức Giêsu đã thực hành trong suốt cuộc đời của Ngài. Nhờ đó, Ngài thi hành ý của Cha trên trời một cách trọn hảo trong ơn gọi và sứ mạng cứu độ của Người. Trong sách Gương Chúa Giêsu, Các nhà tu đức đã ví nhân đức này như “nền móng của toà nhà thiêng liêng”. Những vị khác cho nhân đức này là “nền tảng của mọi nhân đức”. Dù được gọi là gì đi nữa, các môn đệ của Đức Giêsu, nhất là những ai tự nguyện bước theo Ngài trên hành trình truyền giáo, thì đức khiêm nhường phải là yếu tố nền tảng cho cả sứ vụ và đời sống của người tông đồ. Thánh Vinh Sơn Phaolô có nói: “Đức khiêm nhường đem lại cho tâm hồn tất cả các nhân đức khác… Dù khi tôi có tất cả mọi nhân đức mà không có đức khiêm nhường, thì tôi chẳng có gì ngoài tội lỗi, tôi chỉ là tên biệt phái kiêu ngạo và là một thừa sai tồi tệ”[2]. Ước gì mỗi người chúng ta biết khiêm tốn cầu xin Chúa ban cho mình được ơn khiêm nhường, để can đảm bước theo Chúa mỗi ngày trong sứ vụ loan báo Tin Mừng của người Tu sĩ Đa Minh.
Nt. Maria Phạm Thị Hoa
[1] Sant Vincent, chương XI, trang 56-57.
[2] Saint Vincent, chương XII, trang 210.