- Lời mở:
Chính bởi chìa khoá tình thương, Thiên Chúa tạo dựng con người “theo hình ảnh Thiên Chúa và giống như Thiên Chúa” (St 1, 26). Từ đây, Thiên Chúa thông ban vinh quang của Ngài cho con người với tất cả phẩm chất “chân, thiện, mỹ”, đó là được tham dự vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Với tư cách là nghĩa tử, thì “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh (Tục ngữ). Vâng, theo kế hoạch yêu thương của Chúa Cha (x. St. 3,15), chính Đức Ki-tô, đã là “Đấng Emmanuel” – có nghĩa, Người ở giữa chúng ta, Người đã nên mẫu mực toàn hảo cho nhân loại (x. Is 7, 14; GLHTCG 520). Được mang những yếu tố cơ bản, tất yếu này, chúng ta mặc nhiên phải nên giống Thiên Chúa như Chúa đã mời gọi chúng ta: “Các ngươi hãy nên thánh như Cha các ngươi là Đấng thánh”.
Và chính Chúa Gê-su đã tha thiết nói với chúng ta: “Hãy học cùng Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng” (Mt 11, 28). Giáo lý Hội Thánh Công Giáo khẳng định: “Suốt cuộc đời Đức Giê-su đã nên mẫu mực cho chúng ta là “con người toàn hảo” (số 520).
Giữa bối cảnh của thế giới xa lìa Thiên Chúa hôm nay, một thế giới đánh mất nguồn gốc của mình đến độ vong thân, một thế giới đang dùng sự dữ, sự thù hận, của “Chủ nghĩa cá nhân” là khí giới tiêu diệt, tàn sát lẫn nhau. Bối cảnh thương tâm ấy là lời khẩn thiết mời gọi chúng ta, những tu sĩ Đa Minh, phải tiếp nối sứ mạng cứu độ của Đức Giê-su trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa Cha. Chúng ta hãy trở về Nguồn Cội của mình, là chính “Tình Thương”, là sự Nhân Ái, là sự Dịu Dàng, sự Ngọt Ngào của Đấng là “Cội Nguồn” của nhân sinh – một Thiên Chúa tình thương, một Người Cha giàu lòng thương xót, luôn yêu thương, sẵn sàng tha thứ và ban cho chúng ta sức mạnh của tình yêu – một nhu cầu mà con người đang đói khát.
I. MỘT THIÊN CHÚA TỪ BI, THƯƠNG XÓT
Thánh Kinh đã xác tín: Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên (Tv 145,8-9). Chính từ đây, hai nét đẹp sáng ngời nơi Thiên Chúa: Sự hiền lành và khiêm nhường. Và cũng chính từ đây, con người có được sự sống, có được hạnh phúc viên mãn.
1. Sự hiền lành của Thiên Chúa
Sau khi con người phản nghịch cùng Thiên Chúa, tuy có nghiêm phạt, nhưng từ bản chất của Ngài đã bộc phát nỗi quặn đau – “sự chạnh lòng thương”. Sự dịu ngọt của trái tim đã bao phủ nhân loại bằng “Lời hứa cứu độ” (St 3,15). Và Đức Giê-su đã thực hiện kế hoạch yêu thương này. Trong sứ vụ, Người đã mặc khải cho chúng ta trái tim tràn đầy yêu thương của Thiên Chúa Cha qua ba dụ ngôn: Con chiên bị lạc (Lc 15, 4-7); Đồng bạc bị đánh mất (Lc 15,8-10); và Người Cha nhân hậu (Lc 15,11-32), cho thấy trái tim Thiên Chúa khắc khoải vì những gì thuộc về Ngài bị mất, và niềm hoan lạc vô biên khi tìm lại được. Vâng, Người đã thổn thức: “Cả thiên đàng sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn”. “Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103,13). Sự dịu dàng, ngọt ngào, yêu thương, nhân ái từ Thiên Chúa đã chảy tràn trên nhân loại, khắc sâu nơi con người hình ảnh hiền hậu của người cha. Sự tha thứ, nhẫn nại đợi chờ vẽ lên hình ảnh rất nhân ái của người thầy.
Đây là cách thế mà Đức Giê-su đã sống với các môn đệ cũng như dân chúng là những người gây phiền hà cho Chúa. Các tông đồ đã sống với Chúa gần ba năm, vào những giây phút thương đau của Người, sau khi Người loan báo Người sắp chịu khổ nạn, người ta sẽ hành hạ và Người sẽ bị giết chết bởi con người thế mà các ông đã vô tâm đến độ, sau đó khi còn đang đi đường, các ông đã tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất, không chỉ lớn nhất trong các ông, như các Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Luca thuật lại: “Ai là người lớn nhất?” (Lc 9, 46; Mc 9, 34), nhưng còn lớn nhất trong Nước Trời! Hoặc như bà mẹ hai người con ông Dê-bê-đê: xin cho hai con là Gia-cô-bê và Gio-an, một đứa ngồi bên hữu, một đứa ngồi bên tả trong Nước Thầy (Mt 20, 17-28).
Chúa đã cư xử ra sao? Tin Mừng Mac-cô kể: Khi về đến nhà, Người đã ôn tồn hỏi han các ông: “Dọc đường anh em đã bàn tán việc gì vậy? Các ông làm thinh”. Chúa biết rất rõ, nhưng Người dịu dàng gọi các ông lại và ôn tồn dậy dỗ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc 9, 30-37). Suốt hành trình rao giảng, rất mệt mỏi, nhưng Người luôn luôn kiên nhẫn với dân chúng, nhân từ trong giảng dậy, ân cần khi chữa trị mọi tật nguyền, không từ nan. Thân phận người phong hủi luôn bị cộng đồng cách ly, xa tránh, nhưng khi anh ta đến xin Chúa chữa: Nếu Thầy muốn, xin chữa con lành sạch. Người nói: Tôi muốn, rồi chính Người đặt tay lên anh. Và anh tức khắc được khỏi. Hình ảnh Đức Giê-su đặt tay lên anh, nói lên tình thương chân thật, không hề phân biệt đối xử, mà Người dành cho anh, một thân phận đang mang nặng mặc cảm. Chính Người còn cho ta thấy trái tim hiền hậu, nhân ái của Người thật sáng ngời, toả rạng trong bữa ăn ly biệt, khi Người quỳ xuống rửa chân cho các môn đê, và mời gọi họ: “Thầy là Thầy, là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em hãy rửa chân cho nhau” (Ga 13, 1-20). Kết thúc bữa ăn Người nói lời cáo biệt chứa chan tình thương của một người Thầy nhân ái: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,35).
Quả thật, Người thật hiền hậu, thân ái, nhẫn nại. Nơi Người ngát hương thơm dịu mát của loài hoa đồng nội, đã cuốn hút mọi tầng lớp người đến với Người để được bình an – một Madalene bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, thật trơ trẽn, tội lỗi; một Gia-kêu phản dân tộc, lún sâu trong nghề thu thuế với nhiều bất lương, bất hảo; một Mat-thêu, từng làm tay sai cho đế quốc để thu sưu cao thuế nặng trên dân tộc mình; một Phê-rô, môn đệ thân tín, mới cách đó mấy tiếng đồng hồ, hô to: Dù mọi người bỏ Thầy, và dù có phải chết, con cũng không bỏ Thầy, mà sau ít giờ đã chối Thầy cách tàn nhẫn, phi nhân bản. Nhưng tất cả họ đã được biến đổi để nên những vị thánh khi tiếp cận với một Đức Giê-su rất hiền lành, bao dung, đầy trân trọng và quý trọng con người.
2. Sự khiêm hạ của Thiên Chúa
Hình ảnh khiêm hạ của Đức Giê-su đã được thánh Phao-lô, người môn đệ đã thẩm thấu cuộc sống của Thầy mình, ông minh hoạ:
“Ðức Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa,
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì,
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang,
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân,
sống như người trần thế.
Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự”
(Pl 2, 6-8).
Đức Giêsu là Thiên Chúa, Người là Đấng Sáng tạo, Vua trên các Vua – thế nhưng Người đã quyết trở nên mẫu mực của sự “huỷ mình” – sống thực khiêm hạ. Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang đích thực, đã sống lối sống của loài thụ tạo khó nghèo nơi trần thế, Người đã trở nên trần trụi “không có gì”- trơ trọi nghèo khó để cho chúng ta sống cái chân thực vô vàn trân quý nơi sự khiêm hạ, mà Thiên Chúa muốn chúng ta phải trở về với cái cội nguồn của mình, cái thực của mình để từ đó con người mới đích thực chiếm hữu được sự sống vĩnh hằng cách chắc chắn. Người dậy chúng ta phải sống lối sống đúng vị thế, nguồn gốc của mình: từ bụi đất mà ra (St 3,19). Và nhìn sâu hơn nữa: là từ “hư không”; một sự rỗng không.
Khi vào trần thế, sống giữa nhân loại, Người chấp nhận tượng thai trong lòng một trinh nữ nghèo khó. Dưỡng phụ cũng khó nghèo. Sinh ra đời trong cảnh cơ hàn, nơi hang thú vật hôi tanh, lạnh buốt. Chịu Hêrôđê bạo Chúa, một loài thụ tạo nơi trần thế đuổi bắt nhằm tiêu diệt Đấng Tạo thành. Trốn qua đất nước khác là Ai Cập, và chúng ta không biết các ngài ở bên đó bao nhiêu năm, nhưng chỉ biết sau đó cả nhà về sống tại ngôi làng Nazarét, một xóm nhỏ khó nghèo (Ga 1,46). Chính nơi đây, cậu bé Giêsu ở với Đức Mẹ và thánh Giuse. Hằng năm Giêsu được trẩy hội đền Giêrusalem. Nói chung cuộc sống của Đức Giêsu cứ thế êm đềm, lặng thầm trôi qua trong suốt 30 năm trường.
Biến cố lớn nhất trong giai đoạn này là khi Đức Giêsu ở lại đền thờ Giêrusalem lúc Người 12 tuổi (Lc 2, 41-52). Đây là độ tuổi theo người Do Thái là khá trưởng thành về mặt đức tin. Sau kỳ lễ, Đức Mẹ và Thánh Giuse lạc mất Giêsu. Khi trở lại Đền Thờ, các ngài gặp Đức Giêsu đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Sau đó, Đức Giêsu hé lộ một chút sứ mạng của Người sẽ làm trong tương lai: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” Hai ông bà ngơ ngác không hiểu! Sau đó, Người cùng với cha mẹ trở về Nazarét. Tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi đúc kết rằng: “Người ngày càng khôn lớn và được Thiên Chúa cũng như mọi người thương mến.” (Lc 2, 52).
Đây là giai đoạn Đức Giêsu thực sự im lặng và chuẩn bị cho sứ mạng sau này.
“Nước Trời đã đến gần” (Mt 10. 7) là sứ điệp quan trọng Chúa Giêsu mang đến cho nhân loại. Nước Trời còn được biểu hiện nơi chính con người Chúa Giêsu, vì Ngài là hiện thân của Chúa Cha, đến trần gian để minh chứng tình yêu Cha dành cho nhân loại. Người mang một sứ mạng đầy nghiệt ngã khi Người quyết sống trọn giá trị của sự khiêm hạ để thể hiện tình yêu với nhân loại: “Chim có tổ, chồn có hang, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu qua đêm” (Lc 9, 58). Cũng chính Phao-lô, người môn đệ sống chết cho Thầy, xác tín: “Đức giê-su vốn giầu sang phú quý, nhưng đã trở nên nghèo khó vì anh em để làm cho anh em mình nên giầu có” (2 Cr 8, 9b). Sứ mạng của Người đã được Cha quy định qua lời ngôn sứ Isaia: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi đi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4, 18-19). Sứ mạng của Người là đến với tầng lớp người khiêm hèn. Người xuống thật thấp để gần gũi, sẻ chia và nâng dậy. Ba năm sứ vụ Người từng đứng về phía những người tội lỗi, đồng bàn với những người bị loại trừ, thương yêu tột cùng đối với mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền và nghèo khổ. Và Người kết thúc sứ mạng khi ở thật sâu trong cấp độ khiêm nhường. Một Thiên Chúa, một Đấng Sáng Tạo đã chấp nhận một nhục hình cuối rốt từ bàn tay thụ tạo mà tiên tri Isaia than lên: “Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích; Người như kẻ ai thấy cũng che măt không nhìn, bị chúng ta khinh khi không đếm xỉa tới” (Is 53, 2-3), bị xếp đồng hạng với bọn giết người và cướp bóc; chấp nhận chịu thụ tạo nguyền rủa và thách thức ngạo mạn. Và Isaia than thở: “Chính Người đã bị đâm thâu vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm, Người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã bị mang thương tích để chúng ta được chữa lành” (Is 53, 5-6). Ôi! Tất cả tội lỗi của chúng ta Đức Chúa đã đổ hết trên đầu Người”. Sự khiêm hạ của Thiên Chúa đã đi đến tột cùng, vì “bị ngược đãi, Người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén long, Người chẳng hề mở miệng. Người bị ức hiếp, buộc tội rồi đem đi thủ tiêu” (Is 53, 7-8).
Khi nhận sứ vụ cứu độ, Người đã cam lòng trước kịch bản Cha viết để chịu xoá mình, huỷ mình ra không trong đau thương. Isaia đã xót xa: “Đức Chúa đã muốn Người bị nghiền nát vì đau khổ, nếu Người hiến thân làm lễ vật đền tội” (Is 53,10).
Vì thế, Người đã đón nhận một cái chết thật trần trụi, cô đơn khi các môn đệ bỏ trốn, chối từ, và ngay cả Đức Chúa Cha cũng lặng tiếng khiến Người thốt lên “Cha ơi! Nhân sao Cha bỏ con?” (Mt 27,47).
Thật rõ hình ảnh một Thiên Chúa đã mang thân phận khiêm hạ tột cùng. Và từ đây Người đã nâng con người lên. Thiên Chúa Cha đã vui mừng: “Người công chính, Tôi Trung của Ta đã nếm mùi đau khổ, nên sẽ làm cho muôn người nên công chính” (Is 53,11).
II. HÃY SỐNG LÒNG TỪ BI VÀ XÓT THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA
“Không có Thầy, anh em không làm chi được” (Ga 15,5). Đó là một chân lý. Con xác tín.
Lòng từ bi của Thiên Chúa đã sản sinh đức hiền lành và lòng khiêm nhường. Trời Mới Đất Mới, là nơi Chúa ngự trị, và nơi đó chính Chúa đã cho con người chúng con hình ảnh quá thương yêu của người cha bao dung, đôn hậu, rất khoan dung.
Sống hiền lành: để sống được đức hiền lành quả là một lý tưởng, quá khó khăn trước những nghịch cảnh, đặc biệt là những cung cách cư xử thiếu nhân bản của con người trong xã hội tôn thờ “Chủ nghĩa cá nhân” hôm nay. Bên cạnh đó, chính bản thân con người, do hệ quả của tội nguyên tổ và tội riêng đã làm cho con người chìm ngập trong sự dữ, ở dưới ách thống trị của ma quỷ, lý trí ra lu mờ, ý chí yếu đuối, linh hồn không làm chủ được thân xác. Do đó, theo bản năng con người rất khó kiềm chế được vật dục thứ ba là “cái tôi”.
Đức Giê-su rất rõ thân phận của chúng ta, nên Người đã đồng cảm mời gọi: “Hãy mang lấy ách của Tôi, hãy học với tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Với đức tin tuyệt đối vào Chúa, với xác tín cách tuyệt đối, con tin tưởng rằng, với ân sủng của Thánh Thần Chúa phù trợ, con người có thể thực hiện được, khi biết tận lực cố gắng. Qua kinh nghiệm, đây là một đòi hỏi của trái tim quảng đại, chấp nhận sự thiệt thòi vô điều kiện, không nhắm tới tư lợi bản thân, tự giải thoát khỏi những gì là sự cằn cỗi của ích kỷ, vượt qua “cái tôi” vị kỷ; nhất là, kết hợp liên lỉ với Đức Giê-su, ở sâu trong Người như cành nho gắn liền thân nho (Ga 15, 5). Từ đó, sự tiếp cận với mọi khó khăn từ bản thân đến sự tương quan với tha nhân, hoàn toàn do chính Chúa thực hiện và giúp ta dễ dàng tự huỷ để tình yêu thương của Chúa được hiện diện và có sức đem lại bình an sâu thẳm cho tha nhân.
Cảnh thanh bình mà đời sống hiền lành cho con khao khát chính là đây: Một Trời mới, Đất Mới có Chúa ngự tri: “Sói sống chung với chiên con; beo nằm chung với dê; bò con, sư tử và chiên sẽ ở chung với nhau; con trẻ sẽ dẫn dắt các thú ấy. Bò con và gấu sẽ ăn chung một nơi, các con của chúng nằm nghỉ chung với nhau; sư tử cũng như bò đều ăn cỏ khô, trẻ con còn măng sữa sẽ vui đùa kề hang rắn lục, và trẻ con vừa thôi bú sẽ thọc tay vào hang rắn độc. Các thú dữ ấy không làm hại ai, không giết chết người nào khắp núi thánh của Thiên Chúa” (Is 11, 6-9).
Đức Khiêm nhường, mời gọi con sống hiền lành sâu thẳm. Đức hiền lành sâu thẳm ấy khởi từ tình yêu của Tin Mừng, một tình yêu là chính ơn gọi cơ bản của con người. Thánh Phao-lô đã định nghĩa: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1Cor 13, 4-8).
Chính mẫu gương của Thầy Chí Thánh Giê-su đã sáng ngời đức Khiêm nhường với những nét đẹp Tình yêu của đời sống Tin Mừng, yêu đến độ chấp nhận sống một đời huỷ mình (Cl 2, 6-8).
Vâng, mẫu mực của con chính là Đấng không xét đoán như mắt thấy, cũng không lên án theo điều tai nghe. nhưng Ngài sẽ lấy sự công minh mà xét xử những người nghèo khó, và lấy lòng chính trực mà bênh đỡ kẻ hiền lành trong xứ sở. Ngài sẽ dùng lời như gậy đánh người áp chế và sẽ dùng tiếng nói giết chết kẻ hung ác. Ngài lấy đức công bình làm dây thắt lưng và lấy sự trung tín làm đai lưng (Is 11 3-5).
Căn tính của người tu sĩ là nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô. Phải thật sự sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa. Trái tim của người tông đồ luôn nhân ái, hiền hậu, nhẫn nại, đồng cảm, khiến mọi tầng lớp anh chị em dễ dàng mở lòng chia sẻ và đón nhận lời giảng của người tông đồ.
Nét đẹp của sự hiền lành là sự dịu dàng và hiền hoà. Khi đối diện với những sai lỗi của người khác, nếu chúng ta giữ thái độ bình tâm và dịu dàng đồng cảm và khích lệ với nét mặt hiền hoà, đôn hậu, thì tâm tình khiêm nhường sẽ khiến người anh chị em biến đổi nhanh chóng.
Đức Giê-su đến trần gian mang sứ vụ cứu độ nhân loại thoát ách thống trị của tội lỗi mà nguyên tổ đã sai phạm do chống nghịch Thiên Chúa; đồng thời trả lại cho ta quyền làm con Thiên Chúa cùng tất cả các ân sủng Thiên Chúa đã ban.
- Thay lời kết
Theo Kinh Thánh, Khiêm nhường là khiêm tốn, khiêm hạ, nhún nhường, trái ngược với ngạo mạn, kiêu ngạo, kiêu căng, tự mãn. Người khiêm nhường không bướng bỉnh, không ương ngạnh, không ích kỷ, sẵn sàng quên mình vì người khác. Như thế, “Khiêm nhường là bản chất tốt của một người: Biết lắng nghe, không khoe khoang hay nhận lấy cái tốt về bản thân mình, mà luôn luôn học hỏi và khen ngợi người khác!” (Tự điển.com). Linh mục Thái Nguyên chia sẻ: Trong Anh ngữ, chữ khiêm nhường là “humility”. Humility do chữ La tinh “Humus” có nghĩa là đất, tro bụi mà từ đó con người đã được tạo dựng theo như sách Sáng Thế đã mô tả (St 2,7). Do đó, khiêm nhường là trước tiên nhận biết sự thấp hèn của mình, và biết hạ mình xuống để sống sự chân thật đó. Điều này nhắc nhở chúng ta lời kêu gọi của Giáo Hội trong ngày Thứ Tư Lễ Tro về sự thật của thân phận con người: “Hãy nhớ mình là bụi tro, và sẽ trở về cùng tro bụi”. Điều quan trọng của người sống khiêm nhường là sống thanh thản và thành thật đúng với cái mình “là”.
Người khiêm nhường là người luôn mở rộng tâm hồn để đón nhận, hợp tác, học hỏi và thay đổi. Theo tinh thần Tin Mừng, người khiêm nhường thật chính là người biết nhận ra sự thật hữu hạn của mình và nhận thấy Chúa quyền năng. Người khiêm nhường cũng là người biết mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Thiên Chúa, sự góp ý của anh chị em.
Thánh Phêrô đã khuyên: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường” (1 Pr 5:5).
Đặc biệt hơn, Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nếu không trở lại mà nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18:2). Trở nên như trẻ nhỏ tức là phải sống khiêm nhường, vì trẻ em luôn vô tư và hồn nhiên, không biết so đo, cạnh tranh, tính toán.
Xem thế, người khiêm nhường chính là người sống hiền lành, nhu mì, nhân hậu, dịu dàng. Có thể sự khiêm nhường có phần nào đó liên quan “sự yếu đuối” – vì phải chịu lụy và nhịn nhục. Tuy nhiên, thực ra khiêm nhường lại có sức mạnh kỳ lạ, có thể đem lại sự bình an và an toàn nội tâm: “Lòng tự cao dẫn đến suy sụp, đức khiêm tốn đem lại vinh quang” (Cn 18:12).
Sách Dân Số xác định:“Ông Môsê là người hiền lành nhất đời”(Ds 12:3). Người hiền lành là người khiêm nhường, không khiêm nhường không thể hiền lành – một hệ lụy tất yếu. Một trong Bát Phúc (Tám Mối Phúc) cũng được Chúa Giêsu đề cập vấn đề liên quan đức khiêm nhường: “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp” (Mt 5:4).
Hiền lành là hoa trái của Thần Khí Thiên Chúa: “Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5:22-23). Đó là những nhân đức mà chúng ta phải sở hữu, với điều kiện chúng ta phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Tất cả những nhân đức ấy được khởi từ lòng khiêm nhường.
Nhìn vào tình hình nhân loại, tất cả con người của thế giới hôm nay – sự tương quan giữa các quốc gia, giữa những con người đồng chủng tộc, cùng quốc gia, cùng tập thể, cùng gia đình, thân hữu, thì sự rạn nứt giữa họ ngày càng toác vỡ kinh hoàng đến khó hàn gắn. Tất cả khởi từ “cái tôi” vị kỷ, không chút thương tâm, đầy lãnh cảm. Sách Châm Ngôn xác định: “Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào. Thà sống tự hạ với kẻ khiêm nhu, hiền hậu hơn chia chiến lợi phẩm với phường kiêu hãnh” (x. Cn 16:18-19). Cái gì ngược lại đức khiêm nhường, hiền lành thì thật nguy hiểm!
Lạy Chúa Giê-su! xin dậy con sống điều Chúa khao khát cho con: sống hiền lành và khiêm nhường thật trong lòng để con được thuộc trọn về Chúa, hầu con có thể đem hạnh phúc đến cho ít là mọi người sống quanh con.
Nữ tu Theresa Nguyễn Thị Mừng, O.P.