Nghề hốt phân bò

0

Tuổi thơ với những chiến tích lẫy lừng của trẻ con như trốn học đi tắm suối, đội nắng đi xuống ao mò cua bắt ốc cộng với những lúc chơi đồ hàng quên mất cả giờ đi học đã khiến không ít lần ba mẹ phải tăng xông với kết quả học tập xếp hạng từ dưới lên của tôi….và rồi trong lúc không nén được cơn giận tôi đã ăn cả chục cái roi mây với lời nhắn nhủ gắt gao khản cổ họng của mẹ: “không lo học mai mốt chỉ đi hốt phân bò….”.

Con bé lơ ngơ ngày ấy chẳng hiểu “hốt phân bò” là nghề gì bởi cũng dễ hiểu vì trên vùng đất Bảo Lộc tôi sinh sống hiếm khi thấy con bò nào ra đường.

Được về phục vụ nơi vùng đất Biên Giới Tây Ninh tôi mới nhận ra “hốt phân bò” chính là một nghề mưu sinh của rất nhiều bà con nghèo nơi đây.

Ai đã một lần đến nơi này và chạy quanh các con đường cũng sẽ bắt gặp hình ảnh của người dân đẩy chiếc xe cút kít cùng với cái xẻng đi dọc các con đường để thu dọn phân của những đàn bò mới đi ngang, nếu khá hơn thì cũng có những người chạy xe máy chở chiếc sọt đằng sau….ấn tượng hơn nữa là sẽ bắt gặp những cụ bà cụ ông trên dưới báy mươi tuổi hay cả những em bé tuổi cắp sách đến trường cũng làm nghề này.

Công việc chưa dừng lại ở đó, đem phân về còn phải dùng cuốc đập nhỏ ra, trải ra bạt để phơi cho khô xong sau đó đóng thành bao và bán với giá 15.000 đến 20.000.

Đến thăm ông bà Tám Mù ở Tà Nông và nghe ông bà tâm sự về cái nghề đã nuôi sống hai ông bà nhiều năm qua ở vùng đất Biên Giới này tôi cảm thấy thật sự xúc động. Ông Tám là người bị mù bẩm sinh nhưng hai ông bà đã đến với nhau bằng tình yêu chân thành. Sáng sáng bà đầy chiếc xe cút kít đi dọc các con đường để hốt phân, bà kể : “Mình phải đi thật sớm không thì người ta còn khỏe, còn trẻ, người ta chạy xe máy người ta hốt mất”.

Khoảng chừng 9 giờ là bà về và công việc tiếp tục là trải phân ra phơi.

Ông Tám thì bị mù không thấy đường nên công việc của ông là đóng phân đã khô vào bao và cất vào nhà. Bà chia sẻ trước đây khi hai ông bà ở trong cái nhà be bé thì một bên chất phân và một bên để sinh hoạt và nằm ngủ nhưng nhờ sự giúp đỡ của các dì nên ông bà đã làm được một cái hiên bên hông nhà để chất phân bò.

Bà còn kể thêm: “bữa nay dich Covid nên người Capuchia không dắt bò qua đây ăn cỏ nên cũng không có nhiều phân để hốt”. Nghe tới đây tôi cảm thấy họng mình nghẹn nghẹn, nước mắt như muốn chảy ra nhưng tôi cố gắng kìm nén cảm xúc để tiếp tục nghe ông bà tâm sự.

Công việc vất vả là thế nhưng nó là một cái nghề lương thiện, họ mưu sinh bằng chính sức lực của mình. Có những em nhỏ tuổi đến trường nhưng phải bỏ giở tương lai để theo cha làm nghề để nuôi sống gia đình.

Ngồi một mình bên nhà Chầu tôi nguyện ước nhiều điều với Chúa và thầm thĩ nguyện xin Đức Mẹ luôn che chở và đồng hành với những mảnh đời còn nhiều khó khăn.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã xuống thế để chung chia kiếp làm người với chúng con, khi xưa Chúa đã làm nghề thợ mộc đơn sơ, nghèo khó nơi Nazarét để cùng đồng hành với những người nghèo và để họ có thể tiếp cận được với Chúa mà không e ngại, sợ sệt vì Chúa yêu cái nghèo của chúng con. Lạy Chúa, những người nghèo của Chúa hôm nay cũng đang mưu sinh bằng đôi bàn tay, bằng sức lực, bằng mồ hôi trán, bằng cả tấm lòng chân thật, lương thiện. Chúa nhìn họ, Chúa yêu họ và con tin Chúa luôn chúc lành và ban sự bình an và hạnh phúc cho họ. Chúa luôn có một kế hoạch riêng cho mỗi người để qua đó chúng con bước theo Chúa và cố gắng mỗi ngày để hoàn thành ơn gọi của mình. Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn nhận ra tình thương Chúa mỗi ngày luôn đổ đầy tràn trên cuộc sống chúng con để dầu sống giữa cảnh đời bấp bênh nghèo đói chúng con luôn tín thác vào tình yêu của Chúa. Amen.

Vùng Truyền Giáo Biên Giới Tây Ninh

Comments are closed.

phone-icon