Ngôi nhà tim – một sứ vụ đặc thù

0

Bệnh tim bẩm sinh được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và can thiệp sớm. Tại Việt Nam, theo thống kê bộ  Y tế, hàng năm có 1,5 triệu trẻ em Việt Nam được sinh ra, trong số đó có khoảng 10.000 – 12.000 trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh nhưng chỉ có khoảng 6.000 bé được phát hiện và điều trị, số còn lại hoặc chờ đợi một cơ may hoặc tử vong ngay cả trước khi phát hiện ra bệnh[1]. Hơn nữa, Việt Nam là đất nước nghèo, chi phí điều trị cho các ca mổ tim thường rất cao nên các trẻ em nơi vùng sâu vùng xa thường ít có may mắn được điều trị sớm.

Nhận thấy cần phải hỗ trợ mổ tim cho các trẻ em nghèo ở Việt Nam, tổ chức La Chaine de I’Époir[2] quyết tâm đưa chương trình mổ tim miễn phí vào Việt Nam. Để thực hiện được điều này, họ tìm kiếm cộng tác viên và để tạo điều kiện cho các phụ huynh an tâm khi đưa con đi chữa trị, họ mong muốn có được một ngôi nhà để làm nơi cho các bệnh nhi và người nhà của các em cư trú trong suốt quá trình điều trị.

Chương trình mổ tim miễn phí của La Chaine de I’Époir đã tác động đến Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp và gia đình của anh chị Tùng – Trúc để rồi vào năm 2018 Hội dòng đi đến quyết định hợp tác với La Chaine de I’Époir và cùng lúc gia đình anh chị Tùng – Trúc đã tự nguyện cho La Chaine de I’Époir mượn một ngôi nhà khang trang có 3 lầu nằm ngay trên đường 8, Phường 11, Quận Gò Vấp, Tp HCM làm nơi cưu mang các bệnh nhi.

Sau khi những thỏa thuận được ký kết, ngày 9/4/2018, tôi cùng với Sr. Thanh Xuân là hai người đầu tiên được Hội dòng cắt cử thi hành SỨ VỤ ĐẶC THÙ tại ngôi nhà trên mà nhiều người thường gọi là NHÀ TIM.

Tại sao lại gọi là Nhà Tim? Chắc không có gì khó hiểu bởi đó là nơi cư trú của các bệnh nhi bị bệnh tim và cha mẹ của các bé trong suốt thời gian điều trị. Cả gia đình sẽ được ăn ở miễn phí, cung cấp chi phí mổ tim và đáp ứng các nhu cầu khác. Chúng tôi cùng ở trong căn nhà này. Công việc của chúng tôi là lo lắng mọi thủ tục để các bé được chữa trị tại các bệnh viện, phục vụ các bữa ăn và các nhu cầu của cả gia đình bé khi họ đến sống tại đây. Riêng câu hỏi tại sao sứ vụ này được gọi là “sứ vụ đặc thù”? Thì không dễ hiểu cho tôi chút nào nên chị đặc trách sứ vụ của Hội Dòng phải giải thích: “Bởi đó là một sứ vụ đòi hỏi sự hy sinh quên mình, nếu em ở trong các cộng đoàn nhà dòng thì giờ nào việc đó rõ ràng. Còn ở môi trường này đòi hỏi em phải linh động không thể giờ nào việc nấy…. ” Và quả thật, sau hơn ba năm phục vụ trong sứ vụ này, tôi có thể xác minh lời giải thích của chị hoàn toàn đúng.

Thật vậy, những ngày đầu khi mới bắt tay vào việc, mọi thứ đều lạ lẫm, nhưng với tâm niệm phải đặt nhu cầu của tha nhân lên trên những nhu cầu của bản thân, tôi cứ thế bước đi ngay cả khi vì nhu cầu của tha nhân mà sinh hoạt thường ngày của tôi bị xáo trộn, nếp sống đời tu ít nhiều phải thay đổi. Bình thường tôi hay tắt nguồn điện thoại sau 21g để cầu nguyện và nghỉ ngơi sau một ngày làm việc, nhưng vì đa số những người tôi phục vụ là người không có khái niệm về thời gian. Họ là những người lao động nghèo, không có gì để nương tựa… Từ khi được biết đến các sơ, thì bất cứ khi nào cần, họ nhấc điện thoại lên và gọi ngay, gọi cho đến khi nào được trả lời thì thôi… Có những cuộc gọi đến lúc ba, bốn giờ sáng chỉ để báo “Sơ ơi, con cám ơn Sơ con đã về đến nhà bình an”; cũng có những cuộc gọi liên tục trong một chuyến đi của những gia đình người dân tộc để thông báo họ đã ra bến xe, đã lên xe, xe đã chuyển bánh, đã về đến nhà …

Không chỉ sẵn sàng với muôn vàn cuộc điện thoại, nhưng khi ở với các bệnh nhi và người nhà của các em, tôi còn phải học cách vui vẻ mỗi khi  “bị làm phiền”. Chẳng hạn những tiếng gõ cửa dồn dập lúc nửa đêm: “Sơ ơi, bé của con sốt quá”, “Sơ ơi, bé con khóc tím người rồi”…. Và cũng không ít lần giữa cái nắng hè oi ả, tôi vừa về đến nhà sau khi đưa một bệnh nhi đến bệnh viện thì một cú điện thoại khác lại vang lên “Sơ ơi, con của con đang trở bệnh nặng, Sơ lên với con với, con sợ lắm. Hu…hu…”. Thế là tôi lại vội vã lên đường đi đến nơi có người mẹ đang cầu cứu.  

Suốt hơn ba năm làm việc, với chỉ một chiếc balô cỏn con, tôi còn thực hiện nhiều chuyến lên đường đến những nơi “mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới” (x. 1Cr2,10). La Chaine de I’Époir không đặt ra yêu cầu phải khảo sát thực tế trước khi hỗ trợ mổ tim, nhưng là một nhà xã hội học, tôi biết việc khảo sát để xác định đúng đối tượng trợ cấp là rất quan trọng, vì vậy tôi tự nguyện vượt những đoạn đường dài đến tận Nha Trang, Đà Lạt, Gia Lai, Kon Tum… và thậm chí một mình phưu lưu mạo hiểm đến những vùng xa xôi hẻo lánh để xác minh hoàn cảnh. Có những phụ huynh quan tâm gọi điện thoại hỏi tôi lên xe chưa và cẩn thận chỉ đường rồi tiếp đón, nhưng cũng không thiếu người để tôi tự lần mò trong hoang mang, lo lắng. Tuy nhiên, mọi mệt mỏi rồi cũng tan biến khi tôi đặt chân được đến nhà của họ. Có những hoàn cảnh rất thương tâm cần phải hỗ trợ 100% chi phí mổ. Vì vậy tôi quyết định hỗ trợ ngay và sắp xếp để đưa ngay bệnh nhi và người nhà đi cùng với tôi trở về thành phố. Đôi khi, vì đường xa phải ở lại nhà của họ một ngày hay một đêm. Những lúc như vậy, tôi có dịp thể hiện sự thân thiện và gần gũi của mình với gia chủ bằng cách tự đi chợ, tự tay nấu và mời cả gia đình họ một bữa ăn. Với nhiều gia đình nhất là gia đình người dân tộc thiểu số thì những gì tôi dọn trên bàn đều là những gì lạ lẫm mà lần đầu tiên họ được thưởng thức. Vì vậy, chẳng mấy chốc mọi người coi tôi như người thân, cũng không còn ai nhìn tôi với ánh mắt xa cách, nghi ngại bởi hình ảnh người nữ tu cao sang mà họ vốn có trong đầu. Có một lần đi cùng tôi trong một chuyến khảo sát đến miền Tây Nguyên, ông Pascal và ông Philippe – thành viên của La Chaine de I’Époir rất ngạc nhiên hỏi vì sao tôi có thể dễ thân thiện và có được niềm tin của những người nghèo? Tôi chỉ cười vì tôi biết Chúa đã ban cho tôi sức mạnh và tình yêu để tôi có thể làm được những việc như vậy.

Ngoài ra, tôi xác tín vào phép màu của Thiên Chúa mỗi khi phải làm việc với người nước ngoài. Đã có nhiều chuyện dở khóc dở cười, nhưng kết cục lại tốt đẹp vì Chúa luôn đồng hành bên tôi và “giải cứu” tôi trong những tình huống khó khăn cấp bách. Chuyện là có một lần tôi hẹn ông “Tây” Pascal lên bệnh viện để trao đổi công việc. Thường thì mỗi cuộc hẹn như thế này đều phải có sự hỗ trợ của thông dịch viên. Vì vậy lần này tôi cũng không quên hẹn chị Mai Lan đại diện cho bệnh viện giúp tôi trình bày cho ông hiểu các vấn đề liên quan đến công việc của chúng tôi tại bệnh viện này. Khi lên đến bệnh viện thì chị Mai lại có việc đột xuất không đi cùng chúng tôi được. Thế là tôi rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Lúc này, tôi chỉ biết khẩn thiết cầu xin Chúa và không hề quên chiếc điện thoại “cứu tinh”. Tôi gõ từng câu muốn nói vào Google dịch, cố sắp xếp sao cho ngắn gọn dễ hiểu để nói về hoàn cảnh của từng bé (hôm ấy có đến 6 bé mới khổ chứ)… Sau khi hoàn tất công việc, tôi hoa hết cả mắt, mồ hôi nhễ nhãi. Cuối cùng Ông Pascal đáp lại bằng một tràng dài, tôi lõm bõm hiểu được mỗi một đoạn kết là ông cám ơn về những gì tôi đã làm. Xong rồi, tôi thở phào nhẹ nhõm! Đến giờ ăn trưa các bác sĩ và chúng tôi ngồi ăn với nhau, tôi thấy ông nói gì với mấy bác sĩ kia nhiều lắm, chợt có bác sĩ quay qua hỏi tôi:

– Sơ Quyên giao tiếp với ông Pascal bằng tiếng Anh hay tiếng Pháp?

Nghe xong câu hỏi mặt tôi đỏ bừng vì xấu hổ, ấp úng trả lời:

– Dạ bằng Google dịch ạ.

Bác sĩ ấy còn không tin quay qua khẳng định:

– Em hỏi thật mà Sơ, vì từ sáng tới giờ Sơ làm việc với ông ấy, Sơ nói gì ông ấy đều hiểu và nắm bắt được hết. Ông đang kể lại cho chúng em nghe nè.

Ôi, đúng là một phép mầu! Xin tạ ơn Chúa!

Và, những phép màu như thế cứ lần lượt diễn ra cho người có niềm tin tuyệt đối vào tình thương của Chúa.

Thấm thoát đã hơn ba năm tôi sống trong “Ngôi Nhà Tim”, hay đúng ra là hơn ba năm tôi được gia nhập trở thành nhân viên xã hội của La Chaine de I’Époir hay gọi chung là chương trình “CHUỖI HY VỌNG” tại Việt Nam. Tôi muốn khắc ghi tình yêu vô vị lợi mà tôi cảm nhận được từ các giáo sư, bác sĩ trong tổ chức La Chaine de I’Époir, các bác sĩ tại Bv Tâm Đức, Bv Tim, Bv Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2 , anh chị Tùng – Trúc, các ân nhân và các cộng tác của Ngôi Nhà Tim. Ngoài ra tôi cũng nhận ra rằng sự hợp tác chặt chẽ giữa tổ chức La Chaine de I’Époir, Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp và vị qúy vị đã tạo nên những phép màu làm cho nhiều trái tim đau có thêm cơ hội được chữa lành và lớn lên khỏe mạnh.

Sắp tới, tôi sẽ chia tay “sứ vụ đặc thù” này để lại lên đường với một sứ vụ mới. Đây là dịp để tôi nhìn lại một hành trình đã qua để tạ ơn Chúa vì Ngài luôn ở bên đồng hành cùng tôi trên mọi nẻo đường, cám ơn Mẹ Hội dòng Đa Minh Tam Hiệp đã tin tưởng trao sứ vụ này cho tôi và cảm ơn Sr. Quỳnh Giao đã giới thiệu La Chaine de I’Époir cho Hội dòng, xin ghi ơn các vị ân nhân đã từng chung tay giúp tôi hoàn thành sứ vụ được giao. Tôi biết ơn vì đã được làm việc với Giáo sư Alain Deloche, Pascal Deloche, Antoni, Philippe …  là những con người đã cống hiến hết mình để đem lại HY VỌNG cho những đứa trẻ nghèo tại đất nước Việt Nam. Tôi đã học được những bài học lớn về tình yêu thương vị tha và lòng quảng đại của tất cả các anh chị em, dù theo niềm tin tôn giáo nào và dù ở Việt Nam hay đang sống ở hải ngoại.

Đặc biệt tôi muốn gởi lời cám ơn và xin lỗi tận đáy lòng mình đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn mà tôi đã từng được tiếp xúc. Cám ơn vì chính khi có cơ hội tiếp xúc với cảnh nghèo khổ mà bố mẹ các bé phải chịu, tôi nhận ra Chúa đã yêu tôi như thế nào. Nhờ họ mà tôi có được niềm vui và ý nghĩa của người sống đời dâng hiến khi được phục vụ họ trong từng bữa ăn, được nghe những chia sẻ của họ về cuộc sống với đầy những lo âu bế tắc và được nhìn thấy sự kiên cường, vui vẻ sống và chấp nhận những gì xảy ra cho mình. Cám ơn vì cho tôi có cơ hội để sẻ chia và thấu cảm được cảnh nghèo. Tôi chân thành xin lỗi vì có lúc nào đó đã cho bố mẹ các bé phải buồn phiền lo lắng hay đã gây ra sự hiểu lầm nào đó. Nhân vô thập toàn, tôi biết tôi không thể tránh khỏi những va vấp của phận người yếu đuối.

Và trên tất cả, tôi xin mượn lời ca của nhạc sĩ Nguyên Kha để bày tỏ tâm tình tri ân của tôi đ­ối với Chúa và mọi người: “Muôn đời con sẽ cảm tạ hồng ân trên mọi bước đường tay Ngài đỡ nâng … Ngày tháng qua đi dưới ánh mắt Ngài còn gì vui hơn được sống trong Ngài. Ôi hạnh phúc vô biên hạnh phúc trào dâng. Năm tháng đời con phó thác cho Ngài tương lai hiện tại cảm tạ hồng ân.” Xin Chúa chúc lành cho những nỗ lực của chúng ta và hoàn thiện những gì chúng ta còn đang dang dở.

Sr. Eli Thảo Quyên

[1] Lê Nguyên. (2019). Hơn 10.000 trẻ mắc tim bẩm sinh mỗi năm, nhu cầu điều trị rất lớn. Sức khỏe và đời sống.  https://suckhoedoisong.vn/hon-10000-tre-mac-tim-bam-sinh-moi-nam-nhu-cau-dieu-tri-rat-lon-n166655.html

[2] La Chaine de I’Époir : Một tổ chức y tế phi chính phủ của Pháp nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho trẻ em nghèo

Comments are closed.

phone-icon