Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
TIN MỪNG: Mt 21, 28-32
Khi ấy Đức Giêsu nói với các thượng tế và kì mục trong dân rằng: 28 Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.”29 Nó đáp: “Con không muốn đâu!” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi.30 Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây! “nhưng rồi lại không đi.
31 Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.”
Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông.32 Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
(Bản dịch của Nhóm CGKPV)
SUY NIỆM:
Đức Giêsu nói chuyện với các thượng tế và kì mục. Vị thượng tế thuộc hàng giáo sĩ và là người đứng đầu Do Thái giáo; họ được vua bổ nhiệm hoặc truất phế. Các kì mục thuộc giới lãnh đạo trong dân, họ là các trưởng thôn làng hay là những người giàu có. Như vậy, các thượng tế là những người lãnh đạo tôn giáo, còn các kì mục là những người lãnh đạo dân sự; cả hai đều có điểm chung là có quyền bình và đi đôi với quyền bính là quyền lợi.
Quyền bính và quyền lợi, dưới mọi hình thức, là những “giá trị” quyến rũ mọi người thuộc mọi thời, trong đạo cũng như ngoài đời. Nhưng, như mọi người đều có kinh nghiệm, chúng thường làm tổn hại đến tương quan giữa con người với nhau. Thực vậy, thánh sử Mát-thêu đã kể lại chuyện hai tông đồ Gioan và Giacôbê nhờ mẹ của mình đến xin Đức Giê-su chia sẻ quyền bính trong Nước của Người, và “Khi nghe vậy, mười môn đệ kia tức tối với hai anh em đó” (Mt 20, 24).
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu sẽ làm bật lên một sự thật khác nữa, đó quyền bính và quyền lợi còn là những vật cản trở để đón nhận Tin Mừng Ngài loan báo.
1. Ngôn ngữ “dụ ngôn”
Và để giúp các thượng tế và kì mục nhận ra sự thật về mình, Đức Giêsu kể một câu chuyện, hay còn gọi là một dụ ngôn. Kể chuyện là cách giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm sống hằng ngày, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời. Chúng ta có thể nhớ lại các dụ ngôn mà các Tin Mừng kể lại cho chúng ta.
Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mình khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn là vì vậy, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.
2. Dụ ngôn «Người kia có hai con trai»
Chúng ta quen thuộc nhiều hơn với dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (x. Lc 15, 11-32). Và dụ ngôn “Người kia có hai con trai” trong bài Tin Mừng chúng ta vửa nghe, tuy thật ngắn và ít được nhớ đến, nhưng cũng trình bày cho chúng ta một hình ảnh về người cha nhân hậu không kém : người cha dường như không bắt các con đi làm hàng ngày; người cha mời gọi hơn là ra lệnh; lời người cha thật dịu dàng: “Này con !” và ông nói với hai con như nhau; người cha tôn trọng tự do của hai con trong câu trả lời lẫn trong việc thực hành. Dụ ngôn không nói gì về phản ứng sau cùng của người cha ; ông chỉ mời gọi hai con thực hiện ý muốn của mình và ông chờ đợi, chờ đợi trong kiên nhẫn, giống như người cha trong dụ ngôn «Người Cha Nhân Hậu» của sách Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 15, 11-32). Và tình yêu là như thế đó : tôn trọng tự do, mời gọi tự do và chờ đợi tự do.
Đức Giêsu mời gọi các thượng tế và kì mục phán đoán về câu nguyện Ngài vừa kể; và họ phán đoán rất đúng : trong hai người con, người thứ nhất đã thi hành ý muốn của người cha.
Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? Họ trả lời: “Người thứ nhất.” (c. 31)
Và nếu Chúa hỏi chúng ta, chúng ta cũng phán đoán như thế. Nhưng, nếu Đức Giê-su kể dụ ngôn để cho người nghe phán đoán đúng, thì chính là để giúp họ nhận ra cái gì đó không đúng trong cách họ đón nhận Thiên Chúa, đón nhận những dấu chỉ Thiên Chúa ban, đón nhận sứ điệp, lời gọi của Thiên Chúa, đón nhận Lời Chúa.
Và trong thời của Đức Giê-su, đó là đón nhận dấu chỉ, lời mời gọi của Gioan Tẩy Giả. Nhưng dấu chỉ và lời gọi của Gioan lại dẫn người nghe đến với chính Dấu Chỉ « Giê-su », như lời của ông rao giảng : « Phần tôi, tôi rửa cho các anh bằng nước để dục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh bằng Thánh Thần và bằng lửa » (Mt 3, 11).
3. Niềm tin
Dụ ngôn còn dẫn chúng ta đi xa hơn, đó là Thiên Chúa không xét đoán theo vẻ bề ngoài. Thực vậy, người con thứ nhất, xét theo bề ngoài, anh có vẻ ương ngạnh và ngỗ nghịch, còn người con thứ hai có vẻ ngoan ngoãn và tuân phục. Cũng như những người thu thuế và những cô gái điếm, họ bị người ta xếp loại là những người tội lỗi, không ra gì trong cộng đồng ; nhưng một số khác lại được coi là công chính và đáng kính, đó là các thượng tế, kì mục, luật sĩ, pharisiêu… Trong xã hội, và cả trong Giáo Hội hay cộng đoàn, đôi khi vẫn còn hiện tượng xếp loại người ta như thế.
Nhưng, điều Thiên Chúa cần là lòng tin, một niềm tin dấn thân trọn vẹn, một niềm làm thay đổi con tim và nếp sống. Tin vào những dấu chỉ Chúa ban trong cuộc sống, trong ơn gọi, tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô.
Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy. (c. 32-33)
Và tin không phải là việc làm, nhưng còn hơn cả việc làm, và thiết yếu cũng không phải là việc làm của chúng ta, nhưng tin là « công trình » của Thiên Chúa :
Đây là công trình của Thiên Chúa, là các ông tin vào Đấng Người đã sai[1]. (Ga 6, 29)
——————————————————-
[1] “Đây là công trình của Thiên Chúa”, được dịch từ bản văn Hi-lạp: “Touto estin to ergon tou Theou” (Ga 6, 29). Câu này được dịch là, theo một nghĩa khác: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm” theo bản dịch của Nhóm CGKPV. Trong khi, Bản The American New Bible cũng dịch là “This is the work of God”.