Chúng ta là con yêu dấu của Chúa

0

Tin mừng (Lc 3, 15-16.21-22)

Tin mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Hồi đó, dân đang trông đợi, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi : biết đâu ông Gioan lại chẳng là Đấng Mê-si-a ! Ông Gioan trả lời mọi người rằng : « Phần tôi, tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần và bằng lửa. »
Khi toàn dân chịu phép rửa, Đức Giêsu cũng chịu phép rửa ; rồi đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng như chim bồ câu. Và có tiếng từ trời phán rằng : « Con là Con yêu dấu của Cha ; Cha hài lòng về con. ».

***

Vào đầu năm dương lịch, phụng vụ năm C, Giáo hội không chỉ cử hành lễ Chúa Hiển Linh mà cử hành ba lễ hiển linh : trong Chúa Nhật đầu tiên, Thiên Chúa bày tỏ, mặc khải cho toàn nhân loại được tượng trưng bởi các nhà chiêm tinh đến từ phương Đông. Hôm nay, trong ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa : chính Chúa Cha mặc khải Con của Người là con Thiên Chúa. Và Chúa nhật tuần sau là cuộc tỏ hiện thứ ba : qua dấu chỉ tiệc cưới Cana, Chúa thiết lập giao ước mới của Thiên Chúa với nhân loại.

Ta có thể thắc mắc tại sao Đức Giêsu là Đấng Thánh Thiện và không biết tội lỗi lại chịu phép rửa của ông Gioan dưới sông Gio-đan ?

Phép rửa của ông Gioan Tẩy Giả là một trong những nghi thức thanh tẩy khá phổ biến trong Do-thái giáo thời bấy giờ để đem lại sự thanh sạch. Tuy nhiên, phép rửa của ông Gioan khác với nghi thức thanh tẩy đơn giản vì nó tượng trưng cho sự hoán cải và thanh luyện tâm hồn để dọn đường cho Chúa, để đón Đấng Mêsia sắp đến.

Qua việc chịu phép rửa, Đức Giêsu muốn bày tỏ sự khiêm nhường và tình liên đới với nhân loại. Khiêm nhường : mặc dù nhận thức được sứ mệnh của mình là Đấng Cứu Tinh, Đức Giêsu vẫn tuân giữ các việc thực hành tập tục, nghi lễ như mọi người khác. Liên đới : Đức Giêsu không phạm bất cứ tội lỗi nào, nhưng Người liên đới với những tội nhân mà Người đến để cứu rỗi.

Khi Chúa Giêsu lên khỏi mặt nước, đang lúc Người cầu nguyện thì trời mở ra. Hình ảnh trời mở ra có nghĩa là không còn sự ngăn cách giữa trời và đất nữa : vũ trụ không còn là ngục tù nơi mà nhân loại đã tự giam mình trong tội lỗi ; sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và con người cuối cùng đã được thiết lập lại. Thiên Chúa sai Con của Người đến để cứu muôn người.

Phép rửa của Đức Giêsu là sự tỏ hiện công khai đầu tiên của Người. Sự tỏ hiện này có hai khía cạnh : khía cạnh của sự khiêm nhường được thể hiện qua phép rửa mà Chúa Giêsu chịu. Khía cạnh của vinh quang được thể hiện qua chứng ngôn nhân loại do ông Gioan Tẩy Giả dành cho Người và chứng ngôn thiêng liêng mà Chúa Cha và Chúa Thánh Thần ban cho Chúa Con. Hai khía cạnh này, chúng ta thấy nơi con người của Đức Giêsu, đó là khiêm nhường và vinh quang, nhân tính và thần tính.

Nếu Chúa Cha gọi Chúa Giêsu là “Con yêu dấu”, thì Người cũng nói với mỗi người chúng ta khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy : “Con là con yêu dấu của Cha.” Tất cả chúng ta đều là những người con yêu dấu của Chúa Cha. Đó là phẩm giá của chúng ta. Nhưng chúng ta có ý thức được phấm giá và cảm thấy tự hào khi được làm con Chúa hay không ?

Niềm tự hào và hãnh diện này không phải là niềm kiêu hãnh quá mức của một số Kitô hữu ngày xưa, vào một vài thời điểm lịch sử nào đó, đến nỗi kiêu ngạo và khinh miệt những người không cùng niềm tin Kitô giáo. Ngày nay, dường như người ta có khuynh hướng ngược lại : tại một vài nơi, một vài quốc gia, nhiều người cảm thấy mặc cảm vì là Kitô hữu. Họ ca tụng phẩm giá của người khác, mà lại xem thường phẩm giá của mình, đến nỗi không dám nhận mình là Kitô hữu, vì sợ người khác chế nhạo.

Chúng ta phải tự hào và hạnh phúc vì thuộc về gia đình con cái Chúa. Từ đó, mỗi lời nói, hành động cụ thể sẽ diễn tả, phản ảnh niềm tự hào đó trong đời sống hằng ngày.

Già hay trẻ, tất cả chúng ta đều cần ý thức để biết học và sống với phẩm giá Kitô hữu của mình. Câu “Con là con yêu dấu của Cha” sẽ trở thành động lực sống của mỗi chúng ta trong suốt cuộc đời. Có như vậy, chúng ta mới có thể thực thi các hành vi đức tin trong cuộc sống cụ thể hằng ngày của chúng ta, và duy trì các mối tương quan huynh đệ với tất cả anh chị em của chúng ta.

Nhưng, ở đây không chỉ là vấn đề về phẩm giá, mà còn là vấn đề về trách nhiệm. Là con Chúa, chúng ta hãy làm theo thánh ý Người, nghĩa là làm việc mỗi ngày, giống như Đức Giêsu, để xây dựng Nước Chúa, vương quốc tình yêu trên trái đất này, nơi chúng ta đang ở : trong gia đình của chúng ta, trường học, doanh nghiệp, khu phố của chúng ta.

Ước mong tất cả chúng ta, là những người đã được nhận lãnh bí tích Thánh Tẩy, luôn biết kiến tạo hòa bình và xây dựng tình yêu thương nơi môi trường chúng ta sống và làm việc ! Amen.

 

Comments are closed.

phone-icon