Bài giảng của ĐTC Phanxicô lễ Vọng Phục Sinh

0

Nguồn: vatican.va
NGUYỄN TRI KHOAN chuyển Việt ngữ 

Nhiều nhà văn đã gợi lên vẻ đẹp của những đêm đầy sao. Tuy nhiên, những đêm đen của chiến tranh bị xé toạc bởi các luồng ánh sáng báo hiệu cái chết. Thưa anh chị em, trong đêm này chúng ta hãy cho phép những người phụ nữ trong Tin mừng dẫn đưa chúng ta, để cùng với họ, chúng ta có thể nhìn thấy những tia sáng đầu tiên của bình minh sự sống của Thiên Chúa đang ló dạng trong bóng tối của thế giới chúng ta. Khi bóng đêm bị xua tan và ánh sáng lặng lẽ đến, những người phụ nữ lên đường đi ra mộ để xức thuốc thơm cho xác Chúa Giêsu. Ở đó họ đã có một trải nghiệm hết sức kinh ngạc. Trước hết, các bà phát hiện ra rằng ngôi mộ trống không; rồi họ nhìn thấy hai nhân vật trong trang phục chói lọi cho họ biết rằng Chúa Giêsu đã sống lại. Họ lập tức chạy về báo tin cho các môn đệ khác (x. Lc 24:1-10). Họ nhìn thấy, họ nghe thấy, họ loan báo. Với ba động từ này, ước mong rằng chúng ta cũng đi vào cuộc Vượt qua của Chúa từ sự sự chết sang sự sống.

Những người phụ nữ đã nhìn thấy. Lời loan báo đầu tiên về sự sống lại không phải là một bản tuyên bố được mở ra, nhưng là một dấu chỉ cần được chiêm ngắm. Trong khu đất chôn cất, gần một ngôi mộ, ở một nơi mà mọi thứ lẽ ra phải có thứ tự và yên bình, thì các bà “thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi hài Chúa Giêsu đâu cả” (câu 2-3). Lễ Phục sinh bắt đầu bằng cách làm đảo lộn những mong chờ của chúng ta. Lễ Phục sinh đến với món quà của một niềm hy vọng khiến chúng ta ngạc nhiên và kinh ngạc. Tuy vậy, không dễ để đón nhận món quà đó. Đôi khi – chúng ta phải thừa nhận điều này – niềm hy vọng này không tìm được chỗ đứng trong tâm hồn chúng ta. Giống như những người phụ nữ trong Tin Mừng, chúng ta bị đè nặng bởi những câu hỏi và nghi ngờ, và phản ứng đầu tiên của chúng ta trước dấu hiệu bất ngờ là sợ hãi: “Các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất” (câu 5).

Chúng ta rất thường khi nhìn cuộc sống và thực tại với đôi mắt chán nản; chúng ta chỉ chăm chăm nhìn vào ngày đang trôi qua này, vỡ mộng với tương lai, chỉ quan tâm đến bản thân và nhu cầu của mình, nhốt mình trong ngục tù hờ hững, đồng thời chúng ta liên tục phàn nàn rằng mọi thứ sẽ không bao giờ thay đổi. Theo cách này, chúng ta đang dừng lại trước ngôi mộ của sự cam chịu và chủ nghĩa định mệnh, và chúng ta chôn vùi niềm vui của cuộc sống. Tuy nhiên, đêm nay Chúa muốn ban cho chúng ta đôi mắt khác, sống động với niềm hy vọng rằng nỗi sợ hãi, sự đau đớn và cái chết sẽ không có lời nói cuối cùng đối với chúng ta. Nhờ mầu nhiệm vượt qua của Chúa Giêsu, chúng ta có thể thực hiện bước nhảy vọt từ hư vô chuyển sang sự sống. “Cái chết sẽ không thể cướp đi mạng sống của chúng ta được nữa” (K. RAHNER), vì sự sống đó giờ đây được tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa ôm lấy trọn vẹn và vĩnh viễn. Đúng vậy, cái chết có thể khiến chúng ta khiếp sợ; nó có thể làm chúng ta tê liệt. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta hãy ngước nhìn lên, tháo bỏ bức màn buồn bã và phiền muộn khỏi đôi mắt, và mở lòng đón nhận niềm hy vọng mà Chúa mang đến!

Động từ thứ hai, những người phụ nữ nghe thấy. Sau khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống, hai người đàn ông trong trang phục chói lọi nói với họ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi” (câu 5-6). Chúng ta hãy lắng nghe thật kỹ những lời đó và lặp lại: Người không còn đây nữa! Bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta đã hiểu tất cả những gì cần biết về Chúa, và xếp cất Ngài trong những ý tưởng và phạm trù của riêng chúng ta, chúng ta hãy lặp lại với chính mình: Người không còn đây nữa! Bất cứ khi nào chúng ta chỉ tìm kiếm Ngài theo cảm xúc, rất thường qua nhanh và những khi cần thiết, rồi gạt Ngài sang một bên và lãng quên Ngài trong suốt thời gian còn lại của cuộc sống hàng ngày và những quyết định của chúng ta, chúng ta hãy lặp lại: Người không còn đây nữa! Và bất cứ khi nào chúng ta nghĩ rằng chúng ta có thể giam cầm Ngài trong những lời nói của chúng ta, trong những thể thức của chúng ta, và trong cách suy nghĩ và hành động thông thường của chúng ta, và bỏ bê việc tìm kiếm Ngài trong những góc tối nhất của cuộc sống, nơi có những người đang than khóc, những người đang phải vật lộn, đau khổ và hy vọng, chúng ta hãy lặp lại: Người không còn đây nữa!

Ước mong chúng ta cũng có thể nghe thấy câu hỏi đã đặt ra cho những người phụ nữ: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Chúng ta không thể cử hành Lễ Phục sinh nếu chúng ta tiếp tục là người chết; nếu chúng ta vẫn là những tù nhân của quá khứ; nếu trong cuộc đời, chúng ta thiếu can đảm cho phép bản thân được tha thứ bởi Thiên Chúa là Đấng tha thứ mọi sự, thiếu can đảm để thay đổi, đoạn tuyệt với những công việc của sự dữ, để quyết định vì Chúa Giêsu và tình yêu của Người. Nếu chúng ta tiếp tục thu hẹp đức tin trở thành một lá bùa hộ mệnh, biến Chúa trở thành một kỷ niệm đáng yêu của quá khứ xa xưa, thay vì gặp gỡ Ngài hôm nay là một Thiên Chúa hằng sống là Đấng mong muốn thay đổi chúng ta và thay đổi thế giới của chúng ta. Một Kitô giáo tìm kiếm Chúa giữa đống di tích của quá khứ và giam hãm Ngài trong ngôi mồ của thói quen là một Kitô giáo không có Lễ Phục sinh. Nhưng Chúa đã sống lại! Chúng ta đừng lưu luyến giữa các ngôi mộ, nhưng hãy chạy đi tìm Ngài, Đấng Hằng Sống! Chúng ta cũng đừng sợ tìm kiếm Người trong khuôn mặt của anh chị em chúng ta, trong câu chuyện của những người hy vọng và ước mơ, trong nỗi đau của những người mà chúng ta cùng chịu đau khổ: Chúa ở đó!

Cuối cùng, những người phụ nữ loan báo. Họ loan báo điều gì? Niềm vui của sự sống lại. Phục sinh không chỉ xảy ra để an ủi những người khóc thương cái chết của Chúa Giêsu, nhưng để mở rộng những tâm hồn đón nhận thông điệp phi thường về chiến thắng của Thiên Chúa đối với sự dữ và cái chết. Ánh sáng phục sinh không nhằm để các người phụ nữ đắm chìm trong niềm vui, nhưng để tạo ra các môn đệ truyền giáo “từ mộ trở về” (câu 9) để mang Tin Mừng của Chúa Kitô Phục Sinh đến cho tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao, sau khi nhìn thấy và nghe thấy, các bà đã chạy đến loan báo niềm vui phục sinh cho các môn đệ. Họ biết rằng người khác có thể cho rằng họ bị điên; thật vậy, Tin mừng nói rằng lời của những người phụ nữ “là chuyện vớ vẩn, nên chẳng tin” (câu 11). Tuy nhiên, những người phụ nữ đó không quan tâm đến tiếng tăm của họ, để giữ gìn hình ảnh của mình; họ không kiềm chế cảm xúc hoặc cân nhắc lời nói của họ. Họ chỉ có ngọn lửa trong tâm hồn để loan tin, để công bố: “Chúa đã sống lại!”

Và thật đẹp biết bao khi Giáo hội có thể đi theo con đường này qua các con phố của thế giới chúng ta! Không sợ hãi, không mưu đồ và mánh khóe, nhưng chỉ với mong muốn dẫn mọi người đến với niềm vui của Tin Mừng. Đó là điều chúng ta được mời gọi để làm: nếm trải Chúa Kitô Phục sinh và chia sẻ kinh nghiệm với người khác; lăn tảng đá ra khỏi ngôi mộ, nơi chúng ta có thể đã giam hãm Chúa, để loan truyền niềm vui của Ngài trên thế giới. Chúng ta hãy làm cho Chúa Giêsu, Đấng Hằng Sống, trỗi dậy từ tất cả những ngôi mộ mà chúng ta đã đóng dấu niêm phong Ngài. Chúng ta hãy giải thoát Ngài khỏi những phòng giam chật hẹp mà chúng ta vẫn thường giam cầm Ngài. Chúng ta hãy thức tỉnh khỏi giấc ngủ an nhàn của mình và để cho Ngài làm lo lắng và làm phiền chúng ta. Chúng ta hãy đưa Ngài vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta: qua những cử chỉ hòa bình trong những ngày này đang bị đánh dấu bởi sự kinh hoàng của chiến tranh, qua những hành động hòa giải giữa các mối quan hệ tan vỡ, những hành động nhân ái đối với những người cần giúp đỡ, những hành động công bằng giữa các hoàn cảnh bất bình đẳng, và sự thật giữa những dối trá. Và trên hết, thông qua các công việc của tình yêu và tình huynh đệ.

Thưa anh chị em, niềm hy vọng của chúng ta có một tên gọi: tên là Giêsu. Ngài đã bước vào ngôi mộ của tội lỗi chúng ta; Ngài đi xuống những vực sâu nơi chúng ta cảm thấy lạc lõng nhất; Ngài len lỏi qua những mớ rối ren sợ hãi của chúng ta, mang lấy gánh nặng của chúng ta và từ vực thẳm tăm tối của sự chết đã phục hồi cho chúng ta sự sống và biến sự than khóc của chúng ta thành niềm vui. Chúng ta mừng lễ Phục sinh với Chúa Kitô! Người đang sống! Ngày hôm nay cũng vậy, Ngài bước vào giữa chúng ta, biến đổi chúng ta và giải thoát chúng ta. Nhờ Người, cái ác đã bị tước đi sức mạnh của nó; thất bại không còn có thể kìm hãm chúng ta bắt đầu lại; và cái chết đã trở thành một lối đi dẫn đến những hân hoan của sự sống mới. Vì với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Phục sinh, không có đêm đen nào kéo dài mãi mãi; và ngay cả trong đêm tối tăm nhất, trong bóng tối đó, sao mai vẫn tiếp tục tỏa sáng.

Thưa ngài Thị trưởng, thưa các Nghị sĩ, trong bóng tối mà quý vị đang sống này, bóng tối dày đặc của chiến tranh, của sự tàn ác, tất cả chúng tôi đang cầu nguyện, cầu nguyện cùng quý vị và cho quý vị đêm nay. Chúng tôi đang cầu nguyện cho tất cả những ai đau khổ. Chúng tôi chỉ có thể gửi đến quý vị sự đồng hành, lời cầu nguyện của chúng tôi, và nói với quý vị: “Hãy can đảm! Chúng tôi đang đồng hành cùng bạn!” Và cũng để nói với quý vị điều trọng đại nhất mà chúng ta đang cử hành hôm nay: Christòs voskrés! Chúa Kitô đã sống lại!

Comments are closed.

phone-icon