Sr. Maria Goretti Nguyễn Thu Phượng
Thời sự quốc tế ngày 14/2/2022 đưa tin tức một người bảo vệ vẽ thêm mắt cho nhân vật trong bức tranh “Three Figures” của họa sĩ Anna Leporskaya đã khiến cộng đồng mạng xôn xao. Mới đây, danh tính của nhân viên bảo vệ làm hỏng bức tranh trị giá 740.000 bảng Anh (tương đương 22,7 tỷ đồng) ở Nga đã được tiết lộ. Đó là Alexander Vasiliev, 63 tuổi, ngay trong ngày đầu làm việc đã dùng bút vẽ đôi mắt trên khuôn mặt trống của các nhân vật trong tác phẩm kinh điển Three Figures (1932-34) của Anna Leporskaya, được trưng bày tại Yelsin Center. Cảnh sát quyết định xử phạt ông 395 bảng Anh (hơn 12 triệu đồng), kèm theo 1 năm lao động cải tạo.[1]
Nghệ nhân điểm nhãn cho tác phẩm luôn là động thái cuối cùng để hoàn tất một tác phẩm. Điều này rất quan trọng giúp tác phẩm đạt được linh khí và biến tác phẩm trở nên giá trị. Nhất là các tượng thờ luôn coi trọng nhãn thần của bức tượng. Chúng ta cũng được Thiên Chúa ban linh khí, cho có sự sống khi bước vào cuộc đời trần thế. Càng quan trọng hơn Chúa ban cho chúng ta có ánh nhìn đức tin để nhận biết và yêu mến Chúa.
1. Sự mù tối của người môn đệ
Trong trình thuật của Thánh Marcô, Chúa Giêsu đã ba lần tiên báo về cuộc khó của Người (Mc 8, 31; 9, 30-31; 10, 32-34) nhưng các môn đệ vẫn mù tối còn tranh đoạt nhau ai là người lớn nhất (Mc 8, 32-38; 9, 32-37) và tranh nhau chỗ bên trái hay bên phải (Mc 10, 35-45). Chúa Giêsu đã chữa người mù thành Giêrikhô. Anh trở nên hình ảnh người môn đệ đích thực. Anh đã được Chúa Giêsu “điểm nhãn” để sáng mắt và bước đi với Ngài trên con đường Ngài đi lên Giêrusalem (Mc 10, 46-52). Anh là một người mù ngồi bên vệ đường, không di chuyển được. Anh được Chúa Giêsu gọi, cho sáng mắt, không giậm chân tại chỗ nữa. Anh “vất áo choàng” lại, đến với Chúa Giêsu. Anh đã vất bỏ lại những gì anh có, quý giá kể cả tấm áo che thân để đến với Chúa. Chúa Giêsu đã hỏi anh: “Anh xin gì?”. Anh nói: “Xin cho tôi nhìn thấy được”. Câu hỏi Chúa đặt ra cho anh mù cũng khiến tôi nhớ lại câu hỏi dành cho người dự tòng trước khi bước vào cửa nhà thờ: “Anh/ chị xin gì?”. Họ thưa: “Con xin đức tin”. Đức tin đem lại cho con sự sống đời đời. Người Kitô hữu cũng cần phải xin Chúa cho mình hiểu được mầu nhiệm của Chúa Giêsu, hiểu được Nước Chúa, hiểu được ơn cứu độ, hiểu được mầu nhiệm thập giá, hiểu được gánh nặng mà mình đang mang. Chính Thánh Augustino cũng thân thưa cùng Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.
2. Thần học thập giá
Trong cuộc sống của chúng ta hiện nay có rất nhiều người đang phải mang vác những gánh nặng nề, mù tối không biết đi về đâu trong hoang mang, sợ hãi. Những gánh nặng đó phải được hiểu thấu dưới ánh mắt của Chúa thì mới mang vác được. Chúa Giêsu nơi vườn Giethsêmani (Mc 14, 26-42) cũng phải chiến đấu chống trả với chính nỗi sợ hãi của bản thân để có ánh nhìn đức tin, vâng phục con đường thập giá, con đường từ bỏ ý riêng để đi theo ý Chúa Cha: “Xin đừng theo ý con, một xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Chúa Giêsu trên thập giá đã mạc khải về Thiên Chúa cho con người. Ơn cứu độ được trao ban không gói gọn trong tế tự đền thờ nhưng thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật khi “sinh lại bởi ơn trên”. Thánh Phaolô đã khẳng định: “Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa. Trong khi người Do Thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy Lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy Lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa.(1 Cr 1,18-24). Vì thế, người Kitô hữu bước theo Đức Kitô đến vinh quang phải trải qua con đường thập giá, đi trên con đường Người đi.
3. Ra đi
Người Kitô hữu bước theo Đức Kitô luôn là con người lữ hành tiến về quê trời. Khác hẳn người phật tử ngồi thiền quy ngã, tìm về hư vô hay vô vi. Chúng ta được mời gọi ra đi. Chúa Giêsu trên thập giá cũng bị cám dỗ bước xuống khỏi thập giá hay tự chữa lấy mình, tìm vinh quang cho chính mình. Người môn đệ được Chúa “điểm nhãn” càng cần nhìn rõ hiện thực nơi con người chúng ta. Ơn cứu độ của chúng ta là đến với tha thân chứ không phải quy về chính mình. Mình không tự thành “phật” nhưng được Chúa thánh hóa và chúng ta rao truyền Tin Mừng của Chúa đến với muôn dân để mọi người được ơn cứu độ. Chúng ta có gì để dâng cho Chúa, để góp vào công cuộc ra đi của chính mình? Hình ảnh bà góa nghèo đã bỏ vào thùng tiền dâng cúng 2 đồng kẽm là minh chứng cho sự đóng góp của chúng ta dù nhỏ bé nhưng vẫn luôn được Chúa chân nhận (Mc 12, 41-44). Bà góa đã cho đi tất cả những gì bà có để nuôi thân, những gì đảm bảo cho cuộc sống. Với bảy động từ “ném”=””bỏ”= “cho đi” như một lời tiên báo Chúa Giêsu trao hiến cuộc sống cho nhà của Đức Chúa, “nhà của mọi dân tộc”. Như vậy, lời mời gọi ra đi, trao ban chính mình luôn thôi thúc người tín hữu đến với muôn dân ngay chính trong cuộc sống hằng ngày làm chứng cho Chúa. Điều minh chứng tốt nhất là chúng ta đi ra vùng ngoại biên nơi sự an toàn của bản thân mà cho đi những gì mình được nhận lãnh.
Chúng ta luôn mong muốn mình nhìn rõ, nhìn thấu nhưng nhiều khi chúng ta không dám chấp nhận sự thật, tránh né đau khổ, ngại dấn thân, phục vụ. Trong một xã hội hưởng thụ và cá nhân hiện nay đòi hỏi của Chúa Giêsu càng trở nên bức thiết và ngược dòng khiến nhiều người khó chấp nhận và từ bỏ Ngài. Đến với Chúa, chúng ta lại được “điểm nhãn” lại để có cái nhìn của Chúa Giêsu, cái nhìn của người Kitô hữu, cái nhìn của người môn đệ đích thực bước theo Ngài trên con đường Ngài đi.
______________________
[1]https://vtc.vn/bao-ve-diem-nhan-cho-buc-tranh-23-ty-toi-tuong-la-tranh-cua-may-dua-tre-ar661255.html