Lm. Lê Văn La Vinh, OP
Bạn đã từng nghe câu nói Latin ‘Duc in Altum” nghĩa là “Hãy thả lưới ra chỗ nước sâu”. Phêrô nhận lãnh mệnh lệnh này từ chính Thầy mình. Chúa cũng cho chúng ta mệnh lệnh y như thế: hãy thả lưới ra chỗ nước sâu.
Chúa Giêsu không nói với chúng ta về chuyện bắt cá, nhưng là thả lưới vào chỗ sâu thẳm trong đời sống tâm linh. Về phương diện cổ điển, lệnh truyền này được giải thích là Chúa khuyến khích sự hoàn thiện. Tất cả những ai muốn theo Chúa phải sẵn lòng “thả lưới chỗ nước sâu” dẹp qua một bên những miễn cưỡng và những thất vọng của con người để theo đuổi sự hoàn thiện.
Chúa Giêsu thúc đẩy chúng ta ra chỗ nước sâu của sự kết hiệp với Người. Người thúc đẩy chúng ta trở nên hoàn thiện. Người kêu gọi chúng ta hãy có những nhân đức anh hùng. Khi dấn thân cho Người, không thể có cái gì nông cạn, hời hợt hoặc nửa chừng. Phải sâu, mạnh dạn, hoàn toàn. Lời kêu gọi ra chỗ nước sâu, lời kêu gọi hoàn thiện, là một chủ đề thường xuyên trong giáo huấn của Chúa.
Như Phêrô bạn chúng ta, chúng ta cũng muốn Chúa để chúng ta một mình. Nhưng Người không muốn. Mỗi lúc trong đời sống thiêng liêng của chúng ta – Mỗi lúc chúng ta đã tìm thấy bến bờ bình yên, nơi chúng ta có thể thư giản một lúc – thì Người lại thúc giục chúng ta và bảo “hãy thả lưới chỗ nước sâu” (Duc in altum)
Chúa mong muốn nhiều hơn nữa
Bạn có phải là con cả trong gia đình không? Nếu có bạn sẽ thông cảm và hiểu hơn với lệnh truyền này của Chúa. Chúng ta, những người con lớn, quen với lời thúc dục này của Chúa Giêsu để hướng về sự hoàn thiện. Những bậc cha mẹ vẫn thường nói với những người con lớn “con là đứa lớn nhất, ba má mong chờ ở con nhiều hơn nữa…”
Một cách nào đó, đó là lời Chúa nói với Phêrô, và cũng là lời Chúa nói với chúng ta “Hãy thả lưới chỗ nước sâu, đừng thả chỗ nông cạn, đừng thả chỗ nửa vời. Thầy mong đợi ở anh nhiều hơn đấy.”
Nhớ lại bài giảng trên núi, Chúa Giêsu vẫn nói đi nói lại “nhưng Thầy bảo với anh em…” Có vẻ như Người muốn nói, “thỏa hiệp, tiện nghi, do dự, đạt được những đòi hỏi nhỏ nhất, cắm đầu vâng phục; có thể đó là tất cả những gì anh em đã làm được cho tới giờ này. Nhưng Thầy nói cho anh em hay, nếu anh em muốn làm môn đệ Thầy, Thầy mong đợi sự hoàn thiện. Thầy mong đợi nhân đức anh hùng. Hãy nên hoàn hảo như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn hảo”
Bạn có thấy lời nào thẳng thừng hơn thế nữa không? Người không muốn nghe bất cứ lời rên rỉ nào, như chúng ta thấy nơi ông bạn Phêrô của chúng ta trong đoạn Tin Mừng này. Chúng ta không muốn bất cứ sự do dự nào. Chúng ta không muốn biện minh. Chúng ta không muốn giống như Phêrô nói, “Thưa Thầy, con đã làm đủ rồi, cho con nghỉ một chút chứ?”.
Chúa nói, “Không, Duc in altum”.
Như Phêrô, chúng ta hãy chân thành, dù đôi khi chúng ta kiệt sức, thất vọng, nản chí. Đôi khi chúng ta thích chỗ nước cạn, thích chỗ dễ dàng hơn, an toàn hơn, gần bờ hơn. Nhưng lệnh là lệnh, “Thầy bảo anh, duc in altum. Hãy nên hoàn thiện, như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Thầy kêu gọi các anh tới sự hoàn thiện, thánh thiện, nhân đức anh hùng.”
Chúa nâng chúng ta lên.
Trong tác phẩm Đời sống Chúa Kitô, Đức TGM Fulton Sheen suy tư về một trong những lời hứa của Chúa: “Phần tôi, một khi tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32) Đức TGM cho thấy ý tưởng ấy trái với định luật tự nhiên – trọng lực trái đất – vì theo luật tự nhiên, mọi vật đều bị chi phối bởi lực hút trái đất nên phải rơi xuống đất chứ không kéo ngược lên trên.
Nhưng ở đây Chúa Giêsu nói, “Không, Tôi sẽ kéo mọi sự lên với tôi”. Chúng ta được kéo lên với Chúa Giêsu nhờ sự thánh thiện, nhờ theo đuổi sự hoàn thiện và nhân đức anh hùng, đi ngược lại với sức mạnh nặng nề của tự nhiên muốn lôi kéo chúng ta xuống. Trong khi đức Giêsu kêu gọi chúng ta tiến lên, kêu gọi chúng ta thả lưới ra chỗ nước sâu; thế gian lại kéo trì chúng ta lại và bảo “hãy ở chỗ nước cạn”. Trong cuộc sống xã hội hôm nay, có những trào lưu tư tưởng cũng như khuynh hướng sống về việc tự thể hiện mình, tìm kiếm khoái lạc, không tin tưởng vào quyền bính, ích kỷ, sống không có ngày mai với chủ trương vô thần… Tất cả những gì họ muốn là tiện nghi, thoải mái, thuận lợi, hài lòng.
Họ hài lòng với cuộc sống “bình bình” với những điều trước mắt thuận lợi và tiện nghi, họ ưa chuộng một mô hình luân lý không làm xáo trộn và đòi hỏi nhiều nỗ lực nơi cuộc sống của họ.
Nhưng Chúa chúng ta lại là Đấng thích làm xáo trộn, Đấng ghét chỗ nông cạn, Đấng quấy rầy chúng ta, Đấng thúc giục chúng ta thả lưới ra chỗ nước sâu. Và có lẽ, Chúa Giêsu và Hội thánh, thậm chí cả thế giới nữa cũng mong muốn chúng ta có sự sâu xa, có sự thánh thiện, có nhân đức anh hùng, theo đuổi sự hoàn thiện. Tất cả đều mong muốn chúng ta thả lưới ra chỗ nước sâu.
Để ra chỗ nước sâu – cầu nguyện.
Có những phương thế nào để cùng Phêrô thả lưới ra chỗ nước sâu?
Trước hết là cầu nguyện. Các giáo phụ, những tư tưởng gia của Hội thánh trong bốn hoặc năm thế kỷ đầu, thường cắt nghĩa huấn lệnh của Chúa cho Phêrô là lời củng cố kêu gọi chiều sâu nội tâm, bằng cách thăm dò chiều sâu và sự phong phú của chính Đức Kitô.
Đây là lời kêu gọi tới sự thánh thiện. Đây là lời mời gọi để biết và yêu mến Chúa Kitô ở chính chiều sâu của con người chúng ta. Đó là việc phát triển một đời sống nội tâm bền bỉ, vững chắc, một mối tương quan phong phú, riêng biệt với Chúa. Đời sống nội tâm và mối tương quan ấy chỉ đến từ việc đàm đạo với Chúa hàng ngày trong cầu nguyện. Đó là nhiệm vụ chính yếu của bất cứ ai quan tâm đến đời môn sinh thật sự, đích xác.
Thánh Bênađô có nói: “Nếu anh khôn ngoan, trước hết anh phải là bình chứa, sau đó mới là dòng kênh”.
Bạn hiểu thánh Bênađô nói gì? Chúng ta thường là những dòng kênh: chúng ta làm việc này việc nó, chúng ta trao tặng cái này cái khác, chúng ta đi chỗ này chỗ kia… Nhưng trước tiên và tốt hơn hết, bạn hãy là bình chứa. Nghĩa là bạn hãy chăm lo cho bình chứa chìm sâu trong linh hồn bạn và chắc chắn là nó được đổ đầy nước ban sự sống mà duy Chúa Kitô mới có thể ban tặng cho chúng ta., nếu không thì bình chứa sẽ rống rỗng và dòng kênh sẽ khô cạn.
Cầu nguyện là cách bảo đảm để bình chứa không bao giờ cạn. Hãy nhớ những gì được ghi trong Tin Mừng. Chỉ sau khi Phêrô thả lưới ra chỗ nước sâu, ông mới được một mẻ lưới lạ lùng. Cũng vậy, chỉ khi chúng ta đi vào chỗ sâu thẳm của linh hồn – đời sống nội tâm của chúng ta – bằng cách thăm dò chiều sâu của Trái tim Chúa, khi ấy chúng ta mới có thể là những môn đệ nhiệt thành, dấn thân, trung tín của Chúa và là Đấng cứu thế của chúng ta.
“Không mệt mỏi làm điều thiện”
Lãnh vực thứ hai mà chúng ta có thể thả lưới vào chỗ nước sâu – xin mượn lời Phaolo, bạn đồng liêu của Phêrô – là “không mệt mỏi làm điều thiện.” điều này Phaolô nói 2 lần trong thư Rôma và thư Galat (Rm 12,11); (Gal 5,9).
Đối với tôi và đối với bạn – những môn đệ của Chúa Kitô – hãy chấp nhận điều đó, mỗi khi chúng ta mệt mỏi, nản chí, muốn buông xuôi… Khi chúng ta mệt mỏi vì làm điều thiện, chúng ta thưa với Chúa, “Chúng con ngưng được chứ?”, việc phục vụ này, tình yêu này, công trình theo đuổi sự hoàn thiện này, sự kiên trì làm việc thiện này, và sự cố gắng của con để sống đạo hạnh, ngay thẳng, thánh thiện… chúng con có thể nghỉ một chút chứ? Chúng con có thể ở lại đây, chỗ nước cạn, và chợp mắt một lúc chứ?”
Tất nhiên, Chúa sẽ nói “Không, Hãy thả lươi ra chỗ nước sâu, Duc in Altum. Đừng bao giờ mệt mỏi làm điều thiện.
Có nhiều mô tả mà Tin Mừng ghi lại về thái độ và công việc của Chúa Giêsu khi Ngài không ngừng làm điều thiện. Phải chăng đó là một mô tả đơn giản về đời sống và sứ vụ của Chúa Giêsu? Người tiếp tục làm điều thiện. Noi gương Người, bạn và tôi – chúng ta – không ngừng làm điều thiện. Tuy nhiên, thi thoảng chúng ta vẫn muốn đóng cửa lại, muốn tắt điện thoại, không muốn gặp gỡ, ngại tiếp xúc với người nghèo, bỏ bê dự án… Có lúc chúng ta muốn nói “đủ rồi”. Nhưng như chân phước Columba Marmion nói, “đủ rồi” là từ ngữ không có trong từ điển Kitô giáo và có lẽ chúng ta cũng không bao giờ được mệt mỏi là điều thiện khi thả lưới ra chỗ nước sâu.
Kinh tởm tội lỗi
Cách thực tiễn thứ ba để chúng ta có thể nỗ lực tiến đến sự hoàn thiện mà Chúa Giêsu khích lệ Phêrô và cả chúng ta nữa là gia tăng lòng chê ghét tội lỗi – tội nặng, tội nhẹ. Trong cuộc sống hoàn thiện, trong việc theo đuổi sự thánh thiện và nhân đức anh hùng, chúng ta phải sợ tội. Sợ tội nặng, tội nhẹ…
Dominique Savio – vị thánh thiếu niên 14 tuổi – đã có câu châm ngôn sống để hướng dẫn đời sống của mình là “Thà chết còn hơn phạm tội”. Trên con đường hoàn thiện theo gương Chúa Kitô, Dominique Savio đã sợ tội biết bao! Trước cuộc phong thánh cho thánh nữ Katharinae Drexel người Philadenphia, vị tông đồ vĩ đại của người Mỹ gốc Phi và người Mỹ thổ dân. Một phóng viên nọ hỏi Đức TGM Thimothy M. Dolan rằng: “Phải chăng tất cả những cuộc phong chân phước và phong thánh mà các ĐGH thực hiện, tất cả những điều tốt lành thánh thiện và nhân đức ngày nay đều là không thực tế, không thể?”. Đức TGM trả lời, “Nghe này. Quan điểm của ĐGH thì ngược lại! Những sự tốt lành, thánh thiện và nhân đức ấy là có thể – và không chỉ là có thể mà còn đáng mong ước đối với những ai đang đi theo Chúa Kitô”.
Kinh sợ tội lỗi không làm chúng ta nản chí nhưng khích lệ chúng ta sống thánh thiện hơn. Chúng ta không bao giờ nhượng bộ, không bao giờ bỏ cuộc trong cuộc chiến với tội lỗi. Và cuộc chiến ấy chỉ chấm dứt khi chúng ta “mồ yên mả đẹp”.
Thánh Gregorio Nazian chú giải đoạn văn Duc in Altum “Hãy để cho họ biết rằng không có giới hạn nào đối với sự tiến triển thiêng liêng hoặc trở nên giống như Thiên Chúa”. Đức Giêsu mong muốn chúng ta lên đường tiến tới sự thánh thiện, theo đuổi sự hoàn thiện, anh hùng trong nhân đức.
Một vài cảnh báo
Trước hết, khi theo đuổi sự hoàn thiện, đừng bao giờ cao ngạo. Đừng bao giờ để cho việc thả lưới ở chỗ nước sâu của chúng ta trở thành hành động tự cho mình là công chính, đạo đức giả vờ, tự mãn, tự cho mình là “thánh thiện hơn người khác”.
Một linh mục nói, “Chúng ta phải có cái đầu ở trên mây, phải; nhưng đôi chân phải bám chặt lấy mặt đất, và trái tim chúng ta phải ở trên thập giá”. Vì thế, đừng bao giờ kiêu ngạo cho rằng mình thánh thiện hơn người …
Điều thứ hai phải thận trọng là sự nản chí. Tích cực hơn mỗi người phải thấy là chúng ta đang được mời gọi nên thánh, biết sống thánh thiện, có tương giao mật thiết với Thiên Chúa. Đó là công việc của cả đời người, và chúng ta khó thực hiện được việc đó trừ khi chúng ta biết khiêm tốn, biết nhẫn nại, kiên trì.
Mẹ Têrêsa nói: “Thiên Chúa không đòi buộc chúng ta phải thành công. Người đòi hỏi chúng ta trung thành” Chúa muốn chúng ta luôn tiếp tục, kiên trì và đừng nản chí bỏ cuộc.
Điều thứ ba phải chú ý là đừng bao giờ quên rằng chính Thiên Chúa, chứ không phải do lao động cực nhọc của người ngư phủ mới có được thành quả lớn lao. Chỉ khi Phêro nói với Chúa: “Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả, nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới”. (Lc 5,5) Chỉ khi đó, phép lạ mới xảy ra.
Thánh thiện, hoàn thiện – tất cả là công việc Chúa làm, không phải chúng ta. Chúng ta không thể kiếm được, không hoàn thành được. Thiên Chúa làm qua chúng ta và trong chúng ta khi chúng ta biết “để cho Chúa thực hiện”.
Thiên Chúa mong đợi chúng ta nhiều hơn nữa bởi lẽ chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Chúa và giống như Chúa. Chúng ta lại được cứu chuộc bằng máu châu báu Con Một Chúa, chúng ta được thanh tẩy và được nuôi dưỡng trong sự sống của Người và chúng ta được tiền định để sống đời đời với Người. Vì thế chúng ta đừng đứng trên bờ. Đừng ở chỗ nước cạn. Nhưng, cùng với Phêrô, chúng ta hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới.