Sr. Maria Bùi An
Nếu một ngày nào đó bạn hỏi tôi: Nơi nào người ta cảm nhận được nhiều đau khổ và mong manh của phận người nhất? Tôi sẽ trả lời bạn ngay: Nơi bệnh viện ung bướu. Và nếu bạn lại hỏi: Nơi nào con người ta cảm nhận được niềm hạnh phúc của tình yêu thương đích thực nhất? Tôi cũng sẽ trả lời bạn: Nơi bệnh viện ung bướu.
Tại sao vậy?
Thưa vì chính ở nơi biên cương tận cùng của sự sống, con người ta sẽ hoặc chán nản thất vọng tột cùng trong cô đơn, đau khổ và bệnh tật, hoặc sẽ nhận ra được chân giá trị đích thực của cuộc sống qua tình yêu thương chăm sóc của người bên cạnh. Chính vì vậy tôi dám khẳng định với bạn: Nếu chọn nơi để được nhìn thấy những đau khổ tột cùng của phận người, chắc chắn tôi sẽ chọn đến Bệnh viện Ung bướu, và nếu chọn để được nhìn thấy niềm hạnh phúc của tình yêu thương đích thực, lòng xót thương vô điều kiện tôi cũng sẽ chọn đến bệnh viện ung bướu.
Khi còn là một sinh viên tôi thường lui tới Bệnh viện Ung bướu để thăm hỏi và trò chuyện với các bệnh nhân, hoặc có khi đơn giản chỉ là đi nhìn các bệnh nhân đang cố gắng đối chọi với căn bệnh hiểm nghèo để níu kéo từng giây phút của sự sống, để rồi tôi thầm tạ ơn Chúa vì “chút khó khăn mình đang vướng bận chẳng là gì cả”. Đến nơi đây tôi cảm nhận được cái nghiệt ngã chồng chất nghiệt ngã của cuộc sống khi có những người biết được chồng (vợ) của mình bị bệnh liền lẳng lặng ôm tất cả tài sản còn lại bỏ đi xây dựng cuộc sống mới, mặc cho người bạn đời của mình bơ vơ, đau khổ không biết đi đâu về đâu với căn bệnh hiểm nghèo. Tôi đã chứng kiến hai bệnh nhân (một nam, một nữ) khóc nức nở muốn tìm đến cái chết khi biết được người bạn đời khỏe khoắn của mình bỏ đi với người khác để lại mình bơ vơ đang lần mò để chạy trốn tử thần. Tôi được chứng kiến những bệnh nhân đã nghèo không có tiền để chữa bệnh mà còn bị người ta giựt giỏ lấy sạch đồ… Thế nhưng, bên cạnh đó tôi cũng được nhìn thấy những cặp đôi mặc dù chưa thành vợ chồng nhưng khi người yêu của mình bị bệnh, người kia không những không bỏ rơi mà còn tình nguyện chăm sóc người yêu của mình từng chút, từng chút một không màng gì đến thời gian, sức khỏe và tiền bạc. Tôi cũng nhìn thấy có những em bé chỉ mới trong độ tuổi sơ sinh thôi cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này, bố mẹ em vẫn cố gắng: “Còn nước còn tát”, vì “lớn hay nhỏ cũng là con mình sinh ra mà”. Tôi cũng được chứng kiến các bệnh nhân chăm sóc cho nhau, người khỏe hơn chăm sóc cho người yếu hơn họ coi nhau như những người thân trong gia đình với tình tương thân tương ái.
Bạn thân mến,
Chúng ta vẫn được khuyên nhủ: “Hãy sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn”. Thật vậy, nếu như hôm nay là ngày cuối cùng của đời ta, nếu như chỉ còn một ngày hôm nay để sống thì ta có lý do gì để giận hờn, để ganh đua, để bon chen, để ích kỷ. Ta còn lý do gì để đi tìm những thứ của cải bên ngoài trần gian, thứ mà ta không thể mang theo được. Thay vào đó phải chăng là sự cống hiến hết mình với tình yêu thương, và tha thứ vô điều kiện. Phải chăng cuộc sống của ta sẽ đẹp biết bao nếu mỗi phút giây của cuộc sống dù còn dài hay ngắn ta vẫn luôn mỉm cười với tình yêu thương. Tại sao chúng ta không sống như vậy để cảm nghiệm được niềm hạnh phúc tự đáy lòng ngay từ lúc này nhỉ? Tại sao chúng ta lại phải chờ cho tới lúc nằm trên giường bệnh mới nhận ra điều đó? Đừng bạn ạ, chúng ta hãy tập luôn nói lời cám ơn và “tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh”(1Cr 5,17), hãy “Sống như hôm nay là ngày cuối cùng của đời bạn” để rồi chúng ta tận hưởng từng giây phút hạnh phúc của cuộc sống này với tình yêu thương trao hiến mỗi ngày.