Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô (13,33-37)
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con hãy coi chừng, hãy tỉnh thức và cầu nguyện, vì các con không biết lúc đó là lúc nào. Ví như người đi phương xa, để nhà cửa lại, trao quyền hành cho các đầy tớ, mỗi người một việc, và căn dặn người giữ cửa lo tỉnh thức. Vậy các con hãy tỉnh thức, vì các con không biết lúc nào chủ nhà trở về, hoặc là chiều tối, hoặc là nửa đêm, hoặc là lúc gà gáy, hay ban sáng, kẻo khi ông trở về thình lình, bắt gặp các con đang ngủ. Ðiều Ta bảo cho các con, thì Ta bảo cho tất cả mọi người là: Hãy tỉnh thức!”
***
Hôm nay chúng ta bước vào một năm phụng vụ mới với Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng. Trong một năm Phụng vụ, chúng ta có bốn tuần Mùa Vọng để chuẩn bị tâm hồn mừng Chúa Giáng sinh. Sau đó, chúng ta sẽ theo Chúa Giêsu trong các giai đoạn khác nhau của cuộc đời Người: sứ vụ rao giảng công khai, cuộc khổ nạn, sự phục sinh vinh hiển và thăng thiên của Người.
Mùa Vọng không chỉ là thời gian chuẩn bị mừng kỷ niệm biến cố Con Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu độ trần gian. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay còn hướng chúng ta đến sự chuẩn bị sẵn sàng cho ngày Chúa đến. Vì Chúa Giêsu mà chúng ta sắp đón mừng trong lễ Giáng Sinh cũng chính là Đấng sẽ trở lại trong vinh quang để đưa chúng ta về Nước Trời với Người.
Bài Tin Mừng hôm nay tuy chỉ có năm câu, nhưng cụm từ “hãy tỉnh thức” được thánh sử Máccô nhắc đến bốn lần, cho thấy tầm quan trọng của lời nhắc nhở này của Chúa Giêsu. “Hãy tỉnh thức” vì Chúa sẽ trở lại một cách bất ngờ, và không một ai biết được ngày giờ Chúa đến. Chúa không cho chúng ta một cái hẹn cụ thể về ngày giờ Người trở lại, nhưng chúng ta thì không được phép lỡ hẹn với Người. Chúa có thể đến vào lúc chúng ta đang ngủ, và chúng ta không được phép ngủ quên.
Chúa Giêsu thường nhắc nhở các môn đệ của Người phải tỉnh thức. Lúc hấp hối trong Vườn Dầu, Người cũng nhắc ba môn đệ: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14,38). Không phải Chúa Giêsu muốn làm chúng ta sợ hãi, nhưng Người biết thân phận con người chúng ta “tinh thần thì hăng hái, nhưng xác thịt thì yếu đuối”. Tỉnh thức và cầu nguyện giúp chúng ta có được mối liên hệ mật thiết với Chúa và nhờ đó tình yêu với Chúa cũng được lớn lên trong chúng ta. Và chỉ có tình yêu mới giúp chúng ta luôn tỉnh thức và sẵn sàng đợi chờ. Khi mời gọi chúng ta “hãy tỉnh thức”, Chúa Giêsu muốn khơi lên trong chúng ta niềm khao khát được gặp Người. Chúa vẫn đến và Người gõ cửa nhà chúng ta mỗi ngày, nhưng liệu chúng ta có nhận ra để đón tiếp Người hay không?
Chúa đã đến cách đây hơn hai mươi thế kỷ nhưng không có ai tiếp đón Người, ngoại trừ Đức Maria và Thánh Giuse, vài người chăn chiên và mấy nhà chiêm tinh ngoại quốc. Có lẽ mỗi người chúng ta cũng nên tự hỏi: nếu hôm nay Chúa đến, tôi có thực sự sẵn sàng đón tiếp Người không? tôi có đón tiếp Người trong niềm vui và tin tưởng không? Tôi có chuẩn bị thật hoàn hảo để tiếp đón Người như một thượng khách không? Tôi có xem việc đón tiếp Chúa là biến cố quan trọng nhất cuộc đời, để tôi phải dồn hết tâm lực vào việc chuẩn bị không?
Mối dịp gần đến lễ Giáng sinh, chúng ta thường thấy đủ loại quảng cáo về một lễ Giáng sinh hào nhoáng, nhộn nhịp. Nhưng trong Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, Phụng vụ Lời Chúa mời gọi chúng ta đặt đại lễ này vào đúng vị trí và ý nghĩa ban đầu của nó. Giáng sinh không phải là dịp để tổ chức những bữa tiệc mừng, tặng quà cho nhau, làm hang đá lộng lẫy và giăng đèn khắp phố. Giáng sinh là lễ đón mừng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế đến trần gian. Mỗi ngày, Người để lại cho chúng ta những dấu chỉ về sự hiện diện và hoạt động của Người trong cuộc sống của chúng ta: những lời an ủi của một người bạn, niềm vui khi được đến thăm, sự thân tình của một cuộc gặp gỡ, những cử chỉ dịu dàng, dễ thương, một sự giúp đỡ, v.v.. Người cũng đến với chúng ta ngang qua những người mà chúng ta gặp trong cuộc đời, nhưng có thể vì mải lo làm ăn sinh sống, bận tâm với những ưu tư lo lắng, với những khó khăn thử thách… chúng ta không đủ “tỉnh thức” để nhận ra Chúa và tiếp đón Người.
Chính vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải tỉnh thức. Người giữ cửa là người tuy ở trong nhà nhưng mắt luôn nhìn ra bên ngoài, tỉnh thức và quan sát để biết khi nào chủ về mà mở cửa. Mỗi Kitô hữu chúng ta cũng giống như người giữ cửa, tuy sống trong thế gian nhưng mắt tâm hồn chúng ta không ngừng hướng về Chúa, đế bất cứ khi nào Người đến, chúng ta cũng sẵn sàng đón rước Người. Vì vậy, tỉnh thức không phải là một thái độ chờ đợi thụ động, nhưng nó đòi hỏi mỗi chúng ta phải dấn thân và tích cực làm việc để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn, thế giới của công bằng và huynh đệ, một thế giới của tình thương. Có như thế chúng ta mới trở nên chứng nhân của niềm hy vọng mong đợi và là sứ giả của Chúa Giêsu, Đấng đang đến gặp gỡ chúng ta.
Trong ngày đầu năm phụng vụ này, chúng ta hướng về Chúa, xin Người giúp chúng ta luôn tỉnh thức trong cuộc sống hằng ngày, để khi Người đến, chúng ta sẵn sàng đón tiếp Người trong niềm vui và hân hoan. Amen.