ĐIỀU ƯỚC NGUYỆN CỦA THÁNH CATARINA SIENA
trong tác phẩm “Đối thoại”[1]
Sr. Matta Thanh Vân, OP
Lễ Thánh nữ Tiến sĩ Catarina Siena, 29/4/2025
“Trong hai năm cuối đời, 1377-1378, thánh Catarina viết cuốn Dialogo, chúng tôi dịch là ‘Đối thoại’. Đây là tác phẩm chính của Thánh nữ Tiến sĩ. “‘Đối thoại’ diễn tả bốn điều ước nguyện của thánh Catarina dâng lên Đức Chúa Cha, thuật lại những điều Đức Chúa Cha muốn giảng dạy thánh Catarina và toàn thể thế giới, về các điều trong Kinh Thánh và về Tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại.”[2]
Tác phẩm này quá đồ sộ và phong phú, nên trong giới hạn của bài viết, với bốn điều ước nguyện của Thánh nữ: 1- xin thương xót Catarina, 2- xin thương xót thế gian, 3- xin thương xót Hội Thánh, và 4- lòng thương xót của Chúa quan phòng, cũng xin được đọc lại chỉ một điều ước thứ nhất của người. Đó là: “Trước hết, xin cho chính mình, vì nàng biết mình sẽ chẳng làm ích gì cho ai, dù giảng dạy, gương sáng hay cầu nguyện, nếu chính nàng trước hết không lo tiến tới và tạo được các nhân đức cho mình. Bởi vậy, điều ước thứ nhất là nàng xin ơn cho bản thân”. Điều ước thứ nhất này được viết trong chương một, Chúa Cha thương xót Catarina, gồm số 2 – số 16[3].
Catarina được Chúa Cha thương xót ban cho ơn thông hiểu về nhiều thực tại, và tâm hồn nhạy bén, đẹp lòng Chúa của người ngày càng gia tăng thao thức vì phần rỗi các linh hồn:
1. Nỗi nguy khốn của thế giới
Thế giới này đang lâm nguy vì bao tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa, nhiều linh hồn phải sa hỏa ngục và đang có biết bao sự bách hại chống phá Hội thánh. Đồng thời, trong lòng mến nồng cháy, Catarina cũng nhận ra con người đầy yếu đuối và tội lỗi của mình, và trong tâm tình khiêm cung, người nhìn nhận đó cũng chính là nguyên nhân gây nên mọi sự dữ trong thế gian.
Từ đó, linh hồn người thành khẩn sám hối trước thánh nhan: “Lạy Chúa Cha hằng hữu, con xin xưng thú tội lỗi trước Thánh Nhan, xin Cha sửa phạt con ngay ở đời này. Bởi vì tội lỗi con đã làm cớ gây ra mọi khốn khổ cho mọi người chung quanh, con xin Cha cứ đánh phạt con đi, vì những tội lỗi của con, thưa Cha, con nài van Cha”.
2. Nếu không vì lòng mến Thiên Chúa, việc lành của con người ở đời này là không đủ để được xóa tội và ân thưởng
Ở đời này, dù con người phải chịu đựng, hoặc có thể chịu được tất cả những đau khổ xảy đến, cũng không đủ để đền bù cho một tội nhẹ nhất. Lý do là vì lẽ công bằng: Khi xúc phạm đến một Đấng Tốt Lành vô cùng thì cũng đòi một sự đền bù vô cùng, mà con người đầy bất lực, làm sao vươn tới được Đấng Vô Cùng! Vì vậy, con người phải chịu mọi đau khổ ở đời này không phải để chuộc tội, nhưng là để chịu sửa dạy, như người cha răn dạy con cái mình khi chúng sai lỗi.
Nhưng nếu muốn Cha tha thứ mọi tội lỗi đã phạm và cả những hình phạt – hậu quả của những tội lỗi ấy – thì điều cần phải có là ở sự thành tâm. Thiên Chúa đòi hỏi một tình yêu vô biên và lòng sám hối trọn vẹn. Vậy ai là người có thể có lòng ước nguyện vô biên? Đó là kẻ kết hợp với Chúa Cha bằng tình yêu mến. Vì khi thực sự yêu mến Thiên Chúa, họ sẽ hết sức đau đớn khi xúc phạm đến Người, hoặc thấy Người bị xúc phạm. Và chỉ với lòng yêu mến này mà những đau khổ họ chịu, những việc lành họ làm, dù rất giới hạn và hữu hạn, đều có giá trị vô cùng, chuộc được tội mình đáng chịu phạt vô cùng. Thực vậy, tình yêu hay lòng mến có một giá trị vô song.
3. Vì sao lòng ước ao và sự ăn năn hối cải chuộc được tội và tha được hình phạt cho mình và cho người khác; nhưng có khi chỉ chuộc tội mà không được tha hình phạt?
Chịu đau khổ với lòng ước nguyện, yêu mến và đau xót sám hối thì mới được chuộc tội và tha hình phạt. Bởi vì, khi yêu mến, con người mới cảm nhận được lòng nhân hậu của Thiên Chúa; và khi thực lòng sám hối, con người được ơn hiểu biết, nhận ra tội lỗi của mình, khinh chê tội lỗi và tính ích kỷ, và từ đó, thấy mình chỉ đáng trừng phạt chứ không có công lênh gì. Vì vậy, “Đừng bao giờ rời bỏ căn phòng biết mình, và hãy đặt mình dưới đáy khiêm nhường”, “Không nhân đức nào có được ở ngoài đức mến và lòng khiêm nhường, lòng khiêm nhường nuôi đức mến”, và “Chỉ những ai biết mình là thứ gì, mới đánh tan đi được đám mây mù dày đặc của tình yêu ích kỷ. Không có cách nào khác.”
Khi linh hồn nhận biết tình thương của Thiên Chúa thì điều tất yếu là sẽ bùng lên một lòng yêu mến mãnh liệt, cùng với đó là lòng đau xót vô cùng vì mình yếu hèn, và vì cả những tội lỗi cố chấp, xúc phạm đến Chúa của những người khác,… Và người ấy cũng nhận thức rằng mình đau khổ vì đã yêu mến Chúa, vì nếu không yêu mến thì cũng chẳng đau khổ. Chúa Cha đã hứa cùng linh hồn yêu dấu của Người: Nếu chúng con chịu đau khổ cách nhẫn nhục, với lòng sám hối ăn năn và yêu mến nhân đức vì danh Cha, Cha sẽ xóa bỏ các tội lỗi, và ân thưởng cho chúng con và những người khác nữa.
Với những người khác, tùy theo mức độ tình bác ái và lòng mến của chúng con, mà Cha sẽ ban cho họ những ơn lành tùy theo như mức độ họ dọn lòng lãnh nhận. Những ai khiêm nhường sám hối, và nghe theo lời huấn dụ của các tôi tớ của Chúa thì sẽ được tha thứ tội lỗi và giảm nhẹ hình phạt.
Còn những ai cố chấp, chối bỏ tình thương của Chúa thì sao? Qua lời cầu nguyện khẩn thiết của những tôi tớ trung thành của Chúa, Người sẽ chờ đợi họ, đánh thức lương tâm họ để họ nhận biết Chúa và những thực tại thế gian,… Chính vì các tôi tớ Chúa đau xót, cầu khẩn, khóc thương cho các linh hồn này mà Chúa dung tha các tội cho họ. Nhưng Người không xá miễn hình phạt, bởi vì phần đông họ ngoan cố, không sẵn lòng đáp lại tình thương của Chúa.
Như vậy, “Lòng ước ao của một linh hồn kết hợp với Cha là Đấng Tốt Lành vô cùng sẽ đền được tội mình, ít hay nhiều là tùy ở nhiệt độ tình yêu nơi người ước nguyện cầu xin, và mức thiện chí của kẻ nhận lãnh. Lòng nhân hậu của Cha cứ thế mà đong lường”.
4. Ước nguyện chịu đau khổ vì phần rỗi các linh hồn là điều đẹp lòng Thiên Chúa.
Ao ước chịu đau khổ vì ơn cứu độ các linh hồn là điều rất đẹp lòng Thiên Chúa. “Càng đau khổ vì Cha, con càng chứng tỏ lòng yêu mến Cha; càng yêu mến Cha, con càng hiểu biết sự thật về Cha; càng hiểu biết Cha, con càng buồn sầu đau đớn khi thấy Cha bị xúc phạm”. Điều này đẹp lòng Thiên Chúa, vì Người chính là Tình yêu, và điều người tôi tớ xin Người cũng chính là xin tình yêu.
Và Thiên Chúa mời gọi người có lòng yêu mến hãy sẵn sàng đón nhận, chịu đựng mọi đau khổ Chúa gửi đến, bất cứ là đau khổ nào và đến từ đâu. “Chúng con hãy chịu đựng như bậc nam nhi. Không có cách nào khác để chúng con trở thành bạn hữu của Đấng Chân Lý, và làm con cái yêu dấu của Cha”.
Thân bồ liễu, chí trượng phu cũng là đây!
5. Mọi nhân đức cũng như mọi tật xấu đều liên quan đến tha nhân
Không một nhân đức hay một nết xấu nào lại không ảnh hưởng đến tha nhân.
Kẻ chối từ Chúa, sẽ tác hại đến tha nhân, và nhất là ảnh hưởng đến chính bản thân người đó. Thiên Chúa đòi buộc mỗi người phải yêu thương tha nhân, giúp đỡ họ bằng lời cầu nguyện, khuyên bảo, an ủi, nâng đỡ cả tinh thần và vật chất những gì họ cần và thiếu. Nếu không có điều kiện giúp đỡ họ, thì ít là hãy có lòng ước ao cho họ. Nhưng nếu ai không yêu mến Thiên Chúa, thì cũng chẳng thể yêu thương tha nhân, không tha thiết cứu giúp họ, và như vậy, một trật, cũng là tổn hại đến chính mình, vì đã đánh mất ân sủng.
Cũng vậy, không một tật xấu nào mà không tác hại đến tha nhân. “Tất cả mọi sự dữ đều đến từ một linh hồn thiếu lòng yêu mến Cha và yêu thương tha nhân”. “Người ta gây hại cho chính mình vì tội lỗi làm mất ân sủng là điều tệ hại nhất. Gây hại cho tha nhân vì không trả cho họ một món nợ là niềm vui tình bác ái, bằng lời cầu xin và ước nguyện dâng lên Cha cho họ”.
6. Nhân đức được rèn luyện bằng bàn tay tha nhân thế nào? Vì sao có nhiều nhân đức khác nhau?
Mọi nhân đức đều liên quan đến tha nhân, và chỉ có lòng yêu mến Chúa mới tạo nên nhân đức. Và khi có nhân đức bởi đức ái đó, người ta sẽ sinh hoa trái cho tha nhân, “ngay lúc nó mến yêu Cha trong sự thật, là lúc nó phục vụ mọi người cách chân thành. Không thể khác được, bởi vì tình yêu mến Cha và tình thương tha nhân chỉ là một, và vì tình yêu thương tha nhân bắt nguồn từ nơi Cha, nên càng mến Cha càng thương tha nhân”.
Tha nhân là cơ hội để con người thực hành đức bác ái mà Chúa muốn, và cũng là nơi để phát sinh nhiều hoa trái của lời cầu nguyện, không phải lợi ích gì cho Chúa mà là cho những người ta phục vụ. Cho nên những ai yêu mến và sống theo lời chân lý của Chúa, sẽ làm ích cho các linh hồn, luôn đáp ứng những nhu cầu của thế giới bằng tình yêu thương, quan tâm đến nhu cầu của từng người, tùy theo đặc sủng Chúa ban để thi hành mục vụ tông đồ. “Có người được ơn giảng dạy bằng lời nói, kẻ khác bằng gương sáng việc lành, đời sống thánh thiện, điều mà ai cũng phải làm, vì mỗi người phải xây dựng cho anh em mình bằng đời sống đức độ và đạo hạnh”.
Có nhiều thứ nhân đức: bác ái, công chính, khiêm nhường, đức tin mạnh mẽ, sự khôn ngoan, tiết độ, nhẫn nại, can đảm, ý chí anh hùng,… , Thiên Chúa ban cho mỗi người không như nhau, nhân đức này cho người này, nhân đức kia cho người khác; nhưng chắc chắn là không ai có một nhân đức lại thiếu các nhân đức khác, vì mọi nhân đức đều liên kết với nhau.
Về các hồng ân và ân sủng, Thiên Chúa cũng không muốn ban cho mọi người đều đầy đủ những thứ cần thiết, để con người phải thực thi bác ái với nhau. “Cha muốn họ cần lẫn nhau, và muốn họ làm thừa tác viên của Cha, đi phân phát ân sủng và tặng phẩm mà họ đã lãnh nhận bởi tay Cha. Muốn hay không muốn, con người không thể bỏ trốn cái luật phải làm việc bác ái; cũng đừng quên, khi làm việc bác ái, phải vì yêu mến Cha, nếu không, công việc ấy không có giá trị siêu nhiên…”, “Con người chỉ trở thành người hữu ích là khi phục vụ tha nhân theo khả năng và địa vị mình”.
7. Các nhân đức chịu thử thách và nên vững mạnh bởi những nghịch cảnh.
“Chính vì tha nhân mà con người được điêu luyện đức nhẫn nại, khi bị tha nhân làm nhục”. Trong nghịch cảnh, các nhân đức của người tôi tớ mới được sáng tỏ: có vững mạnh hay không, có vì lòng mến thực sự đối với Thiên Chúa hay không, và có thực lòng yêu mến phục vụ tha nhân hay không. “Đức khiêm nhường được thử thách bởi người kiêu ngạo, đức tin bởi kẻ vô tín ngưỡng, đức cậy bởi người thất vọng, đức công chính bởi kẻ bất công, đức thương xót bởi kẻ độc ác, đức hiền lành và nhân hậu bởi người hay cáu giận.”
Nhưng điều quan trọng chủ yếu là cuối cùng, người thực sự có nhân đức đặt nền trên chân lý của Thiên Chúa sẽ luôn đứng vững.
8. Con người không nên quá quan tâm đến việc hành xác đền tội bên ngoài, nhưng phải chú tâm vào việc tập tành các nhân đức. Ơn thông hiểu bắt nguồn từ lòng khiêm tốn, và dạy của ai trả cho người ấy.
Thiên Chúa không muốn con người quá quan tâm đến việc hành xác bên ngoài, vì “lấy việc hành xác đền tội làm chủ yếu và làm nền tảng đời sống thiêng liêng, sẽ gây cản trở con đường nên hoàn thiện”. Thiên Chúa chỉ mong muốn nơi con người tình yêu, đức khiêm nhường, nhẫn nại, lòng khao khát làm rạng rỡ Danh Chúa và ơn cứu độ các linh hồn mà thôi.
Và nếu con người chỉ dựa vào công lênh hãm mình ép xác của mình, thiếu đức khiêm nhường sẽ không còn sáng suốt để thông hiểu và phân biệt trong việc nhận biết đúng về mình và về Thiên Chúa là nguồn gốc của mình; vì từ đó, mới “hiểu biết rất rõ của ai phải trả chủ ấy cho thật công minh”.
Hậu quả khi không có ơn thông hiểu thật nghiêm trọng: “Không có ơn thông hiểu, nó sẽ sinh ra kiêu ngạo, còn như có ơn này, nó sống khiêm nhường. Linh hồn thiếu ơn này, nó sẽ như tên trộm cướp đoạt danh Cha, và làm sáng danh mình; và mỗi khi điều gì không vừa ý xảy ra cho nó, nó đổ lỗi cho Cha, nó kêu ca lẩm bẩm, nó giận dữ về ý định nhiệm mầu của Cha đối với nó và đối với các tạo vật khác, nó bất mãn với Cha và với mọi người”.
Còn khi có ơn thông hiểu, người ta sẽ biết trả cho Thiên Chúa, cho bản thân và tha nhân những gì thuộc về họ. Đó là tình thương mến, lời cầu nguyện khiêm tốn và liên lỉ, lời giảng dạy và an ủi, gương lành thánh thiện, và tất cả những gì lợi ích cho ơn cứu độ các linh hồn,… Những ai có ơn thông hiểu phát xuất từ đức khiêm nhường sẽ thực hiện những điều này cho anh em mình một cách có hiểu biết và trong tình bác ái thực sự.
9. Sự liên hệ giữa đức ái, đức khiêm nhường và ơn thông hiểu.
Ba nhân đức: đức ái, khiêm nhường và thông hiểu có một sự liên hệ chặt chẽ, mật thiết với nhau. Ví như một linh hồn được sinh ra để yêu, và không thể sống ngoài tình yêu, và không có tình yêu của Thiên Chúa, nó sẽ không sinh hoa trái, mà sẽ chết. Tình yêu như gốc rễ phải được cắm xuống đất khiêm nhường là sự hiểu biết đúng đắn về mình, và phải nối kết với Thiên Chúa. “Như vậy, cây đức ái phải được nuôi dưỡng trong đất khiêm nhường; cây này sinh ra một mầm non, đó là ơn thông hiểu”.
10. Việc sám hối ăn năn và những việc hành xác chỉ là phương thế đạt tới nhân đức chứ đừng coi là điều chủ yếu.
“…khi con ao ước làm việc đền tội thật lớn lao, con có nói: ‘Con có thể làm gì để chịu đau khổ vì Cha, thưa Cha?’ Và Cha đã trả lời trong tâm hồn con bằng những lời đơn giản như sau: ‘Cha là Đấng ưa người nói ít, làm nhiều’”. Thiên Chúa không thích kẻ hành xác mà không muốn bỏ ý riêng mình, lại cứ nghĩ là đã làm đẹp lòng Người, bởi vì đó chỉ là những việc có giá trị hữu hạn, chỉ là con đường tiến đến nhân đức chứ không phải là bản chất của nhân đức. Vì vậy, nếu lấy việc hành xác làm mục tiêu, thì khi bị buộc phải ngưng một thời gian, linh hồn sẽ trở nên trống rỗng. Ngược lại, ý Người muốn là con người cần biết sống nhẫn nại, can đảm chịu đau khổ và tập rèn nhiều nhân đức nội tâm khác với một tình yêu vô biên vì Người là Đấng vô biên. Vậy nên, “Đừng lấy sự chịu khổ đền tội làm thước đo sự trọn lành trong đời sống thiêng liêng”.
Đức ái của con người cần được soi sáng bởi ơn thông hiểu để đặt trật tự cho tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân: “phải yêu mến Cha một tình yêu không bờ bến, không tính toán; đối với tha nhân nó cũng phải yêu mến, nhưng là tình yêu phải cân nhắc và có trật tự, không được làm điều xấu nhằm mưu lợi ích cho người khác”.
11. Thiên Chúa an ủi các tôi tớ Ngài. Sự canh tân Giáo Hội bằng con đường chịu đau khổ.
Người tôi tớ xin được chịu hy sinh, cả thể chất lẫn tinh thần. Đó là sự chịu đựng những lao nhọc về thể xác với tấm lòng yêu mến, nhẫn nại chấp nhận mọi lỗi lầm của tha nhân, với những lo âu, những ước nguyện, những giọt nước mắt, những thao thức, những lời cầu nguyện tha thiết của họ… “Tất cả đều là dấu chỉ của tình yêu, sẽ làm dịu đi cơn thịnh nộ của Cha đối với các thù địch Cha, những con người xấu xa phạm biết bao tội lỗi”. “Các con hãy chấp nhận đau khổ và dũng cảm cho đến chết như bậc nam nhi, đó là dấu các con yêu mến Cha”.
Những đau khổ người môn đệ Chúa phải chịu, vì thế gian ghét họ. Thế gian không đi theo con đường của Thiên Chúa nên đã kết án Con Thiên Chúa, Đức Giêsu Kitô, và cũng bách hại môn đệ của Người. Nhưng sau những phiền muộn này, Thiên Chúa sẽ cho Giáo Hội được canh tân và nên thánh thiện- một phần thưởng lớn lao cho các tôi tớ của Người.
12. Được an ủi bởi Chúa đoái nghe lời, người tôi tớ tha thiết cầu nguyện cho Hội Thánh.
Ước nguyện được Thiên Chúa đoái nhận, linh hồn người tôi tớ dịu đi sự cay đắng và sầu khổ bởi những tội lỗi con người xúc phạm đến Chúa và cả chính vì sự hèn yếu của mình. Và những giọt nước mắt lại tràn ra vì Người chỉ cho nó biết con đường nên hoàn thiện, những hình ảnh xúc phạm đến Người, và nhiều linh hồn liều mình hư đi.
Ngọn lửa yêu mến trong Catarina càng bùng cháy hơn khi càng được ơn thông hiểu về Thiên Chúa, về bản thân, làm phát sinh khao khát ơn cứu độ cho các linh hồn, và cầu xin cho Giáo Hội được canh tân, vì đang khốn khổ bởi phong cùi. Nàng cầu xin với Cha, thân thiết như Môsê xưa, và hơn nữa, như người con gái yêu dấu với những lý lẽ của tình yêu: “Con nài xin Cha, Đấng Tình yêu vô biên, xin cứ sát phạt con đi, nhưng mở tình thương cho dân này, dân riêng của Cha. Con không rời khỏi tôn nhan Cha, bao lâu con chưa thấy Cha thương xót dân này”.
13. Thiên Chúa than phiền về dân Người, cách riêng những người lãnh đạo. Những suy tư về tình yêu Thánh Thể và hồng ân Con Chúa giáng sinh.
Thiên Chúa đáp lại tâm tình sốt mến của tôi tớ Người, nhưng Người cũng đau buồn vì Giáo Hội là Hiền Thê của Con Một Người không còn nhan sắc, như người bệnh phong cùi vì những tội lỗi: tà dâm, ích kỷ, tham lam tiền bạc, tính kiêu ngạo…, kể cả những người thuộc hàng giáo phẩm, đã xúc phạm đến Máu châu báu của Con Một Thiên Chúa.
Và chính vì con người đã hư hoại, không thể tự cứu lấy mình, không thể đền tội mình cho cân xứng mà Thiên Chúa Cha đã ban Con Một cho nhân loại. Đức Giêsu đã mặc lấy nhân tính, để bằng Tình yêu Thiên Chúa, Người đền tội thay cho con người và đem họ trở lại vị trí đã được tạo dựng. Khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy, con người được xóa bỏ tội tổ tông và được thông ban ân sủng, được trở thành con cái tự do của Thiên Chúa. “Quyền tự do của con người thật lớn lao, nó có sức mạnh vô song nhờ Máu Thánh châu báu, đến độ không thể bị ai khuất phục, dù là ma quỷ hay tạo vật nào, nếu nó không muốn. Nó đã được cứu thoát khỏi ách làm tôi, quyền tự do đã trả về cho nó để nó thống trị tính dục, và đạt mục đích khi Cha sáng tạo nó”.
14. Tội lỗi phải chịu trừng phạt nặng nề hơn kể từ khi Chúa Kitô chịu khổ nạn. Thiên Chúa hứa thương xót thế gian và Giáo Hội nhờ lời cầu nguyện và sự chịu đau khổ của các tôi tớ Ngài.
Thiên Chúa đã ban ơn tái sinh loài người trong Máu của Đức Giêsu Kitô, nhưng con người càng ra tồi tệ hơn vì khinh dể, coi những ân huệ đó như là việc bị Thiên Chúa hành hạ. Vì vậy, con người sẽ phải gian nan hơn, bị trừng phạt một cách nghiêm khắc hơn, và không thể chữa tội mình được nữa. Loài người còn mắc nợ Thiên Chúa vì ơn cực trọng này: “Cha còn cho chúng con điều trọng hơn quyền tự do nữa… Con người đã được làm Thiên Chúa, như Thiên Chúa đã làm người, bởi sự liên kết bản tính Thiên Chúa với bản tính con người”.
Thiên Chúa muốn đòi con người sự công bằng trước những ân huệ cao quý này bằng việc yêu mến Người và yêu thương anh em mình. Nhưng vì con người, nhất là người Kitô hữu đã không đáp lại, nên phải chịu cực hình, mà cực hình lớn nhất là lương tâm bị giày vò trong lửa không hề tắt.
Tuy nhiên, còn một phương cách để làm dịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, đó là nước mắt ước nguyện tha thiết của các tôi tớ Người. Sợi dây lòng thương xót mà Thiên Chúa trao cho các tôi tớ Người, cũng sẽ cầm buộc Người giảm đi cơn thịnh nộ đức công bình. Vì vậy, những giọt nước mắt ấy sẽ hiện thực hóa ước nguyện được chịu đau khổ của người tôi tớ và sẽ lau sạch khuôn mặt cho Hiền Thê của Chúa Kitô và lấy lại nhan sắc cho nàng.
15. Nhận biết Thiên Chúa nhân hậu từ bi, linh hồn này không chỉ cầu nguyện cho người Kitô giáo, nhưng cho cả thế giới.
Nhận được ơn thông hiểu từ Thiên Chúa, người tôi tớ đứng thẳng trước Tôn nhan với lòng cậy trông vào lòng thương xót của Tình yêu Thiên Chúa: Ngài muốn tha thứ cho thế gian, mặc dù họ xúc phạm đến Ngài. Người tôi tớ vui mừng vì chính Thiên Chúa chỉ bảo cho nó cách thế làm áp lực lòng nhân hậu của Ngài, nhằm làm dịu đi cơn thịnh nộ. Nó cũng không còn sợ hãi trước những bách hại của thế gian vì luôn được Thiên Chúa ủng hộ. Không chỉ bằng lòng với ân huệ được nhận lãnh, nó còn ao ước cho cả thế giới được lòng thương xót của Thiên Chúa.
“Lạy Thiên Chúa, Đấng Hằng Hữu,
Xin thương xót các chiên nhỏ bé của Ngài.
Hỡi Vị Chủ Chăn nhân lành,
Xin đừng trì hoãn, xin đừng
Nhưng xin đoái thương cả thế giới,
Vì thế nào đi nữa, thế giới kiệt quệ rồi!
Rõ ràng người ta mất hết lòng yêu mến Cha
và tình thương tha nhân.
Con người không còn yêu thương nhau
bằng tình yêu đặt trên nền Đấng Chân lý vĩnh cửu.”
[1] Thánh Catarina Siena, Tiến sĩ Hội thánh, Đối thoại (Dialogo), bản dịch của Lm. Vinhsơn Bùi Đức Sinh, OP., Nhóm “Phục vụ Lời Chúa” xuất bản, 2003, Calgary, Alberta-Canada.
[2] Sđd, Lời giới thiệu, tr.V
[3] Sđd, tr.4-36