Sr. Teresa Đỗ Hà, OP
“Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” [1]
Đọc lại những trang Tin Mừng, chúng ta sẽ thấy đây là câu nói rõ ràng nhất mà Đức Giêsu lấy mình ra làm gương và mời gọi những người theo Ngài hãy cùng thực hành.
Lời mời gọi trên cho thấy điều mà Đức Giêsu muốn các môn đệ theo mình phải lưu tâm hàng đầu chính là sự “hiền lành và khiêm nhường.” Tại sao lại là “khiêm nhường” mà không phải là các nhân đức khác? Và lý do gì mà Đức Giêsu đưa mình ra làm gương về nhân đức khiêm nhường thay vì một nhân đức nào khác như vâng phục, can đảm, nhiệt thành… Khi thực hành nhân đức này, người môn đệ được gì, mất gì?… Một vài tìm hiểu giới hạn, mong được thỏa lòng về nhu cầu hiểu chắc chắn về điều mình đã- đang và sẽ thực hiện, mong tìm được động lực để sống có chất lượng, có tự do, có bình an hơn thay vì tuân giữ vì “luật bảo thế”.
I. Đôi nét về khiêm nhường
1. Từ ngữ
Theo từ điển Công Giáo[2] về (đức) khiêm nhường, khiêm tốn (Humilitas, Humility, Humilité):
– Đức: Phẩm chất tốt đẹp
– Khiêm: nhún nhường, nhường (nhượng) nhịn
– Khiêm nhường: nhũn nhặn trong đối xử
– Khiêm nhường: nhân đức giúp con người đón nhận hồng ân của Thiên Chúa và nhìn nhận sự thật về mình. Mọi sự con người “là” và “có” đều do bởi Thiên Chúa và sự trợ giúp của đồng loại. Nhìn nhận không đúng sự thật về mình kể cả cái tốt lẫn cái xấu đều trái nghịch với đức khiêm nhường.
2. Vị trí của khiêm nhường trong Thánh Kinh
Từ Thánh Kinh Cựu Ước cho đến Tân Ước, chúng ta nhận thấy khiêm nhường rất được đề cao. Người khiêm nhường luôn được Chúa yêu thương và ban nhiều phúc lành.
– G 22, 29: “Vì Người triệt hạ kẻ ăn nói kiêu căng và cứu vớt ai khiêm nhường cúi mặt.”
– Cn 11,2: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường.”
– Hc 3, 20: “Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao: Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường.”
– Mk 6,8: “Hỡi người, bạn đã được nói cho hay điều nào là tốt, điều nào Đức Chúa đòi hỏi bạn: đó chính là thực thi công bình, quý yêu nhân nghĩa và khiêm nhường bước đi với Thiên Chúa của bạn.”
– Mt 11,29: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường”
– Lc11,52: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
– Pl 2,3: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình.”
– 1Pr 1,5: “Anh em hãy lấy đức khiêm nhường mà đối xử với nhau, vì Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.
II. Khiêm nhường: Ủy mị hay khôn ngoan?
Từ những trích dẫn Kinh Thánh ở phần I.2, một câu hỏi dễ bật ra trong tâm trí chúng ta: Phải chăng Thiên Chúa làm cho chúng ta trở nên yếu thế, ủy mị và không có bản lĩnh? Phải “lụy” Chúa mới có thể sống tốt được? Thế chẳng phải Thiên Chúa của chúng ta chơi không đẹp lắm sao? Và có vẻ Thiên Chúa cũng ích kỷ để giữ cho mình tầm ảnh hưởng và con người chúng ta chỉ như con rối trong tay Ngài?
Một ý kiến ở mặt đối diện: khiêm nhường là đầu mối của khôn ngoan, giúp con người thành công, hạnh phúc trong cuộc sống. Vậy làm sao để có được sự khiêm nhường khôn ngoan này?
1. Một sự lệ thuộc tích cực
Thuở ban đầu, Thiên Chúa tạo dựng con người theo một cách thức khác biệt với các thụ tạo khác: “Thiên Chúa phán: ‘Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta.’”[3] Là “hình ảnh của Thiên Chúa” chứng tỏ con người được tạo dựng với phẩm giá cao quý, không phải là yếu đuối hay thụ động, càng không phải kiểu được dựng nên cho nhu cầu được tôn vinh của Thiên Chúa.
Trong những thử thách mà con người phải gánh chịu do hậu quả của tội lỗi, Thiên Chúa không bỏ mặc nhưng luôn đồng hành và chiến đấu cho dân Người đã chọn: “Hãy mạnh bạo và can đảm! Đừng run sợ, đừng kinh hãi, vì Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ở với ngươi trong mọi nơi ngươi đi tới.”[4] Thiên Chúa luôn đồng hành để nâng đỡ, chứ không muốn con người yếu đuối, nhát đảm trên hành trình sống của mình. Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1701 khẳng định: “Con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa. Vinh quang của con người nằm ở chỗ họ được tự do và có khả năng nhận biết Thiên Chúa.” Sự đồng hành của Thiên Chúa có một khoảng cách nhất định cho tự do được sống: Ngài không làm thay, không dẫm chân nhưng tôn trọng quyền tự quyết và ý chí của con người. Bao lâu họ còn cậy nhờ đến Ngài thì Ngài kíp ra tay. Điều này bác bỏ ý tưởng rằng Thiên Chúa muốn con người trở nên ủy mị hay phụ thuộc vào Ngài một cách tiêu cực.
Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 27 gợi mở cho chúng ta một tia sáng cho sự lệ thuộc Thiên Chúa thế nào cho phù hợp: “Ước muốn Thiên Chúa được khắc sâu trong lòng con người… Con người được dựng nên bởi Thiên Chúa và hướng về Thiên Chúa.” Thiên Chúa không muốn chúng ta sống ủy mị, tầm gửi, ỷ lại vào Ngài nhưng Ngài muốn chúng ta lệ thuộc vào Ngài một cách lành mạnh, nghĩa là biết tìm đến Thiên Chúa để sống đúng với bản chất con người, không phải là sự “lụy” tiêu cực, yếu thế, nhu nhược, không có bản lĩnh. Điều này đã được thánh Augustinô diễn tả rất thâm thúy khi thốt lên: “Lạy Chúa, Ngài đã dựng nên con cho Ngài, và tâm hồn con không an nghỉ bao lâu chưa nghỉ yên trong Ngài.” (Tự Thuật, 1,1). Thánh Tôma Aquinô trong Tổng luận Thần học (Summa Theologica), đã giải thích “sự tự do của con người không bị triệt tiêu khi sống lệ thuộc vào Thiên Chúa, mà chính trong Thiên Chúa, con người đạt tới sự tự do trọn vẹn.” Thật vậy, “chính để chúng ta được tự do mà Đức Kitô đã giải thoát chúng ta”[5].
Ngay cả từ góc độ phi tôn giáo, các nghiên cứu tâm lý học và khoa học cũng cho thấy rằng niềm tin vào một Đấng tối cao hoặc thực hành tâm linh sẽ giúp con người khám phá ra năng lực tiềm ẩn nơi mình là không thể dự đoán được. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), niềm tin tôn giáo giúp tăng cường khả năng phục hồi tâm lý (resilience), giảm stress, và tạo ra động lực sống tích cực hơn, tăng khả năng đối diện với các nghịch cảnh.[6] Ngoài ra, chúng ta còn tìm thấy một nghiên cứu khác của Viktor Frankl, bác sĩ tâm thần nổi tiếng và tác giả cuốn “Đi tìm lẽ sống”, ông cho rằng việc con người đặt niềm tin vào một giá trị hoặc Đấng cao cả hơn chính mình giúp họ vượt qua nghịch cảnh khắc nghiệt nhất.[7]
2. Khiêm nhường là đầu mối khôn ngoan
Cn 11,2: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường.”
Trong trích sách Châm ngôn ở trên, ta thấy có hai vế rõ ràng:
– Kiêu hãnh đi liền với ô nhục: Kiêu hãnh, hay sự tự mãn và ngạo mạn, thường khiến người ta mất đi sự tỉnh thức, cầu tiến dẫn đến sai lầm và dễ bị hủy hoại danh dự. Một người kiêu ngạo, khi không chịu lắng nghe người khác hoặc không nhìn thấy giới hạn của bản thân thì dễ phạm sai lầm. “Người tự phụ sẽ bị sỉ nhục, còn ai khiêm tốn sẽ được tôn vinh.” (Cn 29,23)
– Khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường: Khiêm nhường ở đây hiểu là thái độ nhận biết sự giới hạn của mình, sẵn lòng học hỏi và tôn trọng những gì là đúng đắn, là chân lý. Người khiêm nhường thường có trí tuệ sáng suốt vì họ lắng nghe, chân nhận thực tế và biết cách ứng xử khôn ngoan. “Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.” (Mt 23,12)
Thánh Giacôbê đúc kết: “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường.”[8] Người khiêm nhường sẽ làm đẹp lòng Thiên Chúa vì họ biết chân nhận bản thân mình. Hình ảnh của Mẹ Maria – Eva mới là một sự khẳng định về việc Thiên Chúa yêu thích sự khiêm nhường và thi ân giáng phúc vô bờ trên những ai biết khiêm tốn cậy trông tín thác vào sự quan phòng của Ngài. Eva và Ađam nơi vườn địa đàng xưa chẳng phải vì “muốn bằng Thiên Chúa” nên đã rơi vào cái bẫy kiêu ngạo mà satan đã kích hoạt lên. Hậu quả của sự kiêu ngạo ấy đã khiến hậu duệ muôn đời phải chịu hậu quả nguyên tội từ khi chưa chào đời. Trái lại, sự khiêm nhường nơi Đức Maria khi nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn” đã khiến Chúa hài lòng và chọn Mẹ làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Sự khiêm tốn của Mẹ Maria không làm Mẹ trở nên ủy mị, yếu đuối mong manh. Khiêm tốn vì biết được mọi sự là do Chúa đoái thương nhìn tới đã tiếp thêm cho Mẹ nguồn sức mạnh nội lực phi thường để hằng đón nhận tất cả và suy đi gẫm lại trong lòng các biến cố vượt tầm trí khôn con người. Những lưỡi gươm đâm thâu tâm hồn Mẹ trên từng hành trình theo dấu chân Con Một mỗi ngày một thấu hơn, đau hơn. Nếu không phải là một người phụ nữ kiên cường và đầy nội lực, Mẹ đã gục ngã thảm thương khi bấy nhiêu sự đến với Mẹ. Lựa chọn khiêm nhường, Mẹ lựa chọn khôn ngoan tín thác vào kế hoạch của Thiên Chúa dành cho Mẹ và cho nhân loại. Vì đã tiên phong đi trọn hành trình thập giá cùng Con Một của Thiên Chúa, Mẹ trở nên gương mẫu, Tòa Đấng Khôn Ngoan và là đấng Bầu Cử cho chúng ta trước tòa Thiên Chúa. Quả thật, Thiên Chúa đã “nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1, 46-55). Mẹ đã được Thiên Chúa tôn vinh và nếu biết khiêm nhường như Mẹ, chính chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa tôn vinh và nâng cao.
III. Khiêm nhường: SỰ hài hòa trong các mối tương quan
Sống khiêm nhường không chỉ giúp chúng ta lớn lên trong đức tin, thăng tiến trong mối tương quan với Chúa mà còn làm phong phú mối quan hệ với tha nhân (+ môi trường) và với chính bản thân mình. Thực tế, ba mối tương quan trên gắn liền và liên kết chặt chẽ với nhau và với chủ thể con người.
1. Sống khiêm nhường trong tương quan với Thiên Chúa
Khiêm nhường là nhận ra sự bé nhỏ của mình trước sự cao cả và tình yêu thương vô biên của Thiên Chúa. Đó cũng là thái độ biết tạ ơn Chúa vì mọi ân huệ nhận được, không tự mãn hay tự cho mình xứng đáng. Thật vậy, “bạn có gì mà đã không nhận lãnh, mà đã nhận lãnh sao còn kiêu căng” (2Cr 4,7). Bao lâu chúng ta cậy dựa vào sức riêng mình, bấy lâu chúng ta loay hoay mệt nhoài với bao điều lo toan gồng gánh nặng nề trong thế giới nhiều đua chen. Dẫu biết sống là phải không ngừng phấn đấu nhưng nếu đặt sự cầu tiến đó trong bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta sẽ cảm thấy mình an vui vì “Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.”[9]
Dù Thiên Chúa thấu suốt mọi sự nhưng điều này không trái ngược với việc Thiên Chúa muốn chúng ta tưởng nhớ đến Ngài, biết nâng tâm hồn lên với Ngài, kết hợp với Ngài trong mọi giây phút của cuộc sống. “Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Thiên Chúa, và chỉ có người khiêm nhường mới có thể cầu nguyện thật sự.”[10] và “Khiêm nhường là nền tảng của việc cầu nguyện”[11] Đã hẳn, “Lời cầu nguyện của chúng ta không thêm gì cho Chúa nhưng đem lại cho chúng ta ơn cứu độ muôn đời”[12]
Cầu nguyện với tâm hồn phó thác, không đòi hỏi hay bắt Thiên Chúa phải chiều theo ý mình là điều không dễ dàng. Bởi chúng ta thường chỉ xin điều hợp ý chúng ta, theo nhu cầu của chúng ta và dễ nản lòng nếu Thiên Chúa không chiều theo ước muốn của mình. Thế nhưng, tư tưởng của Thiên Chúa thì vượt xa tư tưởng của chúng ta. Chúng ta chỉ nhìn và suy nghĩ được điều trước mắt và trong tầm giới hạn của mình. Cái tầm của Thiên Chúa thì vượt không gian và thời gian. Thật vậy:
“Đường của Chúa băng qua biển rộng, lối của Ngài rẽ nước mênh mông, mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài”[13] và “con người chỉ nhìn bề ngoài, còn Chúa nhìn thấu lòng người”[14]
Mặc lấy tâm tình con thảo khiêm tốn của Đức Kitô, chúng ta vâng phục thánh ý Thiên Chúa trong từng biến cố của đời mình. Đường có tối, trời có đen, tâm hồn có u sầu đến mấy, chúng ta đừng để mình đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa là Cha yêu thương. Niềm tin Phục Sinh phải là nhân tố giúp chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng, lạc quan vui sống vì biết mình sẽ không nhọc nhằn uổng công.
2. Sống khiêm nhường trong tương quan với chính mình
Lắm khi người ta hiểu nhầm về khiêm nhường đồng nghĩa với yếu thế, thấp hèn, yếu kém. Sự thật, người khiêm nhường phải là người biết sống đúng sự thật về chính mình, biết chấp nhận giới hạn và khuyết điểm, đồng thời nhận ra phẩm giá Thiên Chúa ban. Nếu có chấp nhận phần thiệt, phần kém thì đó phải là sự chủ động vì một ý nghĩa sâu xa hơn, cao thượng hơn.
Khi ý thức biết mình không thể “hoàn hảo” và tất cả chúng ta đều đang trên hành trình hoàn thiện chính mình sẽ không tự trách, tự làm tổn thương khi không đạt được những điều mong đợi. Chúng ta chỉ cần cố gắng mỗi ngày, ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua đã là điều đáng trân trọng.
Sự so sánh, dòm ngó những cái khó thuộc về mình khiến chúng ta không hạnh phúc, vui vẻ và dễ dẫn đến chia rẽ, bất hòa. Khiêm nhường với chính mình cũng là biết sở trường, sở đoản của bản thân. Biết ơn những tài năng Chúa ban để phát triển nó và góp phần làm đẹp cho trần thế. Những điều yếu kém tồn tại như những “cái dằm” không phải để chúng ta cắn răng chịu đựng nhưng biết đón nhận nó như một phần bất toàn của bản thân để biết trông cậy ơn Chúa và cậy nhờ đến sự trợ giúp của anh chị em. Và đến lượt mình cũng cần sẵn sàng dùng khả năng Chúa ban để tương trợ anh chị em khi có thể.
Thánh Têrêsa Avila dạy: “Khiêm nhường là đi trong chân lý.” Sự thật là lắm lúc chúng ta không biết mình đủ. Nhưng liệu chúng ta có đủ khiêm tốn để lắng nghe sự góp ý và xây dựng từ người khác không? Và nếu là người thân cận thì có lẽ dễ dàng hơn. Nhưng nếu đủ tỉnh táo và có tinh thần cầu tiến, chúng ta sẽ nhận ra những người ở phía đối nghịch đôi khi lại cho chúng ta những bài học đắt giá về bản thân chúng ta. Phần còn lại là khi những sự ấy xảy đến, chúng ta có đủ nhẫn nại với chính mình, khiêm nhường thật trong lòng để chấp nhận chính mình và đứng dậy, sửa sai sau những vấp ngã yếu đuối đó?
3. Sống khiêm nhường trong tương quan với tha nhân
Thiên Chúa được tôn vinh khi phẩm giá của con người được trân trọng, được nâng cao. Bất cứ sự xúc phạm nào hạ thấp phẩm giá con người đều là xúc phạm đến Thiên Chúa. Phẩm giá hữu thể được Thiên Chúa ban cho tất cả chúng ta là như nhau. Thế nhưng, chính chúng ta phải không ngừng làm cho phẩm giá ấy được nâng cao hơn, cũng như hội nhất được với các phẩm giá khác trong quá trình sống của mình và tôn trọng phẩm giá của tha nhân.[15]
Với những minh xác về các loại phẩm giá mà mỗi người sở hữu, tông thư Dilexit Nos cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về phẩm giá hữu thể bất khả thay thế, không thể bị xâm phạm của mỗi người. Phẩm giá ấy đã được Con Một Thiên Chúa dùng giá máu để chuộc lại. Nếu Thiên Chúa đã trân trọng phẩm giá của mỗi người vì mỗi người là “Imago Dei” thì chúng ta cũng phải tôn trọng phẩm giá ấy cho dù họ không có đủ những phẩm giá khác thêm vào hoặc không được hoàn toàn như đáng lẽ ra họ phải có. Lúc này, khiêm nhường trong tương quan với tha nhân chính là nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, sống tinh thần bác ái và liên đới. Chúa Giêsu đã cho chúng ta một gương mẫu tuyệt vời khi Ngài đồng bàn với người tội lỗi, đụng chạm chữa lành, tiếp xúc với người tội lỗi, người bị xem là ô uế, người bị gạt ra ngoài lề của xã hội… Chúa Giêsu là Đấng không hề mắc tội nhưng đã vì nhân loại mà gánh lấy tội muôn dân. Ngài là người duy nhất có quyền đoán xét luận tội chúng ta. Thế thì cùng là tội nhân với nhau, chúng ta lấy tư cách gì để đoán xét, chê trách anh chị em mình?
Công đồng Vaticano II nhắc nhở con cái mình: “Sự khiêm nhường là nền tảng cho một xã hội công bằng và hòa bình, nơi mọi người được tôn trọng và yêu thương” và “sự khiêm nhường là con đường dẫn đến sự hiệp nhất và hòa bình giữa các dân tộc[16] Không thể có hòa bình, không có hiệp nhất trên toàn thế giới nếu không khởi đi từ sự hòa bình, hiệp nhất nơi môi trường gia đình, xứ đạo, nơi tương quan giữa người – người. Những cuộc chiến vì hòa bình là những cuộc chiến vô nghĩa nhất khi nhân danh hòa bình mà lại phải dùng đến vũ lực, sát thương nhau. Hòa bình, thỏa thuận ngừng bắn, ngừng xâm lược chỉ có được khi người ta biết nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá, tôn trọng quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của mọi người. Những bản tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền vẫn được tuyên truyền, vẫn được ca ngợi… nhưng thực tế vẫn đang chứng kiến những cuộc chiến tranh kéo dài, đau thương không hồi kết. Bao cuộc hòa giải không thành công vì đôi bên vẫn chưa muốn đặt cái tôi của mình xuống.
Đức Giáo hoàng Phanxicô khi được phỏng vấn “ngài là ai?” thì ngài đã không trả lời về chức tước, sứ vụ, xuất thân danh giá… thật bất ngờ khi ngài không ngần ngại chia sẻ: “Tôi là một tội nhân được Thiên Chúa thương xót.” Là đại diện Chúa Kitô ở trần gian, là người đứng đầu của một tôn giáo có số lượng tín đồ chiếm số đông của dân số thế giới nhưng với câu trả lời như thế liệu có gây sốc chăng? Ngược lại, câu trả lời ấy đã cho thấy sự khiêm nhường thẳm sâu của Đức Giáo Hoàng được định hướng rõ nét trong châm ngôn lãnh đạo phục vụ của Ngài “được thương xót và tuyển chọn”. Học đòi gương khiêm nhường của vị Cha Chung, chúng ta được mời gọi nhìn nhận sự yếu đuối và giới hạn của bản thân để biết chạnh lòng thương với những khiếm khuyết của anh chị em mình. Bên trong mỗi người vẫn luôn tồn tại những cơ hội nên thánh khi vượt qua được những vùng tối của tội lỗi và khiếm khuyết. Đó cũng là giá trị của xã hội tính mà Thiên Chúa đặt để nơi mỗi người. Chúng ta sống cần nhau và cho nhau. Không một sinh vật nào cần đến sự nâng đỡ, chăm sóc của người khác mới có thể sống được như con người. Tách ra khỏi xã hội loài người và ra khỏi mối tương quan người với người, chúng ta không thể sống đúng bản chất người. Sự khác biệt làm nên nét phong phú và là cơ hội để phát triển, bổ túc và làm phong phú cho nhau.
“Anh chị em đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình” (Pl2,3). Thánh Phaolo có ý nhấn mạnh sự trân trọng phẩm giá của anh chị em mình và khiêm tốn nhận sự yếu đuối của bản thân để không vênh vang tự đắc, không xem thường người anh chị em mình. Khi đặt mình ở “thế trên” là chúng ta sẽ tự động xem người khác ở “thế dưới” và hình thành nên những quy tắc ngầm trong ứng xử, đãi ngộ, đặc quyền đặc lợi. Chúa Giêsu nhắc nhở “Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết.”[17] Là Ngôi Hai Thiên Chúa, nhưng Đức Giêsu đã không ngần ngại cúi xuống rửa chân cho các môn đệ. Ngài thể hiện cử chỉ trân trọng yêu thương ấy ngay cả khi biết trước sẽ có những môn đệ sẽ phản bội, sẽ chối bỏ, sẽ bán đứng mình với giá rẻ bèo, sẽ bỏ chạy khi mình lâm nguy… Chúa Giêsu đã thực hiện trước để rồi Ngài có thể dặn dò từng môn đệ và cũng là di chúc cho từng hậu duệ: “Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”[18]
Muốn cúi xuống để rửa chân cho người khác hay cúi xuống để nâng người anh chị em của mình lên, đòi hỏi mỗi người chúng ta phải có một sự khiêm tốn và ý ngay lành thực sự thì hành động của chúng ta mới sinh lại hoa trái. Ngược lại, nếu không thể đặt cái tôi xuống và chỉ làm cho có vẻ khiêm tốn thì mọi sự sẽ sớm được nhận diện. Một hành động xin lỗi không thật lòng sẽ phản tác dụng. Những lời khen không chân thành sẽ sớm làm cho người ta cảnh giác đề phòng.
Biết mình cũng giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ là một phần nhỏ trong toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Tuy được Thiên Chúa trao quyền bá chủ muôn loài nhưng không phải để chúng ta cai trị và bóc lột, khai thác và tàn sát nhưng để làm cho muôn loài muôn vật được sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất này. Thiên nhiên tươi đẹp là một trong những con đường dẫn chúng ta đến với việc nhận biết Thiên Chúa và quyền năng của Ngài trên vũ trụ vạn vật. Khi không đủ khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là người quản lý, con người sẽ coi thiên nhiên là đối tượng phục vụ cho nhu cầu cá nhân, tổ chức… của mình, dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sự sống chung của nhân loại. Người biết khiêm tốn đủ, biết nhìn nhận sự thật rằng vì “địa cầu là của Chúa” (Tv 24,1) và muôn vật trong vũ trụ đều thuộc về Người” (Đnl 10,14), cho nên tất nhiên chúng ta không phải là chủ nhân của địa cầu. “Trái đất hiện hữu trước chúng ta và được trao tặng cho chúng ta… chúng ta phải loại bỏ ý tưởng cho rằng việc được tạo dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa và chế ngự trái đất biện minh cho một sự thống trị tuyệt đối trên các thụ tạo khác…việc “chế ngự” cần được hiểu theo nghĩa là cai quản có trách nhiệm” [19] Ý thức chúng ta không phải là chủ nhân của thiên nhiên, nhưng là những người quản lý trung tín thì chúng ta sẽ biết sống có trách nhiệm hơn với môi trường, trong việc sử dụng tiết kiệm và có ý thức với các nguồn tài nguyên chung, tích cực tham gia các hoạt động “sống xanh” để bảo vệ môi trường.
“Khiêm nhường là bí quyết dẫn lên Thiên đàng” là lời khẳng định của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 15/8/2021. Nơi sự khiêm hạ của Đức Maria, Thiên Chúa đã đến được với nhân loại. Sự khiêm nhường của Đức Maria là lời nhắc nhở: bí quyết cho cuộc hành trình từ cuộc sống trần gian lên Thiên đàng của chúng ta chính là “khiêm nhường”. Trong một xã hội đang tôn vinh cái tôi cá nhân và tập trung mọi ưu tiên, mọi nền tảng công cụ, phương tiện để thỏa mãn nhu cầu được công nhận, được vinh danh, được trân trọng của cá nhân lắm lúc lệch lạc, thao túng và làm hư hỏng nhân cách, thì sống khiêm nhường không làm chúng ta thấp hèn mà ngược lại là nâng cao phẩm giá, giúp chúng ta sống tự do và bình an hơn trong tình yêu của Chúa, hầu có thể thành toàn cuộc lữ hành trần gian này và an vui trở về quê hương vĩnh cửu. Sống chứng tá khiêm nhường là cách chúng ta đem Tin Mừng vào cuộc sống hằng ngày trong các mối tương quan với Chúa, với tha nhân và với chính mình. Sự khiêm nhường được ví như nền tảng của các nhân đức khác, giúp giải phóng chúng ta khỏi những cám dỗ vị kỷ để tự do vươn đến Chân – Thiện – Mĩ. Thế nên để có thể thủ đắc được, chúng ta phải bền tâm theo đuổi và không ngừng luyện tập mỗi ngày. Vì mỗi ngày, những thách đố và cám dỗ làm chúng ta xa rời sự khiêm nhường ngày một tinh vi và khó nhận diện hơn. Xin tình yêu Chúa giúp sức cho mỗi người chúng ta trên hành trình tìm kiếm tự do và bình an trong thánh ý Ngài.
[1] x. Mt 11,29
[2] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM – UBGLĐT, Từ điển Công Giáo, 2026, NXB Tôn Giáo, Hà Nội.
[3] St 1, 26-27
[4] Gs 1, 9
[5] Gl 5,1
[6] https://trangtamly.blog/2023/06/02/ton-giao-religion-duoi-goc-nhin-tam-ly-hoc/
[7] https://uybangiaoduchdgm.net/wp-content/uploads/2020/07/di-tim-le-song-viktor-emil-frankl.pdf
[8] Gc 4,6
[9] Tv 139, 2-3
[10] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM- UB GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, s. 2559
[11] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM- UB GIÁO LÝ ĐỨC TIN, Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, s. 46-55
[12] Kinh nguyện Thánh Thể IV
[13] Tv 77,20
[14] x. 1 Sm 16,6-13
[15] x. ĐGH PHANXICÔ, Tuyên ngôn Dignitas infinita, s.7-8
[16] CÔNG ĐỒNG VATICANO II, Hiến chế Gaudium et Spes, s.21
[17] Ga 15,15
[18] Ga 13, 13-15
[19] ĐGH PHANXICÔ, thông điệp Laudato Si’, 67-69, 116