Đời sống cộng đoàn theo Tu Luật Thánh Augustino

0

ĐỜI SỐNG CỘNG ĐOÀN THEO TU TUẬT THÁNH AUGUSTINÔ

Nt. Maria Đinh Thị Sáng, OP

******

NHẬP ĐỀ

I. CỘNG ĐOÀN HIỆP NHẤT TRONG TÂM HỒN

1. Mục đích nền tảng: một lòng một ý

2. Mục đích cuối cùng: hướng về Chúa

3. Chiều kích tông đồ và chứng tá

4. Chiều kích sám hối và khổ chế

II. CỘNG ĐOÀN HIỆP NHẤT TRONG CỦA CẢI

1. Nền móng vật chất: để mọi sự làm của chung

2. Nền móng tinh thần: khiêm nhường chớ kiêu ngạo

III. CỘNG ĐOÀN SỬ DỤNG CỦA CẢI

1. Nguyên tắc chỉ đạo

2. Một ví dụ điển hình

IV. CỘNG ĐOÀN TÔN KÍNH CHÚA Ở TRONG NHAU

1. Cộng đoàn thờ phượng Chúa và tôn trọng anh em

2. Cộng đoàn và cá nhân là đền thờ của Chúa

KẾT LUẬN

——-

NHẬP ĐỀ

Vào cuối thế kỷ thứ IV, các phe ly giáo và lạc giáo đã không ngừng khuấy đục Giáo Hội. Nền hoà bình của cộng đoàn Kitô hữu được hưởng trong Đế Quốc Rôma chẳng mấy chốc phải chịu sự có mặt của những thành viên bất xứng. Lời rao giảng về Đức Kitô yêu thương có nguy cơ bi rơi vào sự nhàm chán và tẻ lạnh. Trong thời gian đó, Augustinô miền Bắc Phi đã mở mắt đọc những trang đầu tiên của sách Tông Đồ Công vụ. Bỗng nhen nhúm trong anh một niềm hoài nhớ về khuôn mẫu đời sống tinh tuyền, vô vị lợi của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem. Augustinô biết rằng anh không thể canh tân và phục hồi lý tưởng sống của các Tông đồ (đời sống tông đồ, nếp sống tông đồ: vita apostolica) và không thể áp dụng lý tưởng ấy cho toàn thể Giáo Hội được nữa, nhưng điều rõ ràng là anh có thể hồi sinh nếp sống ấy trong lòng Giáo Hội. Anh có thể thiết lập các cộng đoàn đan viện mà anh gọi là monasterium. Những cộng đoàn này sẽ là sự nhập thể cho lý tưởng hiệp thông của Giáo Hội, là dấu chỉ của sự đồng tâm nhất ý, để đối nghịch những kẻ đã phá vỡ sự hiệp nhất ấy. Cộng đoàn do thánh Augustinô sáng lập, theo một cung cách riêng, với viễn tượng là duy trì sự tươi trẻ của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi cho đến ngày Chúa trở lại.

Thánh Augustinô đã viết một bản luật cho cộng đoàn ấy, có lẽ vào năm 397. Luật của thánh Augustinô được kể vào hạng cổ điển nhất trong lịch sử đời tu, sau bản luật thánh Pacômiô (292-346/7), thánh Basiliô (330-379); và trước bản luật thánh Biển Đức (480 – k.547) cả một thế kỷ. Đây là bản luật đầu tiên của Giáo Hội bên Tây Phương. Tuy nhiên, trải qua dòng lịch sử, người ta đã tìm thấy nhiều bản văn mang tên “Tu luật thánh Augustinô”. Lucas Verheijen – một chuyên gia nghiên cứu Tu luật – đếm được tới 9 bản: 4 dành cho nam giới và 5 dành cho nữ giới. Sau nhiều lần lọc đi lọc lại, cuối cùng chỉ còn 2 bản được lọt vào vòng chung kết, đó là: một bản luật dành cho nữ giới (Regularis Informatio) và một bản dành cho nam giới (Praeceptum, còn mang tên là Regula ad servos Dei). Giữa bản văn này có nhiều đoạn giống nhau như đúc. Thánh Augustinô đã viết cả hai bản luật, hay chỉ viết một bản mà thôi (bản kia chỉ là sự thích nghi văn phạm, đổi giống cái sang giống đực)?

Bản luật cổ không phân chương hay đoạn. Cha Lucas Verheijen cung cấp bản văn phê bình bằng tiếng Latinh và phân thành 8 chương, được sách Hiến pháp Dòng Đa Minh lấy lại, nhưng không đặt tiêu đề cho mỗi chương. Các ấn bản gần đây không chỉ phân thành chương với tiêu đề, nhưng còn tái phân thành đoạn và tính số các đoạn tương tự như trong các văn kiện của Giáo hội. Bài chia sẻ này sẽ dùng bản văn Việt ngữ dịch từ tiếng Ý (có đối chiếu với một số bản văn khác nữa).

Trong bản văn Tu luật, từ cộng đoàn (“in unum congregati”) chỉ xuất hiện có một lần (số 3; ch. I), nhưng ý tưởng và quan niệm về “cộng đoàn” thì được trải ra trong mọi khía cạnh của bản luật. Chúng ta không thể tìm thấy một pháp chế nào khác, trong đó ý tưởng “cộng đoàn” được viết ra với đầy đủ ý thức và sức mạnh, làm trọng tâm cho cuộc sống đan viện đến như vậy. Jordan of Saxony, một tu sĩ dòng thánh Augustinô đã nói rất rõ: “Thánh Augustinô đã sáng lập nên một hình thức đời tu xây dựng trên cộng đoàn, và hơn thế nữa, trên sự hiệp thông” (R. Arbesmann & W. Hümpfner, Jordani de Saxonia Liber Vitasfratrum, New York, 1943, tr. 7).

Cộng đoàn ấy theo gương mẫu của các Tông đồ thì đăt sự hiệp thông trong tâm hồn trước tất cả những cái khác. Đó cũng là cộng đoàn hiệp thông trong của cải. Còn hai đặc tính khác không kém phần quan trọng là cộng đoàn sử dụng của cải cộng đoàn tôn kính Chúa ở trong nhau. Bốn tính chất này của cộng đoàn thánh Augustinô được phản ánh trong chương thứ nhất của Bản tu luật. Mục đích chính yếu của Tu luật thánh Augustinô thì rất đơn giản: đó là những anh em phải sống với nhau trong cùng một nhà, và hoà hợp một lòng một ý với nhau, hướng về Thiên Chúa. Toàn bộ sinh hoạt trong mỗi ngày được trình bày trong các chương sau như cầu nguyện, khổ chế, ăn mặc, đi đứng, tông đồ, thực hành quyền bính … sẽ là những triển khai và áp dụng từ những nguyên tắc nền tảng này.

Vì thế chúng ta sẽ trình bày lý tưởng của đời sống cộng đoàn theo Tu luật thánh Augustinô, đăc biệt là chương thứ nhất. Với sự giúp đỡ của một số học giả, và một số bài giảng và tâm thư của thánh nhân, chúng ta sẽ thử phân tích một vài nguyên tắc, đi tìm những yếu tố và những tình huống được đề cập trong chương này, có khi áp dụng và mở rộng sang các chương khác. Hy vọng chúng ta sẽ giúp nhau tìm lại giá trị của nguồn cảm hứng nền tảng cho đời sống chung trong cộng đoàn tu trì hôm nay.

I.  CỘNG ĐOÀN HIỆP NHẤT TRONG TÂM HỒN

Cộng đoàn sống yêu thương là ý tưởng then chốt và chỉ đạo trong toàn bộ Tu luật, được phát biểu rõ ràng trong câu mở đầu và xuyên suốt trong toàn bộ Bản luật. Cộng đoàn ấy được quy tụ với hai mục đích chính: để nên một lòng một ý với nhau và hướng về Thiên Chúa.

1. Mục đích nền tảng: chỉ có một lòng một ý

Khi thánh Augustinô viết Tu luật cho đan viện của ngài, ngài luôn khuyến dụ anh em sống hoà hợp với nhau như chỉ có một lòng một ý. Ngài đặt sự hợp nhất làm mục đích nền tảng cho đời tu:

“Lý do chính yếu mà anh em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để anh em chỉ có một lòng một ý, hướng về Thiên Chúa” (số 3)

Thánh Augustinô đã lớn lên trong lý tưởng cộng đoàn Giêrusalem. Lúc đầu ngài giải thích quan niệm “một lòng một ý”, theo truyền thống đan tu cổ xưa trước đó, nói đến sự thống nhất nội tâm con người với tư cách là một cá nhân. Nhưng ít lâu sau, “sự hiệp nhất trong tâm hồn” nhận được một lời giải thích khác và liên hệ tới đời sống cộng đoàn.

Thật vậy, từ monos trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là “một”. Từ này thuộc về từ vựng của luân lý Kitô giáo ở Do Thái, chỉ đến sự đơn sơ của con tim. Người đơn sơ chân thành là người có trái tim không bị chia sẻ, họ tránh xa lối sống và những sinh hoạt phóng đãng làm cho cuộc đời bị phân thành từng mảnh. Họ biết chắp lại thành một bằng cách dâng hiến toàn thân cho Chúa. Cuộc chiến đấu nội tâm này làm cho một người trở thành đan sĩ, monachos (Hy Lạp) hay monachus (La Tinh).

Trong linh đạo đời tu của Augustinô, con tim (lòng) đóng một vai trò trung tâm. Con tim không chỉ nói đến những xúc cảm, ý nghĩ mà con nói về chiều sâu của một con người. Đó là biểu tượng của một con người với tất cả sự huyền bí thâm sâu của nó. Con tim là bàn thờ của Thiên Chúa, là nơi con người thánh hiến chính mình cho Ngài cách hoàn hảo nhất. Mỗi thành viên được mời gọi mang con tim mình đến với cộng đoàn để kiến tạo một cộng đoàn đích thực. Đó là tình yêu làm cho “nhiều” trở nên “một”. Điều mà thánh Augustinô đã làm là giải thích theo hướng lý tưởng đời sống cộng đoàn. Dĩ nhiên ngài vẫn giữ quan niệm hiệp nhất làm trung tâm, nhưng không phải là sự hiệp nhất nội tâm bên trong con người, mà là sự hiệp nhất với người khác. Họ trở nên “một lòng một ý”, nghĩa là “nhiều thân xác chứ không phải nhiều ý, nhiều thân thể chứ không phải nhiều con tim” (In Ps 132,6).

Như vậy sống đoàn tụ để chỉ có một lòng một ý giả thiết một sự biến đổi thâm sâu của toàn thể con người. Nó giả định rằng mỗi ngày chúng ta phải cởi bỏ con người cũ mà mặc lấy con người mới. Nếu ai không muốn chấp nhận cuộc sống “một lòng một ý” với anh em, thì như nhà viết luật xác định, người ấy không có lý do ở lại cộng đoàn. Trong Tu luật ngài đưa ta hai trường hợp trục xuất anh em: lỗi khiết tịnh sau khi được cộng đoàn sửa mà không chịu nhận (số 27; ch. IV) và cãi vã nhau mà không tha thứ (số 42; ch. VI). Thật vậy, nếu anh nhạc công không muốn tiếp tục tham gia vào buổi hoà tấu với các đồng nghiệp, thì ở lại dàn nhạc làm gì? Nếu anh cầu thủ không chấp nhận những luật chơi với đội bóng thì tại sao không loại anh ra khỏi sân cỏ? Sự hiện diện của họ không còn có ý nghĩa gì nữa.

Augustinô đã để lại dấu ấn rất riêng trên đời tu. Tư tưởng của ngài tiến triển, từ một lối giải thích cá vị đến lối giải thích liên vị. Từ monachus ngài chuyển thành monasterium. Từ một đan sĩ sống cô độc ngài giải thích thành đan viện và cộng đoàn đan tu. Ngài không chọn lối sống cô độc nhưng ao ước dấn thân hết mình cho người khác trong đời sống cộng đoàn. Chia rẽ và phân tán đối với ngài là từ chối tình yêu.

2. Mục đích tối hậu: hướng về Chúa

Sư đồng tâm hiệp ý với nhau thì cần thiết để kiến tạo nên một nhóm, một tổ chức, một hiệp hội cho dù có nhiều tính khí khác nhau. Đó đơn giản chỉ là luật xã hội. Nhưng cuộc sống hài hoà mà thôi thì không đủ cho một nhóm hay một cộng đoàn tu trì, mà cần phải có những con người đồng lòng hướng về Chúa (in Deum; on the way to God); lấy Chúa là mục đích của mình thì mới làm nên ý nghĩa của đời tu. Nhóm người ấy trở thành cộng đồng các kẻ tin, một cộng đồng đức tin. Trở nên một lòng, một linh hồn hướng về Chúa là cột trụ hàng đầu (primum propter quod) trong linh đạo đời tu Augustinô, là động lực chính yếu cho việc chia sẻ cuộc sống trong một nhà. Chính xác mà nói, yếu tố phân biệt cộng đoàn tu trì của Augustinô với các cộng đoàn khác là anh em hết mình tìm kiếm Chúa. Họ phải theo đuổi mục đích này chứ không phục vụ cho một mục đích nào khác.

Vậy in Deum, điều này có nghĩa là:

– Chúa là nguồn mạch và đích điểm của cộng đoàn. In Deum (thể đối cách chỉ đến một sự biến chuyển năng động): cộng đoàn là những người hành hương không ngừng tìm kiếm Chúa, cho đến khi được an nghỉ trong Chúa.

– “trở nên một lòng một ý hướng về Chúa” không chỉ nói tới thực tại cánh chung mà còn cho thấy kinh nghiệm sống lý tưởng đó trong hiện tại.

– có đạt được kết quả là nhờ hồng ân của Chúa, nếu không có ơn ban thì mọi nỗ lực và chương trình xây đựng cộng đoàn đều trở nên thất bại.

Như đã nói, lý tưởng sống “một lòng một ý” mới chỉ là đích điểm trung gian chứ chưa phải là mục đích cuối cùng của đời tu. Cùng đích của đời tận hiến không phải là tình huynh đệ, càng không phải là thi hành sứ vụ sao cho có hiệu quả nhất. Mục đích tối hậu của ơn gọi tu sĩ là chính Thiên Chúa. Trước khi kết thúc bản luật, xem ra Tu luật xác định lại một lần nữa cùng đích ấy bằng ngôn ngữ chiêm niệm: “Xin Thiên Chúa ban cho anh em biết tuân giữ những quy tắc trên đây như những người mê say vẻ đẹp thiêng liêng” (số 48; ch. VIII)

“Chiêm ngắm vẻ đẹp thần linh” là nét tiêu biểu của tư tưởng hiền triết Pythagore và Platone mà thánh Augustinô đã vay mượn. “Vẻ đẹp thần linh” là gì ? Thánh nhân đã từng gọi Thiên Chúa là “Cha của thẫm mỹ”. “Người là cái đẹp của tất cả cái đẹp” (Conf. 3, 6, 10). Thật là cảm động nghe câu nói nổi tiếng của thánh nhân hối hận vì đã muộn màng biết Chúa: “Con yêu Ngài quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất cổ và rất mới, con yêu Ngài quá muộn màng !” (Conf. 10, 27, 3). Vẻ đẹp của Thiên Chúa sẽ được cụ thể hoá trong con người của Đức Kitô, “Người siêu vượt trên tất cả vẻ đẹp” (Tv 45, 3; x. De sancta virginitate, 54, 55).

3. Chiều kích tông đồ và chứng tá

    Hiệp thông với nhau như chỉ có một lòng một ý không chỉ khép lại trong phạm vi của một Giáo hội thu nhỏ là đan viện. Tu luật còn cho chúng ta đối diện với một tinh thần quan trọng, đó là hiệp nhất trong tất cả mọi sự, khi ở trong nhà cũng như lúc ra ngoài: phải luôn trao cho người khác chứng từ về tình huynh đệ:

“Khi ra khỏi nhà, anh em hãy đi với nhau. Khi đến nơi nào hãy ở lại cùng với nhau” (số 20). Thậm chí cả “khi đi tắm hay cần đi bất cứ nơi nào thì phải cho ít nhất hai hay ba người cùng đi” (số 36). Khi ra ngoài, Tu luật khuyên anh em “đừng có điều gì gây khó coi cho người khác” (số 21). Bằng cách này anh em giúp nhau sống đời thánh hiến cách chân chính. Anh em cần phải là những tấm gương sáng, những chứng từ sống động “toả ngát hương thơm Chúa Kitô qua cuộc sống tốt lành” (số 48). Đối tượng của đời sống chứng tá đó được xác định trong thư của thánh Phaolô: “Vì chúng tôi là hương thơm của Đức Kitô dâng kính Thiên Chúa, toả ra giữa những người được cứu độ cũng như những kẻ bị hư mất” (2 Cr 2, 15).

Tuy nhiên cần phải xác tín rằng chứng từ không chỉ có tính cách cá nhân mà còn mang chiều kích cộng đoàn nữa. Chứng từ bằng cuộc sống âm thầm là dạng thức phục vụ đầu tiên của Tin Mừng mà các tu sĩ có thể trao ban cho thế giới bên ngoài. Cuộc sống cộng đoàn huynh đệ bên trong đan viện đã là quan trọng, nhưng cần phải có cả danh thơm tiếng tốt toả ra bên ngoài. Mọi hành vi đi đứng của chúng ta phải xứng với sự thánh thiện, bởi vì khi chúng ta khấn công khai, người đời có quyền đòi hỏi và nhận nơi người thánh hiến chúng ta những tấm gương sáng.

Chính vì thế mà đời tu mang đặc tính bí tích hơn là hiệu năng: trở nên dấu chỉ hơn là xông xáo năng động: “Cứ dấu này mà người ta nhận biết anh em là môn đệ Thầy: đó là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 13, 35); “để họ được hoàn toàn nên một, như vậy thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai Con” (Ga 17, 23). Xét dưới khía cạnh tông đồ và lời chứng, một lần nữa chúng ta thấy có lẽ không có Tu luật nào nhấn mạnh nhiều đến tình hiệp thông ngự trị giữa cộng đoàn như Tu luật thánh Augustinô.

4. Chiều kích sám hối và khổ chế

Mặt trái của đời sống “toả ngát hương thơm Chúa Kitô” là những khó khăn trong đời sống cộng đoàn huynh đệ. Thánh Augustinô đã biết rất rõ những xung khắc trong cộng đoàn như thể đến mức báo động. Ngài đã dành nhiều khoản luật đề cập đến vấn đề này (ch. III và VI), đến nỗi làm cho độc giả hôm nay có cảm giác ngột ngạt, nặng trĩu. Tuy nhiên, đứng trên bình diện khác, thánh Augustinô cũng có thái độ bình thản và tín nhiệm anh em. Người thường nói đến đề tài người tốt và kẻ xấu sống chung với nhau như cây lúa và cỏ lùng trong thửa ruộng Giáo hội. Thật vậy, đời sống tu trì không phải là quan lộ dành riêng cho những người hoàn thiện, nhưng là nẻo đường cho những ai ao ước tìm kiếm sự hoàn hảo Phúc Âm, trong đó lỗi lầm và vấp ngã là những chuyện xảy ra rất thường tình.

“Tôi thú nhận rất chân thành rằng thật khó tìm thấy những người tốt hơn các đan sĩ, nhưng tôi cũng không bao giờ thấy ai xấu hơn các đan sĩ đã phản bội ơn gọi của mình. Vâng, tôi đau buồn vì một vài cục phân bớn, nhưng tôi lại được an ủi vì có nhiều đồ trang sức có giá trị” (Ep. 78,9).

Vì thế, đối với thánh Augustinô, nếu ca ngợi cuộc sống tu trì như tất cả mọi sự đều tốt đẹp, thì đó là cạm bẫy tinh vi nhất, còn hạ thấp đời tu như thể mọi người đều xấu xa, thì lại là một bất công trắng trợn.

Để khắc phục những trở ngại, cần phải thực hành việc sửa lỗi trong đức ái, và đó là sự khổ chế của Kitô giáo. Như vậy ở đây, đời sống cộng đoàn mở rộng sang phạm vi sám hối. Về việc sửa lỗi huynh đệ, thánh Augustinô thiết lập: nguyên tắc, tiền đề thiết yếu và kỹ thuật.

–  Nguyên tắc được nói đến trong một câu rất nổi tiếng và rất hay: “yêu con người và ghét nết xấu” (số 28; ch. IV).

–  Tiền đề thiết yếu phải có: đức ái (số 27; ch. IV)

–  Kỹ thuật của việc sửa lỗi huynh đệ: thực hiện các bước theo Tin Mừng Matthêu 18, 15-17 như nếp sống của cộng đoàn các Kitô hữu xưa, và thêm một bước trung gian là báo cho Bề trên và ngài sẽ can thiệp trước khi đưa ra cộng đoàn (số 25-27; ch. IV). Nhưng tại sao nếp sống đan tu lại sáng nghĩ ra một bước mới? Có lẽ vì mục đích giữ lấy danh dự cho người phạm lỗi, như chính bản Tu luật tuyên bố: “để tránh cho người khác biết”. Thế đấy, vào thời đó người ta đã biết xét đến quyền bảo vệ chuyện đời tư và quyền bảo vệ danh dự!

Tu luật dành cho bề trên quyền sửa chữa anh em và ra hình phạt. Đây cũng là cơ hội ta có thể khám phá tinh thần hiệp thông cộng đoàn trong việc thi hành quyền bính. Vì những cộng đoàn Augustinô xuất phát từ nhóm bạn bè, cho nên rõ ràng người có trách nhiệm trong cộng đoàn không bao giờ được gọi là abbas hay amma, mà là praepositus hay praeposita (praepositus = prae (trước) + positus (được đặt), người được đặt đi trước, người làm đầu (xem số 46; ch. VII). Đan viện trưởng là người lãnh đạo cộng đoàn nhưng vẫn thuộc hàng ngũ anh em đan sĩ. Bề trên là người có “trách nhiệm trước hết” nhưng không phải là người duy nhất lãnh trách nhiệm, mà tất cả mọi người trong cộng đoàn đều chia sẻ trách nhiệm đó. Đối với Augustinô, mô hình cơ cấu của cộng đoàn tu trì không phải là hình kim tự tháp theo khuôn mẫu phẩm trật của xã hội Rôma thời đó, mà là một hình tròn theo khuôn mẫu của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi. Khi thi hành trách nhiệm, nhất là khi sửa lỗi cho anh em, bề trên phải nhìn thấy, lưu tâm và tôn trọng sự khác biệt giữa các phần tử trong cộng đoàn (số 16, 17; ch. III), dùng đức ái đối với tất cả mọi người, nhưng không cùng một biện pháp như nhau (x. De catechizandis rudibus, 15, 23). Vì thế, Tu luật yêu cầu:

–  Đối với những người khuấy động : uốn nắn và chỉnh đốn

–  Đối với người nhát đảm sợ hãi : khích lệ và an ủi

–  Đối với người yếu đuối : đón nhận và yểm trợ

–  Đối với hết mọi người : kiên nhẫn; điều này cần thiết nhất !

II. CỘNG ĐOÀN HIỆP NHẤT TRONG CỦA CẢI

Chúng ta là những con người mang lấy một thân xác với tất cả những gì thiết yếu vật chất, chứ không phải như các thiên thần. Nếu không có sự hiệp nhất trong tâm hồn thì chắc chắn đời tu không có lý do tồn tại; nhưng nếu thiếu sự hiệp nhất cụ thể về của cải vật chất, thì hiệp thông trong tâm hồn trở thành gian dối và giả hình. Do đó, đối với thánh Augustinô, lý tưởng sống như “chỉ có một lòng một ý, hướng về Thiên Chúa” (số 3; ch. I) sẽ trở thành thực tế, được phản ánh trong những thực hành thường ngày của cuộc sống chung. Những thực hành cụ thể ấy sẽ biểu lộ một tâm hồn rộng mở của anh em như thế nào đối với Chúa và với cộng đoàn. Để mọi sự làm của chung với lòng quảng đại, khiêm nhường và thanh thoát, là những nền móng vật chất và tinh thần xây dựng toà nhà cộng đoàn đồng tâm nhất trí, sự hiệp thông giữa các tâm hồn trở thành hữu hình và nhập thể.

1. Nền móng vật chất: để mọi sự làm của chung

Tu luật viết: “Anh em đừng nói : ‘cái này của tôi’, nhưng tất cả đều là của chung cho anh em” (số 4; ch. I).

Khi nói đến việc từ bỏ quyền tư hữu và để mọi sự làm của chung, chúng ta thường nghĩ ngay đến “lời khấn khó nghèo”. Nhưng thực sự thánh Augustinô đã nghĩ khác: sống thanh đạm bằng cách chia sẻ của cải, hay là để mọi sự làm của chung, để tạo nên một xã hội tốt hơn và đem lại một cộng đồng thực sự cho nhân loại. Khó nghèo là để đến với người khác trong tình bạn hữu và đồng chí, mà không liên quan trực tiếp đến ý hướng tông đồ. Khó nghèo là điều kiện dẫn tới đời sống cộng đoàn yêu thương.

Đó cũng là lý do vì sao thánh Augustinô đột ngột chuyển từ lý tưởng tinh thần (trở nên một lòng một ý) sang lý tưởng vật chất (để mọi sự làm của chung) như vậy. Trong tư tưởng của thánh nhân, để mọi sự làm của chung là sự diễn tả và thể hiện đầu tiên của tình yêu giữa anh em đối với nhau, là điểm khởi đầu để thực hiện mục đích sống hợp nhất nên một. Tình yêu bắt đầu với việc cho đi và chia sẻ trước hết những cái mình có (x. In Jo 5,12). Hiệp thông với nhau trong của cải, xét về mặt vật chất, có nghĩa là:

– Điều kiện tiên quyết quy tụ mọi người nên một

– Điều kiện tuyệt đối cho đời sống chung

– Điều kiện cơ bản để đạt tới sự hiệp thông trọn hảo

Thánh Augustinô xem ra đã không đánh giá sự hiệp nhất về tinh thần cao trọng hơn sự hiệp nhất về vật chất. Để mọi sự làm của chung không chỉ là điều kiện để yêu thương nhau mà còn thuộc về yếu tính của tình yêu, và cả hai quan hệ với nhau. Sau khi vào đan viện và đặt mọi sự làm của chung, những điều người này có thì bây giờ cũng thuộc về người kia, và ngược lại. Sự hiệp thông của cải chỉ đến tình yêu, còn tình yêu ám chỉ đến sự hiệp thông của cải.

Tại sao Augustinô cho việc chia sẻ của cải vật chất một tầm quan trọng như vậy, dẫu biết rằng đời sống chung không chỉ có trong hiệp thông của cải?

Trong bản Tu luật, thánh Augustinô dạy “Anh em đừng nói : ‘cái này của tôi’, nhưng tất cả đều là của chung”. Rồi sau đó ngài quy chiếu rất rõ về sách Tông đồ Công Vụ : “Anh em đọc thấy trong sách Tông Đồ Công Vụ : Họ để mọi sự làm của chung, và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của mình” (số 4; ch. I).

Sách Tông Đồ Công Vụ mô tả rất hay về đời sống của cộng đoàn các Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem ở hai chỗ là Cv 2,42-47 : việc cầu nguyện, bẻ bánh, học hỏi giáo huấn của các Tông đồ, để mọi sự làm của chung; và Cv 4,32-35: “Họ để mọi sự làm của chung, và phân phát cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu của mình”. Nhưng thánh Augustinô xem ra chỉ chú ý đến đoạn thứ hai. (Người đã chú giải đoạn văn này hơn 50 lần trong toàn bộ tác phẩm của mình). Tại sao không nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, cử hành Thánh Thể và giáo huấn Tông đồ? Thưa bởi vì, xuyên qua những đổi thay xã hội xảy ra vào cuối thế kỷ IV, trong bốn điều cao quý của Giáo Hội ban đầu, điều đã bị đánh mất đó là đời sống chung.

Trước đó, thánh Antôn cũng được đánh động bởi đoạn Kinh thánh này, đã tìm cách thoát ly khỏi của sự ràng buộc của của cải vật chất để nhằm mục đích tiến tới sự hiệp nhất nội tâm cá nhân với Thiên Chúa và với Đức Kitô. Một khi gỡ mình ra khỏi sự dính bén của cải trần thế để đi theo Chúa (Mt 19,21) và trực chỉ khát vọng tìm kiếm Chúa như là gia tài đích thực, thì con người mới trở thành tự do. Thánh Augustinô cũng thấy những giá trị đó, nhưng coi đó là cuộc theo đuổi sự trọn lành mà căn bản chỉ mang tính cách cá nhân. Ngài coi việc chia sẻ những điều mình có là thái độ tích cực của cuộc sống, là ao ước đặt tư lợi ra đằng sau, để tìm kiếm hạnh phúc thực sự trong tình huynh đệ cộng đoàn. Việc để mọi sự làm của chung không phải là nhắm tới sự từ bỏ của đan sĩ, nhưng là để kiến tạo nên những mối tương quan mới của bình đẳng và chân chính trong đan viện. Điều mà Augustinô nhấn mạnh không phải là “không có của” mà là “có của chung”.

Thật vậy, trong cộng đoàn của các Tông đồ, không ai bị ép buộc phải bán hết tài sản và nộp tiền cho các Tông đồ. Các tín hữu cũng được tự do giữ lại một phần nào đó cho riêng mình (trường hợp của vợ chồng Khanania và Xaphira bị phạt là vì đã cố tình lừa dối các Tông đồ). Nhưng trong đan viện của thánh Augustinô thì đó là môt điều bắt buộc hết mọi thành viên. Điều không thể áp dụng được cho cộng đoàn Giêrusalem rộng lớn, nhưng lại trở nên khả thi đối với cộng đoàn bằng hữu nhỏ bé của Augustinô. Đặc biệt trong hai Bài Giảng 355 và 356, Ngài nhấn mạnh đến việc từ bỏ quyền tư hữu để xây dựng cộng đoàn tu trì. Ngài sẵn sàng loại ra khỏi đan viện và khỏi hàng ngũ giáo sĩ, những người nào không trung thành với lời cam hết để mọi sự làm của chung.

Thực ra, việc trao của cải của mình vào một kho chung được xem như dấu hiệu nói lên ý muốn hoán cải của người anh em. Nó giống như một hành động mang tính bí tích, là dấu hiệu bề ngoài và hữu hình chỉ đến ân sủng linh thiêng bên trong. Đó không là cử chỉ bày tỏ sự ưng thuận với những tập tục của cộng đoàn, không chỉ đơn giản là biểu hiện của sự bỏ mình cách tự nguyện, là lời khẳng định dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa khi bước vào cánh cửa đan viện. Còn hơn thế nữa, đối với Augustinô khi đặt của cải trước mặt cộng đoàn, người anh em cam kết dấn thân cho sự sống của cộng đoàn đó. Anh phải sẵn sàng cho đi và cho đi tự nguyện. Thật vậy, tiêu phí của cải mà thôi thì chưa đủ, phải tiêu phí hết sức lực và con người của anh vì cộng đoàn (2Cr 12,15).

Đây là chiều kích Giáo Hội và bí tích của đời sống cộng đoàn.

2. Nền móng tinh thần: khiêm nhường chớ kiêu ngạo

Một trong những nét đặc trưng của thế kỷ thứ IV là sự phân chia giàu nghèo và tình trạng xã hội. Xã hội của Augustinô còn tồn tại một hố sâu ngăn cách giữa nhiều người nghèo và ít người giàu. Vấn đề xã hội là một trong những đề tài nổi bật trong các bài giảng của ngài. Để đối lập với vấn đề xã hội như vậy, Ngài đã chọn lựa cộng đoàn tu sĩ của ngài như một hình thái của đời sống chung thay cho xã hội. Cộng đoàn của thánh Augustinô bao gồm những người trước đây có tài sản và những người trước kia không có tài sản. Một khi bước vào đan viện, không phải hạng người thứ nhất hay hạng người thứ hai có một vị trí may mắn hơn những người khác. Đó là điều kiện quan trọng cho sự hòa hợp một lòng một ý.

Trong cộng đoàn có những người trước kia là nghị sĩ, công tước, gia đình quý tộc. Họ là những người có vai vế và là thành phần ưu tuyển trong xã hội, được hưởng nhiều tài sản do cha ông để lại. Những người “tai mắt” này có thể gây tổn thương cho đời sống chung khi sống giữa các anh em xuất thân từ hoàn cảnh xã hội trái ngược. Vì thế nhà viết Tu luật cũng phối hợp việc quảng đại cho đi với thái độ khiêm nhường :

“Ai khi còn ở ngoài đời có được sự kính trọng thế nào đi nữa, thì đừng khinh bỉ các anh em của mình vốn nghèo khó nhưng đã gia nhập cộng đoàn thánh thiện này. Đúng hơn phải hãnh diện, không vì cha mẹ giàu sang quyền quý, nhưng vì được sống chung với anh em nghèo. Đừng khoe khoang vì đã chuyển nhượng một phần tài sản mình cho cộng đoàn; đừng kiêu căng vì đã phân chia của cải cho đan viện, thay vì hưởng dụng ngoài đời” (số 8; ch. I,3).

Bên cạnh đó, phần đông anh em trong đan viện xuất thân từ những người nghèo về mọi mặt: vật chất, địa vị xã hội, cả luân lý và lý tưởng nữa. Thánh Augustinô đã tâm sự trong tác phẩm De opere monachorum (Công việc của các đan sĩ) như sau:

“Đa số họ xuất thân từ thân phận nô lệ hoặc là những người đã được phóng thích… nông dân, người thợ thủ công. Sẽ là một tội phạm nếu ta không tiếp nhận họ, bởi vì ‘Thiên Chúa đã chọn trong thế gian những gì là yếu đuối’ (1Cr 1, 27). Tư tưởng đạo đức và thánh thiện này mở cửa đan viện cho cả những ai không chứng tỏ đã hoán cải hoặc trở nên tốt hơn. Chúng ta không biết họ đến với ý định phụng sự Chúa hay là để trốn tránh cuộc sống nghèo khổ, cơ cực, để được đảm bảo có của ăn áo mặc, và cũng để được người đời tôn trọng, mà trước đây họ bị người ta khinh dể và xua đuổi” (De opere monachorum 22, 25).

Chúng ta có thể tưởng tượng biết bao vấn đề về đời sống chung tất yếu sẽ xảy ra. Những người giàu thì hy sinh dâng những lợi nhuận riêng tư cho cộng đoàn cách quảng đại, còn người nghèo thì lợi dụng để hưởng nhờ. Thánh Augustinô đối diện với vấn đề này rất thẳng thắn và dứt khoát. Ngài nhắc nhở họ:

“Đừng vênh váo vì được hợp đoàn với những người mà xưa kia mình không dám đến gần và đừng tìm kiếm những gì phù phiếm thế gian; kẻo đan viện nên hữu ích cho người giàu, mà không cho người nghèo, nếu ở đó người giàu thì khiêm nhường còn người nghèo lại kiêu ngạo(số 8; ch. I,4)

Khiêm nhường trở thành điều kiện thiết yếu để xây dựng cộng đoàn. Không thể có cộng đoàn đích thực nếu không có đức khiêm nhường. Nhân đức này là nền móng thiêng liêng để xây dựng nên cộng đoàn. Chỉ có lòng khiêm nhường mới duy trì được sự hiệp nhất và sự khác biệt. Khiêm nhường giúp ta mở lòng ra với người khác và cản ngăn ta không quay về đặt mình làm trung tâm. Thánh nhân nói : “Ở đâu có khiêm nhường ở đó có bác ái” (In 1Jo, prol.). Người nhấn mạnh nhiều lần nhân đức này trong một lá thư viết cho người bạn:

“Dioscoro thân mến, để đến với sự thật, con đường đầu tiên là khiêm nhường, con đường thứ hai là khiêm nhường và con đường thứ ba vẫn là khiêm nhường. Mỗi lần bạn hỏi tôi về điều này thì tôi sẽ mãi mãi trả lời như vậy” (Ep. 118, 3, 22).

Tuy nhiên, đức “khiêm nhường” không phải khẩu hiệu thời trang của thời đại chúng ta, thậm chí ngay cả nơi người Kitô hữu. Có lẽ bởi vì người ta đã lạm dụng nó, nhất là với mục đích chế ngự người khác. Ngày nay người ta thích thay thế nó bằng những từ khác như : từ tốn, bình dị, phục vụ…

III. CỘNG ĐOÀN SỬ DỤNG CỦA CẢI

Sự hiệp thông với nhau trong của cải dẫn đến hiệp thông với nhau trong việc sử dụng. Đối với thánh Augustinô, tất cả những ai bước vào đan viện đều phải chia sẻ mọi sự cho cộng đoàn. Đến lượt anh cũng có quyền chờ mong cộng đoàn thoả mãn những nhu cầu của anh. Tôn trọng những nhu cầu cá nhân là một nguyên tắc rất quan trọng và căn bản cho đời sống chung.

1. Nguyên tắc chỉ đạo

1) Bề trên sẽ phân phát của ăn áo mặc cho mỗi người” (số 4; ch. I,2). Để đảm bảo mọi sự được sử dụng theo nhu cầu, một người trong cộng đoàn với sự hiểu biết và nắm bắt mọi nhu cầu của mọi thành viên, sẽ chịu trách nhiệm phân phát. Nếu trách nhiệm này do bề trên đảm nhận thì mỗi anh em có thể tự do dâng hiến thời gian và sức lực của mình để tìm kiếm và phục vụ Chúa. Tuy nhiên, họ có bổn phận đồng trách nhiệm xây dựng cộng đoàn hoà hợp một lòng một ý. Thái độ của cộng đoàn là chấp nhận những nhu cầu của người khác. Ví dụ: Khi có người được ăn uống khá hơn thì đừng nghĩ họ may mắn hơn (số 16; ch. III); trong sự phân phối y phục, anh em đừng phân bì lẩm bẩm với nhau, hay phàn nàn, bực tức (số 30; ch. V,2)

2) “Bề trên không phải cho ai cũng như nhau, vì không phải tất cả anh em đều khoẻ mạnh như nhau, nhưng ai cần bao nhiêu sẽ cho bấy nhiêu”. Nguyên tắc cơ bản là: “bình đẳng trong sự khác biệt”. Bình đẳng vì mỗi người đều được hưởng dùng của cải, nhưng khác biệt theo cách phân phối cân xứng với nhu cầu của mỗi người. Sự khác biệt giữa anh em, theo Tu luật, không chỉ là vấn đề sức khoẻ, hay tình trạng xã hội mà anh em xuất thân, mà còn nói đến sự khác nhau về khả năng khổ chế của mỗi người (chương III). Như vậy Tu luật chắc chắn cho phép ta mở rộng sang các lãnh vực khác nữa. Không nên tìm một giải pháp dễ dàng là động bộ. Đồng bộ giản lược con người vào các con số, thì không phải là đồng tâm nhất trí. Cộng đoàn xét như sự đồng bộ sẽ dẫn tới chỗ, không chỉ phá huỷ con người, mà còn phá huỷ đời sống cộng đoàn đích thực nữa.

3) Tình yêu là ý tưởng chủ đạo của toàn bộ Tu luật. Tất cả đòi hỏi phải có tình yêu. Tình yêu sẽ dạy cho ta biết tôn trọng những điều khác biệt của người khác. Việc cung cấp theo nhu cầu là một hành vi của tình yêu và cũng là sự diễn tả lòng nhân lành của Chúa.

2. Một ví dụ điển hình

Tu luật đưa ra một trường hợp áp dụng cho nguyên tắc chung về sự hiệp thông tài sản và phân phối theo như cầu:

“Do đó khi có ai gửi cho con cái mình hoặc những người họ hàng đang sống trong đan viện, y phục hay bất cứ đồ dùng nào khác, thì không được nhận cách lén lút, nhưng phải nộp cho bề trên để làm của chung và phân phát cho ai cần” (số 32; ch. V,4)

Tu luật không chấp nhận khoản trừ, dù đó là những vật dụng cần thiết hoặc quà tặng do những người thân yêu. Phải luôn luôn áp dụng nguyên tắc chung về sự hiệp thông tài sản, nghĩa là: quà nhận được thì để cho mọi người dùng chung và phân phối theo nhu cầu anh em trong cộng đoàn, bởi vì theo Tin Mừng (Mc 3, 31-35) mối dây liên hệ huyết tộc trong gia đình cũ không được trổi hơn tình nghĩa thiêng liêng trong gia đình mới là đan viện.

Đứng trước một khoản luật triệt để như vậy, nhiều người cảm thấy lúng túng. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu đúng đắn tinh thần của luật, đừng biến một trường hợp cụ thể thành một định luật tổng quát. Tác giả trưng dẫn một “hoàn cảnh ngoại thường” nhằm làm khuôn mẫu mực cho một lý tưởng. Đó không phải là luật lệ buộc phải tuân hành theo đúng mặt chữ, mà chỉ là những “ví dụ nghịch lý” nhằm nêu lên một lý tưởng nào đó. Nói chung, những “khuôn mẫu điển hình” muốn tạo ra một thái độ nội tâm triệt để: ở đây là thái độ sẵn sàng chia sẻ; nó thuộc lãnh vực ý chí, sẽ mau mắn diễn ra thực hành khi có cơ hội.

IV. CỘNG ĐOÀN TÔN KÍNH CHÚA Ở TRONG NHAU

Chương thứ I của Tu luật hình thành một đơn vị hoàn hảo và thống nhất. Thật vậy, nó mở đầu bằng câu: “Lý do chính yếu mà anh em đoàn tụ làm một là để sống đồng tâm nhất trí trong một nhà, và để anh em chỉ có một lòng một ý hướng về Thiên Chúa” (số 3; ch. I,2). Rồi kết thúc : “Hết thảy anh em hãy đồng tâm nhất trí, hoà thuận với nhau, hãy tôn kính Thiên Chúa ở trong anh em, vì anh em là đền thờ của Người” (số 9; ch I,5). Cả hai khoản xem ra song song với nhau và bao gồm cả hai chiều kích ngang và dọc. “Hướng về Chúa” ở câu thứ nhất được đổi thành “tôn kính Thiên Chúa ở trong anh em” trong câu thứ hai. Vậy phải chăng câu thứ hai là lời giải thích cho câu thứ nhất? Nếu “hướng về Thiên Chúa” mang ý nghĩa cánh chung thì “tôn kính Thiên Chúa ở trong nhau” chỉ đến thời gian hiện tại. Ngay bây giờ, trên con đường hướng về Thiên Chúa, chúng ta phải tôn kính Chúa ở trong anh em, bởi vì anh em là đền thờ của Người.

1. Cộng đoàn thờ phượng Chúa trong anh em

Khi nói đến “tôn kính Chúa” chúng ta thường nghĩ ngay đến việc phượng tự dưới hình thức cầu nguyện, thờ lạy, suy niệm, cử hành Thánh Lễ hay các Bí tích khác trong phụng vụ. Nhưng khi nói về việc thờ phượng Chúa, thánh Augustinô nghĩ ngay trước hết đến tương quan tình yêu giữa con người với nhau. Hình thức đầu tiên của việc phụng tự được tìm thấy trong một đời sống cộng đoàn. Đời sống cộng đoàn yêu thương nhau đảm nhận một khía cạnh gần như phụng vụ, một sự tôn kính Thiên Chúa thực sự và công khai hiện diện trong người khác. Chính khi ở trong cộng đoàn mà ta có thể gặp được Chúa. Do đó thờ phượng Thiên Chúa và tôn trọng nhau là hai thái độ có tương quan chặt chẽ và bổ túc cho nhau. Thánh Augustinô nói: “Chúa được tôn vinh khi anh em sống hoà thuận với nhau. Anh em đừng ca tụng Chúa trong sự bất hoà” (In Ps. 123, 13).

Có lẽ vì thế mà Bản luật bàn về việc cầu nguyện ở chương II, sau khi đã nói về huynh đệ cộng đoàn trong Thiên Chúa. Điều này có nghĩa là đời sống đức tin và đức ái đi trước, rồi sau mới đến cầu nguyện. Thứ tự hệ trật này rất đúng trong tư tưởng của thánh Augustinô. Dù dành cho việc cầu nguyện một chương ngắn nhất, thánh nhân vẫn lưu ý đến tinh thần cộng đoàn:

– trong việc giữ giờ khắc đã được cộng đoàn ấn định

– ngoài những giờ khắc cầu nguyện chung với giáo dân như thói quen của các đan sĩ thời đó, Tu luật tiên liệu nhà nguyện phải xứng hợp cho việc cầu nguyện chung trong cộng đoàn

– nhắc nhở chọn bài hát theo những quy định, để cho giờ cầu nguyện chung được sốt sắng và hoà hợp, nhưng Tu luật cũng tôn trọng những tâm tình đạo đức của mỗi cá nhân khi khuyến khích họ cầu nguyện riêng.

Cầu nguyện, thờ lạy, suy niệm, Thánh thể và cuộc sống bí tích tự nó không phải là những tiêu chuẩn để đánh giá tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Vậy tiêu chuẩn để đánh giá là gì? Trong chương thứ V khi đề cập đến việc anh em lo cho ích lợi chung trong cộng đoàn, Tu luật viết: “Vậy càng lo cho công ích hơn tư lợi bao nhiêu anh em càng thấy mình tiến bộ về sự trọn lành bấy nhiêu” (số 31; ch. V,2). Thoạt tiên chúng ta thấy đây là một tiêu chuẩn xem ra hơi lạ của đời sống tâm linh! Sự quan tâm đến việc chung hơn việc riêng là dấu chỉ cho thấy đã tiến tới đời sống trọn lành của đời tu hay sao? Thế còn đời sống cầu nguyện, sám hối, khổ chế và bác ái thì sao? Tuy nhiên, nếu xem việc chuyên chăm lo cho công ích là biểu hiện của tình yêu với người khác, thì đây là một nét đặc trưng của Augustinô và của Tu luật: tình yêu đối với anh em là tiêu chuẩn thể hiện tình yêu đối với Chúa. Không có tình yêu thực sự và chân chính đối với anh em trong cộng đoàn thì việc cử hành phụng vụ và cầu nguyện sẽ không sinh hoa trái.

Toàn bộ Tu luật đặt trọng tâm trên mối tương quan giữa các thành viên trong đời sống cộng đoàn mà rất ít khi nói về tình yêu đối với Chúa. Tình yêu đối với Chúa chỉ được đề cập duy nhất có một lần trong số 23 (ch. IV) khi nói về gìn giữ đức khiết tịnh: “Phải có lòng kính sợ Chúa”. Linh đạo của Augustinô là thế, ngài chẳng bao giờ nhấn mạnh về chiều hướng thượng. Tuy mở đầu Tu luật, ngài viết: “Trên hết mọi sự hãy yêu mến Thiên Chúa và rồi hãy yêu thương tha nhân” (số 1; ch. I,1), nhưng có khi người cho thấy tình yêu đối với tha nhân đi trước lòng yêu mến Chúa :

“Bắt đầu bằng tình yêu thứ hai để đến với tình yêu thứ nhất” (Serm 265, 9). “Tình yêu đối với Chúa là điều đầu tiên được truyền khiến cho chúng ta, còn tình yêu đối với anh em là điều đầu tiên mà chúng ta phải thực hành” (In Jo. 17, 8).

2. Cộng đoàn và cá nhân là đền thờ của Chúa

Trong tư tưởng thần học của Augustinô, Thiên Chúa sống trong tình yêu. Người không cư ngụ ở chỗ nào khác ngoài tình yêu. “Nếu bạn bắt đầu yêu thì Thiên Chúa bắt đầu cư ngụ trong bạn” (In Jo 8,12). Thế thì chúng ta là nhà của Chúa, là đền thờ của Chúa khi chúng ta trở nên một với nhau trong tình yêu và bác ái. Thánh Augustinô nói trong một Bài giảng rằng: “Nhà thờ được xây nên là nhà dành cho chúng ta cầu nguyện, nhưng chính chúng ta là nhà của Chúa thực sự. Tuy nhiên chúng ta quy tụ với nhau trong nhà của Chúa chỉ khi chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu” (Serm 336,1,1). Chắn chắn Ngài đã biết đến lời của thánh Phaolô: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần của Thiên Chúa ngự trong anh em sao?” (1Cr 3,16). Chữ “đền thờ” chỉ đến cung thánh, phần thâm nghiêm nhất của đền thờ Giêrusalem, nơi có Chúa ngự. Thánh Phaolô có ý nói đến cả cộng đoàn, chính cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi là Đền thờ đích thực của giao ước mới, nối tiếp đền thờ Giêrusalem.

Tuy nhiên, như thánh Phaolô dùng hình ảnh “đền thờ” để chỉ thân xác cao quý của từng tín hữu đã được Đức Kitô chuộc lại bằng giá rất đắt (1Cr 6,19) thì ở đây chúng ta cũng chạm tới yếu tố trọng tâm của thần học thánh Augustinô về đời thánh hiến. Tu luật nói, “vì anh em là đền thờ của Người” là cố ý nhấn mạnh rằng Chúa không chỉ ngự trong nơi nào có sự đồng tâm nhất trí mà còn trong từng chi thể của Đức Kitô sống trong đức ái. Mỗi cá nhân là đền thờ của Chúa, và cộng đoàn (gồm mọi cá nhân quy tụ lại) tạo nên một đền thờ. Dù trên bình diện cá nhân hay tập thể, thì Chúa vẫn mong muốn cư ngụ trong sự kết hiệp với tất cả mọi người và với mỗi người (De civitate Dei 10,3).

Ý tưởng này cũng được phản ánh ở một chỗ khác trong Tu luật khi nói về sự gìn giữ đức khiết tịnh cho nhau: “Vì Thiên Chúa ngự trong anh em, thì cũng theo cách này, Người dùng anh em để gìn giữ anh em” (số 24; ch. IV,4). Chúa sống trong cộng đoàn và trong tất cả anh em tụ họp lại với nhau bằng tình yêu, và khi ấy, cộng đoàn và từng anh em trở thành trung gian của Chúa, để thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm đối với nhau.

Cuối cùng, cũng cần phải nhắc lại một trong những đặc điểm son của Tu luật là khi nói về đời sống cộng đoàn, thì luôn tôn trọng chiều kích cá nhân. Ở đây, vì “anh em là một đền thờ của Người”, thì mỗi người phải được đối xử như một đền thờ, cho nên không có chỗ cho phi nhân vị! Mỗi người phải được đáp ứng cách tốt nhất, như Tu luật bảo: “Tuỳ theo nhu cầu của họ”. Tất cả mọi người không có cùng một nhu cầu. Từng cá nhân trong cộng đoàn Augustinô phải được đối xử bằng tình yêu và sự trân trọng xứng hợp với đền thờ của Chúa.

————

Kết luận

Chắc không thể tìm thấy trong lịch sử đời tu một pháp chế nào đặt đời sống cộng đoàn làm điểm trung tâm và trọng điểm cho đời sống tu trì với ý thức mạnh mẽ như Tu luật thánh Augustinô. Sự hiệp thông huynh đệ trong tình yêu trở thành mục đích đầu tiên khiến anh em quy tụ lại với nhau trong một nhà. Tình yêu và cộng đoàn hoà quyện với nhau chiếm một vị trí trung tâm đáng ngạc nhiên như vậy. Thật vậy, đời sống cộng đoàn bao hàm mọi khía cạnh trong đời tu: từ cầu nguyện đến sám hối và khổ chế; từ khó nghèo đến khiết tịnh và vâng phục; từ y tế đến lao động và sứ vụ chứng tá; từ thăng tiến cộng đoàn đến phát triển cá nhân. Và tình yêu cũng là ý tưởng chủ đạo của toàn bộ Tu luật, là điểm khởi đầu, là trung gian, và cùng đích của cuộc hành trình tiến về với Chúa và đến với anh em: tình yêu ở vị trí hàng đầu, nhất là trong trường hợp sửa lỗi (số 26; ch.IV,6), khi phải ra hình phạt (số 27-28; ch. IV,7), hay là khi thi hành quyền bính (số 43-46; ch.VII,2) và phải giữ luật vì lòng yêu mến (số 48; ch.VIII). Tình yêu và cộng đoàn thực ra chỉ là hai từ ngữ khác nhau chỉ đến cùng một thực tại.

Nếp sống cộng đoàn hiệp thông ấy là biểu hiện của Giáo Hội, là môi trường để thực thi những đòi hỏi của Phúc Âm. Đối với Augustinô, cộng đoàn tiên khởi Giêrusalem đóng vai trò là một giấc mơ xưa và nó sẽ trở thành lý tưởng cho hiện tại và tương lai. Từ đó Tu luật của ngài như một lời kêu gọi cho sự bình đẳng của Tin Mừng đối với tất cả mọi người, nó cho thấy đòi hỏi của Kitô giáo là đưa mọi người, nam cũng như nữ, vào chung một cộng đồng trọn vẹn. Nó gián tiếp vang lên tiếng phản kháng chống lại sự bất bình đẳng trong xã hội, một xã hội đang mang những vết hằn của sự chiếm hữu, kiêu căng và quyền lực. Vì thế, những cộng đoàn giữ luật Augustinô như chúng ta đây hãy cống hiến cho Giáo Hội và xã hội niềm hy vọng, sự đổi thay, bằng cách xây dựng cộng đoàn mới trong tình yêu thương nhau.

 Hình ảnh tóm tắt đời sống cộng đoàn theo Tu luật thánh Augustinô                                      

      1. Nền móng vật chất : Để mọi sự làm của chung
      2. Nền móng tinh thần : Khiêm nhường chớ kiêu ngạo
      3. Vòng tròn lớn : Một lòng một ý
      4. Vòng tròn nhỏ : Tôn kính Chúa trong nhau
      5. Hai mái nhà : Mến Chúa và yêu người
      6. Thánh giá: Mục đích tối hậu là hướng về Chúa qua Đức Kitô

********* 

Sách tham khảo

BOFF Clodovis, OSM, La Regola di San Agostino. La via della comunione dei beni, Cittadella, Assisi 1991. Nguyên tác : A via da comunhã de bens, Rio de Janeiro, 1988

ĐINH THỊ SÁNG, Tu Luật thánh Augustinô. Giới thiệu, bản dịch và giải thích, Tp Hồ Chí Minh 2005

MARIE-ANCILLA, OP, Session sur la Règle de saint Augustin, (Tài liệu dành cho sinh viên), Prouille 2001

TRAPÉ A., S. Agostino. La Regola, Ancora, Milano 1971

VAN BAVEL T. J., The Rule of saint Augustine, Longman & Todd, London 1984

WALRAET Pierre-Paul, OSC., Inspiring principles for community life in the Rule of Augustine of Hippo, Respectfully submitted for the purpose of the International Study Days 2000, Bandung – Cisarua, 25 July – 10 August 2000

Tu viện Martinô 25/3/2006

Comments are closed.

phone-icon