Tôi đã gặp Người

0

TÔI ĐÃ GẶP NGƯỜI

Cảm nghiệm về 40 ngày hành hương hồng ân (16/4 – 25/5/2005)

Trước khi chính thức bước vào con đường sứ vụ, Chúa Giêsu đã được Thánh Thần dẫn vào hoang địa 40 đêm ngày để chịu cám dỗ. Còn con, để kỷ niệm 45 năm theo Chúa, (1960 – 16/5 -2005) Người cũng cho con trải nghiệm 40 ngày hồng ân, không phải để chịu thử thách, vì con qúa bé nhỏ và yếu đuối. Nhưng để con có cơ hội dừng chân suy nghĩ về tình Người bao la, đã chọn gọi con, đã yêu thương con bằng một tình thương mênh mông, nhưng vô vàn cụ thể … Xin cho con, khi đã một lần cảm nhận đến như sờ chạm vào tình thương linh thánh đó, con sẽ hân hoan và can đảm đền đáp tình Người cách xứng hợp suốt cuộc đời còn lại của con.

TÂM TÌNH TRI ÂN

Lời đầu tiên cho những dòng hồi ký này con xin kính dâng lên Thiên Chúa Ba Ngôi lời tạ ơn vì con cảm nghiệm sâu xa rằng: Chính Chúa là nguồn mạch mọi ơn lành con đã nhận được. Không có Chúa thì không có gì cả. Xin cho con từ đây, cả cuộc đời con là bài ca cảm tạ Chúa không ngơi nghỉ, bài ca không chỉ hát lên bằng lời nhưng bằng cả cuộc sống dâng hiến và phục vụ.

Xin cảm tạ Mẹ Maria và Cha Thánh Giuse đã luôn đỡ nâng con trong từng đường đi nước bước của cuộc hành hương, đã giúp con cảm sâu tình Chúa. Xin cho con noi gương Mẹ. Xin cho con sống tâm tình trầm lắng của Cha Thánh Giuse, mãi mãi ghi sâu nghĩ kỹ những kỷ niệm hồng phúc này để đời tu của con nhờ đó được thăng tiến và đổi mới

Con xin dâng tâm tình tri ân lên Mẹ Hội Dòng mà cụ thể là Dì Bề Trên Tổng Quyền và quý chị Trong Ban Tổng Cố Vấn đã chấp thuận và lo liệu cho em được tham dự chuyến đi hồng phúc này. Xin cám ơn quý Bề Trên cộng đoàn, Qúy chị Giáo và tất cả các chị, các em bằng hy sinh và cầu nguyện đã luôn đồng hành với em trong suốt hành trình 40 ngày xa nhà. Xin Chúa và Mẹ Maria ghi ơn chị Tổng và các chị em thay cho em

 Lời tri ân sâu xa, con xin kính dâng lên Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, người đã dày công với tất cả nhóm chúng con và riêng đối với con. Không có sự bao bọc của Đức ông, chắc chắn ước mơ được đi hành hương Roma, chiếc nôi đầu tiên của niềm tin Kitô Giáo và dự Khóa học hỏi tĩnh huấn của chúng con sẽ chẳng bao giờ thành hiện thực. Chúng con mãi mãi nhớ ơn Đức ông. Xin Chúa ban cho Đức ông sức khoẻ, tràn đầy linh ân của Thánh Thần để Đức ông tiếp tục giúp cho các Nữ tu Việt Nam ngày càng thăng tiến về mọi mặt nhất là về đời sống thánh hiến, việc lãnh đạo cộng đoàn cũng như việc huấn luyện.

Con cũng không quên công khó của Qúy Đức ông, Qúy Cha, các Giảng sư và tất cả các ân nhân con đã được hân hạnh gặp gỡ qua chuyến hành hương này, những người với tất cả nhiệt tâm và bằng rất nhiều cách thế đã giúp đỡ con mở rộng tầm hiểu biết cũng như cho con nhiều cơ hội cảm nhận tình Chúa yêu thương con cách đặc biệt. Xin Cha trên trời trả công bội hậu cho Qúy Cha và toàn thể qúi vị.

Xin chân thành cám ơn chị Console Hồ Thị Chính, Dòng Mến Thánh Giá Chợ Quán, đã rất vất vả với chúng em trong việc chuẩn bị cho chuyến đi. Cung cách dịu dàng, dễ thương và tận tình phục vụ của chị mãi mãi còn đậm đà nơi tâm tư của mỗi chúng em.

Xin cám ơn chị trưởng và tất cả chị em trong đoàn đã cho em cùng nếm cảm, chia sẻ tình thân thương huynh đệ và những kỷ niệm không quên của 40 ngày hành hương về với cội nguồn. Ước mong tình thân chúng ta đã có với nhau trong những giờ khắc lịch sử đáng nhớ nhất của Hội Thánh hoàn vũ sẽ trở thành mối dây thiêng liêng nối kết chúng ta trong lý tưởng tu trì và trong sứ vụ truyền giáo trên quê hương Việt Nam thân yêu

Lời cuối con xin cám ơn Ba Mẹ, họ hàng nội ngoại, các em, các cháu đã khích lệ và tạo điều kiện để con được dễ dàng hơn trong hành trình. Con mong rằng những ân phúc con đón nhận hôm nay sẽ nẩy sinh nhiều hoa trái tốt đẹp cho con trong đời hiến dâng và cho nhiều người con hân hạnh phục vụ.

 KHỞI ĐI TỪ MỘT THAO THỨC…

 Với mục đích thăng tiến các Hội Dòng, đặc biệt các Hội Dòng Giáo Phận ít có cơ hội đi học tại nước ngoài. Nhất là để tạo cơ may cho các chị em đang có trách nhiệm được nâng cao đời sống tâm linh, mở rộng tầm nhìn cả về kiến thức cũng như về chiều kích đức tin qua việc được thực sự sống bầu khí hiệp thông sâu xa ngay tại trung tâm của Hội Thánh hoàn vũ. Đồng thời giúp các nữ tu thuộc nhiều Hội Dòng có dịp sống gần gũi, thân thương, mở rộng giao lưu với nhau, hy vọng trong tương lai, có thể cùng nhau cộng tác làm việc chung cách tốt đẹp.

Thao thức đó của các vị có trách nhiệm sau nhiều năm ấp ủ đã đi vào thực tế. Thật vậy, kể từ năm 2003, Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo, phó Giám Đốc Trung tâm CIAM (Centro Internazionale Animazione Missionaria- Trung tâm Linh hoạt Truyền giáo Quốc Tế) và Giám Đốc Văn Phòng Phối Kết Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam Hải Ngoại. Chính Đức ông đã lo liệu, xếp sắp tổ chức các Khóa bồi dưỡng và tĩnh huấn chuyên đề hàng năm cho các nữ tu Việt Nam. Tính cho đến nay (2005) đã hoàn thành được ba khóa:

  • Khóa I, năm 2003:  15 chị
  • Khóa II, năm 2004:  20 chị
  • Khóa III, năm 2005:  25 chị

Khoá học nào cũng kéo dài khoảng một tháng và được Đức ông Giuse bao trọn gói: từ nơi ăn chốn ở, việc học hành cho đến những chuyến hành hương xa gần và cả chương trình thiêng liêng hàng ngày nữa. Tạ ơn Chúa! hết lòng cám ơn Đức ông và các vị ân nhân.

HỒNG ÂN TIẾP NỐI HỒNG ÂN

Tự bản thân, chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ xuất ngoại. Vì thế, đón nhận ý Bề trên cho tham gia khóa hành hương tĩnh huấn này cùng với các Hội Dòng bạn, tôi rất vui mừng. Nhưng trên thực tế, tôi vẫn chưa có trong tay một mảnh giấy tờ nào. Hiểu hoàn cảnh của tôi, chị Tổng Theresa, một mặt lo xin giấy mời từ phía Đức ông, mặt khác, chị khuyến khích tôi, cố gắng lo liệu giấy tờ cho kịp chuyến đi. Còn tôi, thì không biết phải bắt đầu từ đâu? Và phải lo sao đây? Còn đang băn khoăn, thì may quá, Pháp Lệnh Tôn giáo mới của Chính Phủ cho phép tu sĩ nếu đi ngắn hạn thì xin giấy như dân thường, có nghĩa là không phải qua Ban Tôn Giáo Tỉnh như thông lệ. Tạ ơn Chúa, con đường phía trước đang được Chúa mở ra. Qủa vậy, chỉ sau chín ngày nộp đơn, tôi đã được công an gọi lên làm việc và sau đó ba tuần, tôi đã cầm được hộ chiếu trong tay. Có một điều rất lạ, đó là tất cả những biến cố này đều trùng vào ngày Thứ Tư trong tuần. Với những ai ngoài cuộc có thể cho đây là chuyện tình cờ. Nhưng với tôi, tôi tin chắc rằng cuộc hành hương sắp tới của tôi và của nhóm có Thánh Giuse cùng đồng hành.

Để chuẩn bị cho chuyến đi, dưới sự hướng dẫn của chị Console Hồ Thị Chính, Dòng Mến Thánh Gía Chợ Quán, đặc trách Nữ Tu Thành Phố Hồ Chí Minh, người đã được Đức ông Giuse nhờ đứng ra lo liệu cho chị em. Chúng tôi đã họp nhau ba lần tại Tòa Tổng Giám Mục Thành Phố Hồ Chí Minh để thông tri những điều cần thiết, để tạo tình thân, để chia công tác…Tạ ơn Chúa, nhân dịp này, tôi đãđược gởi tặng chị Console và mỗi chị em trong nhóm cuốn sách nhỏ về Mẹ Maria Mễ Du đồng thời xin tất cả chị em hiệp lòng cậy trông vào sự phù trợ của Mẹ và Thánh Cả Giuse, xin cho chuyến đi được thập phần tốt đẹp. Tất cả chị em đều đồng lòng.

Khi mọi chuyện đã tạm ổn, chỉ còn cử đại diện ra Hà nội xin visa cho cả đoàn nữa là có thể mua vé bay được. Vào một ngày đẹp trời đầu tháng 4/2005, chị Console và chị M. Bùi Thị Điểm, Dòng Đaminh Lạng Sơn lên đường trực chỉ Tòa Lãnh sự Ý. Tưởng là sẽ gặp khó khăn vì nhóm qúa đông. Nhưng thật là có bàn tay Chúa quan phòng dẫn đưa, chị em không phải chờ lâu, không bị hạch hỏi gì lại còn được visa sớm, miễn thuế với lời khuyến khích nên đi ngay cho kịp tang lễ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong chuyện này, chắc chắn là có sự bầu cử của Đức Thánh Cha rồi. Chúng con mãi mãi ghi ơn Đức Thánh Cha.

Trong khi chọn hãng bay, chúng tôi nhận được tin từ Đức ông Giuse, xin chị em đổi ngày lên đường, thay vì 15/4 như dự định, chị em lui lại một ngày để Trung tâm tiện việc tiếp đón. Thời gian đã có, chị Console trước khi quyết định đã hỏi nhóm một lần nữa xem có bằng lòng đi hãng bay Malaysia không? Dù phải qúa cảnh khá lâu nhưng gía của hãng này phù hợp với túi tiền khiêm tốn của chị em nên ai nấy đều đồng ý.

Vé có trong tay rồi, chị em mới thấy lo vì nhóm thì đông mà hầu hết là chưa bao giờ ra nước ngoài, chứ đừng nói đi Roma nữa. Trong nhóm có chị M.F.S. Hà Thị Thanh Tịnh, Bề Trên Dòng Thừa Sai Bác Ái Chúa Kitô, quen đường đi nước bước hơn một chút nhưng chị lại vì công việc của Dòng không đi cùng với nhóm … Đang lo lắng thì được tin Cha Augustinô Nguyễn Văn Dụ, chuyên gia về Mục Vụ Gia Đình do chị Trưởng đoàn mời sẽ ghé thăm để chia sẻ, hướng dẫn chị em đỡ ngỡ ngàng khi đến các phi trường quốc tế. Ai có ngờ trong khi hàn huyên với Cha, vé bay của Cha lại cùng chuyến với đòan. Thế là Chúa đã sai thiên thần của Người đến đưa chị em chúng con đến nơi an toàn. Tạ ơn Chúa và hết lòng cảm ơn Cha. Chia tay với Cha tại Tòa Tổng, mà chị em trong lòng phấn khởi, nỗi lo trước đây biến mất bù lại là niềm xác tín sâu xa vào tình yêu quan phòng vô biên của Chúa. Người không hề bỏ rơi những ai trông cậy, tin tưởng nơi Người.

Chiều ngày 16/4/2005. Phi trường Tân Sơn Nhất hôm nay rộn rã hơn thường lệ vì có sự hiện diện của hơn hai chục Hội Dòng cùng đến tiễn đưa người của cộng đoàn lên đường đi về miền Đất Thánh, miền đất đẫm máu các Thánh Tử Đạo tiên khởi của Hội Thánh Roma, trong đó phải kể đến hai Thánh Tông Đồ Cả Phêrô và Phaolô. Đây đó gởi trao lời nhắn gởi thân tình, chụp đôi ba tấm hình kỷ niệm. Cuối cùng cũng đến lúc đoàn người mũ trắng, voan tím phải chia tay với tất cả để đi vào phòng cách ly, chuẩn bị cân hành lý. Nhờ có dịch vụ giúp đỡ, nên mọi chuyện đều tốt đẹp. Tạ ơn Chúa. Sau khi trở ra chào chị em, cả đoàn theo Cha Augustinô lên phòng đợi trên lầu.

 Đồng hồ điểm 16 giờ, chị em mỗi người một ghế đã an vị chờ máy bay cất cánh. Dù biết rằng chỉ xa quê có 40 ngày nhưng tâm tình mỗi người vẫn thấy nao nao một niềm thương nhớ… Sau 10 phút, máy bay khởi động rồi cất cánh đưa tất cả chúng tôi đến những miền đất mới. Những gì sẽ đến, sẽ đón đợi chúng tôi trong những ngày sắp tới…? Còn đang suy nghĩ miên man, thì cô tiếp viên Mã Lai trong trang phục hoa, màu xanh lam ngọc nhẹ nhàng, dễ thương đã đến ân cần trao cho mỗi người một chiếc khăn lạnh … Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi thấy nhà cửa san sát như bát úp; sông, ruộng, cầu đường bé bỏng như trong sa bàn. Và sau đó, mọi sự khuất dần, chỉ còn lại những vầng mây đủ màu đủ vẻ rực rỡ trong nắng chiều. Tôi tự thấy mình thật bé nhỏ, mỏng manh, càng mỏng manh hơn nữa trên hành trình sắp tới. Tôi tìm cỗ tràng hạt và cùng với Mẹ Maria, trong niềm tin yêu phó thác, tôi nhắm mắt lại và tâm hồn chìm trong cầu nguyện.

Đến Kuala Lumpur vào lúc 18giờ, chị em theo Cha Augustinô đến một phòng đợi mới. Chưa biết phi trường nào khác ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, nên đi vào đây, chị em thấy nó mênh mông chi lạ. Nghĩ đến phải đợi ở đây những năm tiếng đồng hồ, ai nấy, tuy không nói ra nhưng cảm thấy mỏi mệt, có phần nào nhớ nhà, có phần nào lo lắng … Hiểu được tâm trạng của chị em, Cha bảo:

–  Ở đây rộng rãi, lại có nhiều thời giờ, các chị có thể kiếm ghế băng nghỉ một chút, bao giờ gần đi, tôi sẽ gọi.

Lúc đầu, chị em ngần ngại. Nhưng sau không ai bảo ai. Hầu như mọi người đều… an nghỉ trong Chúa. Với tính tinh nghịch vốn có sẵn trong máu huyết. Cha lấy máy chụp kỹ thuật số ghi hình của từng người … rồi vừa cười vừa bảo:

–   Này các chị, ai muốn xem hình “độc chiêu” này phải nộp 5 Euro. Còn ai muốn lấy hình này thì … 100 Euro

 Không biết có ai đã nộp tiền để “chuộc mạng” như lời đề nghị của Cha hướng dẫn viên độc đáo của chúng em chưa?

Trong giấc ngủ, thời gian trôi đi rất nhanh. Mới đó mà đã gần 22 giờ rồi. Nghe tiếng gọi, các trinh nữ vội vã lên đường, tuy không thiếu những người xỏ lộn giầy hay không kịp đi vớ … nhưng không ai quên sót đồ đoàn chi quan trọng nên tất cả đã được cùng với Cha Augustinô tiếp tục cuộc hành trình, không phải để dự tiệc cưới mà là tiến về đế đô của Hội Thánh, kinh thành Rôma muôn thuở. Cứ theo bước Cha, đoàn trinh nữ hai mươi “cô” ấy đi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Nhìn lên trần nhà cứ tưởng mình đang ở ngoài sân vì điện nhiều như sao sa. Đang đi trên sân bất động, Cha dẫn vào lối đi tự động … sướng thật cứ đứng yên, cả người, cả hành lý … “đất” tự nhiên đi … Còn chưa tỉnh ngủ thì lại một chuyện “động trời” xảy ra. Số là có hai vị Bề trên kia, tính hay lo liệu nên để chắc ăn đã nhanh nhẹn tìm chỗ “giải quyết” vấn đề nhân sinh. Nhưng vì vội vàng nên đi lộn chỗ. Đến hiện trường mới thắc mắc: Ủa! tại sao ở đây toàn những người không giống ta !!?? hóa ra là chỗ đó dành cho nam nhân. May mà còn kịp rút lui không thì quê chết!!!

Từ Kuala Lumpur sang Roma, vì là quãng đường dài nên chị em đi trên một máy bay hiện đại hơn. Trước mặt mỗi hành khách đều có lắp ráp một tivi nhỏ phục vụ cho những ai muốn nghe nhạc, xem phim để tiêu khiển cho chuyến bay bớt dài và bớt mỏi mệt. Biết được tâm tư của chị em, Cha Augustinô sẵn sàng đi hướng dẫn cho từng người nhưng sự tận tình của Cha đã bị cô tiếp viên làm ngăn trở. Với cử chỉ rất lịch sự, cô mời Cha về chỗ. Rồi chính cô hăng hái dùng tiếng Anh và tiếng Mã Lai để chỉ dẫn cho chị em nhưng vì “chiên ta chỉ nghe được tiếng ta” nên cuối cùng không có tiếng nói của chủ chăn, “chiên ta” đành cho tivi nghỉ chơi, hẹn dịp khác gặp lại … Thế vào đó là nhiều chuỗi Mân Côi đã khỏa lấp thời gian và không gian của những người lần thứ nhất trong đời trải một chuyến bay dài đến thế!

5giờ 34 phút giờ Rôma, ngày 17/4/2005, chị em đến phi trường Fiumicino. Hôm ấy, theo lịch Phụng vụ, là ngày Chúa Nhật Thứ Tư Phục sinh, ngày lễ Chúa chiên lành. Mặc dù, trời khá lạnh và lất phất mấy hạt mưa, nhưng chị em nghe trong hồn mình có cái gì thật ấm áp khi cảm ra rằng mình như con chiên đang trên đường về nhà …. Từ trên máy bay xuống, chị em theo sự hướng dẫn của Cha Augustino đến chỗ nhân viên thị thực visa, rồi tìm xe đẩy hành lý. Ra khỏi cửa đã thấy Cha G. Hoàng Minh Thắng, và hai Sơ Đaminh (Yến và Hoa) thay mặt Đức ông Giuse ra đón. Cả nhóm lên xe về Trung Tâm. Tôi và Hoa, Yến ở lại chờ chị Điểm, vì đi chuyến bay khác nên đến trễ hơn một tiếng. Tạ ơn Chúa, Cha Augustino cùng ở lại chờ với chúng tôi …thời gian vì thế mà qua nhanh.

Tại Trung tâm CIAM, sau khi chào Đức ông, chị em nhận phòng rồi đi ăn sáng. Cho đến lúc này, chị em mới hay là có Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn cũng đang hiện diện ở đây. Tạ ơn Chúa vì qua ĐHY, chị em đã tiếp nhận được biết bao hồng ân đặc biệt. Chính Ngài sẽ dâng lễ tạ ơn Chúa với chị em vào lúc 11giờ 30. Thế là ngay bước đầu tiên Chúa đã ưu ái các con cái nữ tu Việt Nam của Người. Tạ ơn Người mãi mãi. Trong bài giảng, ĐHY nêu bật hình ảnh Chúa Kitô mục tử nhân lành, Ngài đến cho chiên được sống và sống dồi dào. Ngài còn là cửa đưa chiên đến với Chúa Cha, nguồn sống sung mãn. Bước theo Chúa Kitô, mỗi chúng ta trong vai trò và ơn gọi của mình cũng phải trở nên những “cánh cửa” rộng mở, nơi tiếp cận, điểm cuốn hút tha nhân về với tình yêu Chúa qua đời sống dấn thân phục vụ của mỗi chúng ta.

ĐHY cũng ân cần nhắc nhớ chị em hiệp tâm với Gíao hội hoàn vũ, đặc biệt với Roma để cùng cầu xin Chúa ban cho Hội Thánh một vị chủ chăn mới, một vị chủ chăn nhân hậu và thánh thiện như Đức Kitô.

VỚI CÁC NỮ TU DU HỌC TẠI FOYER PAOLÔ VI

Chiều đến, Đức ông xếp sắp cho đoàn được gặp gỡ các nữ tu sinh viên Việt Nam đang theo học tại Foyer Paolô VI. Sĩ số hiện nay là 10, có 4 nữ tu sẽ ra trường năm nay. Bề trên gặp con em của mình, tay bắt mặt mừng là chuyện thường tình. Nhưng thật lạ cả những người không cùng Dòng, thậm chí còn chưa gặp nhau bao giờ. Thế mà cũng chào nhau vui vẻ, cũng trao nhau những nụ hồng thắm tươi tình huynh đệ. Đúng là trong hơi ấm của Chúa, chị em cảm thấy mình thực sự là của nhau, là thuộc về nhau.

Quay đi quay lại đã đến giờ cơm chiều rồi. chị em lại lục tục kéo nhau về phòng ăn. Tại đây, không những khác VIỆT NAM quê hương về hình thức trang trí, cách phục vụ … mà còn khác cả nội dung nữa. Những món ăn lạ vừa gây tò mò cho chị em vừa tạo một cảm giác hơi lo lo vì sợ nhập “của lạ” bao tử không vui. Nhưng Đức ông thật tế nhị, ngài đã lên thực đơn cho cả tháng tĩnh huấn này rất cụ thể, rất sát với nhu cầu của chị em nên bữa nào cũng có hai nồi cơm điện. Chúng con xin tạ ơn Chúa quan phòng, ghi sâu tâm tình tế nhị yêu thương của Đức ông và hết lòng cám ơn quý Sơ hậu cần.

THÁNH LỄ CẦU NGUYỆN CHO CƠ MẬT VIỆN

Ngày 18/4/2005

 Hôm nay, ngày trọng đại: các ĐHY dâng Thánh Lễ đồng tế kính Chúa Thánh Thần trước khi vào cơ mật viện bầu ĐGH mới. Cùng với Trái tim của Mẹ Giáo Hội, chị em thấy tâm hồn mình cũng nôn nao mong chờ … nên khi trời còn sớm lắm, chị em đã thức dậy, suy niệm riêng và theo đúng chương trình, 7giờ 30 nguyện Kinh Sáng, điểm tâm. Sau đó, theo sự hướng dẫn của Cha Antôn Bùi Kim Phong, chị em xúng xính trong bộ tu phục mới, áo lạnh, khăn quàng và đồng phục mũ trắng VIỆT NAM hân hoan tiến về đền thánh Phêrô. Nhờ được đi lối tắt, qua chỗ làm việc của Đài Truyền Hình CNN, một đài lớn nhất thế giới do Mỹ điều động, chị em, thay vì đi ngoài trời lại đi vào các nhà vòm, lành lạnh, kín đáo. Có lúc đi trên một nền nhà hoàn toàn bằng inox, lúc đi trên đất, lúc lại thấy đất dưới chân mình tự động đi … tất cả đều lạ, tất cả đều mới. Chỉ sau mươi phút chị em đã tới con đường dẫn vào Đền Thánh Phêrô. Quảng trường lúc này đan kín, một dòng người vĩ đại gồm đủ mọi thành phần dân Chúa từ Giáo dân, Tu sĩ đến Linh mục, Giám mục … kẻ trắng, người đen, kẻ vàng, người nâu đủ mọi dân tộc, đủ mọi tiếng nói … nhưng được Đức Tin vào Chúa Kitô thúc đẩy, được lòng mến yêu Hội Thánh mời gọi, ai nấy hân hoan nhập cuộc để cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện. Xin Chúa Thánh Thần tác động trên các Hồng Y để các ngài chọn đúng người của Chúa hầu làm việc cho Hội Thánh của Người.

Để đảm bảo an ninh, dù người rất đông, ai cũng phải đi qua sự kiểm tra của máy an toàn và nhân viên bảo vệ. Lúc này mới 8giờ30, thế mà nhà thờ đã đông cứng. chị em ai nấy tự động phân tán tìm chỗ ngồi. May quá, tuy không còn chỗ phía trên nhưng không ai phải đứng.

An vị rồi, nhưng còn lâu mới tới giờ lễ. chị em tha hồ chiêm ngắm Đền Thờ Thánh Phêrô. Đây quả là một kiến trúc tuyệt vời, từ những cây cột vĩ đại đến các bàn thờ, các pho tượng, tất cả đều hoà điệu với nhau đến mức tuyệt hảo … đâu đâu cũng thấy toát ra một sự thánh thiện, vừa sống động vừa linh thiêng. chị em còn đang ngất ngây với “thiên đàng” của Chúa thì kìa, đồng hồ điểm 10 giờ, ca đoàn bắt đầu hát ca nhập lễ. Một đoàn các thầy giúp lễ từ cửa chính nhà thờ tiến vào, tiếp đến là hồng y đoàn trong phẩm phục đại trào, áo lễ đỏ, đầu đội mũ, tay cầm gậy, uy nghi trang trọng như nhắc nhở những người hiện diện sống lại bầu khí thánh thiện của các Thánh Tông đồ và Hội Thánh tiên khởi khi chọn bầu Thánh Mathia vào Tông Đồ đoàn. Chung lời với ca đoàn, chị em với cuốn sách vừa được phát, hiệp dâng thánh lễ thật sốt sắng.

Tại Rôma, có một điểm rất đặc biệt đó là trong các lễ lớn đều có phát sách cho người tham dự. Vì ca đoàn hát tiếng Latinh, không ai hiểu cả nhưng sự hiệp thông đã ở mức độ rất cao khi được nghe những lời hát vừa trang trọng, vừa ngọt ngào, đầy niềm tin. Thánh lễ dài cả ba tiếng đồng hồ nhưng mọi người hiệp dâng sốt sắng.

 ẤM CÚNG TÌNH GIA ĐÌNH

 Tối nay (18/4/2005), tại phòng học trên lầu ba, chị em vui mừng, phấn khởi chờ đón giây phút được gặp gỡ Đức ông và Cha Phụ tá Antôn Bùi Kim Phong. Sau lời tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, chị em dâng lời chào mừng Đức ông và Cha; chúc nhau sức khoẻ và bình an. Ai nấy khuôn mặt sáng rỡ và trào tràn niềm vui.

Theo lời Đức ông, cuộc họp mặt hôm nay có mục đích để biết nhau hơn, quen nhau hơn cho một tháng sống chung sắp tới có thêm dữ liệu sống thân tình và yêu thương hơn.

Sau khi lược qua chương trình, Đức ông mời chị em mỗi người tự giới thiệu. Kế đến, Đức ông trình bày đôi nét về Cha Antôn. Cha đến Rôma học và làm việc đã 10 năm rồi. Hiện nay, Cha vừa học vừa giữ trách vụ Phó Giám Đốc Trung tâm Văn Hoá Á Châu, mà tiền thân là Trường Truyền Giáo, nơi có mục đích đào tạo và nâng cấp cho các Linh Mục Châu Á. Hiện có 20 Linh mục Việt Nam lưu trú tại trung tâm này. Ngoài ra, Cha Phong còn giúp Văn Phòng Tông Đồ Mục vụ Người Việt Hải ngoại tại đây nữa. Tuy bận rộn, nhưng khi nào có khoá học và được Đức ông ưu ái triệu mời Cha luôn sẵn sàng đáp ứng.

Cha A. Phong còn trẻ nhưng rất “đa năng”. Cha nhanh nhạy trong mọi chuyện, việc gì chị em cần là Cha sẵn sàng giúp đỡ. Nơi Cha không chỉ có những suy tư, nhận định sâu sắc giúp chị em thăng tiến về mặt tư tưởng, không chỉ có những thao thức, khát vọng dựng xây Giáo Hội mà còn là giáo viên “hỗ trợ” cho chị em trong những giờ học giáo trình được trình bày bằng ngọai ngữ, một hướng dẫn viên chuyên nghiệp trong những ngày đưa chị em đi hành hương những nơi thánh của Roma. Nhưng có lẽ điều gây ngạc nhiên hơn cả đó là Cha còn là một nhà “hậu cần” đại tài. Khi nào “tay ngọc” của Cha chạm tới “bếp hồng” là hôm đó chị em có những món ăn “ tuyệt chiêu”. Cha Phong ơi, chúng con cám ơn Cha nhiều ơi là nhiều!!!

 Tiếp đến, Đức ông giới thiệu sơ qua về Trung Tâm CIAM.

CIAM được xây dựng dưới thời ĐHY Rossi vào cuối thập niên 70 với một cấu trúc kháđặc biệt. Sân thượng của Trung tâm chỉ ngang tầm với mặt bằng của ngọn đồi Gianicolo. Phần còn lại của toà nhà ba tầng này chìm sâu dưới lòng đất để không che khuất cảnh quang của Đền Thánh Phêrô. Quả vậy, từ sân thượng của CIAM, chúng ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Đền Thánh và quảng trường.

Muốn đến CIAM, người ta phải đi vào cổng Trường Truyền Giáo, băng qua Đại Học Urbaniana, Foyer Paolo VI, qua cầu rẽ trái theo lối sau của Trường.

Trung tâm CIAM trực thuộc Bộ Truyền Giáo, chuyên phục vụ các khoá học hỏi, bồi dưỡng về thiêng liêng cho các đối tượng đã, đang và sẽ đi truyền giáo.

 Riêng năm nay, dành cho người Việt Nam đã có các khoá:

  • Tuần Tu Đức hành hương (Khoá V) dành cho giáo dân, đa số là Việt Kiều từ Mỹ sang.
  • Khoá bồi dưỡng và tĩnh huấn dành cho các Bề trên và chị Giáo thuộc các Dòng Việt Nam
  • Tuần Tu Đức dành cho Linh mục và Tu sĩ Việt Nam hải ngoại.

Đức Ông hiện đang làm Phó Giám Đốc Trung tâm CIAM. Tạ ơn Chúa quan phòng đã xếp đặt cách khôn ngoan, tiện lợi và hữu ích cho con cái Chúa. Quả thế, vì nếu không có sự hiện diện của Đức ông tại đây thì những khoá học của chị em chúng con mãi mãi cũng chỉ là huyền thoại…

Tại Trung tâm còn có sự trợ giúp của các Sơ Dòng Chúa Thánh Thần. chị em nào có những nhu cầu nho nhỏ về đời sống có thể liên hệ trực tiếp với các Sơ. Một vài Sơ nói và hiểu được tiếng Anh. Còn những gì khác, chị em có thể nhờ Cha A. Phong hay các chị em bên Foyer sang phụ làm thông dịch viên.

 Những dặn dò cụ thể và thân tình của Đức ông vừa làm ấm lòng cho tất cả chị em, những người còn chân ướt chân ráo trên đất lạ, vừa cho chị em một bài học thiết thực và sống động về việc điều hành cộng đoàn. Trước cung cách thân thương đó, có người chị em được ngẫu hứng của Thánh Thần đã gọi Đức ông là”MÁ”!!! mà quả thật, với chị em chúng con, Đức ông đã chăm sóc như một người mẹ, vừa hiền hậu, vừa chu đáo.

 KHOÁ HỌC BẮT ĐẦU

Ngày 19/4/2005

 Khóa học được chính thức mở ra với Thánh Lễ khai mạc mà ấn tượng nhất phải kể đến làbài giảng của Cha chủ tế Giuse Nguyễn Tất Thắng OP. , chủ tịch Liên Tu sĩ VIỆT NAM tại Roma và là nhân viên của Bộ Tu sĩ. Cha nhấn mạnh đến việc phải mở ra trước tác động thánh thiện của Chúa Thánh Thần qua anh chị em, qua các biến cố lịch sử cũng như qua các môi trường mình được gởi tới.

Để thăng tiến Hội Dòng, Cha lưu ý các Bề trên và những người có trách nhiệm 5 điểm sau đây:

  • Linh đạo của Dòng
  • Tình huynh đệ trong cộng đoàn
  • Việc huấn luyện
  • Tinh thần truyền giáo
  • Việc học hành

Cha đã kết thúc bài giảng bằng một lời cầu nguyện khá độc đáo: Lạy Chúa, xin cho con can đảm thay đổi những gì cần thay đổi, kiên nhẫn chấp nhận những gì không thể đổi thay và khôn ngoan để nhận định điều nào cần thay đổi, điều gì không.

 Kể từ hôm nay, chị em bắt đầu vào chương trình học. Sáng từ 9 giờ – 12 giờ 30, chiều từ 4 giờ – 6 giờ. Thời gian cuối khoá có hôm còn gặp gỡ trao đổi cả buổi tối nữa.

 Về nội dung, chương trình gồm bốn lãnh vực:

+ Nhân bản:

  • Sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng – Đức ông Phêrô Nguyễn văn Tài
  • Phát triển khả năng tự nhiên – Cha Giuse Hoàng Minh Thắng

+ Huấn luyện:

  • Hành trình huấn luyện trong đời thánh hiến – Cha S. Bisignano
  • Phân định ơn gọi và Đồng hành thiêng liêng – Cha Elizalde Thành Sj.
  • Nhận định cộng đoàn và Thần học đời thánh hiến – Cha Giuse Nguyễn Công Đoan
  • Huấn luyện chiều sâu
  • Tu đức lãnh đạo: Sứ mệnh hoà giải – Đức ông Giuse Đinh Đức Dạo
  • Đời sống thánh hiến trong Giáo Luật – ĐÔ B. Nguyễn Văn Phương

+ Thiêng liêng

  • Mẹ Maria trong đời thánh hiến – ĐÔ Juan Esquerda Bifet
  • Cầu nguyện và đời sống thánh hiến – ĐÔ Giuse Đinh Đức Đạo
  • Thánh Thể và Đời sống Linh mục Tu sĩ – ĐHY GB. Phạm Minh Mẫn
  • Tình trạng và viễn tượng đời thánh hiến – Cha José Rovira
  • Các Thánh nữ truyền giáo – Cha Giám Đốc Romeo Ballan
  • Học hỏi Năm Thánh Thể theo Thông điệp “ Thánh Thể và Giáo Hội” và Tông Thư “Xin Thày ở lại với chúng con” – ĐÔ PB. Trần văn Khả
  • Thánh Thể : Tình yêu hoà giải – ĐÔ G. Đinh Đức Đạo

+ Những đề tài khác:

  • Lịch sử đời sống thánh hiến – Cha Arturo Pinacho
  • Nữ tu và Mục vụ gia đình – Cha A. Nguyễn Văn Dụ
  • Vun trồng ơn gọi thánh hiến trong Giáo Hội – Cha Giuse Nguyễn Tất Thắng OP.
  • Giáo triều Roma: Tổ chức và ý nghĩa – Cha Trần Đức Anh OP.
  • Những Hội Giáo Hoàng – chị M. Hoàng Thị Lê, Dòng Mến Thánh Giá Huế

 NHỮNG GIÂY PHÚT LỊCH SỬ

Được hiện diện tại Giáo Đô trong những ngày lịch sử này quả là một diễm phúc có một không hai trên đời. Đặc biệt sau Thánh Lễ khai mạc Cơ mật viện, chị em cùng với toàn dân Rôma sống những giây phút chờ đợi vừa hồi hộp, vừa thánh thiêng. Từ CIAM, nhìn xuống quảng trường Thánh Phêrô lúc nào cũng có những người canh thức cầu nguyện tại đókể cả ban đêm. Chứng kiến sự sốt sắng nhiệt tình của người khác, chị em cũng thấy lòng mình thêm nao nức, mong chờ. Vì thế, trong những ngày này, tuy vẫn có lớp theo chương trình nhưng chị em như bị phân đôi, một nửa theo dõi bài dạy của giáo sư, còn nửa kia mắt nhìn ống khói, tai chờ tiếng chuông…Và thời khắc mong chờ đã đến. Hôm ấy, vào đúng 5giờ57 chiều ngày 19/4/2005, đang học với Đức ông Giuse, bỗng một chị kêu lên: “Thưa Đức ông có khói rồi!”. Mọi người bật dậy bước ngay ra hành lang của Trung tâm hướng về Đền Thánh Phêrô. Xa xa, nơi ống khói nhỏ, một làn khói đang từ từ bốc lên nhưng chưa rõ lắm vì trời lúc này còn rất sáng…Vài phút sau, cùng với làn khói trắng cuồn cuộn bay lên là những tiếng chuông vang rền báo tin đã có Đức Tân Giáo Hoàng. Còn đang ngơ ngác chưa biết phải làm gì, thì nghe tiếng của Đức ông : “ Chạy xuống qủang trường thôi, còn đứng đó làm gì nữa”. Chỉ chờ có thế, mọi người vén áo chạy. Ra khỏi nhà mới thấy cảnh tượng thật lạ lùng. Người đâu sao mà nhiều thế!!! Không ai nói với ai câu nào nhưng mọi người từ trẻ con, người lớn, từ thanh niên đến người đầu bạc, từ cha đến sơ… cả thành phố Roma ai nấy đều đổ xô về phía quảng trường…với khát vọng được tham dự vào giây phút lịch sử của Hội Thánh, được chiêm ngưỡng, chào đón và được nghe những lời đầu tiên của Đức Tân Giáo Hoàng.

Trong khi chờ đợi tấm màn nhung che khung cửa tiền đường Đền thờ Thánh Phêrô, nơi Đức Thánh Cha mới sẽ xuất hiện được vén lên, mỗi người sống khoảnh khắc này theo cách riêng của mình. Cũng có những người cố tìm cho mình một chỗ đứng tốt hơn để có thể chụp những tấm hình rõ hơn. Hay nhìn thấy ĐTC mới gần hơn…Nhưng đa số những người hiện diện chờ đợi trong thinh lặng và cầu nguyện.

Không rõ giây phút chờ trông đó kéo dài bao lâu, chỉ biết rằng, khi cửa hai bên khung cửa chính thấp thoáng bóng áo đỏ của các vị Hồng Y thì dân chúng bắt đầu nhộn nhịp, lao xao, một số các “nhiếp ảnh gia nghiệp dư” trong tư thế sẵn sàng chuẩn bị … và khi tấm màn nhung được vén lên, một vị Hồng Y tiến ra công bố tin vui cho mọi người: “Abbemus Papam … chúng ta đã có Giáo Hoàng. Đó là ĐHY Joseph Ratzinger, Vị Tân Giáo Hoàng chọn danh hiệu là BÊNÊDICTÔ XVI” thì mọi người hoan hỉ, nồng nhiệt kẻ vỗ tay, người tung mũ, tất cả đều nhiệt liệt chào chúc người Cha chung của Giáo Hội hoàn vũ, người kế vị ngai toà Phêrô. Những tiếng viva Papa!, viva Papa! – Benedetto!!! Benedetto!!! Cứ như được tiếp nối mãi nơi đòan người đông như vô tận, phủ kín cả quảng trường của Đền Thánh.

Lúc này hơn lúc nào hết, tôi thấy lòng mình trào lên niềm sung sướng. Không vui sao được khi chứng kiến tận mắt quyền năng và tình yêu của Chúa đang hiện diện cụ thể nơi biến cố lịch sử này của Hội Thánh. Chúa cất đi người của Chúa và cũng chính Chúa lại đặt người của Chúa cho công việc nhà Chúa. Chúa ơi! Chúa thật tuyệt vời. Chúng con xin tín thác vào Chúa …Còn đang đắm mình trong suy tư, tôi như được trở về với thực tại khi nghe những lời sau đây của ĐTC: “ Anh chị em thân mến, sau vị Giáo Hoàng vĩ đại Gioan Phaolô II, các Hồng Y đã chọn tôi, một người thợ đơn sơ và khiêm tốn trong vườn nho của Chúa. Tôi được an tâm vì biết Chúa có thể làm việc và hoạt động với cả những dụng cụ bất toàn và nhất là tôi tin tưởng vào lời cầu nguyện của anh chị em.

Trong niềm vui của Chúa Phục Sinh và tín thác vào sự trợ giúp liên lỉ của Ngài, chúng ta cùng tiến bước. Chúa sẽ giúp đỡ chúng ta và Mẹ Maria, Mẹ Rất Thánh của Ngài sẽ ở cùng chúng ta. Cám ơn tất cả anh chị em”.

Những lời khiêm tốn và cởi mở của Đức Bênêdictô như mật ngọt rót vào tâm hồn tôi một sự bình an và tín thác. Tôi thâm tín rằng Chúa, Đấng “nâng cao người phận nhỏ” sẽ làm nhiều điều kỳ diệu nơi vị tân Giáo Hoàng khiêm hạ này. Và tôi tự hứa với lòng mình sẽ cầu nguyện cách riêng cho ngài mỗi ngày.

 LỄ ĐĂNG QUANG CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊDICTÔ XVI

 Ngày 24/04/2005

 Mới chỉ 6 giờ sáng mà công trường Thánh Phêrô đã chật ních người. Trên từng khuôn mặt, người người lộ rõ vẻ hân hoan, phấn khởi chờ đợi tham dự lễ nhậm chức của Đức Thánh Cha còn gọi là Lễ đăng quang. Có một điều rất lạ đó là thay vì nói to cười lớn, đùa dỡn như thường thấy nơi những chỗ đông người, những người có mặt trong quảng trường hôm nay tuy có nhỏ to trao đổi câu chuyện làm quen nhưng vô cùng trật tự. Nhiều người lần chuỗi và nhiều nhóm cầu nguyện chung với nhau cách sốt sắng.

Khoảng 8 giờ 30, khi loa phóng thanh hô hào mọi người ổn định chỗ để chuẩn bị cho thánh lễ thì dòng người đông đảo ấy bắt đầu di chuyển vào phía sân trong, nơi đã được Ban trật tự xếp sắp thành từng khuông với một lối đi khá rộng dành cho Đức Thánh Cha sẽ đi qua chúc lành cho cộng đồng hiện diện.

 Từ chỗ đoàn VIỆT NAM đang đứng đến khán đài không bao xa nhưng vì người tham dự quá đông, nên di chuyển thật chậm chạp và khó khăn …có lúc tưởng như chỉ cần nhấc chân lên là được đòan người đông đảo xung quanh đưa đi, có lúc thấy mình như chìm dần vào dòng người đang hưng phấn tiến vào lễ đài. Cứ khoảng mười lăm phút mới nhích được vài ba bước. Thế mà ai cũng kiên trì chờ đợi, không ai bỏ cuộc. Cuối cùng thì cũng vào được sân trong. Như những người vượt sa mạc nhìn thấy đất hứa, vừa thoát ra khỏi đám đông, các nữ tu Việt Nam chạy tứ tán để tìm cho mình một chỗ ngồi gần khán đài. Tạ ơn Chúa đã tăng sức mạnh, sự nhanh nhẹn và trí thông minh cho các nữ tu con Hồng cháu Lạc nên dù mảnh mai thân hạc cũng đã tìm ra được những chỗ ngồi tốt nhất.

Yên vị rồi mới bình tĩnh quan sát “hiện trường”. Chúa ơi! Một cảnh trí vô cùng sinh động, nào cờ quạt, nào hoa lá, nào khăn quàng, nào mũ, nào băng rôn, đủ thứ, đủ màu, đủ vẻ … chỗ này vẫy, chỗ kia múa tạo thành một cảnh quang phong phú, đa dạng tuyệt vời. Ai đã một lần hiện diện nơi đây, nơi chiếc nôi đầu tiên của Kitô giáo, nơi lòng Mẹ Giáo Hội mới cảm thấy lòng mình nôn nao, nô nức, rộn ràng niềm vui và tràn trề hoan lạc. Tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con cảm nghiệm sâu sắc, sống động này. Xin cho ân phúc này không trôi đi như gió thoảng nhưng đọng lại thành những dấu ấn thiêng liêng, gắn buộc chúng con với Hội Thánh, với Đức Thánh Cha, với Giáo Hội hoàn vũ để trong những khó khăn sẽ đến, sẽ có trong đời dâng hiến, trong trách vụ được trao hôm nay và mai sau, chúng con biết rằng mình không cô đơn nhưng vẫn có bên chúng con Hội Thánh như người Mẹ hiền đồng hành nâng đỡ, và biết bao anh chị em khác trên toàn thế giới cùng chung chia với chúng con với những nỗi khó riêng của mỗi người để vườn Giáo Hội trổ sinh nhiều hoa thơm trái ngọt, là niềm tin bất khuất, là đức ái nồng nàn, cụ thể mà những tông đồ đích thực của Chúa Kitô phải có để dâng hiến cho Trời và trao tặng cho đời.

 Trời Ý vốn đã rất đẹp mà hôm nay hình như đẹp hơn mọi ngày. Một màu xanh thật lạ. Rất xanh và rất trong, thỉnh thoảng điểm nhẹ một vài cụm mây trắng mỏng. Trời rất nắng, nhưng lại không nồng nực như ở Việt Nam mà se lạnh nên dù ngồi cả buổi sáng giữa quảng trường, không dù không mũ nón … nhiều người còn áo ấm, khăn quàng thế mà không ai thấy đổ mồ hôi…

Lúc này trên khán đài, trang trọng trong lễ phục màu vàng, các Hồng y và các Giám mục đã ngồi kín các ghế sẵn sàng bước vào thánh lễ. Nghi thức được bắt đầu bằng cuộc rước Đức Thánh Cha mới đến xông hương và cầu nguyện nơi mộ Thánh Phêrô. Sau đó, khi ngài tiến ra lễ đài, ca đoàn hát kinh cầu các Thánh. Vừa tới giữa bàn thờ, Đức Thánh Cha giơ tay ban phép lành cho những người hiện diện, mọi người nhất loạt đứng dậy và cùng vỗ tay chúc mừng cách nồng nhiệt. Các cờ quạt, băng rôn giơ cao, phất phơ trong nắng và trong gío như muốn chung chia niềm vui với toàn cử toạ đang hân hoan chào đón “ Đấng nhân danh Chúa mà đến. ”

 Thánh lễ hôm nay, ngoài việc đọc các bài đọc bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau hay nghi thức các vị đại diện phẩm trật trong Hội Thánh cũng như đại diện các thành phần Dân Chúa lên phục quyền Vị Mục tử mới, còn có một nghi thức vừa trang trọng vừa mang một ý nghĩa thật đặc biệt. Đó là nghi thức trao dây Pallium và nhẫn ngư phủ cho Vị Tân Giáo Hoàng. Để từ đây, trong sứ mệnh Mục Tử, Đức Thánh Cha sẽ vâng theo sự hướng dẫn của Chúa Kitô, Người Mục Tử nhân lành không những đưa dẫn đoàn chiên đến đồng cỏ xanh tươi và dòng suối mát trong mà còn làm sao cho chiên hiệp nhất yêu thương nhau và ngày càng nhận ra dung mạo của Chúa Chiên, Đấng đã đến cho chiên được sống và sống dồi dào. (Ga 10,10)

 Trong bài giảng của Thánh Lễ đặc biệt này, sau khi gởi lời chào thân thương đến mọi thành phần Dân Chúa, Đức Thánh Cha kêu gọi mọi người hiệp thông với ngài bằng lời cầu nguyện để ngài đủ khôn ngoan dẫn dắt Hội Thánh đi vào đường lối thánh chỉ của Chúa. Ngài đặc biệt nhớ tới những thành phần bất hạnh nghèo khổ trong xã hội, các bạn trẻ, những người đang vất vả trong công tác loan báo Tin Mừng. Khát vọng của Đức Thánh Cha là được thấy một Hội Thánh trẻ trung và hiệp nhất. Toàn thể cử toạ nhiệt liệt ủng hộ Đức Thánh Cha bằng những tràng pháo tay dòn dã và nhiệt tình, kéo dài tưởng như không dứt…

Thánh lễ kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ và mặc dù không hiểu hết ý nghĩa. Thế mà không ai cảm thấy mỏi mệt và chán ngán. Hình như trong tình yêu và niềm tin, ngôn ngữ đã trở thành không cần thiết…

 TUẦN LỄ TU ĐỨC VIII ( từ ngày 25-29/04/2005)

Đây là Tuần Tu Đức thứ VIII dành cho Các Linh Mục, Tu Sĩ Việt Nam hải ngoại được tổ chức tại CIAM từ ngày 25-29/04/2005 với chủ đề : THÁNH THỂ VÀ ĐỜI SỐNG LINH MỤC TU SĨ.

Để tạo bầu khí hiệp thông chia sẻ trong cầu nguyện, gặp gỡ và học tập, như mọi năm, Đức ông Giuse thường xếp Tuần Tu Đức trùng vào Tuần lễ thứ hai của Tháng Tĩnh Huấn dành cho các Nữ tu Việt Nam. Thật là một ý kiến tuyệt vời. Nhưng Thiên Chúa còn đi xa hơn nữa vì năm nay, nhờ tình yêu thương quan phòng của Chúa, tuần lễ học hỏi, gặp gỡ này lại trùng vào thời điểm Giáo Hội có Đức Thánh Cha mới. Thế là không hẹn mà hò, đoàn Việt Nam được yết kiến Đức Thánh Cha Bênêdictô XVI gồm đủ mọi thành phần dân Chúa, với con số rất đáng khích lệ trên 80 người : có Đức Hồng Y, Giám Mục, Linh mục, nam nữ Tu sĩ và một số giáo dân. Thế mới biết, cứ tín thác nơi Chúa và sẵn sàng để Chúa xếp đặt thì mọi chuyện đều trở nên thiện hảo (x. Rm 8,28).

 Vào lúc 18giờ15 ngày 25/04/2005, Thánh lễ khai mạc Tuần Tu Đức được Đức Hồng Y GB. Phạm Minh Mẫn chủ tế cùng với 12 Linh Mục từ khắp nơi trên thế giới tụ về. Trong bài giảng, ĐHY nhấn mạnh đến nét đặc sắc của ơn gọi. Chúa tuyển chọn mỗi chúng ta, không phải vì chúng ta nhưng chỉ vì tình yêu nhưng không của Người. Chúa chọn người Chúa yêu. Có thế thôi. Vì thế, học kinh nghiệm với Thánh Phêrô và noi gương Đức tân Giáo Hoàng, chúng ta rút ra được ba điểm quan trọng sau đây : khiêm tốn, phó thác, tin tưởng vào tình thương và quyền năng của Chúa. Không cậy dựa vào sức riêng, nhưng tận tình, tận lực với bổn phận với lòng cậy trông thẳm sâu. Chúa sẽ làm cho chúng ta, cho Hội Thánh những điều kỳ diệu.

Hãy mở rộng con tim để đón nhận Đức Kitô và Thần Khí của Người. Hãy thực thi những gì Người nhủ bảo. Hãy đồng tâm nhất trí với nhau, chúng ta sẽ được hưởng sự phù trợ của Chúa.

 GẶP GỠ & LÀM QUEN

 Tối nay, tại phòng hội của Trung tâm, Đức ông qui tụ nhóm chị em Nữ tu đến từ Việt Nam cũng như các thành viên Tuần Tu Đức để mọi người có dịp làm quen với nhau. Để mở đầu, Đức ông Giuse ngỏ lời với tất cả Qúy Cha, quý Sơ, Quí Thầy như sau:

Mới đây Trung tâm có tổ chức Tuần Tu Đức cho một số anh chi em giáo dân, trong đó có chín người đến từ VIỆT NAM. Những anh chị em của Tuần Tu Đức Giáo dân, ngoài những sinh hoạt riêng của chương trình còn được dự lễ an táng Đức cố Giáo Hoàng GP II. Còn chúng ta hôm nay lại được hưởng những ngày đầu tiên trong triều đại mới của Đức tân Giáo Hoàng. Chúng ta hãy đón nhận hồng ân này như phúc lành đặc biệt Chúa dành cho hành trình thiêng liêng của mỗi người.

Trung tâm rất vui mừng mở rộng cửa đón tất cả mọi thành viên của khoá học này. Hy vọng những ngày này sẽ có thời tiết đẹp, mặt trời nóng ấm và nhiều bất ngờ lý thú khác nữa sẽ đến với chúng ta.

Chiều nay, Đức Thánh Cha, nói một cách khôi hài, “người hàng xóm thân thương của chúng ta” đã đến thăm Đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành và tại đó, ngài đãnhấn mạnh đến tầm quan trọng của sứ vụ truyền giáo nhất là cho thời đại chúng ta hôm nay. Cần tái sử dụng Sắc lệnh Truyền giáo của Công đồng Vat. II vào việc truyền giáo cho thế giới hiện đại hôm nay.

Trong thế kỷ XX chúng ta đã có rất nhiều các Thánh tử đạo nên chúng ta có quyền hy vọng tương lai Hội Thánh sẽ còn có nhiều hoa trái mới là những tâm hồn tốt lành, thánh thiện. Ap dụng vào Giáo Hội VIỆT NAM, trong quá khứ chúng ta đã có 117 Thánh Tử đạo và hiện nay còn nhiều thánh tử đạo đang âm thầm làm chứng cho Chúa. Chúng ta cũng có quyền hy vọng rằng VIỆT NAM sẽ có một mùa xuân bởi vì, chính mỗi chúng ta đây cũng là hoa trái đầy triển vọng của dòng máu tử đạo hào hùng nơi các Thánh Tử đạo cha ông. Xin cho mỗi chúng ta được ơn trung thành. Cầu chúc tất cả mọi người qua Tuần Tu Đức này gặt hái được nhiều kết quả tốt.

Tiếp đến là phần giới thiệu, làm quen. Mọi người được thông qua chương trình rồi chia tay về nghỉ đêm.

 THÁNH LỄ TẠI HẦM MỘ THÁNH PHÊRÔ (ngày 26/04/2005)

 Sáng nay, sau điểm tâm, mọi người vội vã tiến về Đền Thánh Phêrô để kịp cùng với Đức Hồng Y Gioan Baotixita dâng thánh lễ tại đây. Bàn thờ dâng lễ đối diện với hầm mộ của Vị Giáo Hoàng đầu tiên của Hội Thánh. Ngay phía phải của bàn thờ là mộ phần của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Thánh lễ được cử hành thật sốt sắng, không chỉ vì đông người tham dự nhưng còn nhờ bầu khí rất thiêng liêng lan toả trong không gian thánh thiện này.

Trong bài giảng, với tất cả niềm xác tín, dựa vào những bài đọc của Thánh Lễ, Đức Hồng Y nhấn mạnh : Ai tin vào Chúa thì làm được mọi sự. Nhờ tin mà Phêrô đã làm cho anh què đi được. Nhờ tin mà Phaolô, từ người bắt đạo trở nên tông đồ nhiệt thành. Nhưng để đức tin có giá trị phải có đức mến song hành và được thể hiện qua những hy sinh cụ thể. Như một số dân tộc khác, dân tộc Việt Nam chúng ta, qua những biến cố đổi thay của lịch sử quê hương đất nước, Chúa đã gởi trao Thánh giá…Nhưng những cuộc di tản nguy hiểm, khổ nhọc hôm qua đã tạo cơ hội cho người Việt chúng ta hôm nay có mặt ở rất nhiều nơi trên thế giới. Chúng ta có nhiều cơ may sống chứng nhân Tin Mừng cho những nơi chúng ta hiện diện. Hơn thế nữa, nhiều ơn gọi tu trì cũng đã nẩy mầm từ những gia đình Việt Nam và hiện đang làm phong phú cho nhiều cộng đoàn tu trì. Thí dụ Dòng Ngôi Lời hiện nay đã có tới 80 chủng sinh Việt Nam.

Trong những cuộc tiếp xúc với các Đức Hồng Y trên thế giới, Đức Hồng Y Gioan Baotixita của chúng ta nhiều lần nghe các Vị phát biểu: “ Rất cám ơn Giáo Hội và đất nước Việt Nam vì nếu không có giáo dân Việt Nam thì nhiều giáo xứ của chúng tôi phải đóng cửa. Không có chủng sinh Việt Nam thì nhiều chủng viện của chúng tôi đã ngưng hoạt động”. Ơn đức tin đã làm cho Việt Nam chúng ta thành mảnh đất phong nhiêu, hy vọng một mùa gặt bội thu.

Tuy vậy, nhìn vào thực tế, chúng ta cũng phải chân nhận rằng, quê hương chúng ta đang bị đe doạ bởi nền văn minh sự chết, tệ nạn xã hội nhất là đại dịch ma tuý, HIV mỗi ngày hình như càng gia tăng. . Nếu chúng ta không tỉnh thức thì ngọn lửa Đức Tin nơi chúng ta cũng sẽ lụi tàn. Chúa đã ban Đức Tin cho chúng ta. Ngài còn ban Thánh Thần giúp chúng ta bảo toàn Đức Tin, làm chứng và lưu truyền Đức Tin cho những người xung quanh chúng ta nữa.

 Sau Thánh Lễ, mọi người hướng về phần mộ của Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa kính viếng, vừa nài xin ngài cầu bầu cho những ơn cần thiết. Chắc chắn là ai cũng xin ơn kiên vững trong đức tin và nồng nàn trong tình mến, không chỉ cho cá nhân mình mà còn mang theo với mình những người thân thương nhất trong cộng đoàn cũng như gia đình, cho cả quê hương Việt Nam thân yêu, nơi còn đang gặp rất nhiều thách đố về mọi mặt, đặc biệt về phương diện Đức Tin.

 BUỔI TRIỀU YẾT ĐẦU TIÊN CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI (ngày 27/04/2005)

 Trong những ngày này, không chỉ có các Vị có trách nhiệm mà hình như cả CIAM đang nóng lên với niềm khao khát được vào triều yết Đức Thánh Cha mới. Đâu đó những trao đổi khi riêng lẻ, lúc công khai mà càng lúc càng hăng hái, nhiệt tình : “bao giờ thì Đức Benêdictô sẽ có buổi triều yết đầu tiên nhỉ?” – “ phái đoàn Việt Nam phải là đứng vào số ưu tiên một chứ!” – “ chắc chắn rồi vì mình có Đức Hồng Y mà!!!”. Và việc phải đến đã đến.

 Tin vui: Phái đoàn Việt Nam sẽ được vào triều yết Đức Thánh Cha vào 10 giờ 30 sáng 27/04/2005 vừa được chính thức đưa vào chương trình thì bầu khí của Trung tâm vốn đã sôi động nay càng rộn ràng hơn. Nhất là khi Đức ông Giuse trao vào tay mỗi người một chiếc mũ lưỡi trai màu hồng đậm và tấm giấy ưu tiên màu vàng dành cho các tham dự viên được quyền ngồi gần khán đài nhất trong buổi diện kiến với Vị Tân Giáo Hoàng của chúng ta.

Để chuẩn bị gần cho buổi gặp gỡ lịch sử này, trong khi một số các Cha và các chị loay hoay chế tác một “băng rôn” đặc biệt với dòng chữ VIỆT NAM thật lớn tô đậm bằng hai màu xanh đỏ cùng với hai dòng chữ khác màu xanh thật duyên dáng, một bằng tiếng Anh, một bằng tiếng Đức. Cả hai mang chung một ý nghĩa : Tâu Đức Thánh Cha, chúng con kính yêu ngài. Một số đông chị em đã cẩn thận và kín đáo mang theo mình tràng hạt và tượng ảnh để được Đức Thánh Cha mới làm phép.

Sau bữa điểm tâm nhanh gọn, phái đoàn chia làm hai nhóm theo Cha A. Phong và Cha Aug. Dụ tiến về quảng trường Thánh Phêrô. Tại đây, không biết từ bao giờ người ta đã có mặt khá đông. Với “phiếu vàng ưu tiên” trong tay, đoàn Việt Nam rất tự tin đi vào chỗ đã được ấn định, hàng ghế nhất bên phía phải Đức Thánh cha, đối diện với các phái đoàn ngoại giao của Toà Thánh. Từ chỗ ưu tiên này, chắc chắn đoàn chúng ta phải là những người được chiêm ngưỡng Đức Giáo Hoàng rõ nhất. Chúa ơi! chúng con được ở chỗ này thì tuyệt quá! Tạ ơn Chúa!!!

Sung sướng nhưng không quên nhiệm vụ. Khi tất cả đã an vị và bầu khí nồng nhiệt đã tạm lắng xuống, một thắc mắc được đưa ra : “Đoàn chúng ta sẽ làm gì khi được nhắc tên trong buổi triều yết lịch sử này?” Sau ít phút hội ý, mọi người nhất trí với ý kiến: cả đoàn sẽ đồng ca bài: “VIỆT NAM ! VIỆT NAM”. Và ngay lập tức mọi trí tuệ đều tập trung để nhớ lời, nhớ giọng một bài hát đã đi vào máu thịt của mình từ nhiều năm trong quá khứ. Cám ơn Chúa, nhờ chung lưng đấu cật, nhờ đồng tâm nhất trí mọi thành viên trong đoàn không những thuộc lòng bài hát mà còn hát rất hùng hồn, hăng say… hát như chưa bao giờ được hát.

Quảng trường lúc này như được đan kín bởi rừng người đông đảo, đủ mọi sắc tộc, màu da, đủ mọi hình thái trang phục, chỗ này hát, chỗ kia múa … tạo một hình ảnh thật đẹp về sự hiệp nhất trong đa dạng của thế giới Kitô giáo. Đối diện với đoàn Việt Nam là ngoại giao đoàn, các vị Hồng Y và Giám Mục trong phẩm phục đại trào. Người được quan tâm chú ý nhiều nhất, và cũng nổi bật nhất là Đức Hồng Y Gioan Baotixita và Đức cha Mỹ Tho – Phaolo Bùi Văn Đọc của chúng ta với hai chiếc dù che nắng rất đặc trưng do con cái Việt Nam dâng tặng.

 Đúng 10 giờ 30, trên chiếc xe hơi màu trắng, mui trần, rất đơn giản, có các Đức Ông hộ tống, Đức Thánh Cha trong bộ trang phục trắng thật thanh thoát đang vòng qua đám đông dân chúng và tiến ra lễ đài. Với nụ cười hiền hậu, ngài giơ tay chúc lành cho tất cả. Cả quảng trường vang tiếng hoan hô chúc mừng, nhiệt liệt chào đón Vị Cha chung của thế giới công giáo. Đặc biệt khi đến trước Phái đoàn Việt Nam, xe ngừng lại. Đức Thánh Cha giơ tay ban phép lành cho tất cả chúng tôi trước khi ngài xuống xe đi bộ vào trung tâm lễ đài. Sau khi an tọa trên chiếc ghế trắng đơn sơ, Đức Thánh Cha ngỏ lời với những người hiện diện và cả những ai đang theo dõi buổi yết kiến này trên các phương tiện truyền thông khác. Ngài xin mọi người cầu nguyện cho ngài, nâng đỡ ngài bằng hy sinh để ngài có thể duy trì và phát triển những công việc của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II. Và để hé mở một chút đường hướng mục vụ của ngài trong tương lai, Đức Thánh Cha nhắc tới sự thánh thiện và can đảm của Thánh Bênêdictô như một quyết tâm ngài dành cho triều đại của ngài. Đức Thánh Cha cũng cám ơn từng phái đoàn và từng người hiện diện.

 Còn đang say sưa theo dõi những lời tâm huyết của Đức Thánh Cha, được chuyển ngữ “sốt dẻo” qua các Cha, các chị em sinh viên du học đoàn Việt Nam cùng đứng bật dậy khi nghe vị chưởng nghi xướng tên của mình. Mọi người không ai bảo ai, nhất trí đồng thanh hát bài VIỆT NAM ! VIỆT NAM ! Dù chỉ là những ca viên không chuyên nghiệp và với số người hạn chế lại chẳng có máy móc hỗ trợ, nhưng chúng tôi đã hát với tất cả sức lực và nhiệt tình của mình… tôi có cảm tưởng rằng, âm thanh không chỉ thốt ra từ miệng lưỡi mà như cuồn cuộn từ con tim, từ trí não của những người con dân Việt, đang chất ngất trong niềm hãnh diện được đại diện cho Giáo Hội Việt Nam xa xôi “ ra mắt” vị Cha chung của Hội Thánh hoàn vũ. Toàn thể cử toạ, có lẽ đến hơn 50 ngàn người lặng thinh theo dõi cho đến khi bài hát kết thúc. Đức Thánh Cha bộc lộ niềm vui bằng những nụ cười thật hiền từ. Ngài chắp hai bàn tay và quay về phía đoàn Việt Nam xá liên tục như tỏ vẻ hài lòng với cách “trình diện” khá độc đáo này của những người con Việt nam, tuy bé nhỏ nhưng đầy lòng kính yêu và tuân phục Đức Thánh Cha. Biến cố lịch sử này diễn ra chưa đầy năm phút nhưng những ai đã trải qua sẽ mãi mãi không bao giờ quên ấn dấu thiêng liêng của nó

Tạ ơn Chúa đã cho con có mặt trong những phút giây độc nhất vô nhị này để hôm nay và mãi mãi con sống hoài cảm thức con được thuộc về Hội Thánh của Chúa, một Hội Thánh luôn đi trong sự phù trợ quan phòng đặc biệt của Chúa để con yêu Giáo Hội hơn và để con sống xứng đáng hơn với những ân ban con đã lãnh nhận từ Hội Thánh, Mẹ của con.

 VIẾNG MỘ ĐỨC GIOAN PHAOLÔ II

 Tuy không được diễm phúc tham dự lễ an táng của Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, nhưng Chúa nhân lành đã tạo điều kiện vàban tặng cho tôi cơ hội được kính viếng và cầu nguyện nơi mộ của vị Giáo Hoàng thánh thiện và thời danh này, hầu như mỗi ngày trong suốt thời gian tôi lưu ngụ tại Roma.

Từ CIAM tới Đền thờ Thánh Phêrô không bao xa. Nhưng để được vào đầu tiên và cầu nguyện lâu hơn nơi phần mộ, chúng tôi thường phải đi rất sớm. Khoảng 7giờ, khi các nhân viên an ninh bắt đầu làm việc, chúng tôi bao giờ cũng là những người đầu tiên. Từ tiền sảnh của Đền Thánh, chúng tôi rẽ phải rồi đi thẳng xuống hầm mộ. Khác với hầu hết các vị tiền nhiệm, Đức Gioan Phaolô II chọn cho mình một chỗ an nghỉ đơn sơ. Mộ của ngài nằm sát mặt đất, trên đặt một tấm cẩm thạch trắng có khắc tên và niên biểu triều đại giáo hoàng của ngài. Trên bức tường phía đầu mộ là bức phù điêu Đức Maria bế Chúa. Phía cuối mộ, một ngọn đèn đỏ lung linh như lời kinh của khách hành hương dâng về Chúa cầu nguyện cho Đức cố Giáo Hoàng cũng như xin ngài bầu cử cho. Hai bên đặt hai chiếc khay đan bằng mây, để nhận những ý nguyện hay lời tạ ơn của người kính viếng.

 Những lần quỳ bên phần mộ của ĐTC, tôi thường mang theo mình tâm tình của tất cả mọi người, đặc biệt những ai nhờ tôi cầu nguyện hay tôi hứa sẽ cầu nguyện cho. Tôi xin ĐTC cầu bầu cho tôi, cho tất cả ơn Đức tin. Xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh, cho ĐTC mới, cho từng người trong Hội Dòng cũng như gia dình luôn vững tin vào Chúa và bền tâm sống theo thánh ý Ngài…Rời mộ ĐTC, tôi bước sang hầm mộ Thánh Phêrô sát bên cạnh. Tại đây, tôi nhớ đến chị Tổng quyền và Ban cố vấn Hội Dòng. Xin cho các chị trong trách nhiệm được mãi mãi nhiệt tình và say yêu Thầy Chí Thánh như Thánh Tông Đồ Cả để các chị đủ sức mạnh đưa Hội Dòng đi lên theo sự soi dẫn của Thánh Thần.

Đi dọc theo đường dẫn ra ngoài là mộ của các ĐGH khác. Vì còn nhiều thời gian nên tôi trở lại Đền Thánh Phêrô, đến bàn thờ Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII và dâng thánh lễ tại đây. Chiêm ngắm gương sống của vị Giáo hoàng thánh thiện này, tôi xin ngài bầu cử cùng Chúa cho các Bề trên cộng đoàn, các chị Giáo và cho chính tôi biết noi gương ngài sống khiêm tốn, nhẫn nại, bao dung để vịệc huấn luyện đạt kết quả tốt như lòng Chúa mong ước.

 HÀNH HƯƠNG KÍNH VIẾNG PHÉP LẠ THÁNH THỂ LANCIANO (ngày 28/4/2005)

Trong đoàn chúng tôi, hầu hết đã từng được nghe chuyện, được xem các hình ảnh về phép lạ Mình Máu Thánh Chúa tại Lanciano, nhưng chưa một ai được đến kính viếng tận nơi. Vì thế, hôm nay, cùng với quý Cha, quý Sơ thành viên Tuần Tu Đức, chị em chúng tôi rất nao nức được tham gia vào chuyến hành hương hiếm có này.

 Khác với mọi ngày, bữa điểm tâm sáng nay được mọi người “thông qua” cách gọn nhẹ. Đúng 6giờ30 ai nấy đã sẵn sàng lên đường theo sự hướng dẫn rất nhiệt tình của hai Cha G. Hoàng Minh Thắng và Cha A. Bùi Kim Phong. Từ Trung tâm CIAM, chúng tôi đi bộ xuống cổng. Ở đó đãcó một xe bus lớn và một xe 25 chỗ sẵn sàng phục vụ phái đoàn trong suốt chuyến hành hương. Sau lời chào thăm tài xế và dâng kinh nguyện xin ơn bình an, chúng tôi khởi hành trong hân hoan vui vẻ.

 Dù đã ở Roma 11 ngày rồi nhưng hôm nay, chúng tôi mới có dịp tham quan thành phố nổi tiếng này. Điểm phải nói tới trước hết là con sông Tevere chảy ngang thành phố. Về mùa này, nước sông cạn nên người ta có thể đi dạo hai bên bờ đá. Phía trên dọc theo dòng chảy là những cây cổ thụ thật lớn, có lá như lá nho với màu xanh ngọc thật dịu, đang đong đưa trước gío tạo cho khách hành hương một cảm giác thật thanh thản, thật bình an. Roma còn có nhiều di tích cổ như khu vực dành cho người Do Thái, những cây cầu, những tường thành được xây dựng ngay từ những thế kỷ đầu tiên … có cả một khu vực riêng dành cho những chú mèo hoang nữa.

 Ra khỏi thành phố, chúng tôi thấy phía xa xa là những rặng núi trùng trùng điệp điệp. Đôi ba ngọn còn sót lại một chút tuyết của mùa đông. Hai bên đường là những ngọn đồi thấp trồng cỏ hay lúa mì. Thỉnh thoảng, giữa những vạt hoa tự nhiên đủ màu sắc, điểm xuyến một vài khu vườn trồng olive, một loại trái cây đặc sản của Ý. Đôi khi, giữa những thảo nguyên xanh tươi, rực rỡ ấy, hiện ra một thành phố được xây trên những ngọn đồi, trông như những toà lâu đài cổ trong chuyện thần thoại…Đất Ý là đất của đồi núi nên để tiện lợi trong giao thông, người ta làm rất nhiều đường hầm, có những đường hầm dài cả đến hai, ba cây số. Để bảo đảm an toàn, trong đường hầm luôn luôn có điện sáng và những đường thoát hiểm. Có những lúc chúng tôi lại được đi trên những cầu vượt cao thật cao, nhìn xuống phía dưới thấy khe suối, sông ngòi sâu thẳm… Song song với thú ngắm cảnh thiên nhiên hai bên đường, chúng tôi còn được Cha Thắng kể cho nghe những câu chuyện phép lạ về Thánh Thể, tập cho chúng tôi những bài hát bằng tiếng Ý. Đan xen với Cha là những góp vui của các Cha, các Sơ khác khiến cho quãng đường như ngắn lại.

Trong hành trình hôm nay, với tôi còn có một kỷ niệm nhỏ vừa nhắc tôi về tình yêu thương tế nhị của Chúa để biết cảm tạ Người, vừa dạy tôi biết sống quảng đại sớt chia như tôi đã từng được chia sớt như vậy. Tôi muốn nói đến câu chuyện Cha G. Lương Minh Trí sẵn sàng cho tôi mượn điện thoại di động của Cha để có thể liên lạc với Hội Dòng và gia đình của tôi. Sung sướng và hồi hộp biết bao khi nghe được những tin tức từ bên cộng đoàn cũng như nhận được tiếng nói rất cảm động của Ba tôi từ đầu giây bên kia … Chưa hết, Cha còn cho tôi thưởng thức kem và cà phê capuccinô đặc biệt của Ý nữa. Và hiện nay, hàng tháng chị em Đaminh Tam Hiệp còn nhận được từ Cha cuốn Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Cám ơn Cha về tất cả những gì Cha đã ưu ái dành cho bản thân chị cũng như cộng đoàn

Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là nhà thờ chính toà kính thánh Tôma Tông Đồ. Nơi đây còn giữ được hài cốt của Vị Tông đồ “cứng tin” này mà theo sử sách để lại, hài cốt của ngài do Thánh Nữ Birgita được Chúa soi sáng cho tìm thấy. Quỳ trước thánh tích của Thánh Tôma, tôi xin Chúa ban thêm ơn Đức Tin cho tôi cũng như cho chị em trong cộng đoàn để nhờ đó, chúng tôi có thể kiên trung theo Chúa và can đảm rao giảng Tin Mừng của Chúa cho nhiều người khác.

 12giờ trưa, chúng tôi đã có mặt tại Lanciano. Bước vào Thánh Đường và nhìn lên Thánh Thể, tôi thấy lòng mình chùng xuống … Một bầu khí linh thánh toả lan. Mọi người đều thinh lặng và quì gối cầu nguyện. Vì có liên hệ trước nên đoàn chúng tôi được ưu tiên dâng lễ ngay phía sau toà lưu trữ phép lạ Thánh Thể. Để kỷ niệm 15 năm thụ phong Linh Mục, Cha Louis Lê văn Hồng được Đức ông Giuse đề cử làm chủ tế Thánh Lễ hôm nay. Vây quanh bàn thờ trong ngôi nhà nhỏ ấm cúng, bên cạnh phép lạ Mình Máu Thánh Chúa, chúng tôi đã cùng với các Cha đồng tế dâng lễ thật sốt sắng. Tôi cứ nhớ và tâm đắc mãi câu chuyện ngụ ngôn Cây Tre rất có ý nghĩa trong bài giảng của Cha chủ tế hôm ấy và thầm ước mơ rằng : phải chi tất cả Linh mục, Tu sĩ chúng ta ai cũng sẵn sàng để Chúa dùng chúng ta theo ý của Người thì cuộc đời dâng hiến đã để lại cho đời bao nhiêu điều tốt đẹp.

 Tiếp nối Thánh Lễ là bữa agapê lưu dộng và đầy tình huynh đệ được thực hiện ngay tại một góc phố. Không bàn, không ghế…mọi sự đều được bày biện cách tự nhiên ngay trên đất và các thực khách cứ thoải mái tự phục vụ… vừa ăn vừa nói. Câu chuyện dòn tan như bánh đa vỡ … Bữa ăn giữa trời hôm nay thế mà vui. Người Việt dùng thức ăn Việt. Thật là tuyệt chiêu! Ngoài món giò nạc và “giăm bông” truyền thống, còn có món giò thủ đặc sản do Ong bà cố Cha PX. Trần Quốc Tuấn chế biến và chính Cha đã khổ công mang từ Mỹ sang để tặng cho anh chị em làm cho niềm vui thêm tròn đầy. Cám ơn Cha Tuấn. Cám ơn Ông Bà Cố.

Bữa agapê kết thúc. Chúng tôi mỗi người một tay, nhanh gọn thu dọn “chíến trường” rồi lên đường trở về. Lúc này ai cũng hồn an xác mạnh cả nên “ thư thái bình an, vừa ngồi … con đã ngủ”. Không biết đến giờ thứ mấy thì chúng tôi tỉnh giấc điệp, chỉ có một điều chắc. Đó là, trước khi về tới Trung tâm CIAM, khi trời vào tối, thì tất cả chúng tôi đã có những tràng chuỗi mân côi sốt sắng tạ ơn Chúa và Đức Mẹ đã ban cho cả đoàn một chuyến đi tuyệt vời.

 KÍNH VIẾNG DI HÀI THẦY GIẢNG ANRÊ PHU YÊN (ngày 29/04/2005)

 Hôm nay, vào khoảng 16 giờ, đúng như chương trình hoạch định, tất cả các cha, các thầy và chị em tập trung để được hướng dẫn hành hương kính viếng di hài của chân phước Anrê Phú Yên, vị thánh mới chỉ 19 xuân xanh nhưng đã được diễm phúc là người tử đạo đầu tiên của quê hương Việt Nam. Nhà Mẹ của các Cha Dòng Tên, nơi lưu trữ thánh tích ở cách CIAM không xa. Vì thế, cả đoàn có thể đi bộ. Đến nơi, mọi người tập trung tại nhà nguyện. Cha Bề trên tu viện kiệu thủ cấp của thánh nhân được đặt trong một hộp kiếng bọc viền bằng quí kim, đặt ngay trên bàn thờ chính.

Sau kinh Chúa Thánh Thần, Đức ông Giuse Đinh Đức Đạo nói đôi điều về tiểu sử và công đức của vị Thánh tử đạo Việt Nam trẻ tuổi này, đặc biệt là cho đến khi bị trảm quyết, đầu đã lìa khỏi cổ mà Thầy vẫn lớn tiếng ca ngợi danh thánh Chúa Giêsu. Chúng tôi đã có những giây phút thinh lặng để cầu nguyện với chân phước Anrê và từng người chúng tôi đến hôn kính và bái chào. Nhìn thấy lòng sùng mộ của quí cha, quí thầy và quí sơ…tôi thầm dâng lời cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa vì lời cầu bầu của Vị Chân phước trẻ này ban cho Linh Mục,tu sĩ chúng con cũng như cho giới trẻ Việt Nam luôn trân qúy ơn đức tin để giữa những khó khăn, phức tạp của cuộc sống hôm nay, chúng con vẫn hiên ngang làm chứng cho danh Chúa Giêsu, không chỉ bằng lời nói mà bằng cả cuộc sống dấn thân không mỏi mệt trong từng hoàn cảnh rất riêng của mỗi người. Buổi kính viếng được kết thúc với Kinh Tin kính, kinh Lạy Cha và Kính mừng. Trước khi ra về, có chụp một số hình chung riêng để lưu niệm.

 Rời Nhà Mẹ Dòng Tên, chúng tôi sang kính viếng ngôi thánh đường bên cạnh có tên là Đền Thờ kính Lòng Chúa Thương xót. Ở đây, ngoài ảnh Chúa Thương xót và chị Thánh Faustina còn có tượng Đức Mẹ Fatima rất đẹp. Sau khi kính viếng và cầu nguyện riêng, chúng tôi đã trở lại CIAM kịp dâng Thánh Lễ chiều với Đức ông Barnaba Nguyễn văn Phương, nhân dịp mừng kỷ niệm 36 năm trong thánh chức Linh Mục của ngài. Tạ ơn Chúa mọi sự tốt đẹp.

ĐÊM THÂN HỮU HUYNH ĐỆ (29/04/2005)

 Mới đó mà đã qua đi một tuần lễ và chúng tôi sắp phải từ giã Quí Cha, quí Sơ của Tuần Tu Đức.

Hiện diện trong buổi Văn nghệ chia tay hôm nay, ngòai Đức ông Giuse với tính cách chủ nhà còn có Đức ông B. Phương, Cha Bề Trên Giuse Nguyễn Công Đoan, Cha G. Nguyễn Tất Thắng OP. , Cha G. Hoàng Minh Thắng, Cha G. Trần Đức Anh OP. và rất đông quý Cha, quý Thầy, quý Sơ về dự tuần Tu Đức… tất nhiên là đông đủ chị em nữ tu Việt Nam

 Để chuẩn bị cho đêm văn nghệ độc đáo này, tất cả chị em chúng tôi cùng với chị Thanh Lasan (Mỹ) và chị Sina –Chúa Quan Phòng- (Cam Bốt) đã tỏ ra rất hăng say và nhiệt tình. Chúng tôi không những bỏ ngủ trưa mà còn bỏ cả chính mình nữa. Thật vậy, trong số chúng tôi, khi ở tại quê nhà, việc “múa máy”, vì nhiều lý do, đã bị bỏ quên từ rất lâu …nay vì tình, vì nghĩa, chúng tôi bắt buộc phải ra mắt bàn dân thiên hạ. Thật sự thì…rất ư là ngại ngần và mắc cỡ. Nhưng Chúa thương, tuy múa chẳng ra làm sao mà vẫn được chụp hình và quay phim tới tấp…thật đúng là Chúa xót thương người phận nhỏ. Chúng con mãi mãi không bao giờ quên ân tình của Chúa và lòng quảng đại của quý Đức ông, quý Cha và toàn thể khán giả đêm thân hữu đậm đà tình thân ấy đã dành cho chị em chúng con.

 Bên cạnh những vũ điệu “có một không hai” của nhóm Nữ tu còn có rất nhiều những nhân vật nổi cộm cũng như những tiết mục hết sức hấp dẫn và lý thú. Chúng con muốn nhắc tới Cha Vinc. Nguyễn An Ninh và Cha GB. Nguyễn văn Thế, những MC hiện đại vừa dí dỏm, vừa duyên dáng làm cho bầu khí đêm thân hữu đã vui nhộn lại càng thêm đậm đà khởi sắc.

Thêm vào đó là cái hồn nhiên, đơn sơ của Hai sơ Dòng Anh Vảy trong trang phục dân tộc rất ấn tượng, sự nhiệt tình của quý Sơ Ao nâu Dòng Chúa Thánh Thần. Tiếng hát mạnh mẽ, tự tin và đầy sức sống của Sơ Gualalupe đêm nay cũng như cung cách tận tuỵ trong phục vụ của quý Sơ trong những ngày qua quasẽ còn đong đầy tâm trí chị em chúng con. Xin được gởi tới quý Sơ lòng cảm phục và tri ân….

Còn đang ngất ngây với lời ca tiếng hát thì chúng con được kéo trở lại với thực tại qua bài chia sẻ của chị Sina về tình hình sinh hoạt tông đồ với quá nhiều khó khăn tại Căm Bốt. Những tệ nạn xã hội, những ngược đãi mà người Việt Nam phải gánh chịu tại đây do nạn kỳ thị chủng tộc. Thật xót xa và đáng thương quá!

Hai câu chuyện về thế giới luyện ngục do Cha Hoàng Xuân Nghiêm kể lại với một lòng xác tín đã nhắc nhở cử toạ rất nhiều về nghĩa vụ phải cầu nguyện cho người đã qua đời. Chúng con nghe được rằng: Cha vẫn thường xuyên được gặp gỡ các Đẳng. Xin Cha tiếp tục chia sẻ những câu chuyện mới để chúng con, trong sứ vụ tông đồ, có thêm dữ liệu quảng bá lòng yêu mến và hy sinh cầu nguyện cho những người đãđi về thế giới bên kia. Sứ vụ của Cha nhờ thế mà nhân lên gấp bội…Cha có đáp ứng không?

Phải kể là thiếu xót lớn nếu không đề cập đến một nhân vật gây “ngạc nhiên trầm trọng” cho buổi họp mặt đêm nay. quý vị có đoán được vị đó là ai không ạ? Thưa đó là Cha A. Nguyễn văn Dụ. Không biết Cha đã lên kế hoạch từ lúc nào mà vừa lúc hai chị Y Nghet và Y Lưh bước ra sân khấu thì Cha trong tu phục Dòng Anh Vảy tiến vào giữa sự ngạc nhiên của mọi người, ngay cả chủ nhân của chiếc áo vừa bị mượn cách bất đắc dĩ. Duyên dáng và hoà đồng, Cha đã cùng các chị hoàn tất rất tốt khâu trình diễn đang dang dở. Còn cử toạ thì được một bữa cười …no nê.

Noi gương Cha, Thày Gioan Trần Quốc Tỏan, Dòng Đồng công, với tu phục mượn tạm của Dòng Con Đức Mẹ Phú Cường và Cha Bằng đã thể hiện những nét trẻ thơ của các cháu tuổi mầm non sao mà “dễ thương” đến thế.

Tình thương mến gởi trao còn nồng thắm, các tiết mục văn nghệ càng về cuối càng “độc chiêu”. Nhưng thời gian có hạn. Vì thế, đã đến lúc chương trình phải khép lại với lời kinh tối thật cảm động. Xin dâng lên Mẹ nhân lành tất cả chúng con. Xin gìn giữ chúng con, kẻ lên đường về nhiệm sở hay người còn ở lại học hành, xin cho chúng con luôn an bình trong Chúa Kitô.

  NHỮNG TÍN HIỆU “VUI MỪNG VÀ HY VỌNG”

 Tuần Tu Đức bế mạc, các thành viên đa phần chuẩn bị lên đường ngay sáng hôm sau. Tuy nhiên cũng có một vài vị còn lưu luyến …chưa nỡ ra về. Nhờ đó mà chị em chúng tôi có thêm giờ gặp gỡ với hai Cha Vinh Sơn Nguyễn An Ninh và Phêrô Hoàng xuân Nghiêm, mà hiện nay, ngoài việc đảm trách hai Giáo xứ lớn tại tiểu bang Michigan, Mỹ quốc, hai Cha còn là những thành viên cốt cán của Liên đoàn Công giáo Việt Nam tại đây. Đúng 9giờ tối 03/05/2005 chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại Phòng họp của Trung Tâm.

Sau ít phút cầu nguyện, Cha Ninh với cách nói chuyện vui tươi, dí dỏm và nhiệt tình Cha đã trình bày cho chị em một cái nhìn tổng quan về Giáo Hội Hoa Kỳ mà cho đến hôm nay, đã có sự đóng góp đáng kể của GHVN với : 200 cộng đoàn Công Giáo Việt Nam (CĐCGVN), trong đó 50 giáo xứ đã được chính thức công nhận, 300 Linh Mục, 200chủng sinh, 30 Dòng Nữ và 10 Dòng Nam hiện lưu ngụ trên mảnh đất Cờ Hoa này

Đáng chú ý hơn là những tin sau :

  • Mùa hè năm nay, để kỷ niệm 30 năm rời quê hương VIỆT NAM và 25 năm thành lập Liên đoàn Công giáo Việt Nam (LĐCGVN), Các Cha đã xin với Hội Đồng GMHK đồng ý cho xây dựng một nguyện đường Đức Mẹ Lavang trong lòng Vương Cung Thánh Đường quốc gia dâng kính Đức Maria Vô Nhiễm, tại bang Washington DC. như một món quà tri ân dâng tặng Giáo Hội Mỹ vì đã mở lòng đón nhận người Việt Nam.
  • Dự kiến sẽ xây một Trung tâm dâng kính Đức Mẹ Lavang tại bang California hay Texas, nơi đông đảo các tín hữu Việt Nam, nhằm mục đích duy trì và phát triển Đức Tin cho người Việt hải ngoại, đặc biệt giới trẻ

Để kết thúc, Cha kể lại biến cố lịch sử người Việt được gặp riêng Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Denver, Colorado vào năm 1993,nhân dịp Ngài sang gặp gỡ các Bạn trẻ ngày Quốc Tế giới Trẻ.

Hồi đó Cha Việt Châu làm chủ tịch LĐCGVN. Cha Ninh làm thư ký. Với mục đích xoá mặc cảm, tạo niềm tin nơi người trẻ VN, hiện đang có mặt khá đông trên đất Mỹ. Các Cha đã hết sức vận động cho người Việt được gặp riêng Đức Thánh Cha. Nhưng đơn xin bị HĐGMHK từ chối với lý do: “ Nếu chúng tôi chấp thuận, thì nhiều sắc dân khác cũng sẽ xin như thế và vấn đề sẽ trở thành phức tạp. Các Ong muốn, cứ liên hệ trực tiếp với Toà Thánh”. Muốn là làm, ba lần khăn gói sang Roma. Với bao nhiêu lý lẽ vẫn không đủ thuyết phục Bộ Lễ Nghi của Toà Thánh. Tưởng rằng, phen này tay trắng vẫn là trắng tay. May quá! Tạ ơn Chúa quan phòng. Vào một ngày đẹp trời, được Thánh Thần mách bảo…các Cha nêu hai lý do sau đây và đã được chấp thuận:

  • ĐTC đã thăm viếng nhiều quốc gia, còn quê hương VIỆT NAM được ĐTC thương cách riêng nhưng lại không thể đến thăm được, nên nhân dịp này, xin cho Ngài thăm tín hữu VIỆT NAM hải ngoại thay cho những anh chị em ở quê nhà.
  • LĐCGVN sẽ trực tiếp truyền thông bằng tiếng Việt để người Công giáo VIỆT NAM quê hương có thể theo dõi và tham dự.

Sau một năm chuẩn bị, một chương trình gặp gỡ vừa thân mật, vừa hoành tráng và nhất là đậm đà bản sắc Việt Nam đã thành hình. Với hai giờ đón đợi trong cầu nguyện và hai giờ gặp gỡ ĐTC. Chương trình đã thành công mỹ mãn. ĐTC rất sung sướng và cảm động. Ngài có những lời phát biểu tự phát rất hay và rất gây ấn tượng…Những tình cảm thiêng liêng ấy cho đến nay vẫn khắc sâu nơi các bạn trẻ VN, nhiều bạn trẻ đã được thức tỉnh để tự hào mình là người Việt, sống theo phong cách Việt vì VIỆT NAM đã có một chỗ đứng quan trọng nơi trái tim Vị Cha chung tinh thần của Hội Thánh Công giáo.

 Thay lời kết cho buổi chia sẻ, hai Cha cùng nhất trí : “Chúng tôi đã ra khỏi Việt Nam, nhưng VIỆT NAM chưa bao giờ ra khỏi trái tim chúng tôi”

 HÀNH HƯƠNG VƯƠNG CUNG THÁNH ĐƯỜNG THÁNH M. GORETTI VÀ NGÔI NHÀ CỦA CHỊ THÁNH

Không biết phải nói thế nào để cảm tạ tình thương vô cùng quảng đại Chúa dành cho tôi trong chuyến đi này. Quả thực trước khi sang Roma, tôi chỉ mới nghe chứ chưa hề được gặp Cha Giuse Hoàng Minh Thắng. Thế mà qua lời yêu cầu của Sơ M. Phạm thị Hoa, Cha đã chấp nhận cho tôi “ăn theo” trong chuyến hành hương đáng nhớ này cùng với hai chị Dòng Anh Vảy và chị Mỹ Vân, Dòng Trinh Vương.

Sáng ngày 01/05/2005, như đã hẹn trước, trong khi mọi người còn đang đắm mình trong cầu nguyện, thì bốn chị em chúng tôi đã khăn gói quả mướp, lanh lẹ ra cổng trung tâm chờ Cha đến đón…Chỉ mười phút sau, bốn chị em đã yên vị trên chiếc xe bốn chỗ, trực chỉ Vương cung thánh đường Thánh Maria Goretti. Không rõ khoảng cách bao xa, chỉ biết rằng, chúng tôi đã tới nơi vào lúc 9giờ30. Toạ lạc ngay gần bãi biển đông đúc người qua lại…nhưng tôi vẫn thấy ngôi thánh đường phía trước mặt chênh vênh một góc coi như đơn lẻ. Qua lời giải thích của Cha Giuse, tiền thân của đền thờ này được xây dựng từ thế kỷ XVII để dâng kính Đức Mẹ trong mầu nhiệm truyền tin. Trải nhiều thăng trầm đổi thay, năm 1950 nhân dịp phong thánh cho chị M. Goretti, nhà thờ được tu bổ lại và được nâng lên thành Vương cung Thánh đường dâng kính thánh nữ.

 Bước vào phía trong, bên hành lang phải, chúng tôi thấy trưng bày nhiều kỷ vật của chị Thánh, đặc biệt có những bức vẽ minh hoạ cuộc đời và biến cố tử đạo của chị. Có một điều rất lạ, đó là qua nét vẽ đơn sơ với những lời thoại giản dị tôi như đang được nghe chị Thánh kể lại chuyện của ngài. Đáng cảm phục biết bao gương sống hào hùng của vị thánh trẻ. chị không những chấp nhận cái chết để trọn tình với Chúa mà còn sẵn sàng thứ tha cho Alexandro, kẻ làm hại mình hầu mở ra cho anh một con đường hoán cải. Tôi thầm nghĩ : xã hội và giáo hội hôm nay cần biết bao những trái tim biết tha thứ để giúp thế giới này trổ sinh thật nhiều điều tốt đẹp.

Tại một góc tường, bên cạnh những tấm hình cuối đời của Alexandro, là bản di chúc rất cảm động của ông. Lấy sổ tay, tôi ghi được những dòng sau đây:

“Tôi, Alexandro, năm nay đã 80 tuổi rồi. Nhìn lại quá khứ, tôi rất ân hận vì thời xuân trẻ tôi đã lầm lỡ đi vào con đường xấu làm tan nát đời tôi. Tôi đã bị báo chí, phim ảnh và bạn bè xấu đầu độc khiến tôi mỗi ngày càng ngập lụt trong tội lỗi. Tôi đã bỏ qua bao lời nhủ khuyên tốt đẹp của những người có trách nhiệm nên càng ngày tôi càng thoả hiệp với sự dữ.

Năm hai mươi tuổi, tôi phạm tội giết người vì mê đắm nhục dục. Nghĩ lại tôi kinh tởm chính mình. Tạ ơn Chúa quan phòng đã đặt trên đường đời tôi một thiên thần nhỏ là chị Maria Goretti để mỗi khi nhớ đến lời can ngăn cũng như cử chỉ thứ tha đầy bao dung của chị, mỗi khi cậy dựa vào lời cầu bầu của chị trước nhan Thiên Chúa, tôi tìm được sức mạnh để đứng lên làm lại cuộc đời. Tạ ơn Chúa vì khi phạm tội, tôi còn là vị thành niên, nên án của tôi mới chỉ là 30 năm. Nếu không thì tôi đáng lãnh án tù chung thân rồi.

Nhờ sống dưới ánh sáng và sự che chở của chị Thánh, tôi đã thâm hiểu cái độc dữ của tội. Tôi chấp nhận án phạt và đã sống tốt 27 năm trong tù. Khi được trả tự do, tôi cố gắng hội nhập vào đời sống mới. Xin cảm ơn các Cha Tu viện Capuchino. Các ngài đã không chỉ mở rộng cánh cửa Tu viện đón tôi mà còn mở cả trái tim của các ngài, để nhờ tình liên đới thánh thiện trong cộng đoàn, tôi đã có những ngày cuối đời thật hạnh phúc tại đây. Hiện nay tôi chỉ mong chờ ngày Chúa cho tôi về với Chúa để được nếm hưởng sự thứ tha thật sự nơi Chúa và được sống bên thiên thần nhỏ của tôi, chị Thánh Maria Goretti yêu dấu.

Viết những dòng này, tôi mong gởi lại cho các bạn trẻ, nhất là những ai đang đọc những lời tâm huyết này. Hãy rút tỉa từ những kinh nghiệm xấu của tôi để can đảm tránh xa dịp tội. Hãy sống tốt và thực hành những việc đạo đức, lành thánh ngay khi còn nhỏ. Đừng bao giờ nghĩ rằng, Thiên Chúa và những lề luật của Người là những gánh nặng ràng buộc chúng ta. Trái lại phải sáng suốt để thâm tín rằng Chúa là hạnh phúc thật và luật pháp của Chúa là con đường duy nhất chắc chắn, là sức mạnh an ủi, nâng đỡ vàđưa dẫn chúng ta vượt qua nhưng nỗi nguy khốn nhất trong cuộc đời”.

                            Alexandro

                                                  Ngày 05 tháng 05 năm 1961

 Bước vào trong nhà thờ, tôi thấy một số người đang cầu nguyện. Chúng tôi dừng một chút viếng Thánh Thể rồi theo Cha xuống tầng hầm, nơi đặt tượng chị Thánh cho khách hành hương kính viếng. Trong vài phút ngắn ngủi, tôi bật lên lời cầu nguyện: Lạy chị Thánh M. Goretti, cám ơn chị đã cho em được đến kính viếng chị tại nơi thánh này, xin chị bang trợ cho những bạn trẻ trên thế giới, đặc biệt các bạn trẻ Việt Nam. Để giữa những khó khăn hiện tại, họ nhận được sức mạnh thánh thiêng của Chúa hầu biết trân quí đức khiết tịnh và sống quảng đại thứ tha như cuộc sống đáng nêu gương của chị.

 Rời Vương cung Thánh đường, chúng tôi tiếp tục lên đường kính viếng ngôi nhà của chị Thánh. Đó là một toà nhà cổ một lầu, giản dị, đơn sơ. Ngay sát bên hông nhà, một cầu thang bằng gạch,rộng và dài tiếp liền với cửa dẫn tới căn phòng chính. Theo lịch sử kể lại : chính các bậc cấp này đã được chứng kiến câu chuyện tử đạo của chị Thánh và hôm nay, để kỷ niệm, người ta đặt ngay sau cánh cửa, thi hài chị thánh bằng đồng đen, xung quanh có hàng rào sắt bảo vệ, bên trong chưng bày hoa nến…nhiều khách hành hương, đa số là người trẻ đã đứng cầu nguyện rất lâu tại đây. Trong khi đó, tại phòng ăn và nhà bếp xưa của gia đình chị M. Goretti, một nhóm bạn trẻ khác đang say sưa theo dõi bài thuyết trình về những nhân đức sáng ngời của vị thánh trẻ này. Nhìn về bức tường phía trước, tôi thấy trên đó, bức ảnh chị Thánh M. Goretti mặc áo trắng đẹp, tay ôm những bông huệ thật tươi, khuôn mặt chị thật khả ái. Tôi bỗng nhớ đến tất cả chị em trong Hội Dòng, đặc biệt các chị nhận chị Thánh làm bổn mạng. Tôi tha thiết xin chị Thánh bầu cử cho mỗi chị em chúng tôi, qua ánh mắt, nụ cười hồn nhiên, thánh thiện, qua cuộc sống khiêm tốn, dấn thân phục vụ, chúng tôi gởi trao lại cho đời sứ điệp mới của lòng vị tha theo gương Chúa Kitô.

Sau khi tham quan phòng ngủ của cha mẹ, của chị em Thánh M. Goretti cũng như gian phòng dành cho gia đình Alexandro, Cha Giuse đưa chúng tôi sang khu vực bán đồ lưu niệm và tặng cho mỗi chị em một kỷ vật nho nhỏ của chị Thánh. Kế đó, Cha cùng chúng tôi ra ngay khu vườn bên cạnh dùng bữa trưado chính Cha chuẩn bị.

HÀNH HƯƠNG ASSISIE (ngày 08/05/2005)

 Cũng như nhiều người đi hành hương Roma, tất cả chị em chúng tôi, ai cũng khao khát dù chỉ một lần được đến kính viếng quê hương của thánh Phanxicô Assisie, vị thánh nổi tiếng và được nhiều người sùng mộ, không những vì thánh nhân sống nghèo khó như Đức Kitô mà còn là mẫu gương hiền hòa, bác ái. Yêu người đã vậy mà còn yêu cả chim muông, hoa lá.

Biết được khát vọng của chị em, Đức ông Giuse đã thương lo liệu, xếp sắp để chương trình đi Assisie được trở thành hiện thực. Chúng con cám ơn Đức ông.

 Sáng hôm ấy, Chúa Nhật lễ Chúa lên trời (8/5/2005), khi Roma còn đang ngái ngủ, thì chị em chúng tôi, theo bước chân thoăn thoắt của Cha A. Phong, hân hoan tiến về phía cổng của Trung tâm, nơi một chiếc xe bus lớn đang chờ đón để đưa đoàn chúng tôi trực chỉ thành phốAssisie thơ mộng, trọng điểm của ngày hành hương hôm nay. Được cảnh báo rằng: khí hậu tại đây khá lạnh,nên mọi người ai cũng chuẩn bị áo ấm, khăn quàng. Sau ba tiếng đồng hồ thênh thang trên xa lộ, chúng tôi đã tới chặng thứ nhất của cuộc hành hương. Đó là Đền thờ Đức Maria, Nữ Vương các Thiên Thần. Đây là một nguyện đường cổ kính, có ngay từ thời Thánh Phanxicô. Từ thế kỷ XVII cho đến nay, nhà nguyện này được tu sửa nhiều lần. Trên đỉnh nóc cuối nhà thờ có đặt một tượng Đức Mẹ ban ơn bằng vàng sáng đẹp. Tương truyền rằng, trong nhiều lần động đất, Đền thờ rung chuyển mà tượng Mẹ không hề hấn gì.

 Sau khi vào phía trong nguyện đường viếng Chúa. Chúng tôi qui tụ tại cuối nhà thờ để chụp hình lưu niệm. Chắc là thấy nữ tu Việt Nam đông vui, nên cả những người lạ mặt cũng đưa máy ảnh ra bấm…Vốn vô tư, hồn nhiên. Chúng tôi không ai thắc mắc chi hết cho đến trưa, một thanh nữ đột nhiên xuất hiện, đưa hình của chúng tôi đã được dán bên cạnh bức chân dung của Vị Thánh nghèo. Cô ấy đề nghị một gía chẳng “nghèo” tí nào: bảy đồng Euro. Thật khó nghĩ ! Hình của mình không nhận thì để lại cho ai đây? Mà nhận thì mắc mỏ quá! Cuối cùng, Cha A. Phong đã ra tay nghĩa hiệp, cứu mạng nữ tu Việt Nam chỉ với năm đồng Euro thôi…Rồi vui vẻ Cha trao trả hồn xác chúng tôi cho chị Madaleine Hoàng Cúc, Trưởng đoàn. Tạ ơn Chúa quan phòng vì nhờ Cha Phong rộng lòng bỏ tiền “ chuộc mạng”, mà chúng tôi khi về tới nhà mới có quà kỷ niệm cho Đức Hồng Y, ngay khi chúng tôi trình diện với ngài tại Toà Tổng. Thế mới hay, trong tình Chúa yêu, ngay cả những cái tưởng như không may cũng trở thành có ý nghĩa.

 Từ giã nhà thờ Đức Maria Nữ Vương các Thiên Thần, chúng tôi tiếp tục lên xe để tới Assisie. Chẳng mấy chốc, mọi người đã có mặt tại nguyện đường chị Thánh Clara. Sau khi tham quan và dừng lại cầu nguyện ít phút tại đây, chúng tôi tiếp tục đến Vương cung thánh đường kính Thánh Phanxicô. Cảnh trí và bầu khí ở đây thật là tuyệt. Tận dụng tối đa những độ cao khác nhau, mà thiên nhiên ưu đãi miền đất này, các kiến trúc sư qua các công trình xây dựng đã tạo cho nơi đây một vẻ đẹp vừa thánh thiêng, vừa mỹ thuật. Giữa cái nắng rất trong của trời, những làn gió lành lạnh mang đến cho người mới tới một khoảnh khắc sâu lắng, thư thái và an bình. Chúng tôi quên hết những nhọc nhằn vừa trải qua và như bị hút hồn bởi thảm cỏ xanh mướt với chữ Pax – nghĩa là bình an- bằng cây cảnh mầu nổi bật và cây thánh gía hình chữ T phía cuối nguyện đường. Bên cạnh đó, một con đường lát đá dẫn vào đền thờ, được điểm xuyến bằng những bụi hồng đầy hoa, đủ màu rực rỡ đang khoe sắc dưới ánh nắng mặt trời.

 Còn đang ngất ngây với nắng, với gió, với những gì rất lạ của miền đất linh thiêng này. Chúng tôi được hai Thầy Phan Sinh dẫn đến một nhà nguyện nhỏ dưới tầng hầm để tham dự thánh lễ Chúa nhật do Cha A. Phong và hai cha bạn đồng tế. Đúng là đến với vương quốc của Vị Thánh chỉ lấy Chúa làm gia nghiệp, ngôi nhà nguyện chúng tôi đang tụ họp thật đơn sơ. Ngoài những chiếc ghế gỗ mộc mạc dành cho người dự lễ, chúng tôi chỉ còn thấy một bàn thờ, một gía đọc sách giản đơn và cũ kỹ. Nhưng trong cái nghèo khó đó, chúng tôi như đón nhận được thông điệp sống của Thánh Phanxicô. Chúng tôi thấy sáng lên chân lý này: chỉ khi con người thực sự sống khó nghèo thì họ mới có khả năng mở rộng tâm hồn đón Chúa và tha nhân.

 Thánh lễ được kết thúc với kinh hoà bình. Không hiểu sao vừa cất tiếng hát, nước mắt tôi trào ra. Tôi cảm thấy một gìong suối an hoà từ một nơi nào đó rất thánh thiêng đang tuôn chảy dạt dào vào lòng tôi. Tôi xin Chúa là hoàng tử Bình an qua lời chuyển cầu của Thánh Phanxicô ban cho tất cả chúng tôi, mỗi chị em và từng thành viên của mỗi hội Dòng luôn là những món quà bình an Chúa trao gởi cho những nơi, những người chúng tôi gặp gỡ và phục vụ hàng ngày trong đời dâng hiến và tông đồ.

Sau Thánh Lễ, chị em chúng tôi đi tham quan Tu viện và phòng lưu trữ các kỷ vật của Thánh Phanxicô. Điểm làm tôi chú ý hơn đó là chiếc áo dòng cũ của thánh nhân được trưng bày cách trang trọng trong lồng kính. Chiếc áo làm bằng vải thô, màu xám ngả nâu, đã vá nhiều mảnh. Khi dang rộng, chiếc áo mang hình thánh giá. Thánh Phanxicô, qua tu phục của mình như muốn để lại cho thế giới một thông điệp với hai ý nghĩa:

  • Con người không chỉ sống dựa vào vật chất mà còn cần sống nhờ vào sự tin tưởng phó thác cho Chúa quan phòng, Đấng vô cùng giầu có. Chính Người sẽ chăm lo cho chúng ta như chăm lo con ngươi trong mắt Người.
  • Khi chúng ta ăn mặc giản dị, chúng ta dễ dàng tạo mối tương quan thân mật cũng như trở nên một với những người nghèo khó là những người được Thiên Chúa đặc biệt yêu thương.

Từ phòng tham quan các kỷ vật thánh, chị em trở ra phía trước tu viện. Nơi đây có những hành lang rộng và dài dùng làm nơi nghỉ chân cho khách hành hương. Chúng tôi đã dùng bữa trưa “ tay cầm” tại đây. Cùng chia sẻ với chúng tôi là từng đàn chim bồ câu, không biết từ đâu bay về mà nhiều đến thế. Chúng sà xuống bên chúng tôi để nhận những miếng bánh vụn… rất dạn dĩ và thân thiện. Nhiều người kể rằng : bồ câu ở đây được Chúa nuôi với nhiệm vụ hàng ngày tiếp đón khách hành hương và chầu chực bên tòa Thánh Phanxicô. Còn tôi, tôi nghĩ những chú chim này là biểu tượng cho mẫu người sống theo tinh thần của thánh nhân: giản đơn trong mọi chuyện để trọn bề tín thác nơi tình Chúa quan phòng và sẵn sàng hoà đồng với mọi người, nhất là những người nghèo khó để yêu thương, phục vụ.

 Trên đường về, để trợ lực cho chúng tôi, chị Trưởng đã cho chúng tôi dừng lại ngay giữa đường và vui vẻ…ăn kem Ý. Đang mệt mà được dừng lại ăn kem thì thật là hết ý rồi! Nhất nữa lại là kem do Đức ông Phanxicô Bogia tài trợ. Chúng con nhớ ơn Đức ông mãi hoài!

VỚI CỘNG ĐOÀN CÁC CHỊ TIỂU MUỘI

2 giờ đúng, chúng tôi lại lên xe và lần này Cha đưa chúng tôi đến viếng nhà thờ Đức Mẹ Ba suối và Nhà thờ Thang Trời, nơi Thánh Phaolo bị trảm quyết rồi đi thăm Cộng đoàn các chị Dòng Tiểu Muội. Chúng tôi được các chị tiếp đón như những người thân. Sau ít phút trò chuyện vui vẻ, uống nước, ăn kẹo để nghỉ mệt, tại phòng khách của cộng đoàn, chúng tôi được hướng dẫn đi thăm các nơi trong nhà. Nhà của các chị được thiết kế toàn bằng gỗ, thật mộc mạc, đơn sơ nhưng lại rất mỹ thuật…Chúng tôi thấy hoa nở khắp nơi, không chỉ trên cây cảnh trồng đây đó mà còn có những nụ hoa sống động tình người tình Chúa trên mắt, trên môi, trên khuôn mặt thánh thiện, chân chất và thân tình các chị dành cho chúng tôi cũng như những khách thăm viếng khác. Còn đang ngỡ ngàng về cung cách tiếp khách rất dễ thương của cộng đoàn, chúng tôi được dẫn tới ngôi nhà nguyện nhỏ, nằm khuất phía triền đồi. Và chính ở nơi đây, cái thắc mắc của tôi được giải thích. Trên bàn thờ đầy hoa, Mình Thánh Chúa được đặt trong Hào quang cho mọi người tôn kính. Một bầu khí trầm lắng và bình an. Chúng tôi quỳ gối cầu nguyện và quên cả thời gian …. Khoảng 3 giờ 45 chiều, chúng tôi đi thăm căn phòng nhỏ nằm sâu dưới lòng đất, nơi lưu trữ những kỷ vật của Cha Charles de Foucauld. Chỉ là những vật dụng rất tầm thường như cái cưa nhỏ, cái bay vừa thô, vừa cũ và một số bức tranh nét vẽ đơn sơ, giản dị. Nhưng dường như chúng nói lên rất nhiều về sự khiêm tốn, xoá mình của Cha Charles. Được Chúa hoán cải, Cha đã từ giã kiếp sống phù du, phóng đãng lại phía sau, để say yêu Chúa Giêsu và trở nên giống Ngài. Không chỉ sống âm thầm, bé nhỏ mà còn trở nên mọi sự cho mọi người kể cả biến cố sẵn sàng chấp nhận cái chết đau đớn từ nơi người mình yêu thương nhất. Tôi thêm một lần xác tín rằng : những dấu chân tầm thường nhất, những con người vô danh nhất sẽ mãi mãi tồn tại nếu chúng được đặt vào dấu chân tình yêu của Chúa Giêsu và sống hết mình vì Ngài và cho Ngài. Ý nghĩ của tôi như được củng cố thêm qua lời của Chúa Giêsu, được Cha Charles diễn tả cách cụ thể như sau: “Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không mục đi, nó sẽ trơ trọi một mình. Nhưng nếu nó mục nát đi, nó sẽ đâm nhiều bông hạt…Vì tôi chưa chết nên tôi vẫn cô đơn một mình…Hãy cầu xin cho tôi được ơn hoán cải ngõ hầu chết đi…tôi mang lại nhiều hoa trái…(thơ gởi Suzanne Perret, 15/12/1904)

Sau khi tham quan, chúng tôi cùng Cha Giuse hiệp dâng thánh lễ. Niềm vui càng dâng cao khi được chị Têrêsa Quy – một trong số nữ tu Tiểu muội Việt Nam đầu tiên – cho biết hôm nay cũng là ngày chị mừng kỷ niệm 48 năm khấn sống theo tinh thần của Cha Charles. Tuy tuổi đã cao nhưng chị vẫn tiếp tục phục vụ không mỏi mệt trong sứ vụ tiếp đón khách hành hương đến Đất Thánh. Mến chúc chị luôn là hoạ ảnh đẹp và rõ nét nhất của tinh thần tiểu muội.

Trước khi từ giã cộng đoàn, chúng tôi đã chụp một tấm hình lưu niệm với các chị Tiểu Muội Việt Nam, ngay trên thảm cỏ xanh bên cạnh nhà.

 Cuộc hành trình dài một ngày làm tất cả chúng tôi thấm mệt…nên trên đường về, chúng tôi đã thiếp đi rồi ngủ hết. May còn có Cha Giuse tỉnh thức để mời gọi chúng tôi thức tỉnh đúng lúc, không phải là đi đón “chàng rể” mà trở lại với Trung tâm CIAM vì gần đến giờ Kinh Chiều rồi.

Chị em chúng con chân thành cám ơn tình thương và sự chu đáo của Cha. Xin Chúa trả ơn Cha bội hậu thay cho chúng con.

 ĐI THĂM TRỤ SỞ BỀ TRÊN TỔNG QUYỀN DÒNG ĐAMINH, TU VIỆN SANCTA SABINA (ngày 13/05/2005)

Là tu sĩ Đaminh, ai cũng muốn có lần nào đó được đến thăm viếng Tu viện Sabina, trụ sở Tổng Quyền của Dòng cũng chính là nơi còn ghi lại rất nhiều kỷ niệm của Cha Thánh Đaminh Tổ Phụ. Vì thế, ngay từ khi đặt chân lên đất Roma, ba chị em Đaminh: M. Trần thị Thương (HD. Rosa Lima), M. Bùi Thị Điểm (HD. Lạng Sơn) và tôi đã khao khát được viếng thăm nơi này. Nhưng phần thì chân ướt chân ráo, đường đi nước bước lạ lẫm như chim chích vào rừng, phần thì chương trình đan kín hết…chẳng còn chỗ nào xoay sở. Mãi cho đến những ngày cuối, nhờ sự quan phòng đặc biệt của Chúa, chị Điểm qua email liên hệ được với Cha Quirico Pedregosa OP – Cố vấn miền Châu Á Thái Bình Dương, hình thành một cuộc gặp gỡ. Chương trình này được Cha G. Nguyễn Tất Thắng, OP ủng hộ.

Trưa ngày 13/5/2005, sau giờ hội thảo, chị em theo thông lệ ra cổng chờ…Ai có ngờ Cha Thắng lại quá nhiệt tình đã cho xe lên tận nơi … Kẻ chờ, người chạy đón không gặp được nhau. Thế là đã trễ, còn trễ hơn … Dù xe chạy khá nhanh nhưng khi đến nơi, Tu viện đang dùng cơm. Cha Bề trên Tổng quyền cũng vừa rời nhà đi dùng cơm khách. Còn đang nghĩ ngợi về sự chậm trễ của mình thì các Cha từ nhà cơm ra đón chào chị em cách vui vẻ rồi mời vào cùng chung chia bữa ăn huynh đệ.

Cơm xong, mọi người chuyển sang phòng bên cạnh để uống trà, ăn kẹo … Món hạt điều của chị em được quý Cha, quý Thầy nhiệt tình hưởng ứng…. Cha Quirico và Cha Chrys McVey OP. vui vẻ hướng dẫn chị em đi xem nhà. Đây là phòng nguyện của Cha Thánh Đaminh, kia là chỗ Cha Thánh làm việc. Được tận mắt chứng kiến những nơi ghi dấu những kỷ niệm thánh của người Cha tinh thần, tôi thấy từ trong trái tim mình, một cảm giác mênh mang khó tả như bao trùm lấy con người của tôi. Tôi xin Thánh Đaminh cho tôi và các chị em tôi mỗi ngày cảm sâu linh đạo của Dòng để chúng tôi có đủ can đảm tiếp bước Cha trong thời đại hôm nay. Điểm dừng cuối của chúng tôi trước khi rời Tu viện cổ kính này là bên gốc cây cam chính Cha Đaminh đã trồng mà cho đến hôm nay, trải hơn 800 năm, vẫn dư tràn sức sống, cành lá xanh tươi, trĩu quả. Nhìn những trái cam vàng ươm rất mê…Chúng tôi hái một giỏ to với ý định sẽ đãi chị em một chầu cam của Đấng thánh…Nhưng câu chuyện không kết có hậu như chúng tôi nghĩ. Số là, sau khi từ giã quý Cha, chúng tôi được bác tài xế của Cha Tổng Quyền chở tới gặp Cha tại một điểm đã hẹn trước. Xui cho chúng tôi, vì Cha Bề trên Cả có cuộc họp đột xuất nên chúng tôi chỉ kịp chào hỏi Cha ít lời và chụp với Cha một vài tấm hình lưu niệm rồi chia tay. Cha Bề trên đi rồi. Cha Thắng dắt ba chị em đi bộ về CIAM. Không biết có phải lúc này Chúa Thánh Thần đi vắng hay không mà Cha dẫn chị em lên dốc, xuống đồi mãi hoài mà vẫn chưa tìm ra phương hướng…Trời thì nắng, giờ học lại cũng đến rồi…Chúng tôi vừa mệt lại vừa lo. Trong khi đó Cha Thắng cứ tỉnh như sáo. Ngài vừa đi vừa cắt nghĩa đủ mọi chuyện trên đời. Chúng tôi chẳng còn tâm trí nào mà tiếp thu…Người tội nghiệp nhất là chị Điểm, với gỉo cam nặng, chị như Simeon vác Thánh giá đỡ Chúa trên đường về Núi Sọ, hết ôm bên này, lại chuyển bên kia, lúc xách lúc vác … mồ hôi nhễ nhãi. Nhiều lần chị Thương và tôi xin được thông phần đau khổ. Nhưng chị nhất mực từ chối…. Sau gần ba tiếng đi bộ và thâm cảm cái nắng không mấy dễ thương của ngày hôm nay. Chúng tôi cũng đã về tới nhà. Cả ba lao vào phòng chị Điểm nghỉ mệt rồi… bóc cam ra bồi dưỡng. Chúa ơi, sao mà đắng thế! Hoá ra cam thánh chỉ để chưng chứ không phải để ăn. Chưa hoàn hồn thì phút thư giãn cũng chấm dứt, giờ học mới bắt đầu. Chúng tôi cố gắng vào lớp…mà lòng trí vẫn còn miên man với những con đường “bí hiểm” của Roma, với những kỷ niệm có một không hai của ngày hôm nay

 MỘT NÉT DUYÊN DÁNG, DỄ THƯƠNG CỦA TÌNH YÊU QUAN PHÒNG

 Trước khi đặt bút viết về những cuộc hành hương mới sau khi rời Trung Tâm Linh Hoạt Truyền Giáo Quốc tế Roma, có lẽ tôi nên đề cập một chút về Cha Augustino Nguyễn Văn Dụ, hướng dẫn viên “độc chiêu” mà Chúa Quan Phòng đã cho chúng tôi có duyên được gặp ngài trong suốt hành trình này.

 Như quý vị đã biết, đoàn chúng tôi hầu hết là các Bề Trên Tổng Phụ Trách và các Chị Giáo, những người có trách nhiệm với cộng đoàn nên ai cũng được Chúa ban ơn “tiên liệu” cách sung mãn. Do vậy, dù mới ở Roma chưa được một tuần, chúng tôi đã lo lắng cho hành trình trở về mà cụ thể là chương trình “hậu CIAM”. Quả thật, sau chuỗi ngày ấm êm tại đây, chúng tôi sẽ đi đâu? Ai sẽ là người dẫn lối, ai là người bảo trợ cho đoàn hành hương Nữ tu khá đông đảo này???

Kinh nghiệm từ chuyến bay Việt Nam – Kuala Lumpur – Roma còn đang nóng hổi trong lòng, chúng tôi nhất trí tìm đến với “Sư phụ Augustino” để phiền ngài một lần nữa. Chúa thương xếp đặt mọi chuyện thuận lợi tốt đẹp. Cha đã trở lại Roma dạy học cho nhóm chúng tôi và tham dự tuần Tu Đức. Gặp Cha, ai cũng vui như Tết, chuyện cũ được kể lại kéo theo những trận cười dòn dã, phấn khởi. Lợi dụng tình thế, chị Mad. Hoàng Cúc, Trưởng đoàn nhỏ nhẹ:

– Cha ơi! Cha đã đưa chị em chúng con tới đây bằng an, Cha có nghĩ … sẽ đưa chúng con về lại Việt Nam quê hương không?

Cha trầm ngâm không trả lời. Nhưng trong những ngày kế tiếp, Cha lo lắng kiếm tìm, chọn lựa phương tiện rẻ nhất, thích hợp nhất với hoàn cảnh khá phức tạp của chúng tôi với mục đích giúp chúng tôi hoàn thành tâm nguyện: hành hương Fatima- Lộ Đức- Lisieux trước khi về Việt Nam với thời gian kỷ lục: chỉ với 10 ngày trời.

Với nhiệm vụ Phó đoàn, tôi từng được đi theo Cha để “khảo giá” tại các quầy bán vé máy bay, vé xe lửa, được gặp gỡ với gia đình anh chị Dư Thúy, học trò của Cha, những người sẽ tiếp tay với Cha để giúp đoàn chúng tôi trong lúc “hữu sự” này. Sự niềm nở, vui vẻ, linh hoạt và nhất là cái tâm rất tốt của Cha như phép mầu hoá giải mọi khó khăn. Tôi trộm nghĩ, với mẫu người như Cha, khó khăn nào cũng vượt qua, thử thách nào cũng chiến thắng. Tôi sẽ cố gắng học hết chiêu của “sư phụ” để thêm một hành trang mới cho con đường sứ vụ của tôi hôm nay và ngày mai. Quả thế, tuần Tu Đức vừa khép lại, trước khi chia tay để trở về nhiệm sở tại Bắc Ý xa vời vợi. Vì muốn chúng tôi yên lòng, Cha đã hình thành cho nhóm chúng tôi một chương trình khá cụ thể:

  • Sáng 16/05 từ gĩa Roma, bay sang phi trường Lisbona, Bồ Đào Nha. Tại đây Cha đã xếp cho Anh chị Đạo Dân ra đón và thuê xe bus đưa chị em về Fatima.
  • Chiều 17/05 rời Fatima đi Lộ Đức bằng xe bus
  • Lưu lại Lộ Đức ngày 18 và 19/05.
  • Trưa 19/05 đi Paris bằng xe lửa tốc hành

Tôi cứ nhớ mãi lời dặn dò đậm đà tình thương Cha để lại cho chị em: “Về nhà trọ, tại Fatima cũng như Lộ Đức, tôi đã tìm chọn chỗ thuận lợi nhất cho các chị: vừa gần lại vừa rẻ. Rất tiếc là tôi không thể đồng hành với các chị được. Xin các chị, tại các nơi Thánh nhớ đến tôi trong lời cầu nguyện. Chúc các chị lên đường bình an. Hẹn gặp lại các chị tại quê hương !” AD.

Thưa Cha Augustino, hôm nay, mọi chuyện đã qua rồi. Dừng một chút nghĩ về Cha, chúng con muốn kính đến Cha tâm tình quí mến, cảm phục và vô vàn biết ơn. Thật thế, nơi Cha không chỉ có những thao thức lớn cho Giáo Hội, cho xã hội, những băn khoăn về đời sống gia đình đang cần được nâng đỡ và cấp cứu mà ngay cả những chuyện rất cụ thể của đời thường, những chuyện nhỏ bé và cỏn con của chị em nữ tu chúng con cũng được Cha đáp ứng cách tận tuỵ và vô vị lợi.

 Chúng con vẫn cứ muốn gởi tới Cha một thắc mắc đã có từ lâu mà hôm nay mới dám ngỏ lời : “Cha ơi! Dẫn đường chỉ lối và bao bọc chúng con suốt hành trình đi về … Cha có cảm thấy nặng nhọc và bận lòng không? Nếu những biến cố ấy được tái lại lần nữa thì Cha còn dám nhận làm người chỉ đạo của chúng con nữa không? Cha trả lời chúng con nhé !

HÀNH HƯƠNG LINH ĐỊA FATIMA (ngày 16-17/05/2005)

Theo chương trình, chị em chúng tôi phải rời CIAM ngay chiều 15/05/2005. Nhưng vì vé bay Fatima sáng 16/05 mới cất cánh nên Đức ông Giuse cho đoàn lưu lại Trung tâm thêm một đêm. Đêm cuối cùng ở Roma, chắc là nhiều người trong chúng tôi thao thức không ngủ. Vì khi còn sớm lắm, chị em đã hành lý gọn gàng theo đường thang máy chuyển hết lên sân thượng. Tại nhà cơm, các Sơ đã sẵn sàng cho bữa điểm tâm. Mỗi chị em lót dạ một ly sữa nóng rồi chuẩn bị lên đường. Đúng 4 giờ 30 xe tới. Phụ với bác tài, chị em chúng tôi hăng hái khuân xếp hành lý lên xe cho kịp chuyến bay vì phi trường cách Trung tâm khá xa. Chúa ơi! Đây là đoàn hành hương học hỏi mà sao đồ đoàn nhiều như người đi buôn vậy!!! Không nói ra nhưng ai trong chúng tôi cũng thấy trong đầu hiện lên một câu hỏi: “Quá ký thì sao đây”? Và như một thói quen đạo đức chúng tôi cầu xin sự trợ giúp của Đức Mẹ.

Dù sớm như thế, nhưng Đức ông Giuse, Cha A. Phong, một số chị em bên Foyer và các chị em Đaminh du học đã có mặt để tiễn chân và đồng hành với chị em. Như được Thánh Thần soi sáng, ai cũng lưu luyến hướng nhìn về Đền Thánh Phêrô với tháp vòm vươn cao trên bầu trời, lấp lánh ánh điện. Với chị em chúng tôi thì Đền thánh Phêrô không chỉ là nơi cư ngụ của Đức Thánh Cha hay chỗ làm việc của các thánh bộ mà đây còn là điểm qui tụ và hiệp nhất của mọi kitô hữu, là sức sống sung mãn của cả Giáo hội. chị em đã cầu nguyện cho mình, cho Hội Thánh, cho Hội Dòng, cho tất cả các ân nhân đã nâng đỡ chị em trong những ngày hành hương hồng phúc này. Tôi thấy nhiều người đưa tay lau vội giòng nước mắt….

Từ CIAM đến phi trường phải mất nửa giờ. Nhờ ơn Đức Mẹ, valise to, valise bé, nặng nhẹ đều được nhân viên phi trường giải quyết cách tốt nhất. Tạ ơn Chúa ! Đồng hồ chỉ 7 giờ 20, trễ hơn giờ ấn định nửa tiếng, máy bay khởi động rồi nhẹ nhàng cất cánh đưa các con cái của Mẹ đến điểm hẹn, linh địa Fatima, nơi Mẹ hiện ra cách đây gần 90 năm và cũng là nơi tất cả chị em khao khát được đến để hành hương và cầu nguyện.

Sau ba giờ bay, vào lúc 10 giờ 30 (giờ Fatima) chị em tới phi trường Lisbona. Sân bay còn ướt nước như vừa qua một trận mưa nhỏ. Trời hanh nắng, những làn gió nhẹ thổi tạo cảm giác lành lạnh thật dễ chịu như vòng tay ôm Mẹ dành cho những người con từ nơi xa vắng trở về…

 Từ chỗ nhận hành lý bước ra, chúng tôi được gia đình Anh chị Đạo Dân và Anh chị Tâm – người của Cha A. Dụ- ra đón, thân quen như người nhà. Các anh chị phụ chúng tôi xếp đồ đoàn lên một chiếc xe bus lớn để chuẩn bị lên đường đến chính nơi Đức Mẹ hiện ra.

Anh chị Đạo Dân chia tay với chúng tôi ở đây, còn Anh chị Tâm đồng hành với chúng tôi đến tận linh địa của Mẹ. Cám ơn Chúa, sau hơn một tiếng trên xe, khoảng 12giờ30 chúng tôi đã có mặt tại nhà trọ. Chị Tâm người Việt nhưng ở Ý đã lâu nên chị nói tiếng Ý như tiếng mẹ đẻ. Với tất cả nhiệt tình, chị vừa trao đổi giúp chúng tôi với nhân viên nhà trọ vừa đôn đáo chạy tới chạy lui hỏi chương trình phụng vụ tại Đền Thánh Đức Me. Cũng chính chị trò chuyện và gởi gấm chúng tôi cho bác tài xe bus, người sẽ chở chúng tôi băng qua Tây Ban Nha để đến Lộ Đức. Để tiết kiệm thì giờ, mặc dù có một chút mỏi mệt, chúng tôi tranh thủ chuyển đồ, nhận phòng rồi dùng cơm. Đồng hồ chỉ đúng 3 giờ, chúng tôi đã có mặt đầy đủ tại Vương cung Thánh đường Fatima để tham dự Thánh lễ, cám ơn Chúa và Mẹ đã cho chúng tôi được hiện diện nơi mảnh đất thiêng liêng này, điều mà không ai trong chúng tôi dám nghĩ tới.

Chiêm ngưỡng toàn cảnh linh địa Fatima, từ Vương cung Thánh đường đến các công trình phụ khác, theo cảm nhận của riêng tôi, tôi không thấy nơi Fatima cái bề thế và cổ kính của Roma. Nhưng ở đây, dường như có cái gì đó vừa duyên dáng, vừa dịu hiền, vừa ấm êm như vòng ôm của tay Mẹ … Quảng trường rộng và thoáng, được lát bằng một loại đá vuông màu đen, xoáy theo hình trôn ốc rất gây ấn tượng. Bên phía phải là nguyện đường nhỏ, nơi Mẹ hiện ra. Nơi đây thường xuyên có thánh lễ và cũng là nơi khởi đầu cho cuộc cung nghinh thánh tượng Mẹ mỗi tối.

Đền thờ chính của Fatima không lớn lắm. Phía trên cung thánh, một bức điêu khắc đơn gỉan diễn lại khung cảnh Mẹ Maria được Chúa Ba Ngôi ban thưởng triều thiên trước sự chứng kiến của triều thần Thiên quốc. Phía dưới là bốn cột trụ bằng cẩm thạch hồng có khảm những chiếc nơ vàng trông thật xinh xắn. Bên phải cung thánh, thánh tượng Mẹ Fatima được đặt trên đế cao, chung quanh trang hoàng rực rỡ hoa tươi. Khách hành hương đến câu nguyện với Mẹ lúc nào cũng đông. Từ cung thánh Đền thờ nhìn sang hai bên là mộ và tượng của hai chân phước Giaxinta và Phanxicô.

 Tại Fatima, tôi đã có hai kỷ niệm rất đẹp. Đó là đúng vào thời điểm này 45 năm về trước, (16/05/1960), như một nụ hoa bé bỏng, tôi được Chúa Tình yêu đoái thương chọn gọi sống đời dâng hiến. Với tất cả nhiệt tình, tôi đã bỏ lại phía sau tất cả để tiến bước theo Ngài. Cũng từ ngày đó, Mẹ Maria luôn bên tôi để dắt dìu, nhủ khuyên, để ủi an nâng đỡ…Tôi vẫn xác tín rằng, tôi có ngày hôm nay là nhờ ơn Chúa ban cho, qua tay Mẹ Maria. Nhưng tôi không thể ngờ được Chúa và Mẹ đã cho tôi một hồng ân quá lòng mong ước: một tháng ở Roma như một chuẩn bị tâm linh cần thiết và được có mặt tại linh địa này vào đúng ngày giáp năm của 45 năm theo Chúa. Tôi quỳ trước nhan Mẹ mà lòng bùi ngùi cảm động, nước mắt chảy dài trên gò má. Tôi xin Mẹ cùng với tôi dâng lời tạ ơn và tạ tội với Chúa cho 45 năm hồng ân và cũng cho 45 năm có nhiều thiếu sót, lỗi lầm.

 Lúc này, cùng với tâm tình sám hối và tạ ơn, hình ảnh chị Tổng và từng chị em trong Hội Dòng đong dầy tâm trí tôi. 45 năm qua, tôi được Mẹ Hội Dòng chăm sóc, dưỡng nuôi, huấn luyện và hôm nay còn tín nhiệm cho tôi chung tay cộng tác làm việc cho Hội Dòng. Ơn trời bể đó tôi muôn đời ghi nhớ.

Tôi nhớ đến Cha Mẹ, anh chị em, những người đã cho tôi cuộc sống và đã sẵn sàng hy sinh dâng tôi cho Chúa trong đời sống tu trì. Tôi cũng không quên tất cả những ai, Chúa quan phòng cho tôi được găp gỡ, được phục vụ suốt đời dâng hiến của tôi, đặc biệt những người đã cầu nguyện, hy sinh và giúp tôi trung thành với ơn gọi, trong đó có những người tôi biết và cả những người tôi chưa từng gặp mặt để nói lời cám ơn. Xin Thiên Chúa là Cha tình thương và xin Mẹ Maria nhân ái ghi ơn và trả ơn bội hậu cho tất cả.

Trước khi đặt chân đến Fatima, tôi đã từng nghe nói đến con đường sám hối, một con đường các hối nhân đi bằng đầu gối để đền tội. Tôi khao khát một lần được đi trên đó. Nhưng nhiều người, nửa đùa nửa thật cảnh báo tôi : “sám hối bằng đầu gối”, chuyện không đơn giản đâu!!!

Nghe biết chuyện này, cộng đoàn Đaminh Tam Hiệp đã hết lòng hỗ trợ tôi bằng lời cầu nguyện. Còn tôi, tôi xin Mẹ Maria giúp tôi. Và Mẹ đã nhận lời.  Vừa bước vào quảng trường Fatima, tôi đã nhận ra ngay con đường đặc biệt này và tôi biết mình phải làm gì? Thực sự thì tôi không ngại khó, vì trước mắt tôi đã có một vài bạn trẻ đang âm thầm vừa đi vừa cầu nguyện. Nhưng tôi ngại vì trong nhóm không chị nào hưởng ứng “chương trình” này. Tôi nói với Đức Mẹ: “Mẹ ơi! Mẹ không giúp thì con phải bỏ cuộc đó”. Chưa dứt lời, tôi nhận được một đề nghị của chị Raphael Tiết Minh, Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh mục. chị bảo tôi: Mình cùng đi con đường sám hối xem sao nhé? Mừng quá, tôi gật đầu và cả hai chúng tôi, chẳng có băng vải bảo vệ, cũng chẳng biết bỏ giầy, bỏ xăng-đan. Với tất cả lòng thành tín, chúng tôi quì gối và bắt đầu vừa đi vừa lần chuỗi. Đi được gần nửa đường, ngoài cả giác tê buốt nơi đầu gối, tôi còn thấy cả hai bắp chân cũng đau luôn … một sự mỏi mệt bao trùm lấy tôi khiến tôi nản lòng …. Liếc nhìn chị bạn, thấy chị tay cầm tràng hạt, đầu hơi cúi về phía trước, hai đầu gối vẫn đều đều tiến tới. Gương sáng của chị đã khích lệ tôi rất nhiều. Nhìn vào nội tâm của chính mình, tôi bắt gặp hình ảnh dịu hiền của Mẹ, nhớ lại những lời nhủ khuyên đầy tình mẫu tử Mẹ trao gởi cho tôi … những phúc ân tôi đã nhận, những lỗi lầm tôi đã có suốt hành trình tu trì. Tôi tìm được sức mạnh để đi hết chặng đường còn lại. Tạ ơn Chúa. Cám ơn Mẹ đã giúp con hoàn thành tâm nguyện.

Theo đúng chương trình, 3 giờ 30 chiều 17/05/2005, nhóm sẽ rời Fatima đi Lộ Đức. Vì thế, trước khi chia tay với chúng tôi để về lại Ý, chị Tâm một lần nữa dẫn chúng tôi tới gởi gấm cho bác tài xế. Chị thật sự không an lòng vì sắp tới đây, cùng đi với nhau trên một chặng đường khá dài mà chị em và bác tài không thể hiểu nhau vì ngôn ngữ bất đồng … Cám ơn chị thật nhiều! Nhưng điều mà chị lo lắng thì Chúa quan phòng đã xếp sắp ổn thoả, tốt đẹp. Thực vậy, khi xe bắt đầu chuyển bánh, chị Điểm hỏi bác tài:

– Can you speak English? (Bác có nói được tiếng Anh không?)

Lạ lùng quá, bác trả lời liền: – Yes, I can. (Tôi nói được)

Thế là chị Điểm đại diện nhóm lên ngồi phía trên hầu chuyện bác tài. Còn chúng tôi hết lòng tạ ơn Chúa vì cả trong những chi tiết nhỏ bé nhất, Chúa cũng đã lo liệu cho chúng tôi chu đáo quá lòng mong ước. Muôn đời chúng con tạ ơn Chúa.

Từ Fatima tới Lộ Đức, chúng tôi phải băng qua Tây Ban Nha, một quốc gia có rất nhiều đồng bằng. Từ trên xe bus, chúng tôi nhìn thấy hai bên đường những thảm cỏ xanh mướt trải dài như vô tận, đôi chỗ nổi bật màu nâu của đất đang đượcchuẩn bị cho một mùa gieo trồng mới, đó đây có những dàn tưới vĩ đại … sẵn sàng phục vụ. Thấy tiện nghi của thiên hạ, tôi nghĩ đến cảnh chân lấm tay bùn của người nông dân Việt Nam quê mình … bất giác tôi thở dài và một nỗi xót xa từ đâu đó đang tràn vào lòng tôi.

KÍNH VIẾNG LỘ ĐỨC, MẢNH ĐẤT CHỮA LÀNH

4 giờ sáng 18/05/2005 xe của chúng tôi đã đậu ngay trước cửa Foyer Ave Maria, phòng trọ thiện nguyện mà Cha A. Dụ đã đăng ký cho chị em trước đó mấy tuần. Mặc dù còn rất sớm, bác quản lý đã ra ngay để đưa chúng tôi vào nhà. Bác cho biết, vì cô thư ký chưa tới làm việc nên chúng tôi chưa có thể lên phòng được. Rồi bác vui vẻ mời chúng tôi điểm tâm.

Trong khi tự phục vụ, chị em gặp một “sự cố” khá hi hữu. Đó là, nhà trọ có một máy “sản xuất” đồ uống tự động như sữa, cà phê, ca cao, trà… Ai muốn chọn thứ nào cứ ấn nút và ghé tách vào, máy sẽ phục vụ. Nhưng vì là “ máy” nên bấm một nút, máy sẽ cung cấp đủ một tách. Các chị nhà chúng tôi lại muốn có một chút cà phê uống với sữa nên sau khi lấy sữa, các chị bấm nút cà phê. Không dè. . . “máy” đâu biết ngừng đúng ý của “khổ chủ”. Thế là cà phê chảy tràn trên tách, xuống đĩa, xuống khay và xuống cả nền nhà … Chứng kiến sự việc, bác quản lý người Pháp tốt bụng, tròn xoe con mắt vì không biết phải phục vụ thế nào cho các vị khách lạ lùng này. Còn chị em thì thề hứa, kể từ hôm nay, uống chi chỉ độc nhất một thứ thôi.

Nhận phòng rồi, chị Trưởng và tôi đóng vai các nhà thám hiểm Israel đi tìm đất hứa. Trời Lộ Đức thật lạnh, nhưng lòng yêu mến Mẹ Maria đã sưởi ấm, thúc đẩy và hướng dẫn chúng tôi. Chỉ 15 phút sau, chúng tôi đã tìm thấy Đền thánh của Mẹ. Hân hoan trở về loan báo tin vui và đưa chị em đến nơi dâng Thánh lễ.

Khác với Fatima trầm lắng, âm thầm và nhỏ bé, Lộ Đức rộng rãi, khang trang, hoành tráng, lúc nào cũng rộn ràng bước chân khách hành hương. Quả vậy, trên một vùng đất rộng mênh mông, ngoài đền thờ chính với lối kiến trúc khá độc đáo còn có rất nhiều các công trình phụ như tượng đài Đức Mẹ hoa hồng, đường thánh giá trên đồi, quảng trường Mân côi đối diện với đền thánh, các nguyện đường khác mỗi chỗ một lối kiến trúc riêng nhưng lại rất hòa điệu như tôn tạo cho mảnh đất linh thánh này một vẻ đẹp tuyệt vời, xứng đáng là trung tâm hành hương kỳ cựu và nổi tiếng nhất thế giới. Ai đã một lần diễm phúc đặt chân đến đây, chắc chắn không thể quên được điểm hành hương đặc biệt này.

 Tuy ở Lộ Đức chưa được ba ngày, nhưng chúng tôi cũng được tham dự nhiều sinh hoạt đạo đức rất gây ấn tượng như rước kiệu Mình Thánh Chúa, tham dự các thánh lễ đồng tế với các đoàn hành hương, cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ, chứng kiến niềm tin của hàng trăm bệnh nhân đến với Mẹ xin ơn chữa lành và đặc biệt là cung nghinh thánh tượng Mẹ mỗi đêm. Cùng với ngàn ngàn ánh nến lung linh là biết bao tâm hồn say mến Mẹ, tin cậy vào lòng nhân từ, thương xót Mẹ để nhờ Mẹ dẫn đưa về với Chúa … Theo cảm nghĩ rất riêng của tôi, tôi thấy nơi Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức một cái gì đó tươi mới, trẻ trung, đa dạng và sáng tạo.

Cũng tại đây, nhóm chúng tôi đón nhận một ơn mới của tình thương quan phòng của Chúa. Số là, theo chương trình đã hoạch định, trưa ngày 20/05/2005, chúng tôi sẽ từ giã Lộ Đức để đi Paris bằng xe lửa. Vé tàu đã có trong tay nhưng người đưa chị em ra ga thì chưa có. Cứ nghĩ đến cảnh “tay xách nách mang”, với những phức tạp sẽ đến tại bến ga, chúng tôi vừa lo lắng, vừa ngán ngẩm chờ đợi cái gì phải đến sẽ đến. Với trái tim hiền mẫu, Mẹ Maria hiểu ngay tâm trạng của chúng tôi và Người đã can thiệp kịp thời. Sáng hôm ấy, một chị trong nhóm đang đứng uống nước Đức Mẹ, thấy cô y tá tiến đến, nhìn chị từ đầu đến chân, rồi cất tiếng hỏi:

–    Chị ơi, chị có phải là người Việt Nam không?

–    Em không những là người Việt Nam mà còn là Sơ Việt Nam nữa. Chúng em có nhiều Sơ Việt Nam đang ở đây

Tiếp theo mẩu đối thoại rất ngắn đó là cuộc gặp gỡ thân thương giữa nhóm nữ tu Việt Nam và chị Elisabeth Busseuil. Chị tâm sự: chị là người Việt Nam, đã sang Pháp từ khi còn nhỏ. Chị hiện làm việc tại Paris. Một tuần trước đây, chị nghe tiếng thôi thúc trong lòng: hãy sang làm việc thiện nguyện tại Đền Thánh Đức Mẹ Lộ Đức một tuần. Chị ra đi mà chẳng hiểu lý do. Bây giờ gặp chị em ở đây thì mọi sự đã rõ như ban ngày. Mẹ Maria muốn chị là người dẫn đường cho chị em chúng tôi đến ga xe lửa an tòan. Sự can thiệp của Chúa và Mẹ thật hợp thời, đúng lúc. Xin tri ân tình thương tế nhị vô vàn của các Ngài.

Người ta bảo: Hành hương Lộ Đức mà không thực hiện ba điều này là hành hương “chưa trọn vẹn”. Đó là: cầu nguyện trước hang đá Đức Mẹ, uống nước phép lạvà tắm suối của Mẹ. Những ngày qua, chúng tôi đã thực hiện nhiều lần hai điều trên còn điều thứ ba thì khó quá … chúng tôi ai cũng ngần ngại. Biết được chuyện này, chị Elisabeth vừa cắt nghĩa, vừa nài nỉ … Cuối cùng, một số chị em bị thuyết phục trước sự thành khẩn của chị. Thấy chúng tôi bằng lòng, chị hăng hái đi liên hệ. Sau đó, dẫn chúng tôi đến tận nơi và xin cho chúng tôi được vào diện ưu tiên nữa.

Còn chưa hết hồi hộp, tôi bỗng thấy có cha và hai sơ đến cầu nguyện cho chúng tôi, những người sắp được thanh tẩy hồn xác trong dòng suối thánh thiện, tượng trưng cho tình yêu Mẹ Lộ Đức âu yếm rửa sạch và chữa lành. Sau lời kinh, tôi được hướng dẫn vào phía trong, ở đó đã có những phụ nữ thiện nguyện giúp tôi chuẩn bị xuống suối. Tất cả được diễn ra cách lịch sự, kín đáo và thánh thiện. Từ dòng suối trong mát đi lên, mọi lo lắng của tôi biến mất. Trong tôi dào dạt niềm vui và bình an. Tôi hăng hái ra về cho kịp chuyến tàu lửa sắp khởi hành trưa nay.

Nhờ chị Elisabeth giúp đỡ, chị em chúng tôi không gặp khó khăn nào tại ga xe lửa. Sau khi hoàn tất mọi thủ tục cách nhanh gọn nhất, chị hướng dẫn chúng tôi lên tàu và chờ cho đến khi tàu chạy, chị mới trở lại Đất thánh của Mẹ. Tạ ơn Chúa. Tri ân Mẹ và cám ơn chị Elisabeth.

Xe lửa tốc hành của Pháp chạy nhanh và êm. Chúng tôi vui vẻ truyện trò với nhau và ngắm cảnh đẹp hai bên đường. Có một điều thú vị, đó là từ trên xe lửa, chúng tôi lại một lần nữa nhìn thấy Đền Thánh Đức Mẹ và con sông phía trước hang đá. Dòng chảy lúc êm đềm, lúc gợn sóng, uốn lượn dọc theo đường tàu lửa như nhắc chúng tôi nhớ đến tình Mẹ luôn đồng hành với mỗi người trong từng biến cố vui buồn của đời dâng hiến. Xin cho mỗi chúng tôi luôn nhớ và thực hành sứ điệp của Mẹ để cùng với Mẹ, chúng tôi có thể mang đến cho đời sự an bình đích thực.

Vào khoảng 5 giờ 25 chiều 20/05/2005, chúng tôi đã có mặt tại ga Montparnare. Từ trên tàu bước xuống, chúng tôi đã thấy có nhiều người đến đón đoàn chúng tôi. Trong đó phải kể đến Cha cố Giuse Nguyễn Kim Ngôn, Cha Vinh Sơn Ngô Viết Lục, một số các cha sinh viên như Cha Huy, cha Hà, cha Cần. Đặc biệt có Mẹ Odile (HD. Đaminh Monteils) và Sơ Anna Hoàng Oanh (HD. Đaminh Tam Hiệp) và bác Nghĩa.

Vì nhóm quá đông, chúng tôi tự chia thành ba nhóm nhỏ: Hai chị về với người thân, ba chị trọ tại một trường gần nhà thờ Đức Bà Paris, số còn lại về nhà anh chị Hân Yến.

Tại Paris, chúng tôi lại một lần nữa được sờ chạm vào tình thương vô biên của Chúa Quan Phòng qua sự giúp đỡ tận tình của Cha cố Giuse Nguyễn Kim Ngôn và các ân nhân khác.

Quả thế, ngay từ khi chúng tôi còn học tại CIAM, qua email, cha cố thường xuyên theo dõi và han hỏi chị em. Biết được chương trình chúng tôi có bốn ngày lưu lại Paris. Chính Cha lo liệu phương tiện di chuyển, xếp sắp nơi ăn chốn ở cho cả nhóm cũng như tạo mọi thuận lợi cho ngày hành hương Lisieux và tham quan thành phố Paris. Điều làm chúng tôi hết sức cảm động, đó là dù ở cách xa Paris cả trăm cây số, lại đang giữ nhiệm vụ tuyên uý cho các Sơ nhà hưu Dòng Phan Sinh, thêm vào đó là tuổi tác và sức khoẻ hạn chế…Cha cố đã có mặt tại ga Montparnarse để cùng với các cha đón chị em mà còn chuẩn bị người đưa chúng tôi tới nhà trọ an tòan, tuy có gặp một trục trặc nhỏ, xe đón và người được đón không gặp được nhau nên một số chị em theo Sơ Oanh về nhà anh chị Hân Yến bằng xe điện ngầm. Cha cố Giuse còn ở lại với chị em cho đến ngày rời Paris về Việt Nam. Tình thương của Cha, tất cả chúng con mãi mãi khắc ghi trong lòng. Xin Chúa trả ơn vô cùng cho Cha hôm nay và mai sau trên Nước Hằng Sống.

Tổ ấm của Anh chị Hân Yến toạ lạc ở ngoại ô, cách Paris chừng 30 cây số nên chúng tôi về tới nhà cũng khá muộn. Có một điều an ủi, anh chị rất hiếu khách, trẻ trung và thân thiện như người nhà. Anh chị và hai cháu gái đã sẵn sàng nhường hẳn cho chị em tầng chệt của ngôi nhà hai lầu làm phòng ngủ và cả sân thượng thoáng mát làm nhà cơm. Ngôi nhà không lớn lắm nhưng từ cách bài trí bên trong đến cảnh quang bên ngoài, mọi sự đều rất dễ thương. Sau ít phút nghỉ ngơi, chúng tôi được thưởng thức một bữa cơm Việt Nam thịnh soạn do chính chị Yến khoản đãi và phục vụ. Có lẽ đây là bữa ăn ngon nhất kể từ khi rời quê mẹ, không chỉ vì thức ăn đặc sản mà còn vì tấm chân tình anh chị Hân Yến ưu ái dành cho chị em, những người “con gái cưng” của Chúa. Tất cả chị em trong nhóm xin gởi tới anh chị lời cám ơn chân thành nhất đã vì tình thương “cưu mang” các chị em suốt những ngày ở Paris. Xin Chúa chúc lành cho Anh chị và hai cháu cũng như cầu chúc Mái Am của Anh chị mãi mãi trở nên khung trời thân thương cho rất nhiều người xa quê, đặc biệt những linh mục, tu sĩ sinh viên tìm được ở đó sự thư giãn lành mạnh sau những giờ học hóc búa và căng thẳng.

THẮM THIẾT TÌNH ĐAMINH

Trong chuyến đi này, vì nhiều lý do, tôi đã không thể đến Toulouse để kính viếng những nơi thánh có liên quan đến Cha Thánh Tổ Phụ ĐaMinh và những dấu ấn đầu tiên của Dòng. Kể cũng là điều đáng tiếc. Nhưng bù lại, Chúa cho tôi được hân hạnh gặp gỡ, tiếp xúc với khá nhiều anh chị em Đaminh ở Roma, Lộ Đức và Paris. Ai cũng nhiệt tình, ai cũng năng nổ, sống hết tình, hết mình với mọi ngưởi. Tôi muốn nhắc đến Cha Đam. Nguyễn Hữu Cường, O P. Ngay từ khi còn ở tại quê hương, qua thư từ cha đã có những góp ý xây dựng cho nhóm. Khi chúng tôi sang Lộ Dức, tuy ở xa cả 150 cây số, cha đã vui vẻ nhận lời sang tận nơi dâng thánh lễ cho chị em. Sau đó còn dẫn cả đoàn đi tham quan nhà của gia đình chị Thánh Bernadette. Những dặn dò tỉ mỉ và chu đáo của cha thật sự đã giúp chị em rất nhiều. Thay mặt nhóm, chị gởi tới cha lời cám ơn chân thành và nồng ấm nhất. Xin Chúa và Thánh Tổ Phụ Đaminh mãi yêu thương, đùm bọc cha trong ơn gọi như cha đã quan tâm và tận tình với chị em như vậy.

Xin cám ơn Sơ M. Phạm Thị Hoa, Sơ M. Phạm Thị Lệ Thuỷ, Sơ M. Trần Thanh Lương (Roma), Sơ A. Hoàng Thị Kim Oanh và Sơ Agnès Nguyễn Thị Cảnh Tuyết (Paris)- về tất cả những tình cảm, sự giúp đỡ các em dành cho nhóm, cho chị trong suốt chuyến hành hương này. Không thể quên những lần đi mua sắm vui thật vui, những lúc gặp gỡ thân thương và đầy tình huynh đệ với các Sơ Đaminh Massimi (Roma), bữa cơm trưa đậm đà tình nghĩa tại tiệm Tàu duy nhất của Thành phố thánh, cũng như chuyến đi Lisieux và tham quan Paris có một không hai của nhóm Nữ Tu Việt Nam, lần đầu tiên xuất ngoại. chị trộm nghĩ: không có sự tham gia nhiệt tình của các em, chuyến đi của các chị chắc chắn mất đi nhiều thi vị … Xin Chúa trả ơn vô cùng bội hậu cho các em. Mến chúc các em vui, khoẻ và thành công trong sứ vụ học tập để mai sau phục vụ tốt cho Hội Dòng, cho quê Mẹ Việt Nam.

KÍNH VIẾNG LISIEUX, QUÊ HƯƠNG CỦA chị THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG

Sáng ngày 21/05/2005, sau khi hoàn tất các việc thiêng liêng, chúng tôi lên sân thượng điểm tâm rồi chuẩn bị đi Lisieux. Khoảng 8 giờ, cha cố Giuse, Sơ Oanh, ba chị trọ tại Paris và mấy anh chị em giáo dân, trên một xe bus lớn đến đón chúng tôi. Để ngày hành hương đem lại kết quả, cha cố Giuse không những thuê xe tốt mà còn mời cha Louis Trần Thanh Minh, chuyên gia hướng dẫn các đoàn hành hương cùng đi với chị em. Suốt lộ trình Paris- Lisieux dài 180 cây số, chúng tôi được hai cha chia sẻ về chị Thánh Têrêsa Nhỏ, như một chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ thực sự với chị thánh tại những nơi đã từng gắn bó với chị Thánh lúc sinh thời.

Điểm hành hương đầu tiên của đoàn chúng tôi là Tu viện Carmel, nơi chị Têrêsa đã sống 9 năm trong ơn gọi Dòng kín. Ngay từ lối vào, dưới bóng cây xanh dịu mát, thánh tượng của chị hiện diện như một lời đón chào thân thương, đưa khách hành hương đi sâu vào bên trong Tu viện. Qua cổng, rẽ trái, chúng tôi bước vào phòng lưu trữ một số kỷ vật của chị thánh. Đứng trước mái tóc tuyệt đẹp của chị Thánh, mái tóc chị đã sẵn sàng cắt bỏ để thay vào đó, chiếc lúp nhiệm nhặt của Dòng …điều này đánh động và cật vấn tôi rất nhiều. Tôi tự hỏi: 45 năm theo Chúa, hành trình từ bỏ của tôi hiện đang ở mức độ nào? Chúa còn đang mong chờ điều gì nơi tôi và tôi đã đáp ứng những điều đó ra sao?. . .

Rời phòng trưng bày di tích thánh, tôi đi thẳng sang nguyện đường Tu viện. Mọi sự ở đây được bài trí thật đơn sơ. Phía trái bàn thờ, sau song sắt ngăn cách khu nội vi là cung nguyện của các nữ đan sĩ. Tôi nhớ đến những tâm tình sốt sắng cũng như những lần chiến đấu với sự khô nhạt, mà chị Thánh đã từng có ở nơi này trong các giờ thiêng liêng, tôi xin chị Thánh giúp tôi kiên trì cầu nguyện để như chị Thánh tôi xứng đáng được Chúa ban ơn trung thành với ơn gọi. Từ cung thánh nhìn xuống, bên trái là gian phòng nhỏ, nơi đặt tượng chị Thánh nằm khi qua đời, bên phải, trên tường treo một ảnh bán thân của chị. Chiêm ngưỡng bức ảnh sống động này, tôi có cảm giác dường như tôi đang được trực diện với chính chị Thánh vậy.

Chúng tôi được diễm phúc dâng thánh lễ với hai cha tại đây. Cùng với chị Thánh, tôi dâng đời tu của tôi cho Chúa để Người dâng lên Thiên Chúa Cha. Xin cho tôi luôn biết sống bé nhỏ, đơn sơ hầu Chúa có thể dùng tôi cho chương trình cứu độ của Người. Trong bầu khí thánh thiện này, tôi nhớ đến tất cả các Linh mục Việt Nam, đặc biệt quí cha đã giúp tôi trung thành với ơn thánh triệu.

Từ Tu viện Carmel, chúng tôi đi bộ tới một ngôi nhàở phía bên kia đường và dùng bữa trưa ở đó. Sau ít phút thư giãn, chúng tôi lên xe tiếp tục tham quan ngôi nhà của chị Thánh. Theo lịch sử, sau cái chết của thân mẫu, Têrêsa và gia đình đã tới cư ngụ tại đây vào năm 1877. Ngôi nhà có hai lầu. Tầng chệt là nhà bếp, lò sưởi nơi mỗi tối gia dình xum họp, nơi chứng kiến biến cố Terêsa được ơn lạ dịp Lễ Giáng sinh năm 1886. Lầu trên gồm nhiều phòng, đáng chú ý hơn là phòng có đặt chiếc giường Têrêsa nằm bệnh và được Đức Mẹ hiện ra mỉm cười và chữa lành. Một phòng khác lưu trữ các kỷ vật thời niên thiếu của chị. Điều làm tôi quan tâm là khu vườn xung quanh nhà. Ở đây cảnh nào cũng đẹp, cây nào cũng xinh. Một mầu xanh dịu dàng đem lại cho tôi một cảm giác rất riêng và rất lạ. Giữa vườn là bức tượng chị Thánh đang thì thầm tâm sự với Bố để xin được theo ơn gọi Dòng Kín. Nhìn cử chỉ thành khẩn, mắt ngước lên trời, tay chắp lại của ông Louis Martin, tôi cảm được phần nào sự hy sinh của ông khi chấp thuận lời thỉnh cầu của Têrêsa. Tôi xin Chúa tiếp tục ban cho các bậc cha mẹ thời đại này một trái tim yêu mến vị tha và quảng đại, để vườn nho của Hội Thánh có thêm nhiều thợ gặt.

Vương cung Thánh đường kính chị Thánh là điểm chót của ngày hành hương. Đây là một trong những đền thờ lớn nhất của thế kỷ XX, được xây dựng vào năm 1929 dưới thời ĐTC Piô XI, được thánh hiến năm 1954. Điểm đặc sắc của công trình này là những bức tranh nghệ thuật “mosaics” rất đẹp khảm bằng những viên đá màu sắc khác nhau trên tường và dưới tầng hầm như muốn chuyển tải tới người tham quan sứ điệp của chị Thánh Nhỏ: mọi công việc tầm thường của chúng ta, nếu được làm trong sự tin cậy, phó thác và yêu mến Chúa thì chúng sẽ trở thành xinh đẹp trước mắt Chúa và mọi người, như những viên đá tầm thường đã trở nên lộng lẫy nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Chúng tôi cũng được dẫn đến kính viếng và cầu nguyện nơi phần mộ của cha mẹ chị Thánh Têrêsa ở ngay phía sau của Đền thờ

Về lại Paris trời đã muộn, tôi tạm chia tay với nhóm để cùng Sơ Anna Hoàng Oanh đến thăm cộng đoàn của Mẹ Odile. Đã gần 11giờ khuya rồi mà Mẹ vẫn chờ tôi. Hơn nữa chính Mẹ đã tự tay chuẩn bị món Phở Việt Nam truyền thống để chiêu đãi hai chị em chúng tôi cũng như dọn cho tôi một phòng ngủ ấm áp tuyệt vời. Xin cám ơn Mẹ nhiều lắm.

Quà tặng của Hội Dòng đã được Sơ Anna Hoàng Oanh kính chuyển tới Quí Mẹ từ ngày hôm trước nên sáng hôm sau, trong bữa điểm tâm, tôi chỉ thay mặt chị Tổng Quyền cám ơn Mẹ về tất cả những điều Mẹ và tỉnh Dòng đã tận tình giúp đỡ chị em trong suốt những năm tháng qua và còn tiếp tục thương giúp trong tương lai. Xin Chúa ban cho Tỉnh Dòng của Mẹ mỗi ngày được phát triển và thăng tiến về mọi mặt. Từ giã Mẹ Odile và Sơ Oanh, Sơ Agnès Cảnh Tuyết và tôi ra Nhà thờ Đức Bà Paris dâng lễ Chúa Nhật và chờ xe Cha Cố Giuse tới đón.

MỘT NGÀY VỚI PARIS, KINH THÀNH ÁNH SÁNG

Để thay đổi bầu khí đồng thời tạo cơ hội cho chúng tôi “nếm thử” các phương tiện giao thông tại thành phố Paris này, hôm nay, thay vì đi xe “bao” như hôm qua, chúng tôi, mỗi người được phát một vé xe dành cho cả ngày.

Vì khá nhiều lý do nên mãi tới 10 giờ 30 chúng tôi mới đủ mặt. Suốt một ngày dong duổi, khi đi xe, lúc đi bộ … có lúc lạc nhau, có khi kẹt máy, phải chui, phải bò … thôi thì đủ chuyện. Nhưng với tất cả tình thương, sự quảng đại và lòng từ tâm, hai cha và Sơ Agnès Cảnh Tuyết cũng đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khá gay go này. Các vị đã đưa chị em chị em tới tham quan khá nhiều nơi trong thành phố Paris nổi tiếng. Từ tháp Eiffel thời danh tới nhà thờ Sacre Coeur, nơi chầu Mình Thánh Chúa ngày dêm. Nhưng với tôi, hai điểm gây ấn tượng nhất trong ngày hôm nay là Cộng đoàn Nhà Mẹ của Các chị Nữ tử Bác Ai toạ lạc tại 140, rue du Bac 75340 Paris cedex 07 và Trụ sở của các Cha Hội Thừa Sai Paris.

Vừa bước vào cửa Tu hội, chúng tôi đã cảm thấy một bầu không khí của sự thinh lặng và cầu nguyện. Các chị Bác Ái nhẹ nhàng hướng dẫn chị em tới nguyện đường. Nhà thờ thật xinh xắn và ấm cúng. Trên vòm cao là bức hoạnhắc lại biến cố Mẹ Maria hiện ra với chị Catherine Laboure lần thứ nhất vào đêm 18/07/1830. Tại bàn thờ chính, tượng Đức Mẹ ban ơn đứng trên quả địa cầu, chân đạp lên đầu rắn, đầu đội vòng hoa 12 ngôi sao trông thật uy nghi. Trên hai vòng cung trước cung thánh có ghi hai dòng chữ, tôi chú ý đến dòng chữ nhỏ hơn: “Hãy đến dưới chân bàn thờ này, tất cả mọi ân huệ sẽ được ban cho”. Hai bên bàn thờ đặt tượng Mẹ Maria dâng quả cầu trên có Thánh gía tương trưng cho nhân loại lên cho Thiên Chúa. Dưới chân Me, thi hài chị Thánh Catherine đặt trong khung kính. Phía đối diện là tượng Thánh Giuse bế Chúa. Hai bên hành lang có toà Thánh Vinh Sơn Phaolô, Đấng thành lập Dòng Truyền giáo và Tu Hội Nữ tử Bác ái và Thánh Nữ Louise Marillac, cộng sự viên của ngài.

 Hợp lời cầu nguyện với chị em, tôi xin Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria và các Thánh được tôn kính nơi đây ban cho công cuộc truyền giáo tại quê hương Việt Nam ngày càng khởi sắc.

Từ nhà các chị Bác Ái sang Trụ sở của Hội Thừa Sai Paris (MEP) không bao xa. Vừa đến nơi, Cha Tước đã đón chúng tôi ngay từ cổng. Ngài vui vẻ đưa chúng tôi đi xem mọi nơi trong nhà. Từ ngôi nguyện đường dưới tầng hầm – nơi có một bàn thờ ghi đầy đủ tên của các Thánh Tử Đạo Châu Á, trong đó có 117 vị cha ông chúng ta- đến khu vườn xanh bên trong Trụ sở. Giữa cảnh hoa thơm cỏ lạ đầy thơ mộng này, một căn phòng nhỏ trang trí kiểu Á đông với mái ngói cong cổ kính nằm khuất một góc vườn gây nhiều thắc mắc cho khách tham quan. Hỏi ra mới biết đó là nơi tiễn biệt các vị truyền giáo trước khi lên đường thi hành sứ vụ. Tôi bỗng nhớ đến Hội thánh quê hương Việt Nam, nơi đã thấm đẫm máu đào của rất nhiều các vị thừa sai xuất thân từ đây, và nơi tâm trí tôi hiện ra một câu nói khá thời danh của một vị giáo phụ nào đó tôi không nhớ tên: “máu các Thánh tử đạo làm nẩy sinh linh hồn các tín hữu” tôi lặng đi trong giây lát khi nghĩ đến chính tôi, hôm nay trong ơn gọi, tôi đã đền trả món nợ tình yêu này như thế nào?

Sau hai ngày vất vả với chúng tôi, Cha Louis đã chia tay với nhóm tại một ga gần Paris. Chị em chúng con vô vàn nhớ ơn Cha. Lòng nhiệt thành tông đồ của Cha chắc chắn sẽ là bài học sống động, một lời động viên có sức thuyết phục chị em chúng con trong suốt hành trình dâng hiến của mỗi người. Chúng con mong được gặp lại Cha tại quê hương và đón đợi những chia sẻ mới của cha nữa.

Về tới nhà Anh chị Hân Yến thì trời đã khuya. Tất cả chúng tôi lúc này đều đãmệt rã người, chân đau nhức, mắt buồn ngủ… May quá, Chúa còn ban cho thêm một ngày để nghỉ ngơi dưỡng sức trước khi tiếp tục cuộc hành trình trở về quê mẹ.

TRỞ LẠI VIỆT NAM, QUÊ HƯƠNG YÊU DẤU (ngày 25/05/2005)

Sáng nay chúng tôi thức sớm. Sau Giờ Kinh Phụng Vụ, cùng với cha cố Giuse, chúng tôi dâng Thánh lễ tạ ơn và cầu bình an cho hành trình mới. Với tâm tình yêu thương, cha cố nhắn nhủ chúng tôi hãy sống tinh thần phó thác và nhiệt tâm phục vụ của người môn đệ Chúa Kitô. Cha dâng từng người, từng Hội Dòng chúng tôi cho Chúa, cho Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Xin các Ngài nâng đỡ phù trì trên đường đi lối về, không chỉ trong chuyến đi hôm nay mà còn trải dài suốt đời dâng hiến và phục vụ của mỗi người, mỗi Hội Dòng. Chúng con một lần nữa xin cám ơn cha cố và mãi mãi khắc ghi tình thương cha dành cho chị em chúng con.

Bữa điểm tâm chia tay vừa tàn, sáu chiếc xe bốn chỗ đã sẵn sàng ngoài cửa chờ đưa chị em ra phi trường. Sân bay Charles de Gaulle, Paris rất rộng, với hơn 20 cổng vào. Chúng tôi hẹn nhau ở cổng 20. Dù rất bận với công việc, Anh chị Hân Yến và một số ân nhân khác cũng đã đưa chị em tới nơi. Chia tay với anh chị tại cổng sân bay, chúng tôi ai cũng bùi ngùi cảm động trước tấm chân tình của anh chị. Một lần nữa thân gởi tới Mái Am Yến Hân lời chào tạm biệt thân thương nhất.

Khác với Việt Nam, tại phi trường này, người thân của hành khách có thể cùng vào để cân hành lý. Mọi sự được thông qua tốt đẹp. Chúng tôi lợi dụng những giờ khắc ngắn ngủi này để trao gởi tâm tình tri ân tới tất cả quí cha, quí ân nhân đã thịnh tình giúp đỡ chị em cho tới giây phút này. Đồng hồ điểm 11 giờ 30, sau khi chào biệt lần cuối, chúng tôi lên phòng đợi, chuẩn bị cho chuyến bay.

Một chuyện không ai ngờ. Đó là không biết từ đâu, không biết do nguồn tin nào mà chúng tôi nghe xung quanh mình, người ta bàn tán xôn xao … hình như có cái gì không ổn. Trên thực tế, chúng tôi bị kiểm tra nhiều lần, bị di tản nữa … bao nhiêu xách tay phải mở ra, bao nhiêu ảnh tượng, tràng hạt phải kiểm lại, thậm chí đã vào tới máy bay, yên vị tại chỗ của mình rồi lại được mời ra, kiểm tra lần nữa. Cứ thế, giờ bay thật sự đã trễ xuống gần năm tiếng đồng hồ. Từ Paris bay sang Kuala Lumpur, 12 tiếng chúng tôi không ai dám ngủ cả, hình ảnh những chuyện khủng bố dường như cứ bám chặt tâm trí chúng tôi. Chúa ơi!, rủi có chuyện gì thì khủng khiếp quá. Chúng tôi chỉ còn biết cậy trông vào Chúa và Mẹ. Chúng tôi tin rằng, các Ngài đã đưa chị em đi trong hạnh phúc cũng sẽ dẫn chị em về trong bình an. Quả vậy, vào khoảng 4 giờ chiều (giờ VN), chúng tôi đã có mặt tại Tân Sơn Nhất. Như thế là chúng tôi đã trễ hẹn gần 7 tiếng đồng hồ. Thương thật nhiều những chị em chờ đợi tại phi trường, vừa lo lắng, vừa mỏi mệt … và có cộng đoàn còn đón hụt nữa. Trong tâm tình tri ân, xin Chúa bù đắp mọi sự cho tất cả quí bề trên và quí chị em, các đặc biệt cho những chị em hôm nay vì chúng em mà mòn mỏi trông đứng trông ngồi …

Dù trải qua một chuyến bay có nhiều sự cố nhưng khi về lại cộng đoàn, tình đầm ấm gia đình đã xoá đi tất cả để chỉ còn lại trong chúng tôi tình thương trời bể của Chúa và nỗi ngọt ngào của tình thương chị em trong nhà. Niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi chúng tôi đến “trình diện” ĐHY vào sáng hôm sau tại Toà Tổng Giám Mục Thành phố Hồ Chí Minh. Thái độ cởi mở, đầy tình hiền phụ của ngài như một ấn dấu sâu đậm trên chuyến đi lịch sử của chị em chúng tôi. Xin mãi mãi ghi ơn.

THAY LỜI KẾT

Lạy Chúa là nguồn cội muôn hồng ân,

Là tình yêu mênh mông trời biển,

Là tất cả của con.

Con chúc tụng, ngợi khen Chúa đã cho con cảm nghiệm sâu xa tình yêu ngọt ngào của Chúa qua 40 ngày hành hương hồng phúc.

Con cám tạ, tri ân Chúa đã đưa con trở về quê hương bình an và cho con 120 ngày sau đó để nghĩ suy, để hồi niệm và hoàn tất những dòng hồi ký đầy kỷ niệm thân thương này.

Xin cho tâm tình đơn thành, bé nhỏ của con hôm nay không khép lại trong quên lãng và vô ơn. Nhưng được mở ra và nhân rộng cho nhiều người để Danh Thánh Chúa mãi mãi được tôn vinh và Tình Yêu vô biên của Chúa được muôn người ca khen, chúc tụng.

Nữ Tu Maria Nguyễn Thị Huỳ

Dòng ĐAMINH TAM HIỆP

 

Comments are closed.

phone-icon