Bài 12:
NGHI THỨC HIỆP LỄ
I. ỔN ĐỊNH
1. Thánh hóa:
2. Kiểm tra bài trước:
3. Giới thiệu bài mới:
Chúng ta đã học hiểu tổng quát Thánh Lễ, về các phần của Thánh Lễ. Trong bài này, chúng ta sẽ học hiểu thêm về Nghi thức Hiệp Lễ, để chúng ta xác tín hơn khi tham dự bàn tiệc của Chúa.
II. NGHE LỜI CHÚA
A. Dẫn nhập:
Dùng những câu chuyện thích hợp về việc tổ chức và tham dự tiệc mừng khi được mời, để các em thấy việc hiệp lễ thực là quan trọng, vì không có khách mời nào khi đi dự tiệc mà lại không ăn tiệc… Hội Thánh vâng lệnh Chúa Giêsu tiếp tục cử hành Thánh Thể để nuôi sống linh hồn chúng ta. Các em cùng lắng nghe trình thuật của Thánh sử Matthêu:
B. Công bố Lời Chúa: Mt 26:26-29
Cũng trong bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.”
(Thinh lặng giây lát – ngồi)
C. Diễn giảng:
Nghi thức rước lễ (hiệp lễ) bắt đầu từ kinh Lạy Cha đến hết lời nguyện hiệp lễ. Nghi thức này là phần người tín hữu tham dự vào bàn tiệc Thánh thể, họ được mời gọi đến lãnh nhận Mình Máu thánh Chúa Kitô, để được nuôi dưỡng và đón nhận sự sống đời đời của Ngài.
– Kinh Lạy Cha là lời kinh Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện, đó là kinh chuẩn bị trực tiếp trước khi rước lễ. Khi người tín hữu nài van “xin cho chúng con lương thực hàng ngày” họ không những nài xin lương thực để nuôi sống đời sống vật chất, nhưng trước hết đó còn là lương thực Thánh Thể để nuôi dưỡng đời sống linh hồn.
– Sau khi mọi người đọc kinh lạy Cha xong, vị chủ tế còn khai triển phần cuối của kinh này bằng cách đọc “Lạy Cha, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…” để nhấn mạnh lòng cậy trông của dân Chúa vào tình thương của Người trong khi chờ đợi ngày Chúa Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Sau đó kinh Lạy Cha kết thúc bằng lời tung hô của tất cả cộng đoàn: “Vì Chúa là vua uy quyền và vinh hiển muôn đời”.
– Lời cầu bình an và cử chỉ chúc bình an là dấu chỉ của việc hòa giải, tha thứ và hiệp nhất. Giáo Hội mời gọi chúng ta phải ý thức trước khi tham dự ThánhThể phải vượt qua chính mình để đến với anh em.
– Nghi thức bẻ bánh: diễn tả Chúa Giêsu là tấm bánh duy nhất được ban phát bẻ ra cho muôn người, tham dự vào tấm bánh này là tham dự vào sự sống của Ngài, đồng thời cũng tạo nên sự hiệp thông duy nhất của Thân mình Ngài là Giáo Hội. Sự hiệp thông của người tín hữu trong Giáo Hội phát xuất từ việc tham dự vào Thánh Thể Chúa, chứ không phải do sự chọn lựa cá nhân và đồng thuận của mỗi chúng ta.
– Bẻ Bánh xong, chủ tế mời gọi mọi người tiến đến lãnh nhận Mình Máu Chúa. Trước khi lãnh nhận Mình Thánh, mỗi người kính cẩn cúi mình sâu để tỏ lòng tôn kính và thờ lạy Chúa Kitô hiện diện trong Thánh thể.
– Khi Linh mục đưa Mình Thánh và nói: “Mình Thánh Chúa Kitô”, người tín hữu đáp “Amen”, tiếng Amen này là lời tuyên xưng đức tin vào sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể và kính cẩn rước lấy. Mỗi người có thể rước lễ bằng hai cách: bằng tay hoặc bằng miệng, nhưng bằng cách nào thì cũng phải thực hiện nghiêm trang, kính cẩn và tôn trọng người khác. Rước lễ xong nên dành ít phút thinh lặng để ca ngợi, thờ lạy và tạ ơn vì hồng ân Thánh Thể vừa lãnh nhận.
– Điều kiện rước lễ: Sạch tội trọng, giữ chay Thánh thể (tức kiêng ăn uống một giờ trước khi rước lễ, trừ trường hợp đau yếu hay lý do chính đáng khác). Chỉ được phép rước lễ tối đa 2 lần trong một ngày, và phải ở trong thánh lễ. Trừ trường hợp nguy tử.
D. Hướng ý cầu nguyện :
Các em thân mến,
Qua bài học hôm nay, xin Chúa cho chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn xứng đáng khi rước Chúa. (thinh lặng giây lát)
Lạy Chúa Giêsu,
Dầu Chúa đã tự hiến mình trên Thánh giá để cứu chuộc tội lỗi chúng con, giao hòa chúng con với Cha. Nhưng Chúa vẫn muốn ở lại với chúng con hằng ngày cho đến tận thế trong Bí tích Thánh Thể, bằng chính Thịt Máu Chúa. Xin cho chúng con lòng ước ao khao khát đón nhận Chúa là Bánh ban sự sống, để chúng con sống và sống dồi dào.
III. SỐNG LỜI CHÚA:
1. Bài học: theo sách thủ bản.
2. Gợi ý sống đạo: Phấn khích các em chuẩn bị tâm hồn để rước Chúa khi tham dự Thánh Lễ.
IV. KẾT: Kinh Sáng Danh – hoặc hát bài thích hợp.
Sr. Têrêsa Nguyễn Thị Phượng