Thợ làm vườn nho

0

 CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN – NĂM A

I. LỜI CHÚA: Mt 20,1-16a

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như chủ nhà kia sáng sớm ra thuê người làm vườn nho mình. Khi đã thoả thuận với những người làm thuê về tiền công nhật là một đồng, ông sai họ đến vườn của ông. Khoảng giờ thứ ba, ông trở ra, thấy có những người khác đứng không ngoài chợ, ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta, ta sẽ trả công cho các ngươi xứng đáng”. Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu và thứ chín, ông cũng trở ra và làm như vậy.

Ðến khoảng giờ thứ mười một ông lại trở ra, và thấy có kẻ đứng đó, thì bảo họ rằng: “Sao các ngươi đứng nhưng không ở đây suốt ngày như thế?” Họ thưa rằng: “Vì không có ai thuê chúng tôi”. Ông bảo họ rằng: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”.

Ðến chiều chủ vườn nho bảo người quản lý rằng: “Hãy gọi những kẻ làm thuê mà trả tiền công cho họ, từ người đến sau hết tới người đến trước hết.” Vậy những người làm từ giờ thứ mười một đến, lãnh mỗi người một đồng.

Tới phiên những người đến làm trước, họ tưởng sẽ lãnh được nhiều hơn, nhưng họ cũng chỉ lãnh mỗi người một đồng. Ðang khi lãnh liền, họ lẩm bẩm trách chủ nhà rằng: “Những người đến sau hết chỉ làm có một giờ, chúng tôi chịu nắng nôi khó nhọc suốt ngày mà ông kể họ bằng chúng tôi sao”? Chủ nhà trả lời với một kẻ trong nhóm họ rằng: “Này bạn, tôi không làm thiệt hại bạn đâu, chớ thì bạn đã không thoả thuận với tôi một đồng sao?” Bạn hãy lấy phần bạn mà đi về, tôi muốn trả cho người đến sau hết bằng bạn, nào tôi chẳng được phép làm như ý tôi muốn sao? Hay mắt bạn ganh tị, vì tôi nhân lành chăng? Như thế, kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết”.

II. SUY NIỆM:

I/ Bố cục

Đoạn Tin Mừng này có thể chia thành 4 phần:

  • cc. 1-6: Ông chủ vườn nho thuê thợ suốt ngày
  • cc. 8-12: Cách trả lương
  • cc. 13-15: Ông chủ giải thích
  • cc. 16a: Kết luận

II/ Tìm hiểu bản văn

1/ Ông chủ vườn nho có phải là ông chủ kỳ lạ không? Rõ ràng ông chủ này rất kỳ, kỳ từ cách thuê thợ đến cách trả lương.

Kỳ lạ trong cách thuê thợ: Ai thuê thợ cũng mong thuê rẻ, nên ai cũng thuê thợ hôm trước hoặc rất sớm để họ có thể bắt tay làm việc sớm. Đàng này ngày lao động đã sắp hết, ông vẫn còn ra phố chợ để thuê người làm.

Cũng vì muốn các thợ thuê làm được nhiều giờ tối đa, nên bình thường người ta không thuê thợ rải ra suốt ngày. Đàng này, ông chủ chẳng những thuê thợ lúc sáng sớm mà còn lúc trưa, lúc xế chiều, thậm chí lúc trời đã về chiều.

Ông chủ này kỳ lạ ở chỗ ông không nghĩ tới phần lợi cho ông, không sợ thiệt cho mình mà chỉ sợ người khác ở không.

Với những người thợ đầu tiên, ông đã thỏa thuận với họ tiền lương là một đồng. Với những người khác, ông hứa trả cho họ hợp lẽ công bằng. Còn những người cuối cùng, ông sai họ đi làm vườn nho cho ông mà không nói rõ ràng về tiền lương.

Kỳ lạ trong cách trả lương: chẳng ai trả lương như ông chủ này, người đến cuối cùng lại trả đầu tiên, người làm một tiếng lại trả lương cả ngày.

Ông chủ này không bình thường, vì bình thường người ta căn cứ vào mức độ thợ làm lợi cho mình mà trả lương. Còn ông chủ này, không nghĩ đến mình mà chỉ hành xử theo lòng thương xót mà thôi.

2/ Đức Giêsu tô đậm những nét “không bình thường” nơi ông chủ vườn nho để làm gì? Để nói lên lòng nhân hậu và sự tự do của ông chủ.

Lòng nhân hậu của ông chủ: từ cách thuê thợ đến cách trả công, ông chủ đều tỏ ra là người nhân hậu khác thường. Ông không nghĩ đến được việc cho mình mà chỉ nghĩ đến những người thợ thất nghiệp qua việc ông thuê thợ vào bất cứ giờ nào trong ngày. Trong cách trả lương cũng vậy, rõ ràng ông không căn cứ vào giờ lao động hay số công việc hoàn tất mà chỉ hành động theo lòng nhân hậu. Chính ông cũng ý thức rõ động cơ hành động của ông là lòng nhân hậu (c. 15).

Sự tự do của ông chủ: Ông có thể tự do định đoạt về của cải của ông, ông có thể cho ai tùy ý ông. Ông đã trả lương cho người cuối cùng như thế là do lòng nhân hậu của ông. Không phải vì họ xứng đáng, cũng chẳng phải vì họ có quyền, nhưng chỉ bởi lòng tốt, ông muốn làm điều thiện, muốn giúp đỡ. Chính vì thế, ông đã vượt mọi khuôn thước bình thường, lòng nhân hậu đã làm cho ông vượt xa giới hạn công bình mà đi vào lãnh vực tự do nhờ tình yêu: “Tôi há không được dùng của tôi tùy ý tôi sao? Hay mắt bạn ghen vì tôi nhân hiền?”.

3/ Đức Giêsu nhấn mạnh đến sự tự do và lòng nhân hậu của ông chủ để làm gì? Để giúp người nghe nhận ra được Thiên Chúa nhân hậu và tự do nơi ông chủ vườn nho này.

4/ Nhóm thợ đầu tiên phản ứng thế nào về việc trả lương của ông chủ?

Khi thấy ông chủ trả lương cho bọn thợ năm giờ mỗi người một quan tiền, thì họ tưởng thế nào ông chủ cũng cho họ hơn một quan. Đến khi họ thấy được có một quan thì họ trách ông chủ, dựa vào sự công bằng và công của họ, đáng lý ra họ phải nhận được mười hai quan.

4/ Theo bạn thì phản ứng của họ là bình thường hay bất thường?

Bình thường, vì người ta thường phản ứng như thế, phản ứng ấy là do lòng ích kỷ. Ta cho là bình thường vì ta chẳng qua cũng là loại ích kỷ.

5/ Theo ông chủ thì phản ứng ấy là bình thường hay bất thường?

Ông chủ cho phản ứng như vậy là không bình thường. Ông trả lương như thế là theo lòng nhân hậu. Nếu căn cứ vào lẽ công bình mà nhóm thợ đầu tiên đòi thì ông đã sòng phẳng với họ, ông đã trả như đã thỏa thuận với họ ngay từ đầu. Ông không rút bớt gì của họ và cũng không gây thiệt hại gì cho họ. Nếu như căn cứ vào lòng nhân hậu, thì họ chẳng có quyền gì đòi hỏi, cho nên phản ứng của họ là không bình thường.

6/ Những người thợ không nhìn ra điều ấy mà phản ứng sai lầm vì sao? Do lòng ích kỷ, ghen tị mà khi đứng trước lòng nhân hậu của ông chủ, họ đã không nhìn ra và tưởng mình có quyền đòi ông chủ. Cũng do lòng ích kỷ mà chẳng những họ đã sai lầm lại còn chuốc lấy hình khổ vào thân là ghen tương và không được hưởng hạnh phúc khi được chứng kiến những người khác được thương mến, hạnh phúc.

7/ Nhóm thợ đầu tiên có phải là hình ảnh của tôi không?

Khi tôi sống với những người hơn tôi, tôi đã có phản ứng như thế nào? Tôi có khi nào cật vấn Thiên Chúa: Tại sao Chúa cho họ hơn con như thế không? Tại sao Chúa không cho con như họ? Trong những trường hợp ấy, tôi có nhìn ra được biết bao nhiêu ơn hiện tôi đang có là do Chúa ban hay không?

Tôi đối xử với những người đó thế nào? Vui mừng và tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho chị em tôi như thế hay ghen tức hoặc thờ ơ?

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

Tài liệu tham khảo

Phêrô Phạm Hữu Lai, “Thợ làm vườn nho”, Chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật năm A, tr. 200-203.

Fx. Vũ Phan Long, “Tự do và lòng nhân lành của Thiên Chúa”, Các bài Tin Mừng Mattheu dùng trong phụng vụ, Tôn giáo, 2007, tr. 284-291.

 

Comments are closed.

phone-icon