Đã có một thế giới dửng dưng

0

Đã có một thế giới dửng dưng

Một buổi lễ hội nọ, tôi đến khu vui chơi văn hóa Suối Tiên cùng với một số các em nhỏ. Chúng tôi đang xếp hàng mua vé thì bỗng từ đâu xuất hiện một toán người trẻ đi tới. Chúng lấy tay đẩy những đứa trẻ sang một bên, cốt sao mau mua được chiếc vé vào cổng!… Rồi một năm nọ, tôi theo dòng người đi tới tham dự lễ khai mạc hội hoa xuân. Mọi sự được chuẩn bị thật chu đáo để đón chào phút giây khai mạc long trọng. Ấy thế, mà chỉ vừa mới khai mạc xong một lúc, mọi sự trông thật thê thảm, hoang tàn. Mọi người “thi nhau” dẫm lên những cánh hoa, chậu cảnh cốt để chụp được một phô hình đầu tiên! Và thế giới vẫn im lặng.

Thế chiến thứ II bắt đầu vào năm 1939. Trong suốt thời thế chiến, từng đoàn xe tải chất đầy những người là người, y hệt những xe chất đầy những chú heo tới lò mổ. Tất cả đều chạy đến trại tập trung Auschwitz-Birkenau và những trại khác! Các chính trị gia đều biết và họ biết rất rõ vận số của những con người bị cư xử không khác gì thú vật. Và thế giới vẫn im lặng.

Rồi khởi đầu tháng Tư năm 1994, những người Hutus bắt đầu tàn sát những người Tutsis tại đất nước Rwanda, Phi châu. Chỉ một thời gian rất ngắn, khoảng 100 ngày thôi mà đã có 800.000 người Tutsis không còn được nhìn thấy ánh sáng mặt trời. Và thế giới vẫn đứng câm lặng. Chưa hết. Mới đây lắm, một hai tháng trước, gần 150 sinh viên bị giết tại một đại học ở Kenya do tổ chức AI Shabaab. Rúng động, nhưng mọi người dường như vẫn im lặng! Có một thứ dửng dưng nào đó đang lan rộng khắp hoàn cầu. Lần lên tới cái ngày rất xa, xa lắm, thời khai thiên lập địa, đã có một cuộc huynh đệ tương tàn: Người anh Ca-in giết em của mình là A-ben. Song khi bị Chúa Trời và lương tâm chất vẩn, thì câu lồi đã vang lên thật dửng dưng: Tôi là người giữ em tôi sao!

Có một chút gỉ thật buồn, nhưng rất đúng: Trái tim con người như bị đóng băng… Đức Thánh Cha Phan-xi-cô tự vấn mình và người khác: “Ai chịu trách nhiệm về máu của anh chị em tôi? Không ai! Không phải tôi, chẳng có gì liên quan đến tôi. Có kẻ khác, nhưng chắc chắn không phải tôi”.

Nhưng rồi, sự im lặng đồng lõa đó đã bị tố giác. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã lên án thứ im lặng đồng lõa khi hàng trăm người bị bách hại, bị cắt cổ, chém đầu. Ngài nói cho các tín hữu cách rõ ràng: “Đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa có nghĩa là vượt ra khỏi sự nuông chiều của bản thân, ra xa khỏi sự lười biếng và dửng dưng đang đóng khung chúng ta lại, để biết vươn ra tìm kiếm chân lý, vẻ đẹp và tình yêu”.

Tại sao thế? Tại sao phải như vậy chứ?

Câu trả lời chính là Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành, Ngài là một Đấng không hề dửng dưng. Ngài quan tâm đến thế giới, đến số phận của từng con người: “Ngài biết tên tôi, chăm sóc tôi, tìm kiếm tôi, ngay cả khi tôi quay lưng lại với Ngài. Ngài quan tâm đến từng người. Tình yêu không cho phép Ngài dửng dưng với điều xảy ra cho tôi” (Sứ điệp mùa Chay 2015). Ôi, sự thật tuyệt vời này chẳng lẽ không chạm đến tôi, làm rung động cõi lòng tôi? “Tình yêu Thiên Chúa chọc thủng thái độ tự co rút vào chính mình, đó chính là thái độ dửng dưng của chúng ta”. (Sứ điệp mùa Chay 2015)

Hiệp thông là sứ điệp mà Chúa Ki-tô đã gióng lên cho toàn thế giới. Chính vì để đưa con người đến sự hiệp thông với nhau mà Ngài đã trở thành Đầu của Thân mình là Giáo hội, và mỗi người chúng ta là chi thể của nhau. Giáo hội được thiết lập cho sự hiệp thông. Trong Giáo hội ấy, “nếu một chi thể đau thì toàn thân cùng đau”(1 Cor 12:26).

Thiên đàng mà các thánh vui hưởng không phải là nơi để các ngài hé nửa con mắt nhìn xuống trần thế. Ngược lại, các ngài lại càng chăm sóc anh chị em mình hơn. Thánh nữ Tê-rê-xa Hài đồng nói lên chân lý ấy như sau: “Niềm vui trên thiên đàng vì cuộc chiến thắng của tình yêu bị đóng đinh vẫn chưa trọn vẹn, bao lâu vẫn còn một người trên trần đau khổ và kêu than thống thiết. Tôi hoàn toàn không muốn ngồi yên hưởng thiên đàng. Tôi muốn tiếp tục làm việc cho Giáo hội và cho các tâm hồn”. (Thư 254, 14.07.1897) (x. Sứ điệp mùa Chay 2015). Vậy, Giáo hội có phải là “một thân mình thừa nhận và chăm sóc cho những chi thể yếu kém nhất”, hay chỉ tìm trú ẩn vào tình yêu phổ quát ôm ấp toàn thế giới song lại không thấy các La-da-rô ghẻ chốc ngồi trước cánh cửa đóng kín của chúng ta”? (Sứ điệp mùa Chay, 2015).

Bạn muốn thay đổi thế giới ư? Đừng ảo tưỏng! Canh tân thế giới chỉ có được nếu biết canh tân cõi lòng, làm cho chúng ta biết “cảm” giống như Thiên Chúa vẫn thương cảm. Bạn hãy nhớ nhé: “Một cõi lòng thương cảm” không phải là một cõi lòng yếu nhược. Bất cứ ai muốn xót thương phải có một tấm lòng kiên vững, mạnh mẽ, biết khép lại trước tên cám dỗ, nhưng lại rộng mở trước Thiên Chúa. Một cõi lòng để Thần Khí tác động mới có thể mang tình yêu đi khắp các nẻo đường đến với anh chị em của mình.

Bạn có dám thắng vượt văn hóa dửng dưng đang trở thành quen thuộc quanh bạn không?

Văn Am SDB

Trích từ Chuyên đề Don Bosco số 36

 

Comments are closed.

phone-icon