Tây Nguyên là tên gọi một vùng đất núi bạt ngàn với rừng cây, nương rẫy, thú hoang. Phong cảnh hoang sơ, khí trời thanh khiết, hoa dại tươi nở và suối nước nên thơ. Nơi đây, bàn tay thiên nhiên như gặp được chất liệu tối ưu làm nên kiệt tác. Nơi dây dường như mọi vật từ cỏ mềm đến đá cứng, từ phiến lá đến chim muông phô bày sự sống của mình. Cây lớn vươn lên cho tán rộng để nhiều cây thân mềm hội về núp bóng. Thú mạnh hùng cứ những hang cao nhường phần thấp hơn cho những loài nhỏ bé. Có cạnh tranh sinh tồn nhưng cũng có hòa bình chung sống.
Nếu cuộc sống góp phần hình thành văn hóa thì cuộc sống của những con người gắn bó với vùng đất cao nguyên này cũng hình thành một nền văn hóa không lẫn vào đâu được: văn hóa Tây Nguyên. Từ cách ăn nết ở tới nhà cửa ruộng nương, từ tổ chức buôn làng tới lễ hội truyền thống, đâu đâu cũng thấm đẫm một màu văn hóa. Ngày lên nương rẫy tối về lễ hội. Tiếng chiêng, trống, cồng như giục giã, từng ché rượu cần gieo hưng phấn, ánh lửa bập bùng như mời gọi hội tụ tình người ấm áp và những khúc sử thi đan xen với điệu múa đặc trưng được truyền lại từ đời này sang đời khác. Và rồi Tây Nguyên từ lâu đã là một tiếng gọi vừa thể hiện tình anh em vừa sáng tỏa nghĩa sứ vụ. Đã có rất nhiều cá nhân hoặc cộng đoàn đến với muôn dân tại miền cao gió núi, không phải để tham quan du lịch mà là để ăn đời ở kiếp giữa vùng cao mà chan hòa tinh thần phục vụ cho anh chị em dân tộc ít người.
Tôi cũng đã có dịp được tiếp xúc và gặp gỡ các anh em dân tộc ở vùng đất này, cứ tưởng rằng những con người này chỉ lao động làm việc vì miếng cơm manh áo thường nhật, thế nhưng họ còn có những bận tâm về một lý tưởng cao cả hơn nhiều. Nhìn cảnh các em bé Thượng đeo chiếc gùi nặng trĩu từ tờ mờ sáng lủi thủi đi theo mẹ ra chợ bán từng bó rau má, đọt bí ngô để kiếm ăn hay người thanh niên phơi lưng trần giăng lưới để bắt chút cá tép cho bữa cơn đạm bạc qua ngày… nhiều người nghĩ đơn giản đồng bào Tây Nguyên chỉ biết vất vả với cái ăn, cái mặc tầm thường. Thế nhưng họ lại trở thành những con người khác khi màn đêm buông xuống, khi ngọn lửa bếp bùng lên, lúc mà công việc nương rẫy đã chấm dứt, trẻ con đã ngon giấc… Trong nhà sàn, ngọn lửa bừng cháy đủ soi sáng cho những người đang quy tụ bên nhau giữa màn đêm thâm u. Chính trong không gian này, những người khát khao đời sống tâm linh không kể già trẻ, nam nữ quây quần quanh bếp lửa, cùng nhau lắng nghe về một Đấng có tên là Giêsu – Vua Tình Yêu. Chỉ qua cung giọng đều đều kém hấp dẫn của một lão làng đáng kính mà họ đã say mê Giêsu, họ không chỉ nghe mà còn như muốn kết hợp mật thiết với Đấng ấy, từ đêm này qua đêm khác. Cứ như thế, những người anh em hiền lành chất phác đón nhận Lời Chúa, như hứng lấy nguồn nước mát trong, chảy từ vách núi cao nguyên xanh thẳm vời vợi….Bình an, không bon chen, không tranh giành lợi lộc.
Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em (Lc 12, 32).
Hình ảnh, cuộc sống của những người anh em nơi vùng đất cao nguyên đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về tình yêu thương hiệp nhất của những con người đơn sơ, hiền lành. Tôi lại liên tưởng đến Giáo hội sơ khai, “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng” (x.Cv 2-42) .
Hình ảnh đó khơi lên trong tôi lý tưởng truyền giáo nhưng không phải bằng cách băng rừng lội suối đi tìm kiếm những người chưa biết Chúa, mà là sống Tình Hiệp Nhất ngay trong cộng đoàn mình, đồng thời phải có một tinh thần truyền giáo như Thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu, dù cuộc đời Chị Thánh gắn liền với bốn bức tường và trong khuôn viên của nhà kín, nhưng Chị Thánh đã có một trái tim, một tấm lòng, một ước muốn và khát khao mãnh liệt cho công cuộc truyền giáo của Giáo Hội.
Là một Tập sinh, tôi không dám ước chi những điều lớn lao, chỉ dâng lên Chúa những hi sinh, những lời cầu nguyện mỗi ngày và mong sống tình hiệp nhất yêu thương mặn nồng nơi cộng đoàn thánh hiến. Để nhờ thẫm đẫm tình Chúa, tình người, tôi mới có thể đem Tin Mừng đến mọi biên cương truyền giáo như Chúa ước mong.
Têrêsa Thanh Dâng