Cứ đến mà xem! – Suy niệm ngày 24.8

0

Ngày 24 tháng 08 năm 2015
Lễ kính thánh Barthôlômêô, Tông Đồ

Ga 1, 45-51

I. LỜI CHÚA: Ga 1, 45-51

45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! “

47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”

51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

(Bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CGKPV)

II. SUY NIỆM:

1. Nghe nói và đích thân gặp gỡ

Trình thuật Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta vừa được nghe công bố, kể lại hành trình ơn gọi của Nathanael, là tông đồ Barthôlômêô mà chúng ta mừng kính hôm nay cùng với toàn thể Giáo Hội. Hành trình này diễn ra theo hai bước:

– Bước thứ nhất, ông được người bạn là Philiphê nói cho nghe về Đức Giê-su.

– Bước thứ hai, ông đích thân đến gặp Đức Giê-su.
Nghe nói về Đức Giêsu và sau đó đích thân gặp gỡ Ngài, đó chính là hai yếu tố làm nên kinh nghiệm thiêng liêng căn bản trong đời sống ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến. Ở những bước đầu của hành trình đức tin và của ơn gọi, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm “hai bước” này, dĩ nhiên với những đặc điểm riêng của từng người. Cách riêng trong ơn gọi thánh hiến, chúng ta đã thực hiện, hay đúng hơn đã được ban cho kinh nghiệm “hai bước” này ở Nhà Tập, một cách sâu đậm nhất và nền tảng nhất.

Tuy nhiên kinh nghiệm căn bản này phải được duy trì, được bắt đầu lại, được làm mới lạ hầu như hàng ngày, hay ít nhất là hàng năm trong tuần tĩnh tâm. Nếu chúng ta để ý, kinh nghiệm hai bước này xẩy ra ít nhất hai lần một ngày trong các tuần tĩnh tâm: đó là khi chúng ta nghe gợi ý cầu nguyện và sau đó đi cầu nguyện. Và kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô trong cầu nguyện phải được kéo dài suốt ngày hoặc ít nhất là phải tác động lên ngày sống của chúng ta. Ít nhất hai lần, vì trong thực tế có thể nhiều hơn: những lời chia sẻ của anh em hay chị em, hay một cách kín đáo hơn, cách sống, cách phục vụ, cách cầu nguyện, cách hiện diện của anh hay chị em cũng có thể là những lời “giới thiệu Đức Kitô” rất đánh động đối với chúng ta.

2. “Hãy đến và anh sẽ thấy”

Chúng ta hãy trở lại cuộc đối thoại giữa Philiphê và Nathanaen. Ông Philipphê đi tìm gặp ông Nathanaen và nói : « Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp : đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét. ». Nhưng Nathanaen không được đánh động và cũng chẳng bị thuyết phục , ông trả lời: « Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được ? »
Qua hai lời đối đáp rất ngắn này, chúng ta có rút ra những kết luận rất thực tế và cũng rất quan trọng:

– Chứng nhân thì chắc chắn về điều mình nói ; đó là điều kiện thiết yếu của lời chứng.

– Nhưng lời chứng của chứng nhân lại không đủ mạnh để thuyết phục nguời khác!

Đó là bởi vì kinh nghiệm của chứng nhân luôn luôn mạnh hơn và lớn hơn những dẫn chứng mà người này đưa ra. Chẳng hạn, lời chứng về việc ăn soài không thể nào diễn tả hết được chính kinh nghiệm ăn soài. Chính vì thế, Philipphê nói với Nathanaen : « Hãy đến và xem ». Lời chứng chỉ hiệu quả khi nó thúc đẩy người nghe, không phải cúi mình trước những dẫn chứng, nhưng là đến lượt mình, đích thân thực hiện một kinh nghiệm. Bởi vì, chân lí, nhất là chân lí nhân linh và thần linh (khác với chân lí vật lí) không có bằng chứng nào khác, ngoài chính mình.

Điều này làm chúng ta bình an hơn trong sứ mạng làm chứng cho Đức Kitô ngang qua những công việc nhỏ bé của chúng ta. Đích thân từng người được mời đến gặp gỡ Đức Kitô và đích thân Đức Kitô đến gặp gỡ từng người như Ngài đã làm đối với Nathanaen. Chúng ta chỉ có thể làm chứng và mời gọi, bằng chính cuộc đời dâng hiến của chúng ta cho Đức Kitô và cho sứ mạng của Ngài.

3. « Thầy là Con Thiên Chúa »

Khi đi đến, gặp gỡ và đối thoại với Đức Giê-su, « con ông Giu-se », tông đồ Nathanaen đã tuyên xưng : « Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa » ! Điều gì đã dẫn tông đồ Nathanaen đến lời tuyên xưng đức tin ?

a. « Tôi đã thấy anh… »

Bởi vì, khi Nathanaen đến gặp Đức Giê-su, ông nhận ra rằng, Người đã « biết » và đã « thấy » anh trước khi anh đến gặp Người. Sau khi đã gặp gỡ và trao ban lòng tin, người phụ nữ Samari cũng có cùng một kinh nghiệm : « Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm » (Ga 4, 29). Tác giả Thánh Vịnh cũng nói về cùng một kinh nghiệm được Thiên Chúa thấu suốt:

Lạy CHÚA, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ,
biết cả khi con đứng con ngồi.

Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa,
đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét,
mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả.
Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời,
thì lạy CHÚA, Ngài đã am tường hết.
(Tv 139, 1-4)

Người « thấu suốt » anh, và Người cũng thấu suốt từng Người chúng ta, bởi vì mỗi người chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh của Người, được tạo dựng bởi Người và cho Người : « Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành » (Ga 1, 3). Người thấu suốt chúng ta không phải để lên án, nhưng để bao bọc, chữa lành và tái sinh chúng ta cho sự sống của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh diễn tả :

Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.

Tv 139, 5)

b. « Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới… »

Tuy nhiên, Nathanaen cũng như tất cả chúng ta còn được mời gọi hiểu biết ngôi vị Đức Giê-su ở tầm mức lịch sử cứu độ, và ngang qua lịch sử độ, tầm mức của lịch sử loài người và của toàn thể tạo vật, như lời của Đức Giê-su gợi ra cho Nathanaen: “Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.” Bởi lẽ, Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới.
Thật vậy, sau này, chính Đức Ki-tô phục sinh sẽ giải thích cho hai môn đệ Emmau về sự tương hợp giữa mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và Sách Thánh, nghĩa là Luật và các ngôn sứ (x. Lc 24, 11-35). Sự tương hợp này không chỉ đem lại cho hai môn đệ một sự hiểu biết, nhưng, qua đó, còn tạo ra nơi tâm hồn các ông một kinh nghiệm, kinh nghiệm “con tim bừng cháy”. Như thế, việc hiểu Sách Thánh được hoàn tất nơi Đức Giêsu đã phải đi ngang qua chốn sâu thẳm của tâm hồn, và làm cho sinh động mọi gốc rễ của tâm hồn, để có thể làm cho “con tim bừng cháy”. Vậy thì tại sao người nghe, là hai môn đệ và hôm nay đến lượt chúng ta, lại thấy mình có liên quan, thấy mình được đánh động bởi sự kiện Đức Ki-tô hoàn tất Sách Thánh cổ xưa?

Gương vâng phục của Đức Giêsu đối với Cha của Ngài có lẽ chưa đủ, vì chúng ta vẫn còn ở bên ngoài. Chúng ta thấy mình có liên quan, bởi vì sự vâng phục của Đức Giêsu đối với Chúa Cha được bày tỏ ra cho Ngài ngang qua con người. Kế hoạch của Chúa Cha được ghi khắc ở đâu, nếu không phải là trên con người, trên toàn thể một dân tộc có trước Ngài? Hẳn là kế hoạch này được viết trong một cuốn sách; nhưng nếu các trang sách biết nói, đó là bởi vì chúng qui về những cuộc đời cụ thể, giống như cuộc đời cụ thể của chúng ta, và Thiên Chúa đã dùng những cuộc đời cụ thể này để ghi khắc trên đó kế hoạch Ngài thiết lập cho Đức Kitô của Ngài.

* * *

Và, vì lịch sử dân tộc này giống như lịch sử cuộc đời chúng ta, đầy thăng trầm, tội lỗi và bị chi phối nặng nề bởi sự dữ, con tim chúng ta có thể “bừng cháy” khi chúng ta nhận ra nơi con người và cuộc đời của mình hành trình Vượt Qua của Đức Ki-tô.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Comments are closed.

phone-icon