Đức Thánh Cha cầu xin ơn tha thứ
cho sự chia rẽ của các Ki-tô hữu
Vào chiều thứ Hai vừa qua, nhân dịp bế mạc Tuần Lễ Cầu Nguyện cho sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã chủ sự một buổi Phụng Vụ Đại Kết tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành, và trong buổi Phụng Vụ này, Ngài đã cầu xin ơn tha thứ cho sự chia rẽ của các Ki-tô hữu.
Lòng Thương Xót và lời mời gọi hành động, hiệp nhất các Ki-tô hữu lại với nhau – Đức Thánh Cha đã lập đi lập lại nhiều lần như thế trong suốt bài giảng của Ngài – nhưng sự chia rẽ của các Ki-tô hữu cũng chính là “một vết thương há hốc nơi thân thể Chúa Ki-tô”.
Ngay sau khi buổi Phụng Vụ trên được bắt đầu, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Đại Kết, đã đọc một bài diễn văn ngắn. Trong bài diễn văn đó, vị Hồng Y người Thụy Sĩ đã nhấn mạnh rằng: “Chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa về việc chúng ta là dân của Ngài. Chúng ta là dân của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta sẽ chỉ có thể là dân của Ngài nếu chúng ta hiệp nhất với nhau. Vì thế, chúng ta được phép ca ngợi sự hiệp nhất của các Ki-tô hữu, tức những người thuộc về một dân của Thiên Chúa, như là ´hành động vĩ đại` của Thiên Chúa.”
Còn trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã đề cập tới câu chuyện của Thánh Phao-lô Tông Đồ, người được tôn kính với tư cách là một vị Thánh cả trong Giáo hội Công giáo lẫn trong Giáo hội Chính thống, cả trong Giáo hội Cốp-tít và Giáo hội Armenia lẫn trong giáo hội Anh giáo. Các Giáo hội Tin Lành cũng có ngày tưởng nhớ đến Ngài.
“Lúc đầu, Ngài đã bách hại Giáo hội của Chúa”, nhưng nhờ vào sự hối cải của Ngài và nhờ vào sự gặp gỡ của Ngài với Chúa Ki-tô phục sinh (1Cor 9,1), nên trên đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem tới Đa-mát, Thánh Nhân đã trải qua kinh nghiệm có khả năng biến đổi của ân sủng Chúa Ki-tô – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Kinh nghiệm này đặt nền tảng trên Lòng Thương Xót, và cũng cần thiết trong sự Đại Kết: “Từ bỏ những khác biệt của chúng ta, mà những khác biệt ấy vẫn còn đang chia rẽ chúng ta ngay cả trong thời đại hôm nay, chúng ta sẽ nhìn thấy được nguồn cội của đời sống Ki-tô giáo với niềm vui. Vẫn luôn có tiếng gọi mời của Thiên Chúa.” Người ta sẽ chỉ đạt tới được sự hiệp nhất – Đức Thánh Cha nói – nếu người ta cùng bước đi trên một con đường.
Những bước đi này phải được thực hiện, và không được phép dừng lại ở sự không tưởng. Trong bài giảng của Ngài, Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tới vai trò thiết yếu của Năm Thánh 2016:
“Trước hết chúng ta hãy cầu xin ơn tha thứ cho những tội chia rẽ của chúng ta; chúng là những vết thương rộng hoác nơi thân thể Chúa Ki-tô. Với tư cách là Giám mục Rô-ma và là mục tử của Giáo hội Công giáo, tôi cầu xin ơn tha thứ cho thái độ của các tín hữu Công giáo đối với các Ki-tô hữu thuộc các Giáo hội khác.”
Hiện diện trong buổi Phụng Vụ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phao-lô ngoại thành gồm có các đại diện của các Giáo hội khác nhau cũng như đại diện của các cộng đoàn thuộc các Giáo hội khác nhau tại Rô-ma, cùng Đức Cha Gennadios với tư cách là đại diện của Đức Thượng Phụ Giáo Chủ Đại Kết, và Đức Cha David Moxon với tư cách là đại diện cá nhân của Đức Tổng Giám Mục thành Canterbury tại Rô-ma. Trước khi tham dự buổi Phụng Vụ này, phần lớn các tham dự viên đều bước qua Cổng Thánh của Vương Cung Thánh Đường, nơi buổi Phụng Vụ được tổ chức.
Theo de.rv 25.01.2016 no
Lm Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ