Đức Thánh Cha nói với các Tu Sĩ: Hãy chống lại sự bừa bãi trong ý muốn

0

Đức Thánh Cha nói với các Tu Sĩ

Hãy chống lại sự bừa bãi trong ý muốn

7

Gần gũi với con người, vâng phục với tư cách là dấu chỉ có tính ngôn sứ, và hy vọng: Đó là ba trụ cột quan trọng nhất của đời sống người Tu Sĩ. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã nói như thế trước hàng ngàn Tu Sĩ mà họ đã được Ngài tiếp đón trong một cuộc tiếp kiến tại đại sảnh đường của Tòa Thánh Vatican vào hôm thứ Hai vừa qua nhân dịp bế mạc Năm về Đời Sống Thánh Hiến. Ngài đã cám ơn các Tu Sĩ vì sự phục vụ của họ, và Ngài đã đặc biệt cám ơn các Nữ Tu: “Giáo hội sẽ là cái gì nếu như không có các Nữ Tu?”

“Cha đã chuẩn bị sẵn một bài diễn văn cho dịp này…” Khi Đức Thánh Cha bắt đầu với những lời như thế thì có nghĩa là, bài diễn văn được soạn trước của Ngài cho ngày hôm ấy sẽ phải chia sẻ chung với số phận của những bài diễn văn khác mà Ngài đã soạn sẵn nhưng không được mang ra sử dụng. Và bài diễn văn của hôm thứ Hai vừa rồi cũng có một số phận tương tự. Việc cầm bản diễn văn được soạn sẵn để đọc là một việc làm hơi nhàm chán – Đức Thánh Cha cho biết như thế, và Ngài đã nhận được sự tán thành của các Tu Sĩ với một tràng pháo tay dài, vì Ngài thích nói buông.

Các Tu Sĩ chính là những con người hiến dâng bản thân để phục vụ Thiên Chúa. Trong Giáo hội, họ sống đức nghèo khó cách mạnh mẽ và sống Tình Yêu trinh trong cũng như sống đức tuân phục. Ngay cả khi sự tuân phục bị khuyết thiếu một phần, và tuyệt đối không có sự tuân phục hoàn hảo giữa những con người, thì đó vẫn là một dấu chỉ mạnh mẽ. Đó là một dấu chỉ mà người ta không được phép lẫn lộn với kỷ luật và sự tuân phục trong quân đội – Đức Thánh Cha nói – đúng hơn, đó chính là sự trao hiến cách tự nguyện.

“Đó là dấu chỉ có tính Ngôn Sứ” – Đức Thánh Cha giải thích. “Nó là một chỉ dấu chống lại sự bừa bãi bị rắc gieo bởi ma quỷ – sự bừa bãi của ý muốn. Một dấu chỉ có tính Ngôn Sứ sẽ nói với con người rằng, có một con đường dẫn tới hạnh phúc, và con đường ấy sẽ lấp đầy bạn với niềm vui, và Chúa Giê-su chính là con đường ấy.” Dấu chỉ có tính Ngôn Sứ chính là một đặc sủng mà người ta phải cầu xin để được lãnh nhận – Đức Thánh Cha cho biết.

Vâng phục, gần gũi và hy vọng

Đề tài thứ hai của Đức Thánh Cha trong buổi gặp gỡ này chính là sự gần gũi. Người Tu Sĩ thánh hiến bản thân để phục vụ, “nhưng không phải là tự tách rời khỏi con người để có được tất cả mọi tiện nghi. Không! Nhưng để gần gũi hầu có thể hiểu được những đau khổ, những vấn đề và rất nhiều những điều khác mà người ta chỉ có thể hiểu được trong sự gần gũi với con người. ´Nhưng thưa Cha, con nên làm gì khi con là một Nữ Tu chiêm niệm, con nên làm gì ạ?` Hãy nghĩ tới Thánh Teresa Hài Đồng Giê-su thành Lisieux, Thánh Nữ là bổn mạng của các xứ truyền giáo. Với một con tim bừng cháy, Thánh Nữ đã rất gần gũi con người, kể cả qua những bức thư mà Thánh Nữ nhận được. Đó là sự gần gũi!”

Trở thành Tu Sĩ không có nghĩa là leo lên được một bậc nữa trên lấc thang xã hội – Đức Thánh Cha nhấn mạnh. Đúng là cha mẹ rất tự hào về việc họ có con cái sống trong các Dòng Tu. Nhưng đối với bản thân các Tu Sĩ thì đó không phải là một địa vị xã hội mà nó làm cho một người nhìn xuống người khác.

Những người tha nhân đầu tiên sống ngay sát bên, đó là những người anh em và những người chị em đồng tu. “Cha biết rằng, nơi các con, trong các cộng đoàn, không bao giờ có chuyện gièm pha, không, không bao giờ có!” – Đức Thánh Cha đã đùa như thế giữa tiếng cười rộ của các Tu Sĩ. “Đó là một cách để tránh xa anh em và chị em: Sự khủng bố bằng cách gièm pha. Ai gièm pha, người ấy là kẻ khủng bố, người ấy quẳng bom lời nói và sau đó biến mất, người ấy là kẻ phá hoại.” Việc kiềm chế miệng lưỡi là một nhân đức khó nhất – Đức Thánh Cha trích dẫn lời của Thánh Gia-cô-bê Tông Đồ. Nhắc lại một chút những gì liên quan đến chức vụ trước đây của Ngài với tư cách là cha Giáo Tập và với tư cách là nhà giáo dục của Dòng Tên tại Argentina, Đức Thánh Cha đã đưa ra một loạt những đề nghị cụ thể, chẳng hạn như về sự phê bình một cách công khai và về sự thân tình, hay sự phân chia các sứ vụ trong cộng đoàn.

Chống lại cơn cám dỗ của sự thất vọng

Đề tài thứ ba của Đức Thánh Cha trong cuộc gặp gỡ này là sự hy vọng. “Và Cha phải thú nhận với anh chị em rằng, Cha rất buồn khi Cha nhìn thấy sự sút giảm số ơn gọi, khi Cha phải tiếp đón các Đức Giám mục và Cha hỏi, các Ngài đang có bao nhiêu Chủng sinh? Dạ thưa có 4 hay là 5 gì đấy. Hay khi các Tu Viện chỉ có một hay hai Tập sinh, và càng ngày càng lớn tuổi, càng ngày càng già, càng ngày càng lão hóa.” Đó là một cơn cám dỗ khiến người ta ngừng hy vọng – Đức Thánh Cha nói. “Một số Hội Dòng đã làm một số việc nào đó, chẳng hạn như ´thụ tinh nhân tạo` và đón nhận tất cả những ai đến, và sau đó những vấn đề cũng kéo đến ngay lập tức.” Đó không phải là giải pháp cho cuộc khủng hoảng về ơn gọi. Các ơn gọi cần phải được thẩm định một cách chu đáo.

Người ta có thể chiến đấu để chống lại cơn cám dỗ của nỗi tuyệt vọng bằng lời cầu nguyện – Đức Thánh Cha khuyên. Con đường duy nhất chính là dựa vào Chúa.

Có một mối nguy hiểm lớn trong việc sút giảm những con số; Ngài phải diễn tả điều đó bằng lời ngay cả khi đó là điều không thoải mái – Đức Thánh Cha cho biết. “Nếu một cộng đoàn Dòng Tu thấy rằng, họ không có ´con cái hay cháu chắt` nữa, và càng ngày càng trở nên bé nhỏ, thì rồi họ sẽ bấu bám vào tiền bạc.” Nhưng không có điều chi tốt đẹp đến từ tiền bạc. Tất nhiên, việc các Tu Sĩ lưu tâm tới tuổi già của mình, lưu tâm tới sự chăm sóc cho bản thân mình, đó là điều thông minh; bất chấp điều đó, tiền bạc vẫn chỉ luôn luôn kéo người ta đi xuống. “Anh chị em có hiểu điều đó không?” – “Dạ, hiểu ạ, hiểu ạ” – bài nói chuyện của Đức Thánh Cha thường xuyên bị cắt ngang bởi các Tu Sĩ.

“Xin anh chị em đừng quên dấu chỉ có tính Ngôn Sứ của Đức tuân phục nhé; cũng đừng quên sự gần gũi với con người và niềm hy vọng rằng, Thiên Chúa sẽ chăm sóc những người con trai và những người con gái trong các Hội Dòng của anh chị em,” – Đức Thánh Cha khép lại bài diễn văn của Ngài. Rồi Ngài kết luận: “Và xin anh chị em đừng quên cầu nguyện cho Cha đấy nhé!”

Theo de.rv 01.02.2016 ord

Lm Đa-minh Thiệu – chuyển ngữ

Comments are closed.

phone-icon