Bà Cao Thị Thu, người Huế đã đến Viện Dưỡng Lão Tình Thương Suối Tiên năm 2013. Bà mắc dị tật ở chân phải, đi lại khó khăn vì bàn chân bị một ung nhọt, hễ bước đi là máu tươi tuôn ra, nên bà phải ngồi trên giường suốt ngày. Tuy vậy bà lại chẳng muốn ngồi một chỗ nên dì y tá có băng bó mỗi ngày, vết thương của bà cũng không thể lành được. Nếu chúng tôi khuyên bà đừng đi lại nhiều thì bà đập đầu vào tường và chối lấy chối để rồi khóc. Bà không bao giờ nhận mình sai. Bà là một Phật tử và rất sùng đạo, khi nhập viện bà mang nhiều sách Phật gối đầu giường và say mê đọc sách. Câu đầu tiên trên miệng bà khi tiếp chuyện với bất cứ ai là: “Mô Phật! Xin Phật độ!”.
Biết bà sùng Phật, năng đọc kinh sách Phật, chúng tôi vẫn để cho bà tự do, không buộc đi đọc kinh với mọi người trong viện. Nhưng vì chúng tôi đã gắn hệ thống âm thanh cho các phòng để giúp những người không thể tới nhà nguyện, cũng có thể tham gia các giờ thiêng liêng hoặc nghe huấn đức sau giờ kinh tối mỗi ngày, nên bà cũng thuộc vài kinh ngắn. Thấy thiện chí của bà, có lần tôi hỏi bà, bà trả lời dứt khoát là không muốn theo đạo. Từ đó chúng tôi không hỏi bà thêm gì về đạo nữa.
Năm 2013 Hội Dòng Đa Minh Tam Hiệp chúng tôi kỷ niệm 50 năm lời khấn bằng an với Đức Mẹ Fatima và tổ chức rước Đức Mẹ tới thăm các cộng đoàn của Hội Dòng; mỗi cộng đoàn được đón Mẹ một tuần. Cuối năm 2014 thánh tượng Mẹ đến cộng đoàn chúng tôi. Một cuộc rước Đức Mẹ được chuẩn bị cả tuần trước, kiệu Mẹ được trang hoàng lộng lẫy bằng những bông hồng tươi rực rỡ. Mỗi bà cũng được phát một bông hồng cầm tay để đón rước Mẹ, ai không đi được cũng cầm hoa ngồi ở hành lang để khi thánh tượng Mẹ đi qua sẽ đứng lên dâng kính Mẹ. Những bà bại liệt nằm tại giường cũng được phát hoa cầm ở tay, ai không cầm được thì cắm đầu giường. Vì thế, phòng nào cũng tươi mát và các bệnh nhân cũng rất vui chờ mong thánh tượng Mẹ đi qua.
Chiều hôm ấy không nắng và gió cũng không to, cuộc rước thật lý tưởng cho những người cao tuổi. Đúng 4.00 chiều những người còn đi được đã chỉnh tề với áo trắng, quần đen, tay cầm hoa hồng đỏ thắm, sắp hàng hai hướng về phía cổng để đón thánh tượng Mẹ đang được rước về từ cộng đoàn thánh Vinh Sơn II. Tới 4.15 cổng viện dưỡng lão mở rộng, chiếc xe 7 chỗ từ từ tiến vào và thánh tượng Mẹ được hai dì kính cẩn đưa ra khỏi xe và đặt trên kiệu, một tràng pháo tay vang lên kính mừng Mẹ đến với đoàn con nghèo nàn, già nua tuổi tác. Đoàn rước bắt đầu với bài hát ca tụng Mẹ. Lộ trình cuộc rước bắt đầu từ khu vực Đức Micae – nơi dành riêng cho các bà còn khỏe, tiến về cộng đoàn các dì, vòng qua nhà thánh Vinh sơn – khu vực dành cho các bà bại liệt, rồi tới nhà Thánh Tâm – nơi các bà đi lại khó khăn và cuối cùng tiến về nhà nguyện. Kiệu Mẹ tới nhà bại liệt, những ai còn có thể cũng gượng ngồi lên, tay cầm bông hoa hướng ra cửa chờ thánh tượng Mẹ đi qua. Tôi đi tới từng giường đón nhận những cành hoa từ những bàn tay run run, yếu ớt dâng lên cho Mẹ, tôi thực sự xúc động! Khi tới những người đã lẫn lộn, thì hoa đã tan xác một đời hoa, thấy tôi tới các bà trao cho tôi một cành cây nhỏ không lá, không hoa, có bà đã lấy từng cánh hoa cho vào miệng nhai ngon lành, có bà bứt nhàu nát, tôi cũng đưa cành cây cắm vào kiệu Mẹ như gởi gắm tất cả cho Mẹ thực trạng của các con đau khổ của Mẹ mà lòng cảm thương họ vô hạn.
Tới khu nhà Thánh Tâm, các bà ngồi dọc theo hành lang cũng cố gắng đứng lên giơ cao cành hoa và tiến tới kiệu để dâng kính Mẹ. Riêng bà Cao Thị Thu cũng đứng lên với nụ cười thật tươi, nhưng bà không cắm hoa vào kiệu cho Mẹ, bà giơ cao cành hoa và cố gắng cò cò đi vào hàng với đoàn rước cho tới nhà nguyện. Bà cùng đoàn rước dừng lại chờ cho kiệu tiến về gian thánh rồi bà theo thứ tự lên cắm hoa dâng kính Mẹ. Bà tham dự giờ thiêng liêng cho tới khi kết thúc. Trên hành lang đi về khu vực của mình, tôi thấy bà tươi vui như muốn bộc lộ niềm hạnh phúc linh thiêng bà vừa lãnh nhận. Từ hôm đó tôi thấy bà không còn đọc sách Phật nữa và hàng ngày bà theo chị em lên nhà nguyện, bà tham dự hết mọi giờ thiêng liêng trong ngày. Dịp đó tôi đang dạy giáo lý tân tòng cho 4 bà nên bà cũng tự nguyện xin học. Một điều lạ chúng tôi đều nhận thấy rằng: từ ngày đó bà Thu rất vui, không còn cau có, khó tính và hay khóc như trước nữa. Tôi thấy như trí nhớ của bà được hồi phục vì khi học giáo lý bà hiểu và nhớ rổi có thể đối đáp được, tuy bà đã trên 80 tuổi. Bà sống dễ thương với chị em hơn và không ai nghe bà nói ‘mô Phật’ bao giờ nữa. Bà đã được rửa tội ngày 29/4/2015. Hiện nay bà khỏe hơn trước và không bỏ một giờ kinh nguyện nào.
Chúng con tạ ơn Đức Mẹ Fatima đã thăm viếng cộng đoàn chúng con và đã đón nhận bông hoa hồng của một Phật tử trong gia đình tình thương của chúng con. Vâng, qua Mẹ, bà Maria Cao Thị Thu đã được ơn làm con Chúa và trở thành một bông hoa hồng thơm trong vườn hoa của Nước Trời.
Nt. Isabelle Trần Thị Kim Hường