TIẾP KIẾN CHUNG: Các Điều Răn & Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do

0

TIẾP KIẾN CHUNG:
Các Điều Răn & Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do

12 tháng Chín, 2018 12:52

ZENIT STAFF

Buổi Tiếp Kiến Chung sáng nay được tổ chức lúc 9:25 trong Quảng trường Thánh Phê-rô, tại đây Đức Thánh Cha Phanxico gặp gỡ các nhóm tín hữu và người hành hương từ nước Ý và khắp nơi trên thế giới.

Tiếp tục loạt giáo lý về Các Điều Răn, trong bài huấn từ bằng tiếng Ý Đức Thánh Cha tập trung phân tích về: Ngày nghỉ, tiên báo về sự tự do (Trích đoạn: Sách Deuteronomy, 5:12-15).

Sau phần tóm lược bài giáo lý bằng một số ngôn ngữ, Đức Thánh Cha gửi lời chào đến các nhóm tín hữu hiện diện.

Buổi Tiếp Kiến Chung kết thúc bằng Kinh Lạy Cha và Phép Lành Tòa Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý hôm nay chúng ta quay trở lại với Điều Răn thứ ba, đó là ngày nghỉ. Các Điều Răn, công bố trong sách Xuất hành, được lặp lại trong Sách Đệ Nhị luật theo một cách thức rất giống nhau: chỉ có điều trong sách Xuất hành lý do cho sự nghỉ ngơi là chúc phúc Công trình tạo dựng, còn theo sách Đệ Nhị luật, thì đó là để kỷ niệm sự chấm dứt thân phận nô lệ. Trong ngày này người nô lệ cũng được nghỉ ngơi như ông chủ, để mừng Lễ Vượt qua thoát khỏi ách nô lệ.

Thật ra, theo về định nghĩa thì nô lệ không được nghỉ ngơi. Nhưng có quá nhiều hình thức nô lệ tồn tại, cả nội tại và ngoại tại. Có những sự cầm tù ngoại cảnh chẳng hạn những áp bức, con người bị bắt cóc bằng bạo lực và những loại bất công khác. Nhưng cũng có những nhà tù nội tâm, chẳng hạn như những giam hãm về tâm lý, những nỗi lo sợ, những giới hạn về tính cách và nhiều điều khác. Liệu có được sự nghỉ ngơi trong những điều kiện như vậy không? Trong bất kỳ trường hợp nào, liệu một người đang bị cầm tù hay bị áp bức có thể tự do được không? Và một người đang bị dằn vặt bởi những khó khăn trong nội tâm có thể tự do được không?

Thật ra có những người thậm chí đang trong tù, nhưng lại sống trong tinh thần tự do rất lớn. Chẳng hạn chúng ta có thể nhớ đến Thánh Maximilian Kolbe, hoặc nhớ đến Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận, những vị đã biến sự áp bức trong bóng đêm thành nơi của ánh sáng. Rồi cũng có những người với sự mong manh yếu đuối trong tâm hồn, nhưng đã biết tìm sự nghỉ ngơi nơi lòng thương xót và đã có thể truyền đạt lại. Lòng thương xót của Chúa giải phóng chúng ta. Và khi chúng ta gặp gỡ lòng thương xót của Chúa, chúng ta tìm được sự tự do rất lớn trong nội tâm và chúng ta có thể truyền đạt nó. Vì vậy, điều quan trọng là phải mở tâm hồn ra cho lòng thương xót của Chúa để không trở thành nô lệ cho chính bản thân.

Vậy, đâu là sự tự do đích thật? Nó có bao gồm trong việc được tự do lựa chọn không? Chắc chắn đây là một phần của sự tự do, và chúng ta phải cam kết để bảo đảm quyền đó cho mọi người (x. Công đồng chung Vatican II, Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, 73). Tuy nhiên, chúng ta biết rất rõ rằng được tự do làm bất cứ điều gì chúng ta muốn vẫn chưa đủ để có sự tự do đích thực, và thậm chí không đủ để có hạnh phúc. Sự tự do đích thực còn nhiều hơn thế.

Quả thật, có một tình trạng nô lệ xiềng xích còn nhiều hơn cả một nhà tù, hơn cả một sự khủng hoảng tồi tệ, hơn cả một sự áp bức dưới bất kỳ hình thức nào: đó là tình trạng nô lệ cho cái tôi (bản ngã). Có những người dành thời gian cả ngày xem mình trong gương để nhìn cái tôi của mình. Và khi cái tôi của một người lớn hơn cả thân xác thì họ trở thành nô lệ cho cái tôi đó. Cái tôi có thể trở thành một cai ngục tra tấn con người ở bất cứ nơi nào và đẩy con người vào tình trạng bị đàn áp nặng nề nhất, cái đó được gọi là “tội,” nó không phải là việc vi phạm một tập tục nào đó, nhưng là sự sa ngã trong cuộc sống và trở thành nô lệ (x. Ga 8:34). Cuối cùng, tội lên tiếng nói và thực hiện theo bản ngã. “Tôi muốn làm cái này và tôi bất chấp có giới hạn trong đó hay không, bất chấp nó có trong Điều Răn hay không, tôi thậm chí bất chấp cả sự yêu thương.”

Ví dụ khi nói về cái tôi, chúng ta hãy nghĩ đến những cái đam mê của con người: sự tham lam, dục vọng, hám lợi, cáu kỉnh, đố kỵ, biếng nhác, tự phụ ….. là nô lệ cho những thói xấu, nó hành hạ và dày vò con người. Không có điểm dừng cho người tham lam, vì cái cổ họng nó là kẻ giả hình của cái bụng, nó đầy nhưng nó vẫn làm cho chúng ta tưởng rằng nó trống rỗng. Cái bụng giả hình kia biến chúng ta thành người tham lam. Chúng ta trở thành nô lệ cho cái bụng giả hình. Không thể có điểm dừng cho người tham lam và đầy dục vọng là những người phải sống thỏa mãn sự khoái lạc; sự thèm muốn được sở hữu tàn phá người tham lam, luôn muốn chất đống tiền bạc, làm tổn thương người khác; ngọn lửa của sự phẫn nộ và con sâu mọt của lòng đố kỵ phá hủy những mối quan hệ. Các nhà cầm bút nói rằng lòng đố kỵ biến thân xác và linh hồn thành màu vàng. Khi một người bị bệnh gan thì người đó bị vàng da, vàng mắt. Người đố kỵ có một linh hồn màu vàng, vì họ không bao giờ có được sức khỏe tươi mới cho linh hồn. Sự đố kỵ phá hủy. Sự biếng nhác né tránh mọi việc lao động làm cho con người trở nên bất lực trong cuộc sống. Khuynh hướng quy ngã — tức là cái tôi mà cha đang nói đến – tính kiêu ngạo, khoét một rãnh sâu giữa một con người và những người khác.

Anh chị em thân mến, vậy ai là người nô lệ thật sự? Ai là người không biết đến sự nghỉ ngơi? Ai không có khả năng yêu thương? Và tất cả những thói xấu này, những tội này, cái bản ngã này ngăn cách chúng ta xa rời tình yêu và làm cho chúng ta mất khả năng yêu thương. Chúng ta là những nô lệ cho chính bản thân chúng ta và chúng ta không thể yêu thương, vì yêu thương luôn luôn hướng đến tha nhân.

Điều Răn Thứ Ba, điều răn mời gọi chúng ta kỷ niệm sự giải thoát bằng sự nghỉ ngơi, nó cho người Ki-tô hữu chúng ta một sự tiên báo về Chúa Giê-su, Đấng đập tan tình trạng nô lệ nội tại của tội lỗi để trả lại cho con người khả năng yêu thương. Yêu thương thật sự là tự do thật: nó tách chúng ta ra khỏi sự ham muốn sở hữu, tái xây dựng những mối quan hệ, có khả năng chào đón và trân trọng giá trị của tha nhân, biến mọi nỗ lực thành món quà niềm vui và làm cho con người có thể hiệp nhất với nhau. Tình yêu trả lại cho con người sự tự do ngay cả khi bị tù đày, ngay cả khi con người yếu đuối và bị giới hạn.

Đây là sự tự do chúng ta đón nhận từ Đấng Cứu Thế, Chúa Giê-su Ki-tô của chúng ta.

[Văn bản chính: tiếng Ý] [Bản dịch (tiếng Anh) của Virginia M. Forrester của ZENIT]

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 13/9/2018]

Comments are closed.

phone-icon