GIỚI THIỆU
Một lần nữa, dưới ánh sáng mầu nhiệm của lễ Ngũ Tuần, đánh dấu sự khởi đầu hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, chúng tôi muốn thực hiện việc công bố Ngày Thế Giới Truyền Giáo hàng năm vào tháng 10 sắp tới.
Việc cử hành này đặt trong khung cảnh của Năm Thánh với chủ đề về việc canh tân và hòa giải trong Chúa Kitô, đề ra mục tiêu về các chiều kích phổ quát, và điều này chỉ được thực hiện ở mức độ mà nhân loại biết và nhận ra Chúa Kitô. Để loan báo Tin Mừng, như một hành động làm cho mọi dân tộc nhận biết Chúa Kitô, nhằm canh tân và hòa giải họ với Người và ở trong Người, nghĩa là mở rộng phạm vi và mức độ nhận biết và đón nhận Người và Sứ điệp của Người, tức là mở rộng những không gian hòa giải trong sự công bằng và bác ái.
Như chúng tôi đã lưu ý trong văn thư khai mạc Năm Thánh 1975 của tông sắc “Apostolorum Limina”, những lý do căn bản của Năm Đại Xá đòi buộc, như một hệ quả cần thiết, hoạt động tông đồ và truyền giáo mạnh mẽ hơn của Giáo Hội : “Do đó, trong Năm Thánh, cần phục hồi sự dấn thân rộng rãi để cổ võ việc loan báo Tin Mừng, mà chắc chắn việc này được coi là bước đầu tiên để thực hiện bức tranh hoạt động này. Thật vậy, “Giáo hội được Thiên Chúa mời gọi đến với muôn dân nhờ bí tích phổ quát của ơn cứu độ”, mà bản chất của Giáo hội lữ hành là truyền giáo, do đó, Giáo hội phải canh tân trong hành trình lịch sử của mình, nghĩa là sẵn sàng đón nhận và đào sâu đức tin Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, và cùng nhau đưa ra lời loan báo cứu độ bằng lời nói và chứng tá đời sống”.
Nếu trong Năm Thánh chúng ta đã khẳng định “cần phải suy xét lại căn tính công giáo về ơn gọi đối với Tin Mừng” và “cần phải đưa vào trung tâm của Giáo Hội các chiều kích của thế giới”, thì cơ hội nào tốt hơn để thực hành cụ thể một ý định tương tự như việc cử hành Ngày Truyền Giáo được Ban Tổ Chức mời gọi “một ngày lễ đích thực của người tông đồ, ngày trọng đại của Giáo Hội công giáo”? (x. Thư của Đức Hồng y Van Rossum, nguyên Tổng trưởng Thánh bộ Truyền bá Đức tin, ngày 8 tháng 8 năm 1972).
Ý NGHĨA TRUYỀN GIÁO VỀ SỰ HOÁN CẢI VÀ SỰ HÒA GIẢI
Sự hoán cải mà bí tích rửa tội đòi hỏi không chỉ trình bày khía cạnh tiêu cực là tránh xa tội lỗi, mà trước hết còn là khía cạnh tích cực – như được xác nhận, hơn nữa, cùng một từ nguyên – là hướng đến và sống thân mật với Thiên Chúa và, nhân danh Người, hướng đến anh chị em. Đối với một Kitô hữu đích thực, việc ca ngợi Thiên Chúa, yêu mến Người và chờ đợi Nước Thiên Chúa đến trên trần gian phải thiết lập một mục tiêu chính của đời mình trong sự nhất quán hoàn toàn với những đòi hỏi cơ bản của Cha chúng ta. Giờ đây, chỉ nhờ vào hoạt động truyền giáo của Giáo Hội mà “Thiên Chúa hoàn toàn được tôn vinh, một khi con người đón nhận trong tình trạng nhận thức đầy đủ về chương trình cứu độ được hoàn tất trong Chúa Kitô. Do đó, nhờ hoạt động truyền giáo, Giáo Hội thực hiện chương trình của Thiên Chúa, mà trong đó, Đức Kitô, trong tinh thần vâng phục và yêu mến, đã thánh hiến chính mình để tôn vinh Thiên Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài đến để toàn thể nhân loại hợp thành một Dân duy nhất, liên kết thành một thân thể duy nhất của Chúa Kitô, để xây nên một ngôi đền thờ duy nhất của Chúa Thánh Thần. Và điều này, trong khi suy tư đến sự hòa hợp huynh đệ, sẽ đáp ứng nguyện vọng sâu xa của hết mọi người” (AG 7).
Tình huynh đệ phổ quát này, hiểu theo nghĩa chúng ta là thành viên của cùng một gia đình với Chúa Giêsu Kitô, người Anh cả, có cùng một Cha, đấng ngự trên trời, đòi hỏi một sự hoán cải, một sự cởi mở, một sự gần gũi với tất cả anh chị em của chúng ta. Và việc hoán cải này đòi buộc chúng ta trước hết phải nhận biết họ, vì chúng ta phải yêu họ và chia sẻ với họ những của cải, có thể là sự liên đới về vật chất hoặc liên đới về sự đạo đức tinh thần. Thật vậy, người ta không thể tưởng tượng một gia đình, trong đó, một số thành viên đang chết vì đói, trong khi những người khác thì dồi dào; một số người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, còn những người khác thì ở trong ngôi nhà tiện nghi; một số người không bao giờ được nghe nói về Chúa Giêsu Kitô, còn những người khác thì có trong tay các phương tiện cứu độ mà Giáo Hội đang sở hữu. Nếu chúng ta hợp thành một gia đình với tất cả mọi người, tình yêu huynh đệ đòi buộc chúng ta cũng phải hòa giải với nhau, với anh em thuộc các chủng tộc, ngôn ngữ, văn hóa và điều kiện sống. Thật thế, có rất nhiều tội thiếu sót và bất công trong việc “đền tội” của chúng ta, về những tội đó, chúng ta phải xin anh em tha thứ cho chúng ta.
Việc hòa giải với anh em gồm sự sửa chữa toàn bộ những thiếu sót bất công và đức ái. Ngoài ra, sự hòa giải còn tạo ra một dấu chỉ chắc chắn hơn về sự hòa giải của chúng ta với Thiên Chúa: “Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở trong chúng ta” (1 Ga 4,7; x. Mt 5, 25).
SỰ CẦN THIẾT VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA VIỆC ĐỔI MỚI KHUÔN MẶT TRUYỀN GIÁO
Mối quan tâm này đối với mọi người khi chúng ta nhìn thấy vấn đề của tha nhân như của chính mình và nhận thức sâu xa rằng “mọi người là anh em của ta”, sự mong muốn sống động nhằm sửa chữa sự ích kỷ của đất nước và của chính chúng ta là những yếu tố thiết yếu để phác họa, trong một ý nghĩa truyền giáo đích thực, một công việc mục vụ hoán cải và hòa giải mà nó nhất định sẽ dẫn đến một cuộc canh tân toàn thể Giáo Hội.
Sự hình thành ý thức truyền giáo đích thực phải dựa trên một sự canh tân cơ bản về tinh thần : trước khi đi rao giảng Tin Mừng, cần phải sống Tin Mừng! Đó chính là đời sống của một Kitô hữu hay của một cộng đoàn mà đời sống đó tạo thành lời loan báo truyền giáo đầu tiên của họ (x. Cv 3, 44; 5, 14): nếu không có một kinh nghiệm cá nhân nào về Chúa Kitô là đấng Cứu độ, thì sẽ rất khó cảm thấy sự cần thiết làm cho người ta nhận biết Người. Bởi vì đạo công giáo – như vị tiền nhiệm của chúng tôi, Đức Pio XII, có nói trong thông điệp “Hồng ân đức tin” (Fidei Donum) – đó là “dấu hiệu chính của một Giáo Hội đích thực” (AAS 49, 1975, tr. 237), đạo Công giáo này, muốn nói đến tinh thần truyền giáo phổ quát, phải là yếu tố chính trong mục vụ của các Giáo Hội địa phương, trong đó Giáo hội tồn tại một cách sống động và mở rộng bản chất của chính Giáo Hội và phải tự thông tin tất cả các hoạt động mục vụ mà Giáo Hội quan tâm đổi mới. Thông điệp còn thêm: “Chúng ta cũng đừng quên lòng nhiệt thành truyền giáo phải được khuấy động trong các giáo phận của anh em, là bằng chứng canh tân đời sống tôn giáo, từ đó, các giáo phận sẽ được khơi lên (…). Bởi vậy, nếu đời sống siêu nhiên bao gồm đức ái và được gia tăng bằng sự dấn thân cho đi chính mình, thì có thể khẳng định cách đúng đắn rằng đời sống công giáo của bất kỳ quốc gia nào cũng được đo bằng những hy sinh mà nó đảm nhận một cách tự phát và hỗ trợ cho công việc truyền giáo” (Ibid tr. 243).
Nguyên tắc này được xác nhận trong Công Đồng Vaticano II : “Ơn canh tân không thể lớn lên trong các cộng đoàn nếu mỗi cộng đoàn không mở rộng phạm vi bác ái đến tận cùng trái đất và không lo lắng cho những kẻ ở xa giống như cho những người thuộc cộng đoàn mình” (AG 37).
SỰ CẦN THIẾT VÀ SỰ CẤP BÁCH CỦA VIỆC LOAN BÁO TIN MỪNG
Sự sát nhập của chúng tôi vào đời sống của chính Chúa Kitô, được khởi sự trong bí tích Rửa tội, được lớn lên nhờ bí tích Thêm sức và được hoàn thiện nhờ bí tích Thánh Thể, nó liên kết chúng ta hoàn toàn với kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, đấng đã đến để thực hiện trên trái đất. Vâng, đúng như thế, Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu độ và đạt tới sự hiểu biết về chân lý” (1Tm 2,4). Nhưng chương trình này, được mạc khải một cách tiệm tiến và đạt tới đỉnh cao của nó trong Đức Kitô, “đấng trung gian viên mãn của tất cả mạc khải” (Tông huấn Lời Chúa, 7), trình bày hai thuộc tính cụ thể. Chương trình cứu độ không chỉ mở rộng cho một số người hoặc cho vài nhóm người, nhưng là cho tất cả mọi người và mọi dân tộc. Đàng khác, “được mời gọi trong đức tin và đáp trả niềm tin không chứng minh bằng cách tách biệt và loại trừ bất kỳ mối liên hệ nào”, nhưng trong lòng một dân tộc “nhận biết Ngài trong chân lý và trung thành phục vụ Ngài” (x. LG 9; x. AG 2).
Dân tộc này, chủ thể cộng đoàn đức tin và đời sống siêu nhiên, chính là Giáo Hội, qua đó, Giáo Hội được trao phó một kho tàng mạc khải không phải để bảo đảm kho tàng ở dưới đất, nhưng là để tùy nghi sử dụng cho tất cả mọi người (x. AG 1, 29, 35; x. Tđgd 2; LG 13). Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng, trong Năm Thánh này, mọi tín hữu và tất cả các cộng đoàn đều nhận biết sự dấn thân truyền giáo phổ quát này, phát sinh từ chính bản chất truyền giáo của Giáo Hội Công giáo, và còn là nét đặc thù của tất cả các Giáo Hội, các cộng đồng địa phương và của tất cả, của mỗi Kitô hữu.
Hơn nữa, chúng ta tôn kính Chúa Thánh Thần, đấng luôn thực hiện sự hài hòa hoàn hảo kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha và bản chất truyền giáo cơ bản của Giáo Hội. Ngài thực hiện một cùng lúc hai hoạt động tập trung: một đàng, Ngài thúc đẩy các dân tộc không Kitô hướng về Giáo Hội và, đàng khác, Ngài tuôn đổ trong tâm hồn những người đã được rửa tội một tinh thần truyền giáo. Công Đồng khẳng định rằng : Đức Kitô từ trời – nhờ Chúa Thánh Thần “làm việc không ngừng trong thế giới để dẫn dắt con người về với Giáo Hội” (LG 48). “Chúa Thánh Thần hợp nhất toàn thể Giáo hội (…), làm sống động những tổ chức trong Giáo hội và đổ dần vào lòng các tín hữu cũng một tinh thần truyền giáo đã thúc đẩy chính Chúa Kitô” (AG 4).
Công việc loan báo Tin Mừng không những cần thiết mà còn cấp bách : trước hết vì tình yêu Thiên Chúa, đó là lý do chính thúc đẩy truyền giáo, tiếp đến là việc đáp ứng những nhu cầu tâm linh của thế giới hiện tại. “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2 Cor 5, 14) : từ khi thánh Phaolô nói lên tâm tình này, toàn cảnh tôn giáo của thế giới đưa ra các đặc tính làm bận tâm và lo âu cho chúng tôi. Việc phát triển của hoạt động truyền giáo của Giáo hội cứ tiếp tục diễn ra cách chậm chạp. Nó tự cho là, bằng cách bào chữa, Giáo Hội phải bắt chước sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Điều này đúng: Thiên Chúa kiên nhẫn bởi vì Người là vĩnh cửu; Thiên Chúa có giờ của Người, chúng ta cũng không thể, trong sự lo lắng của chúng ta, tự đi trước giờ của Thiên Chúa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, với tội ích kỷ, với sự lười biếng và thiếu lòng nhiệt thành truyền giáo của chúng ta mà chúng ta bắt buộc, để nói rằng, Thiên Chúa biểu lộ sự kiên nhẫn để theo dõi gần như bước đi để hỗ trợ chúng ta.
Thiên Chúa là Tình yêu, và như vậy, Người mong muốn đối thoại một cách sống động với con người. Có lẽ những lời này không tuôn ra từ trái tim của Đức Kitô, nồng cháy như nham thạch của ngọn núi lửa: “Ta đã ném lửa xuống đất, và nào ta ước mong gì, nếu nó đã được nhen lên?” (Lc 12, 49). Tương tự như thế, thế giới ngày nay, thông qua các dấu hiệu trong thời đại của chúng ta, hướng tới Giáo Hội, vì thế giới khẩn trương giúp đỡ và đáp trả đầy đủ những lo lắng và khát vọng đang gia tăng của Giáo Hội, thì cũng tựa như người Macedonia trong thị kiến của thánh Phaolô: “hãy tới Macedonia và giúp chúng tôi!” (x. Cv 16, 9-10). Chúng ta là con cái của Giáo hội bao nhiêu, thì cũng có thể trả lời và lặp lại như vị tông đồ dân ngoại bấy nhiêu, rằng : “Rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!” (1 Cor 9, 16).
CÁC HỘI GIÁO HOÀNG TRUYỀN GIÁO, CÔNG CỤ HỮU HIỆU GIÚP LOAN BÁO TIN MỪNG
Hiện nay, Giáo hội có một công cụ quan phòng để toàn thể Dân Chúa có thể hoàn thành công việc truyền giáo thánh thiêng một cách thỏa đáng, đó là các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo. Nếu các Hội này chưa tồn tại, thì cần phải thiết lập.
Với sự bố trí tức thời của Vị đại diện của Đức Kitô và Hội Đồng Giám Mục hiệp nhất với Ngài, các Hội này thiết lập một công cụ chính và hiệu quả hơn để giáo dục Dân Chúa trong tinh thần truyền giáo phổ quát đích thực; để cổ võ, trong nhiều hình thức khác nhau, các ơn gọi truyền giáo (đừng quên một trong các Hội này là Hiệp Hội Truyền Giáo, về mục đích đã có những lý do thực hành chính đáng cho sự tồn tại của nó); và để phát triển đức ái thường xuyên trong cả hai khía cạnh tinh thần lẫn vật chất, luôn có nhiều người công giáo hơn.
Đó là mong muốn tha thiết của chúng tôi, cũng như nhiều lần các vị tiền nhiệm đáng kính của chúng tôi đã diễn tả các Hội này sẽ tự thiết lập, củng cố và phát triển không chỉ trong các Giáo Hội truyền thống Kitô giáo, mà còn trong các Giáo Hội trẻ gần đây nhất, như dấu chỉ rõ ràng của sự hiệp thông Giáo Hội và tính phổ quát truyền giáo mà tất cả đều phù hợp với bản tính.
Với các vị điều hành và các cộng tác viên của các Hội này ở rải rác khắp nơi trên thế giới, chúng tôi thích lặp lại những lời mà chúng tôi đã nói trong cuộc họp gần đây tại Rôma cho Hội các Bề trên Thượng Cấp: “Gánh nặng và niềm vinh dự thuộc về các con là để đánh thức sự nhận biết này trong đất nước của các con và không ngừng khơi lên trong mọi tầng lớp ý tưởng chung, đặc biệt trong các giáo xứ và các tổ chức công giáo, ý nghĩa Giáo hội duy nhất này, nó có thể bảo vệ họ khỏi óc bè phái và không ngừng nuôi dưỡng ngọn lửa quảng đại cách ý thức và vui vẻ trong một cái nhìn rộng lớn ôm trọn tất cả các sứ vụ và yêu thương nhiều hơn các số phận, các con hãy phó thác cho ý định tốt lành, cho lòng nhiệt thành, cho tinh thần sáng tạo của con cái của Hội thánh” (17 tháng 05 năm 1974).
Chúng tôi muốn kết thúc sứ điệp của chúng tôi bằng việc lặp lại lời cầu nguyện mà chúng tôi đọc trong Giờ Kinh Phụng Vụ ngày lễ thánh Phanxicô Savie, bổn mạng các nhà truyền giáo: “Lạy Chúa, xin hãy làm cho Giáo hội của Ngài tìm thấy niềm vui trong việc loan báo Tin Mừng cho mọi dân tộc”. Nhân danh Chúa, chúng tôi gửi tới các cả các con, những người đang làm việc với lòng nhiệt thành thực sự vì sứ vụ và đang chuẩn bị cho việc cử hành Ngày Truyền Giáo sắp tới, một niềm vui sâu xa mà thế gian không thể cho được: đó là niềm vui tìm thấy một ý nghĩa đích thực trong đời sống của các con, đang cộng tác với Đức Kitô để thực hiện chương trình cứu độ phổ quát.
Từ Vatican, lễ trọng kính hai thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, 29 tháng 06 năm 1974, năm thứ mười hai triều đại Giáo hoàng của tôi.
GIÁO HOÀNG PHAOLÔ VI
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP