“Gieo ít, gặt ít; gieo nhiều, gặt nhiều”;
“Nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”.
Phụng vụ Lời Chúa ngày lễ kính thánh Lorensô hôm nay có chung một chủ đề: ai gieo thì gặt; ai mất thì được, được cả Thiên Chúa như lời Chúa Giêsu nói, “Cha Tôi sẽ tôn vinh nó”.
Thánh Phaolô nại đến Thiên Chúa, Đấng giàu có vô lượng không thua lòng quảng đại của một ai… để mời chúng ta biết cho đi như Người, “Thiên Chúa yêu thương kẻ cho cách vui lòng, Người có quyền cho anh em được dư tràn mọi ân phúc”, vì “Ai gieo ít thì gặt ít; ai gieo nhiều thì gặt nhiều”. Thánh Lorensô vui lòng cho, vui cho đến khi cho những gì sau hết trên chiếc giường lửa người ta nướng ngài như một hiến lễ hy tế, “Phía này chín rồi, bên kia thì chưa. Lật qua!”.
Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nhân cách hóa hình ảnh hạt lúa vốn dám thối đi, chết đi nhằm hướng đến một ngày mùa hoan lạc, “Thật, Tôi nói thật với anh em: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ sinh nhiều bông hạt”. Ngài đã sống điều Ngài nói; Ngài là hạt lúa đã gieo xuống, thối đi, để hôm nay, đồng lúa nở rộ.
Lời thánh Phaolô cũng như câu nói của Chúa Giêsu cùng mang một ý nghĩa mà thoạt nghe, thật hấp dẫn nhưng cùng lúc, chúng nói lên một thực tế nghiệt ngã vốn thật khó để chấp nhận và nhất là để sống. Chúa Giêsu trực tiếp nói đến sự cần thiết phải chết đi chính mình để cuộc sống mỗi người có thể mang lại một mùa hoa quả bội thu.
Tại sao lại khó? Cái gì khó? Cái khó nhất có căn rễ ở việc chấp nhận ban đầu, rằng, chết đi chính mình là cần thiết và tốt. Chúng ta thử đặt mình vào vị trí của hạt lúa. Hạt lúa phải rứt mình và rơi xuống đất. Đây là một hình ảnh hoàn hảo của sự dứt bỏ. Hạt lúa đơn độc đó phải để cho mọi thứ ra đi. Ai muốn Thiên Chúa làm phép lạ trong đời mình, người ấy phải sẵn sàng để cho tất cả những gì đang bám dính mình ra đi; họ bắt đầu bước vào một quỹ đạo, một làn ranh của việc từ bỏ thực sự những ước muốn, ưa thích, khát khao và cả những hy vọng của riêng mình. Điều này có thể rất khó để thực hiện, bởi lẽ, nguyên việc hiểu được nó, cũng đã khó. Thật không dễ hiểu chút nào, rằng, việc dứt bỏ là một điều tốt, cần thiết thực sự, và đó cũng là cách thế duy nhất để chuẩn bị cho một cuộc sống mới vốn rỡ ràng hơn, phong phú hơn đang chờ đợi qua sự biến đổi của ân sủng. Chết đi chính mình là tín thác vào Chúa hơn những gì chúng ta đang dính trết trong cuộc sống; đồng thời, tin rằng, kế hoạch của Thiên Chúa thì tốt hơn vô cùng so với bất cứ một kế hoạch nào mà chúng ta có thể nghĩ ra.
Trong mọi đấng bậc, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta chết đi mỗi ngày để hướng đến một cuộc sống phong phú hơn, dồi dào hơn và cao cả hơn, cuộc sống của ân sủng.
Mùa xuân năm ấy, có hai hạt lúa nằm cạnh nhau. Hạt thứ nhất hăng hái nói, “Tôi muốn mọc lên! Tôi muốn cắm rễ sâu xuống đất và đâm chồi; tôi muốn vươn những búp non như cờ hiệu triệu báo mùa xuân”, và nó mọc lên xanh tốt. Hạt thứ hai tự nhủ, “Mình sợ lắm! Nếu cắm rễ xuống đất, chẳng biết sẽ gặp gì trong bùn lầy tăm tối. Nếu xuyên qua đất, chồi non sẽ thương tổn. Làm sao mình có thể để búp non xòe lá khi một chú sâu nào đó đang chờ sẵn để xơi mình? Và nếu nở hoa, một bé con nào đó có thể nhổ bứt mình lên! Không, tốt hơn nên chờ”, và nó nằm chờ. Cho đến một buổi sáng, có cô gà mái đỏng đa đỏng đảnh, chân chữ nhất bươi đất kiếm ăn, nhìn thấy hạt lúa, “Tróc”, cô mổ lấy và nuốt ngay.
Hôm nay, Chúa muốn chúng ta liều lĩnh quên mình, dám nứt ra, dám thối đi, chết đi một cách vui vẻ thay vì co ro như hạt lúa ích kỷ và để cho một cái gì đó ra đi. Đó chính là biến đổi của ân sủng. Chúng ta có dám để cho tất cả những gì không phù hợp với Chúa được ra đi?
“Lạy Chúa, Chúa có một dự định vô cùng tốt lành cho con, xin cho con biết ôm lấy nó, vì Chúa sẽ cho con một mùa bội thu không chỉ ở đời này nhưng cả đời sau, khi con được Chúa biết đến như thánh Lorensô được Chúa biết”, Amen.
Lm. Minh Anh, Tgp. Huế