Huấn từ Kinh Truyền Tin của ĐTC “thời kỳ đã mãn và sám hối.” (24.01.2021)

0

Anh chị em thân mến, Buongiorno!

Trích đoạn Tin mừng Chúa nhật tuần này (xem Mc 1:14-20) trình bày cho chúng ta thấy, theo một cách nói là “sự chuyển giao trách nhiệm” từ Gioan Tẩy giả sang cho Chúa Giêsu. Gioan là người dọn đường của Ngài; ông dọn đất cho Ngài và dọn đường cho Ngài: bây giờ Chúa Giêsu có thể bắt đầu sứ vụ của mình và công bố ơn cứu độ đã đến; Ngài là ơn cứu độ. Lời giảng dạy của Ngài được tóm tắt trong những lời này: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (câu 15). Rất đơn giản. Chúa Giêsu không nói vòng vo. Đó là một thông điệp mời gọi chúng ta suy tư về hai chủ đề chính: thời kỳ và sám hối.

Trong văn bản của Thánh sử Máccô, thời kỳ được hiểu là một quãng thời gian của lịch sử cứu độ được Thiên Chúa thực hiện; vì thế, thời kỳ “đã mãn” tức là trong đó hoạt động của ơn cứu độ đạt đến đỉnh điểm, được thực hiện trọn vẹn: nó là thời điểm lịch sử khi Thiên Chúa sai Con của Người xuống thế và Vương quốc của Người trở nên “gần gũi” hơn bao giờ hết. Thời kỳ của ơn cứu độ đã mãn vì Chúa Giêsu đã đến. Tuy nhiên, ơn cứu độ không mang tính máy móc; ơn cứu độ là một món quà của tình yêu và do vậy được trao ban cho sự tự do của con người. Trong mọi lúc khi chúng ta nói về tình yêu là chúng ta nói về tự do: một tình yêu không có tự do không phải là tình yêu; nó có thể mang tính lợi ích, nó có thể là sự sợ hãi, nhiều thứ, nhưng tình yêu luôn luôn là tự do, và vì là tự do nên nó kêu gọi một sự đáp trả tự do: nó kêu gọi sự sám hối của chúng ta. Do vậy, nó có nghĩa là thay đổi não trạng – đây là sự sám hối, thay đổi não trạng – và thay đổi cuộc sống: không còn đi theo những mẫu gương của thế gian nhưng là mẫu gương của Thiên Chúa, là Chúa Giêsu; noi gương Chúa Giêsu, như Chúa Giêsu đã làm, và như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta. Nó là một sự thay đổi dứt khoát về cách nhìn và thái độ. Thật vậy, tội – trên hết tội lỗi của thế gian giống như không khí, nó thấm nhập vào mọi thứ – mang đến một não trạng hướng đến việc khẳng định bản thân chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Điều này thật lạ lùng … Căn tính của bạn là gì? Và thường khi chúng ta nghe nói rằng căn tính của con người được diễn đạt theo thuật ngữ “đối kháng”. Rất khó để diễn tả căn tính của con người theo não trạng thế gian bằng những thuật ngữ tích cực và ơn cứu chuộc: nó chống lại chính mình, chống lại người khác và chống lại Thiên Chúa. Và vì lý do này nó không ngần ngại – não trạng của tội lỗi, não trạng của thế gian – sử dụng sự lừa dối và bạo lực. Lừa dối và bạo lực. Chúng ta nhìn thấy chuyện gì xảy ra đối với sự lừa dối và bạo lực: tham lam, khát khao quyền lực mà không phải là phục vụ, chiến tranh, bóc lột con người … Đây là não trạng của sự lừa dối chắc chắn bắt nguồn từ cha đẻ của sự lừa dối, kẻ lừa gạt vĩ đại, ma quỷ. Hắn là cha đẻ của sự lừa dối, như Chúa Giêsu đã định nghĩa về hắn.

Thông điệp của Chúa Giêsu chống lại tất cả điều này, Ngài mời gọi chúng ta nhìn nhận rằng mình cần đến Thiên Chúa và ân sủng của Người; có một thái độ công bằng đối với của cải trên mặt đất; chào đón và khiêm nhường đối với người khác; hiểu biết và hoàn thiện bản thân trong sự gặp gỡ và phục vụ người khác. Đối với mỗi người chúng ta, thời gian mà chúng ta có thể nhận được sự cứu độ là rất ngắn: đó là quãng thời gian của đời sống chúng ta trên thế gian này. Nó rất ngắn. Có thể nó có vẻ là lâu dài …. Cha nhớ một lần cha đi thực hiện các Bí tích, Xức Dầu Bệnh nhân cho một cụ già rất tốt, rất tốt lành, và trong giây phút đó, trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Thể và Xức Dầu Bệnh nhân, cụ ông nói với cha câu này: “Cuộc sống của con trôi qua quá nhanh”. Đây là cách chúng tôi, những người cao tuổi, cảm nhận về cuộc sống đã qua đi. Nó đã trôi qua. Và sự sống là món quà tình yêu vô biên của Thiên Chúa, nhưng cũng là thời gian để chúng ta chứng minh tình yêu của chúng ta dành cho Ngài. Vì lý do này, mỗi giây phút, mỗi giây phút sống của chúng ta là thời gian quý báu để yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận, và nhờ đó bước vào cuộc sống đời đời.

Lịch sử cuộc sống của chúng ta có hai nhịp điệu: một, có thể đo lường, được xây dựng bằng giờ phút, ngày, năm tháng; nhịp điệu còn lại, bao gồm các thời kỳ phát triển của chúng ta: chào đời, thời thơ ấu, thời niên thiếu, trưởng thành, tuổi già, chết. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn đều có giá trị riêng của nó, và có thể là một khoảnh khắc đặc biệt để gặp gỡ Chúa. Đức tin giúp chúng ta khám phá ý nghĩa thiêng liêng của những giai đoạn này: mỗi giai đoạn đều có một lời kêu gọi cụ thể của Chúa, mà chúng ta có thể đáp lại bằng câu trả lời tích cực hoặc tiêu cực. Trong Tin Mừng, chúng ta thấy Simon, Anrê, Giacôbê và Gioan đã trả lời như thế nào: các ông là những người trưởng thành; các ông có công việc của những người ngư phủ, các ông có cuộc sống gia đình của riêng …. Tuy nhiên, khi Chúa Giêsu đi ngang qua và gọi họ, “ngay lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người” (Mc 1:18).

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy luôn chú ý và đừng để Chúa Giêsu đi ngang qua mà không chào đón Ngài. Thánh Augustinô nói “Tôi sợ Chúa khi Người đi ngang qua”. Ngài sợ điều gì? Sợ là không nhận ra Người, không nhìn thấy Người, không chào đón Người.

Xin Đức Maria Trinh nữ giúp chúng ta sống mỗi ngày, mỗi giây phút như là thời gian của ơn cứu độ, trong đó Chúa đi ngang qua và kêu gọi chúng ta đi theo Người, mọi giây phút của cuộc sống chúng ta. Và xin Mẹ giúp chúng ta biến đổi não trạng của thế gian, là não trạng ảo tưởng của thế gian giống như pháo bông, chuyển thành tâm tình yêu thương và phục vụ.

Sau Kinh Truyền tin Đức Thánh Cha tiếp tục:

Anh chị em thân mến, Chúa nhật này dành riêng cho Lời Chúa. Một trong những ân tứ lớn lao của thời đại chúng ta là việc tái khám phá Kinh Thánh trong đời sống của Giáo hội ở mọi cấp độ. Chưa bao giờ mọi người có thể tiếp cận được Kinh Thánh như ngày nay: bằng tất cả các ngôn ngữ và hiện giờ có cả những định dạng nghe nhìn và kỹ thuật số. Thánh Giêrônimô, thuộc thế kỷ thứ 16 và ngày qua đời của ngài gần đây tôi đã nhắc lại, nói rằng những người bỏ qua Kinh thánh là bỏ qua chính Chúa Kitô; những người bỏ qua Kinh thánh là bỏ qua chính Chúa Kitô (xem In Isaiam Prol.). Và ngược lại, chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời trở nên người phàm, đã chết và đã sống lại, là Đấng đã mở trí cho chúng ta để hiểu Kinh Thánh (xem Lc 24,45). Điều này xảy ra một cách đặc biệt trong Phụng vụ, nhưng cũng xảy ra khi chúng ta cầu nguyện một mình hoặc cầu nguyện theo nhóm, đặc biệt với Tin Mừng và với Thánh Vịnh. Cha cảm ơn và động viên các giáo xứ vì cam kết kiên trì của họ giáo dục sự lắng nghe và lắng nghe Lời Chúa. Xin cho chúng ta không bao giờ thiếu niềm vui gieo rắc Tin Mừng. Và cha xin nhắc lại một lần nữa: ước mong rằng chúng ta có thói quen, ước mong rằng chúng ta có thói quen luôn mang theo một quyển Tin Mừng nhỏ trong túi, trong cặp, để có thể đọc trong ngày, ít nhất là ba, bốn câu. Tin Mừng luôn đi theo chúng ta.

Ngày 20 tháng Một vừa qua, cách Quảng trường Thánh Phêrô vài mét, một người đàn ông Nigeria 46 tuổi vô gia cư tên là Edwin được tìm thấy đã chết do giá lạnh. Vụ việc của anh ấy được cộng thêm vào với quá nhiều trường hợp người vô gia cư khác gần đây đã chết ở Roma trong cùng một hoàn cảnh bi thảm. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh Edwin. Chúng ta hãy để cho mình bị đánh động bởi những điều Thánh Grêgôriô Cả đã nói, trước cái chết vì giá lạnh của một người hành khất ngài đã tuyên bố rằng ngày hôm đó sẽ không cử hành Thánh lễ vì nó giống như Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúng ta hãy nghĩ về anh Edwin. Chúng ta hãy nghĩ đến những gì người đàn ông 46 tuổi này cảm nhận, trong giá rét, bị mọi người làm ngơ, bị bỏ rơi, kể cả chúng ta. Chúng ta hãy cầu nguyện cho anh ấy.

Chiều mai, tại Vương cung Thánh đường Thánh Phaolô Ngoại Thành, chúng ta sẽ cử hành giờ Kinh Chiều cho Lễ Thánh Phaolô Tông đồ Trở lại, để kết thúc Tuần Cầu nguyện cho sự Hiệp nhất Kitô giáo, cùng với đại diện của các Giáo hội và cộng đoàn hội thánh khác. Cha mời anh chị em cùng thông công cầu nguyện.

Hôm nay cũng là ngày kính nhớ Thánh Francis de Sales, Thánh Bổn mạng của các nhà báo. Hôm qua, Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông, có tựa đề “Hãy đến và xem,” đã được phổ biến. Truyền thông bằng cách gặp gỡ mọi người với chính con người và hoàn cảnh của họ”. Tôi động viên tất cả các ký giả và người làm truyền thông hãy “đi và xem”, ngay cả khi không ai muốn đến, và làm chứng cho sự thật.

Cha gửi lời chào tất cả anh chị em được kết nối qua phương tiện truyền thông. Xin hãy nhớ đến và dành lời cầu nguyện cho những gia đình đang phải chật vật nhiều hơn trong giai đoạn này. Hãy can đảm, chúng ta tiến bước! Chúng ta cầu nguyện cho các gia đình này, và với mức độ nếu có thể chúng ta hãy trở thành người lân cận của họ. Và cha chúc tất cả anh chị em Chúa nhật hạnh phúc. Xin đừng quên cầu nguyện cho cha. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng.  Arrivederci!

[Nguồn: vatican.va]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 25/1/2021]

Comments are closed.

phone-icon