Tông Đồ Của Một Tông Đồ – SN ngày 26.01.2021

0

“Hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”.

***

Thánh Phaolô không thể đảm đương công việc một mình nên đã chỉ định những người giúp ngài. Thánh Timôthê và Titô Giáo Hội kính nhớ hôm nay là hai giám mục của những thập kỷ đầu tiên thời các tông đồ ngay sau cái chết và sự phục sinh của Thầy. Trong thời gian tràn đầy ân sủng này, các tông đồ và Thánh Phaolô đã đào bới những rãnh sâu đầu tiên vào vùng đất ngoại giáo các ngài đi qua, gieo những hạt giống đức tin Kitô mà các giám mục kế vị sẽ tưới tẩm, ươm mầm và thu hoạch. Điều đó cho thấy, sứ vụ rao giảng Tin Mừng là một sứ vụ mang tính tông đồ; Timôthê và Titô là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Hẳn chúng ta biết rất ít về Timôthê và Titô ngoài những gì Công Vụ Tông Đồ và các thư Phaolô cung cấp; thế nhưng, ngần ấy nguồn tham khảo vẫn được coi là đủ. Các thế hệ giám mục, các vị tử đạo và các thánh ở thời kỳ hậu tông đồ đã làm chứng sự phổ quát và nhất quán về tính xác thực của các thư Phaolô và các sự kiện họ kể lại. Qua đó, việc đặt tay của các tông đồ cho các cộng sự viên có một ý nghĩa đáng kể; những người được chọn là ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Là ‘tông đồ của một Tông Đồ’, Timôthê và Titô đã chia sẻ, hợp tác với sứ vụ của Thánh Phaolô, người có liên hệ trực tiếp với Chúa Giêsu qua biến cố tỏ mình của Ngài trên đường ông đến Đamas; vì thế, không phải ngẫu nhiên, Timôthê và Titô được nhớ đến ngay sau ngày mừng kính vị Tông Đồ Dân Ngoại. Timôthê và Titô, cũng như nhiều người khác được biết đến và chưa được biết đến, đã thi hành tác vụ linh mục của mình ở cấp địa phương vốn cũng thuộc về những miền rộng lớn hơn ở cấp khu vực mà Phaolô đảm trách. Thông thường, công việc của Phaolô, và có thể là của các tông đồ còn sống khác, là chỉ định những người phụ tá bất cứ nơi nào các ngài đi đến; với thẩm quyền tông đồ, các ngài đã trực tiếp bổ nhiệm những người xứng đáng. Các phụ tá được gọi là linh mục hoặc giám mục; các phó tế cũng tham gia thánh chức linh mục, họ sẽ là những phụ tá cho các giám mục nhiều hơn. Trong thư gửi cho Timôthê hôm nay, Phaolô nói, “Hãy làm sống động ơn Chúa trong con, ơn mà con lãnh nhận qua việc cha đặt tay trên con”, và đó là nguồn gốc của việc truyền chức cho các ‘tông đồ của một Tông Đồ’.

Mối liên hệ trực tiếp với ‘Một Tông Đồ’, thông qua chức vụ trực tiếp của ngài hoặc một người mà vị tông đồ chỉ định là ‘yếu tố căn bản’ để thành lập một Giáo Hội. Đây là một chủ đề thường xuyên trong các thư Phaolô, ‘Không có Tông Đồ, không có Giáo Hội’. Nói cách khác, việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn và phải luôn luôn xảy ra đồng thời với nền tảng của một Giáo Hội địa phương có cấu trúc vững chắc. Xu hướng hiện đại vốn chỉ nhấn mạnh đến tính nội tại và cá nhân trong việc rao giảng, nghĩa là ‘mạnh ai nấy làm’, đã không bao giờ được biết đến đối với Hội Thánh sơ khai; vì như thế, sẽ là một Giáo Hội ‘không tông truyền’. Bởi lẽ, Giáo Hội mang một thông điệp và tự nó, Giáo Hội là thông điệp. Nội dung Tin Mừng và hình thức cộng đồng của Tin Mừng phải luôn luôn đi đôi với nhau. Việc phân rẽ nội dung và hình thức này khác nào ‘amip’ vốn sẽ đưa đến một sự chia cắt không thể tránh khỏi một khi Giáo Hội và sứ điệp của Giáo Hội bị tách rời. Sẽ rất dễ dàng để chúng ta nhận ra điều này ở các Giáo Hội anh em; vì lẽ, họ không có bí tích truyền chức.

Điều gì khiến Công Giáo khác với các tôn giáo khác? Câu hỏi đó đã được thảo luận tại một hội nghị. Một số người lập luận, Công Giáo duy nhất trong việc giảng dạy một Thiên Chúa làm người; có người phản đối, các tôn giáo khác dạy những giáo lý tương tự. Còn về sự sống lại? Không, các tín ngưỡng khác cũng tin người chết sống lại. Cuộc thảo luận trở nên sôi nổi. Nhà văn Clive Staples Lewis đến muộn, ngồi xuống và hỏi, “Chuyện gì đang xảy ra vậy?”. Khi biết đó là cuộc tranh luận về tính độc đáo của Công Giáo, ông lập tức nhận xét, “Ồ, dễ quá. Đó là tông truyền!”.

***

Lewis nói đúng, ‘tông truyền’, đặc tính thứ tư, là một trong những lý do làm cho Hội Thánh độc đáo; qua đó, Đức Thánh Cha, Giám mục Rôma và các Giám mục từ tay các tông đồ, đã nhận lãnh sứ vụ cũng là thánh chức được Chúa Giêsu thiết lập. Chúng ta cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, các giám mục, những ‘tông đồ của một Tông Đồ’ trung thành sắt son với sứ mạng của mình.

***

“Lạy Chúa, để Thiên Chúa có thể ở giữa dân Người, nhờ bí tích truyền chức, Giáo Hội có các ‘tông đồ của một Tông Đồ’; xin cho con biết yêu mến Giáo Hội qua việc yêu mến, vâng phục và cộng tác với các mục tử của mình”, Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

Comments are closed.

phone-icon