Tiếp kiến chung của ĐTC Phanxicô, ngày 06.4.2022

0

Nguồn: vatican.va 
TRI KHOAN chuyển Việt ngữ

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Thứ Bảy và Chúa nhật vừa qua cha tông du đến Malta: một chuyến đi đã được lên chương trình từ khá lâu. Nó bị hoãn lại hai năm trước do Covid và những vấn đề như vậy. Không nhiều người biết về Malta, dù rằng nó là một hòn đảo nằm giữa Địa Trung Hải. Malta đã đón nhận Tin Mừng từ rất sớm. Tại sao? Vì Thánh Tông đồ Phaolô đã bị đắm tàu gần bờ biển của nó và được cứu thoát cách kỳ diệu cùng với tất cả những người trên tàu với ngài – hơn hai trăm bảy mươi người. Sách Tông đồ Công vụ tường thuật rằng người Malta đã chào đón tất cả họ, và dùng lời này: “một cách nhân đạo hiếm có” (28:2). Cha chọn những lời này – một cách nhân đạo hiếm có – như là phương châm cho chuyến Hành trình của cha vì chúng chỉ ra con đường để đi, không phải chỉ để đối mặt với hiện tượng di dân, nhưng nói chung, để thế giới trở nên huynh đệ hơn, đáng sống hơn, và có thể được cứu thoát khỏi một “vụ đắm tàu” đang đe dọa tất cả chúng ta. Vì tất cả chúng ta – như chúng ta đã biết – đều ở trên cùng một con tàu, tất cả chúng ta. Nhìn từ chân trời đó, Malta là một địa điểm then chốt.

Hơn hết, về mặt địa lý, do vị trí của đất nước nằm ở trung tâm Biển giữa Châu Âu và Châu Phi, nó cũng tắm mát cho Châu Á. Malta là một loại “biểu đồ chỉ phương hướng”, nơi các dân tộc và các nền văn hóa gặp gỡ nhau. Đó là một nơi hoàn hảo để quan sát khu vực Địa Trung Hải từ góc nhìn 360 độ. Ngày nay chúng ta thường nghe nói về “địa chính trị”. Nhưng thật đáng buồn, luận lý thống trị lại là chiến lược của các quốc gia hùng mạnh nhất để khẳng định lợi ích của họ, mở rộng khu vực ảnh hưởng kinh tế, hoặc ảnh hưởng ý thức hệ, và / hoặc ảnh hưởng quân sự. Chúng ta đang thấy điều này với chiến tranh. Trong lược đồ này, Malta đại diện cho quyền và sức mạnh của các quốc gia “nhỏ”, nhỏ nhưng giàu lịch sử và văn minh sẽ dẫn đến một luận lý khác – đó là luận lý của sự tôn trọng và tự do – luận lý của sự tôn trọng và cũng là luận lý của tự do, của việc cùng chung sống với những khác biệt, chống lại thực dân hóa của những kẻ mạnh nhất. Hiện nay chúng ta đang nhìn thấy điều này. Và không chỉ từ một phía: thậm chí từ những người khác… Sau Đệ nhị Thế chiến, nỗ lực đã được thực hiện để đặt những nền móng cho một kỷ nguyên hòa bình mới. Nhưng, thật không may – chúng ta không bao giờ học được bài học, phải không? – câu chuyện cũ về sự cạnh tranh giữa các cường quốc lại tiếp tục. Và, trong cuộc chiến hiện nay ở Ukraine, chúng ta đang chứng kiến sự bất lực của các Tổ chức Liên hợp quốc.

Khía cạnh thứ hai: Malta là một địa điểm trọng yếu liên quan đến hiện tượng di cư. Tại trung tâm tiếp nhận Gioan XXIII, cha đã gặp rất nhiều người di dân đổ lên đảo sau những chuyến đi khủng khiếp. Chúng ta đừng bao giờ mệt mỏi khi lắng nghe những lời chứng của họ bởi vì chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể thoát khỏi một tầm nhìn méo mó thường được lan truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, và những khuôn mặt, những câu chuyện, những vết thương, ước mơ và hy vọng của người di cư có thể trổi lên. Mỗi người di dân là duy nhất. Người đó không phải là một con số mà là một con người. Mỗi người họ là duy nhất giống như mỗi người chúng ta. Mỗi người di dân là một con người có phẩm giá, có cội nguồn, có văn hóa. Mỗi người trong họ đều là người mang một gia tài lớn hơn những vấn đề mà họ mang đến. Và chúng ta đừng quên rằng Châu Âu được tạo ra từ những cuộc di cư.

Chắc chắn, việc đón chào họ phải được tổ chức – điều này là đúng – và được giám sát; và trước hết, nó phải được lên kế hoạch cùng nhau ở cấp độ quốc tế. Không thể thu hẹp xem hiện tượng di cư là một cuộc khủng hoảng; nó là dấu hiệu của thời đại chúng ta. Nó phải được đọc và giải thích theo cách đó. Nó có thể trở thành một dấu hiệu của xung đột, hay hơn thế là một dấu hiệu của hòa bình. Nó phụ thuộc vào cách chúng ta tiếp nhận nó; nó phụ thuộc vào chúng ta. Những người đã cống hiến cho Trung tâm Gioan XXIII ở Malta đã lựa chọn tinh thần Kitô giáo. Đây là lý do tại sao nó được gọi là “Phòng thí nghiệm hòa bình”: phòng thí nghiệm hòa bình. Nhưng cha muốn nói rằng toàn bộ Malta là một phòng thí nghiệm hòa bình! Toàn bộ quốc gia với thái độ của họ, với thái độ của họ, là một phòng thí nghiệm cho hòa bình. Và đất nước có thể nhận ra được điều này, sứ mệnh của họ, nếu họ hút được nhựa sống của tình huynh đệ, lòng trắc ẩn và sự đoàn kết từ cội nguồn của họ. Người Malta đã đón nhận những giá trị này, cùng với Tin Mừng. Và nhờ Tin mừng, họ sẽ có thể gìn giữ các giá trị đó sống động.

Vì lý do này, với cương vị là Giám mục Roma, cha đã đi để củng cố dân tộc đó trong đức tin và sự hiệp thông. Thật vậy – khía cạnh thứ ba – Malta cũng là nơi vị trí then chốt xét trên khía cạnh loan báo tin mừng. Từ Malta và Gozo, hai giáo phận của đất nước, nhiều linh mục và tu sĩ, nhưng thậm chí cả giáo dân, đã ra đi để mang chứng tá Kitô giáo của họ đến khắp thế giới. Cứ như thể Thánh Phaolô đi qua đó đã để lại sứ mệnh của ngài trong DNA của người Malta! Vì lý do này, chuyến thăm của cha trên hết là một hành động tri ân – lòng cảm tạ Chúa và những người thánh thiện, trung thành từ Malta và Gozo.

Tuy nhiên, làn gió của chủ nghĩa thế tục, của một văn hóa toàn cầu hóa giả tạo dựa trên chủ nghĩa tiêu dùng, chủ nghĩa tân tư bản và chủ nghĩa tương đối, cũng thổi đến đó. Do đó, cũng đã đến lúc cho việc truyền bá phúc âm mới ở đó. Cũng như những đấng tiền nhiệm của cha, cha thực hiện chuyến viếng thăm đến Hang Thánh Phaolô giống như kín múc từ suối nguồn để Tin Mừng có thể chảy khắp Malta với sự tươi mới về nguồn cội của nó và làm sống lại di sản vĩ đại của lòng đạo đức bình dân. Điều này được tượng trưng trong Đền thờ Quốc gia Đức Mẹ Ta’ Pinu trên đảo Gozo, nơi chúng tôi đã cử hành một giờ cầu nguyện sốt sắng. Ở đó, cha nghe thấy trái tim của người Malta đập. Họ có một lòng tin mạnh mẽ vào Mẹ Rất Thánh của họ. Mẹ Maria luôn đưa chúng ta trở về với những điều cốt yếu, về với Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Và với chúng ta, trở về với tình yêu thương xót của Chúa. Mẹ Maria giúp chúng ta làm sống lại ngọn lửa đức tin bằng cách đón lấy ngọn lửa của Chúa Thánh Thần đã cuốn hút hết thế hệ này sang thế hệ khác hân hoan loan báo Tin Mừng, vì niềm vui của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng! Chúng ta đừng quên điều này, câu này của Thánh Phaolô VI: ơn gọi của Giáo Hội là truyền giáo. Niềm vui của Giáo hội là truyền giáo. Chúng ta đừng bao giờ quên điều này: đó là định nghĩa đẹp nhất về Giáo Hội.

Cha đã nhân cơ hội này để một lần nữa thể hiện lòng biết ơn đối với Tổng thống nước Cộng hòa Malta, rất nhã nhặn và đầy tình anh em: cảm ơn ngài và gia đình ngài; cảm ơn ngài Thủ tướng Chính phủ và các vị hữu trách dân sự khác, họ đã tiếp đón cha vô cùng ân cần; cũng như các Giám mục và tất cả các thành viên của cộng đoàn giáo hội, các tình nguyện viên và tất cả những người đã đồng hành với cha trong lời cầu nguyện. Cha cũng muốn nhắc đến Trung tâm tiếp nhận những người di dân Gioan XXIII: và Tu huynh Phan Sinh ở đó [Cha Dionisio Mintoff], người đã duy trì hoạt động của trung tâm ở tuổi 91, và tiếp tục làm việc đó với các cộng tác viên từ giáo phận. Đó là một tấm gương về lòng nhiệt thành tông đồ và tình yêu thương đối với di dân là điều rất cần ngày nay. Qua chuyến viếng thăm này, chúng ta gieo hạt, nhưng chính Chúa là người làm cho nó lớn lên. Xin cho lòng độ lượng vô bờ của Người ban dồi dào hoa trái hòa bình và mọi điều tốt lành cho người Malta thân yêu! Cảm ơn người Malta vì sự chào đón đầy tình người, đầy tinh thần Kitô giáo như vậy. Cảm ơn rât nhiêu.

__________________

Lời kêu gọi:

Tin tức gần đây về cuộc chiến ở Ukraine, thay vì mang đến sự an lòng và hy vọng, lại cho thấy những hành động tàn bạo mới, như vụ thảm sát ở Bucha: sự tàn ác khủng khiếp hơn bao giờ hết được thực hiện ngay cả đối với người dân thường, phụ nữ và trẻ em không có khả năng tự vệ. Họ là những nạn nhân mà máu vô tội của họ kêu lên Trời cao và khẩn xin: hãy chấm dứt cuộc chiến này! Hãy làm câm lặng vũ khí! Hãy ngừng gieo rắc cái chết và sự hủy diệt! Chúng ta cùng cầu nguyện cho điều này…

Và hôm qua, chính từ Bucha, họ đã mang đến cho tôi lá cờ này. Lá cờ này đến từ chiến tranh, chính xác là từ thành phố Bucha bị chiến tranh tàn phá. Cũng có một số thiếu nhi Ukraine đang ở đây với chúng ta. Chúng ta hãy chào đón các bé và cầu nguyện cùng với các bé.

https://fb.watch/cdZH4-sxF7/

Những thiếu nhi này đã phải chạy trốn và đến một vùng đất xa lạ: đây là một trong những thành quả của chiến tranh. Chúng ta đừng quên các bé, và chúng ta đừng quên người dân Ukraine. Thật khó để bị đánh bật ra khỏi mảnh đất quê hương vì chiến tranh.

* * *

Hôm nay là Ngày Quốc tế Thể thao vì Hòa bình và Phát triển, được Liên hợp quốc công bố. Tôi hướng đến những vận động viên để thông qua hoạt động của họ, họ có thể trở thành những nhân chứng tích cực của tình huynh đệ và hòa bình. Với những giá trị của nó, thể thao có thể thực hiện một vai trò quan trọng trên thế giới, mở ra con đường hòa hợp giữa các dân tộc, một hiệp ước không bao giờ mất đi khả năng vô vị lợi. Thể thao vì mục đích thể thao: ước mong nó không bị thương mại hóa – khía cạnh nghiệp dư đặc trưng của thể thao chân chính.

Comments are closed.

phone-icon