HOÀ ĐIỆU SỐNG
Thuyết trình viên: Cỏ May (Tập sinh)
Trong Tông sắc triệu tập Năm Thánh 2000 – Mầu Nhiệm Nhập Thể, Đức Thánh Cha có viết: “Tự bản chất, Năm Thánh là thời điểm mời gọi hoán cải. Đó là từ đầu tiên trong lời rao giảng của Đức Giêsu và thật là ý nghĩa khi từ đó lại gắn liền với thái độ tin “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Mệnh lệnh mà Đức Kitô ban là kết quả của việc ý thức rằng “thời giờ đã mãn.” Sự hoàn tất thời giờ của Thiên Chúa được chuyển dịch thành lời mời gọi hoán cải. Đàng khác, hoán cải trước hết là hoa trái của ân sủng. Chính Thánh Thần thúc đẩy mỗi người chúng ta trở về với chính mình và cảm nhận nhu cầu trở về với Cha (Lc 15,17-20).
Hơn nữa, Đức Thánh Cha còn nhấn mạnh “Nhờ hoán cải, chúng ta nhận ra lòng thương xót của Chúa Cha, từ đó chúng ta sống bác ái với anh chị em xung quanh”. Hiệp với lời mời gọi của Đức Thánh Cha, trong thư của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam gửi toàn thể Dân Chúa cũng có viết: “Sám hối là trở về với Chúa nhưng cũng là trở về với anh em. Phải hoà giải với anh em vì chính ta đã góp phần gây ra bất công, chia rẽ, bất hoà khiến anh em lìa xa Chúa. Phải hoà giải với anh em vì đó là điều kiện cần thiết để hoà giải với Chúa (Mt 6,14-15). Phải hoà giải với anh em vì đó là ước nguyện của Đức Giêsu Kitô trước khi từ giã cõi trần (x. Ga 17,21).
Vâng, chính những tiếng mời gọi của Giáo Hội đã khiến con can đảm mạo muội gửi đến gia đình bài chia sẻ nhỏ bé của con với đề tài: HÒA ĐIỆU SỐNG.
I. HOÀ ĐIỆU GIỮA THIÊN CHÚA VÀ CON NGƯỜI
Thời gian quả là một huyền nhiệm. Ngay từ khi mới tạo dựng vũ trụ, cứ chiều chiều, trong vườn địa đàng thật mơ mộng, gió hiu hiu thổi, những cánh chim nhẹ lướt bay ngang…, Thiên Chúa thường tản bộ với Ađam như một người bạn để nhỏ to tâm sự, cùng chiêm ngưỡng những nét đẹp trong công trình toàn vũ của Ngài (St 2).
Lần dở lại những trang Kinh Thánh Cựu Ước, thời tổ phụ, chúng ta sẽ thấy sự gần gũi, yêu thương mà Thiên Chúa đã dành cho các tổ phụ như bạn với bạn. Chẳng hạn như khi chọn gọi ông Abraham, Thiên Chúa đã đồng hành với ông qua biết bao cuộc hành trình. Người thường xuyên hiện ra với ông để nhắc nhớ giao ước Người đã ký kết với ông. Không những thế, Người còn đến thăm ông bằng xương bằng thịt, báo tin mừng cho ông và chuyện trò tâm tìmh như cha với con (St 18). Đối với Giacóp, Thiên Chúa vật lộn với ông suốt một đêm, sau đó đổi tên là Israel và chúc lành cho ông (St 32,25-30). Với Môisê, Thiên Chúa và ông như hình với bóng. Thiên Chúa hiện diện bên ông để hướng dẫn và trao quyền năng của Người trên ông (Xh 3-20).
Để ca ngợi sự yêu thương chăm sóc của Thiên Chúa đối với con người, tác giả Thánh vịnh 138, 5-6 viết :
“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt lên con.
Kỳ diệu thay tri thức siêu phàm
Quá cao vời, con chẳng sao vươn tới.”
Tân Ước cho ta thấy rõ hơn sự hoà mình của Đấng Tạo Hóa: Vào một đêm đông giá lạnh, nơi máng cỏ đơn sơ bé nhỏ, Đấng Cứu Thế đã giáng trần, hoà mình trong thế gian để ở giữa chúng ta, từ những con người giàu sang trí thức cho đến những kẻ cùng đinh nghèo khổ. Ngài đã sẵn sàng chấp nhận cuộc xuống thấp hèn giữa lòng nhân loại, để thông chia vui buồn sướng khổ của thực tại trần thế trong kiếp sống con người (Lc 2,1-7). Trên bước đường rao giảng, rất nhiều lần Ngài đã biểu lộ sự xúc động bằng những nụ cười rất người khi đứng trước niềm vui như dự tiệc cưới Cana (Ga 2,1-12), ông Da-kêu trở lại (Lc 19,1-10); Có lần Ngài đã phải khóc lên trong sự đồng cảm khi đối diện với những đau khổ mất mát như khi thấy dân chúng lầm than (Mt 9,35-38), Lazarô chết (Ga 11,35)…; Ngoài ra, Ngài còn dạy các tông đồ cầu nguyện (Lc 11,1-4); Cũng không ít lần một mình Ngài đi vào thanh vắng, lặng lẽ hoà mình vào thiên nhiên để thưa chuyện với Chúa Cha (Mc 1,35; 6,46); Ngài sẵn sàng đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi là những kẻ đã bị xã hội lên án và bỏ rơi (Lc 5,28-32 hoặc Mt 9,10-13). Ngài không đồng lõa với tội lỗi, nhưng gần gũi tội nhân để đem chân lý đến thắp sáng niềm tin nơi họ, giúp họ nhận ra tốt xấu để phấn đấu vươn lên như người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ vì đã yêu mến Chúa nhiều (Lc 7,35-50), người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacóp (Ga 4,1-42), người phụ nữ ngoại tình được tha (Ga 8,1-11).
Về phần con người, vì được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người luôn hướng về và tìm kiếm Đấng tối cao, để tìm về cội nguồn của mình như thánh Augustinô phải thốt lên sự khắc khoải, mong chờ đó: “Lạy Chúa, con khắc khoải cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa.
II. SỰ HOÀ ĐIỆU CON NGƯỜI VỚI CON NGƯỜI
Có một câu chuyện kể rằng: Vào thời Chiến Quốc, một vị vua nước Tống tên là Yển nổi tiếng hung bạo. Một hôm, vua bắt gặp một thiếu nữ hái dâu xinh đẹp, liền bắt về làm vợ, dẫu biết rằng cô này đã có chồng là nho sĩ Hàn Phùng. Chồng nàng được tin vợ bị vua bắt, đau khổ quá nên tự vẫn mà chết. Nàng theo vua về cung được ít lâu, cũng đau khổ vì xa lìa chồng nên nhảy lầu tự vẫn. Nàng chết để lại một di thư mong vua chôn nàng sát bên mộ chồng. Nhưng vua tức giận đã chôn nàng ở một góc đồi xa mộ chồng. Được ba hôm bỗng mọc lên hai cây từ hai ngôi mộ. Hai cây vươn lên cao và chỉ ít lâu sau cành lá um tùm, phủ cả hai mộ. Các cành lá của cây này vươn dài quấn lấy cành lá của cây kia đến nỗi không gì tách ra được. Dân chúng gọi cây đó là cây tương tư.
Qua câu chuyện trên đây cho chúng ta một triết lý “sống với”. Thật vật, không ai sinh ra để sống một mình, nhưng sinh ra là để sống với người khác. Bởi thế, chúng ta không thể tung cánh vào đời nếu không có những người cùng bay với chúng ta, những người “chắp cánh” cho chúng ta. Cũng vậy, một cây sậy đứng chơi vơi giữa cuộc đời, thì chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho nó gục ngã, nhưng nếu nó ở giữa một đám sậy, thì lại không hề gì.
Vì vậy, chúng ta cần phải luyện tập cho mình giữ được sự hiền hoà, khả ái trong tương giao. Một cử chỉ yêu thương, một lời thăm hỏi ân cần hay là một nụ cười đồng cảm… đôi khi có vẻ như đơn điệu nhưng lại đem đến cho người khác một sức mạnh phi thường, một niềm vui bất ngờ.
Hình ảnh Đức Cha Cassaigne, vị tông đồ người phong cho ta thấy rõ điều đó: Sinh trưởng trong một gia đình giàu có và hạnh phúc, với nhiều khả năng để có thể giữ được địa vị cao trọng trong xã hội và Giáo Hội. Nhưng Ngài đã khước từ tất cả để hiến thân một đời phục vụ cho những con người đau khổ, sống hoà mình với những nỗi đau của họ, luôn coi họ như gia tài quý báu nhất của mình. Một Gioan Thiên Chúa, một Martin de Pores… và gần gũi với chúng ta hơn cả là Mẹ Têrêsa Calcutta, “bà Mẹ của người nghèo” đã hoà mình trọn vẹn để lăn lộn với những con người bất hạnh, đơn côi nhất. Mẹ đã quên mình để đến với những thành phần bị xã hội bỏ rơi và xa lánh để mang lại cho họ phẩm giá xứng đáng, trả lại cho họ cái nhân vị hoàn hảo của một con người. Trong thực tế hôm nay, còn biết bao nhiêu tâm hồn dâng hiến như các linh mục, các tu sĩ hoặc tông đồ giáo dân, là những con người đầy nhiệt huyết, sẵn sàng xả thân vì Nước Trời.
Nhưng sự quên mình này chỉ có được khi bình an nội tâm nơi mỗi người triển nở, sự bình an do Thiên Chúa trao ban. Thế nên trước hết chúng ta hãy biết sống hoà điệu với chính mình sau đó mới có thể sống tốt những tương quan khác. Hãy tự đặt ra những điểm hẹn mỗi ngày với Thiên Chúa, với tha nhân, với môi trường và nhất là với chính con người mình.
III. HOÀ ĐIỆU GIỮA CON NGƯỜI VỚI THIÊN NHIÊN
Không chỉ có con người mới hiện hữu trong nhau, nhưng thiên nhiên cùng hiện hữu trong nhau và cùng nhau hiện hữu trong con người. Đất nuôi cây, khi cây già cỗi, cây chết đi, cây mục rữa, cây lại nuôi đất. Đó là quy luật của Tạo Hóa. Mọi sự đều hiện hữu với nhau, cho nhau và trong nhau. Cũng vậy, hạt gạo mà chúng ta ăn vào chỉ biến dạng từ hình dạng hạt gạo sang một hình dạng khác trong máu thịt chúng ta chứ không mất đi. Vậy chúng ta càng hiện hữu thì sự hiện hữu của những cái khác lại hiện hữu hơn trong chúng ta. Chính vì thế mà thi sĩ Tagore đã viết: Tôi cảm thấy tất cả các vì sao đều ngời sáng trong tôi. Cõi trần này vỗ vào đời tôi như một dòng nước lũ và hoa trong người tôi nở rộ. Tất cả sức trẻ tươi của đất và của nước đã bốc lên như hương khói trong tim tôi và hơi thở của muôn loài đang réo rắt trong tâm tư tôi như tiếng sáo.
Chiều Tử nạn, khi Đức Kitô trút hơi thở cuối cùng, tất cả vũ trụ đã như cùng loài người chịu tang Đấng Tạo Hoá: trời cao kéo mây u ám, sấm chớp kinh hoàng, núi non vỡ lở, màn đền thánh xé ra làm hai (Mc 15,33-39). Điều đó như chứng tỏ rằng: Tất cả những hành vi của con người đều ảnh hưởng đến vũ trụ. Đức Kitô đã đến vì con người và cũng vì tất cả những thụ tạo mà Ngài đã dựng nên. Thánh Phanxicô Assisi, ngoài nét khó nghèo nổi bật, Ngài còn sống rất gần gũi với thiên nhiên, say mê đối thoại với chúng mỗi ngày như những người anh chị em và bạn thân của mình vì chúng được hiện hữu cùng con người trong cuộc sống. Cùng dõi bước với vị thánh này, còn có những con người say mê sống với thiên nhiên, duy trì và bảo vệ chúng như hiện thân của Thiên Chúa tình yêu trong thế giới này.
Còn mỗi người chúng ta, đã có lần nào chúng ta tạm quên đi công việc, bình an thanh thản dạo chân trong một vườn cây rợp bóng mát, nghe tiếng thánh thót của những chú chim xinh nhỏ, ngắm những bông hoa muôn sắc toả hương thơm lặng lẽ không lời. Sự hoà điệu tuyệt vời đó có để lại trong ta một suy nghĩ nào không? Để sống với, sống cùng và sống cho, chúng ta phải biết sống hoà điệu với thế giới quanh mình, nhạy cảm với những biến động trong cuộc sống.
Riêng con, con đã đang kín múc rất nhiều sức sống, niềm vui, niềm hy vọng từ cảnh vật quanh con. Con cảm nghiệm rằng đó là hồng ân nhưng không Chúa ban cho con. Con chỉ biết sống mỗi ngày một tốt hơn để cảm tạ hồng ân cao quý đó.
Để kết thúc bài chia sẻ, con xin mạn phép mượn lời Giáo huấn số 2 về ý nghĩa của Năm Hồng Ân: “Năm 2000 là năm được dâng hiến đặc biệt cho Thiên Chúa, là năm của ơn thánh, năm hoà giải. Chính vì vậy, năm hồng ân luôn gắn liền với việc cầu nguyện, ăn năn, thống hối, ăn chay đền tội và đi hành hương để lãnh nhận ơn toàn xá…
Việc ăn năn thống hối trong năm hồng ân, được áp dụng cách đặc biệt vào mối liên hệ giữa người với người và giữa người với vạn vật… Năm hồng ân còn là thời gian vui mừng. Đó là sự vui mừng của ơn cứu độ phát sinh từ kinh nghiệm sống mới trong sự hiện diện của Thiên Chúa Tình Yêu, qua ơn lớn lao là chính Con Thiên Chúa Nhập Thể.