Niềm vui đời Thánh hiến

0

Được thánh hiến trong sự thật, tất cả chị em chúng ta đều là những người hạnh phúc và tràn đầy niềm vui vì được làm con Thiên Chúa, được Chúa Giêsu – vị mục tử nhân lành – yêu thương chăm sóc; ngay cả hiến mạng để trao ban sự sống và niềm hy vọng cho chúng ta. Tuy nhiên, nếu ai trong chúng ta hiện nay không có được niềm vui của người được yêu, chúng ta cần nhìn lại động cơ và mục đích ơn gọi của mình để xin ơn chữa lành vì tất cả chúng ta đều được tuyển chọn để ở lại với Chúa Giêsu và được sai đi loan báo Tin Mừng cứu độ trong quyền năng của Thánh Thần.

1.  Hạnh phúc của người được yêu.

– Chúng ta đang sống trong Mùa Phục Sinh, được lắng nghe những đoạn Tin Mừng về Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ của Người và tất cả các vị đều vui mừng vì được thấy Chúa. Chúa Giêsu phục sinh không thường xuyên cho các môn đệ được thấy Người, nhưng Người luôn có mặt để động viên, an ủi, hướng dẫn và chăm sóc mỗi người trong từng hoàn cảnh cụ thể.

– Chúa Giêsu phục sinh – chính là vị mục tử nhân lành đã qui tụ đàn chiên của Chúa đang tản mác, sợ hãi sau biến cố tử nạn của Người. Cụ thể như đối với Maria Madalena, hai môn đệ làng Emaus, các tông đồ đang tụ họp cùng nhau, thánh Tôma, bảy tông đồ bên biển hồ Tibêria. Tất cả đều vui mừng vì được thấy Chúa. Tất cả đều cảm thấy mình được yêu thương, được biến đổi và có đời sống mới, hân hoan lên đường loan báo Tin Mừng Chúa đã sống lại.

– Chúa Giêsu phục sinh cũng đang hiện diện với chúng ta trong một cách thức mới. Nơi Bí tích Thánh Thể, Người tiếp tục hiến tế trong mỗi Thánh lễ và nuôi dưỡng chúng ta được sống dồi dào bằng Thịt và Máu của Người. Chúa Giêsu phục sinh luôn ở trong trái tim của những người tin, sống đời cầu nguyện và tín thác nơi Chúa. Đặc biệt, hôm nay đây, Chúa Giêsu Phục sinh đang hóa thân nơi thái độ tận tụy hướng dẫn của quí chị giáo, lòng yêu thương hy sinh phục vụ của tất cả chị em trong từng trách nhiệm cụ thể. Quả thật, trong những ngày họp mặt truyền thống của Học viện, chúng ta đang được gặp gỡ Chúa Giêsu phục sinh ở giữa chúng ta, Người đang phục vụ chúng ta.

2 . Nhìn lại động cơ và mục đích của ơn gọi . [1]

– Trong hành trình ơn gọi, nhiều khi chúng ta mải miết lo toan với những bận bịu trong sứ vụ, bức xúc khó chịu trong đời sống cộng đoàn và luôn mãi trăn trở vì những yếu kém của bản thân, khiến đời sống thánh hiến của chúng ta mất dần ý nghĩa và trở nên nhàm chán. Đây là những lúc Chúa Giêsu, vị mục tử nhân lành kêu mời chúng ta nhận biết, lắng nghe tiếng gọi của Người, chiêm ngắm và nối nguồn với Người, cùng mang trái tim mục tử của Người để nhìn lại động cơ và mục đích của mình khi theo Chúa.

– Ơn gọi thánh hiến chỉ có ý nghĩa và hiện thực, khi người ta không sợ trung thực với chính mình. Vì thế, chúng ta cần làm sáng tỏ động cơ; nếu không, sẽ không có một sự dâng hiến bản thân hoàn toàn và vô điều kiện cho Thiên Chúa. Chúng ta chỉ có thể dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa khi biết trân quí bản thân với những tài năng và giới hạn.

– Chúng ta cần nhìn lại những nhu cầu chưa thỏa mãn và những động cơ vô thức trong ơn gọi của mình. Khi các nhu cầu xung khắc với lý tưởng sẽ khiến đời sống tâm linh phần nào bị tê liệt. (Giuđa với nhu cầu sở hữu và tìm kiếm quyền lực). Khi chọn đời sống thánh hiến, chúng ta cũng có thể bị thúc đẩy bởi những động cơ: thoát ly đời sống gia đình bất hạnh, tìm đặc ân, thoả mãn tham vọng của cha mẹ, sợ tương giao khác phái, tìm an toàn…Để phát huy sự trưởng thành cảm xúc và tâm linh, chúng ta cần trung thực loại bỏ các động cơ ấu trĩ như trên. ( Têrêsa nhỏ với nhu cầu lệ thuộc đã chọn sống lệ thuộc vào Thiên Chúa như con thơ.)

– Một tình yêu vị kỷ thì chỉ quan tâm đến việc thoả mãn các nhu cầu ngay tức khắc. Tình yêu trưởng thành thì vị tha, vững bền và không quan tâm đến việc đáp trả. Tình yêu thần giao là hình thức cao nhất của tình yêu. Chỉ có thể đạt tới tình yêu đó, khi ta đã trưởng thành cảm xúc và toàn nhập nhân cách. (Catarina, Têrêsa Avila).

– Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa cũng có nghĩa là buông bỏ các giá trị không phù hợp với mối tương giao cá vị và mật thiết với Người. Hoán cải là cam kết sống các giá trị của Đức Kitô. Các ứng sinh cần huấn luyện biết nội tâm hóa các giá trị và tinh thần của Đức Kitô, đồng  thời cần được hướng dẫn để biết chọn lựa ưu tiên, tự do buông bỏ nhu cầu khao khát quyền lực và được quan tâm.

– Người ta rất dễ dàng bỏ quên tình yêu và lòng trắc ẩn khi sống trong một thế giới lấy thành công làm thước đo giá trị con người. Thật đau lòng khi các  linh mục và tu sĩ sử dụng năng lực vào những công việc bên ngoài phụ thuộc, và vì thế mà cạn kiệt khả năng yêu thương.

3.  Bước đi trong Thánh Thần

–  Chúa Giêsu Phục sinh đã chúc bình an và ban Thần Khí chữa lành, tăng sức  mạnh cho các môn đệ của Người. Tất cả các vị đều được biến đổi trở nên những con người mới, năng lực mới, can đảm thưa tiếng xin vâng để tham dự vào sứ mạng cứu độ của Chúa. Sách Công vụ các Tông đồ đã cho chúng ta thấy rất nhiều những câu chuyện chính Chúa Thánh Thần đã hoạt động nơi các tông đồ và những người tin.

– Suốt dòng lịch sử của Giáo hội, cuộc đời của các thánh đã chứng minh rằng chính Thần Khí của Đức Kitô đã giúp các vị viết tiếp câu chuyện của mình trong chương thứ 29 của sách Công vụ các Tông đồ. Khi chiêm ngắm các Thánh Dòng, đặc biệt như Cha Thánh Đa Minh, thánh tiến sĩ Catarina Sienna và thánh Tôma Aquinô, chúng ta sẽ thấy Chúa Thánh Thần cùng đồng hành với các ngài để làm chứng rằng: Chúa Giêsu Phục Sinh luôn yêu thương phục vụ đoàn chiên Chúa trên mọi nẻo đường trần gian.

– Trong cuộc đời của mình, mỗi khi cầu nguyện, chúng ta đều cảm nhận được sự hiện diện đầy quyền năng và lòng thương xót của Chúa Giêsu Phục sinh, trong từng giây phút hiện tại, mọi nơi, mọi lúc.

Kết:  Đời sống cầu nguyện của chúng ta hiện nay thế nào?

–  Niềm vui đời thánh hiến là niềm vui của người được yêu; niềm vui được gặp gỡ Chúa Giêsu.

–  Trong cầu nguyện, chúng ta luôn được sai đi với quyền năng của Chúa Thánh Thần .

Nt. Têrêsa Phạm Thị Oanh, OP

Đặc trách Ủy Ban Đào Tạo.


[1] x.PHILOMENA AGUDO, FMM, ph.D., Ta đã chn con, tr. 7-18.

Comments are closed.

phone-icon