Hãy xin thì sẽ được

0

HÃY XIN THÌ SẼ ĐƯỢC

BÀI GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT 17 TNC (Lc 11, 1- 13)

 GỢI Ý ĐẦU LỄ:

… Có lẽ vì sợ chúng ta không còn dám tin vào tấm lòng quảng đại của Thiên Chúa nên Đức Giêsu hôm nay đã đưa ra một lời hứa và cũng là một bảo đảm: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp và hãy gõ thì sẽ mở cho”.

Quy tụ nhau nơi đây, trong nhà Cha của chúng ta, chúng ta được mời gọi đừng sợ nói cho Chúa biết tất cả những nhu cầu của chúng ta với niềm xác tín rằng, với tấm lòng của một người Cha, Thiên Chúa không thể không nhậm lời chúng ta cầu xin.

 BÀI GIẢNG:

… Chắc chắn khi nghe bài Tin mừng hôm nay, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có một cái gì đó không ổn, bởi vì ít nhất trong cuộc đời, mỗi người chúng ta đã hơn một lần cầu xin với Chúa một điều xem ra rất hợp lý nhưng đã không được nhậm lời. Thế mà Đức Giêsu lại quả quyết với chúng ta: “Hãy xin, thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp và hãy gõ thì sẽ mở cho”. Phải chăng Đức Giêsu đã không giữ đúng lời hứa, hay nói như tác giả thánh vịnh: “Phải chăng Thiên Chúa đã quên thương xót”.

Chắc chắn không phải vì Đức Giêsu đã không giữ đúng lời hứa, cũng chẳng phải vì Thiên Chúa đã quên thương xót, mà là để được Thiên Chúa nhậm lời, về phía con người phải đáp ứng một số điều kiện.

Trước hết, để được Thiên Chúa nhậm lời, chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng trong khi cầu nguyện, không được bán tín bán nghi. Dĩ nhiên, chúng ta không chỉ tin rằng lời cầu xin của chúng ta sẽ được nhậm lời mà điều quan trọng hơn là phải tin vào tấm lòng yêu thương của Thiên Chúa. Bài đọc thứ nhất đã cho chúng ta thấy: tổ phụ Abraham tuy rất ý thức mình chỉ là thân tro bụi nhưng ông vẫn mạnh dạn thưa với Chúa một điều xem ra rất tế nhị. Chúng ta hãy nghe lại lời của Abraham thưa với Thiên Chúa: “Chẳng lẽ Ngài tiêu diệt kẻ lành một trật với kẻ dữ sao? Giả như trong thành có năm mươi người lành, chẳng lẽ Ngài tiêu diệt họ thật sao? Chẳng lẽ Ngài không dung thứ cho thành đó, vì năm mươi người lành trong đó sao? Ngài làm như vậy chắc là không được đâu! Giết chết người lành một trật với kẻ dữ, coi người lành cũng như kẻ dữ chắc không được đâu! Đấng xét xử cả trần gian lại không xét xử công minh sao”. Rõ ràng, hỏi như thế rất dễ bị coi là dạy khôn. Thế nhưng, chúng ta thấy Thiên Chúa không hề nổi nóng hay tự ái, trái lại, Ngài nhẫn nại nghe Abraham kỳ kèo thương lượng. Thiên Chúa hành động như thế là để cho thấy Ngài không bao giờ hẹp hòi với con người. Còn trong bài Tin mừng chúng ta vừa nghe, để mời gọi chúng ta tin vào tấm lòng rộng mở của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã so sánh: “Ai trong anh em có con xin cá mà lại cho nó con rắn sao, hoặc nó xin trứng lại cho nó con bọ cạp sao? Nếu anh em là những kẻ xấu mà con biết cho con cái mình những của tốt, của lành, thì phương chi Cha anh em trên trời lại không ban Thánh thần của Người cho những ai kêu xin Người sao? Lòng tin vào tình thương của Thiên Chúa còn đòi chúng ta phải thể hiện bằng sự nhẫn nại, bền chí trong khi cầu nguyện như người kia ban đêm đến vay bạn mình ba chiếc bánh. Dẫu biết là đêm, nhưng vì tin rằng, bạn mình thế nào cũng phải dậy lấy bánh cho mượn, nếu không phải vì tình bạn thì ít nhất cũng vì sợ bị quấy rầy. Trong cầu nguyện, chúng ta kiên nhẫn cầu xin không phải vì tin rằng cuối cùng Thiên Chúa cũng phải chịu thua sự quấy rầy của chúng ta, mà vì chúng ta tin vào tình thương của Ngài, một tình thương không thể làm ngơ trước lời van xin của con người.

Kế đến, để lời cầu xin của chúng ta được Thiên Chúa nhậm lời, đòi chúng ta phải có lòng khiêm tốn, nhìn nhận mình chẳng là gì và chẳng có gì, hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện: một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái lên đứng gần gian cung thánh, không phải để cầu xin mà là để kể công với Chúa: “Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì con không như những người khác tham lam, bất chính, ngoại tình hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 17, 11- 12). Còn người thu thuế thì đứng tận đằng xa, không dám ngước mắt nhìn lên, đấm ngực van xin: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”. Và Đức Giêsu cho biết, hai người này ra về, nhưng chỉ có người thu thuế là được nhậm lời. Như vậy, có ý thức mình chẳng có gì, chẳng là gì, lời cầu xin của chúng ta mới được Thiên Chúa nhậm lời.

Cuối cùng, đây là điều có lẽ ít ai trong chúng ta để ý tới trong khi cầu nguyện, đó là để được Thiên Chúa nhậm lời, lời cầu xin của chúng ta phải là điều đẹp lòng Chúa. Và chúng ta đừng quên rằng: điều đẹp ý Chúa, xét cho cùng chính là điều có lợi và cần thiết cho phần rỗi của chúng ta. Bởi đó, trong kinh Lạy Cha, Đức Giêsu đã dạy chúng ta hãy xin cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Và chính Đức Giêsu, trong cơn hấp hối ở vườn Giệtsimani, ba lần Ngài xin Chúa Cha cho Ngài khỏi phải uống chén đắng, bởi vì Ngài cũng sợ chết, sợ đau khổ. Nhưng cả ba lần, Ngài không quên xin rằng: “Nhưng xin đừng theo ý con, một theo ý Cha”.

Nói tới đây, tôi nhớ tới một buổi trưa nọ, đang khi cùng với một người bạn đi dạo trước cửa nhà thờ, chúng tôi bỗng trông thấy một cụ ông khoảng ngoài bảy mươi tuổi, đầu trần đi giữa trời nắng như đốt, tay cầm sấp vé số. Bất giác, anh bạn hỏi tôi: “Tại sao Thiên Chúa không cho cụ trúng một tấm vé số độc đắc để cụ khỏi phải khổ? Lập tức, tôi hiểu rằng mình đang bị đặt trước một vấn nạn không dễ trả lời. Thú thật, lúc đó, tôi cảm thấy vô cùng lúng túng, không biết phải trả lời thế nào. Nhưng tạ ơn Chúa, Ngài đã cho tôi một lời giải đáp. Bấy giờ, tôi chậm rãi hỏi lại anh bạn: “Giả như Thiên Chúa đặt cụ trước một chọn lựa: một bên là tấm vé số độc đắc và một bên là sự sống đời đời, theo anh nghĩ, cụ già kia sẽ chọn lựa bên nào? Người bạn tôi chợt hiểu ra và im lặng. Riêng tôi, tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm của hơn bảy mươi năm cuộc đời, chắc chắn cụ sẽ không bao giờ dại dột lại chọn cho mình tấm vé số độc đắc, cho dù đó là điều cụ vẫn hằng mong ước. Đến đây, có lẽ anh chị em sẽ nói, tốt hơn nên chọn cả hai. Nhưng anh chị em đừng quên lời Chúa nói: “Không ai có thể làm tôi hai chủ”.

… Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một bảo đảm: “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp và hãy gõ thì sẽ mở cho”. Nhưng, để được Thiên Chúa nhậm lời, đòi chúng ta phải hoàn toàn tin tưởng vào tấm lòng yêu thương rộng mở của Ngài, phải có lòng khiêm tốn nhìn nhận mình hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa và lời cầu xin của chúng ta phải hợp với ý muốn của Thiên Chúa, bởi lẽ, điều đẹp lòng Thiên Chúa, xét cho cùng, chính là điều cần thiết cho phần rỗi đời đời của chúng ta-Amen.

Lm HKT

 

Comments are closed.

phone-icon