Khóc ma

0

Lão Khờ tui ở tại cái miền Truyền giáo Tây nguyên heo hút này cũng mấy năm rồi, nhưng chỉ có vài người Kinh chết, còn người Dân tộc thì lâu lâu lại thấy bà con đến nhà mua “gà Truyền giáo” của Lão đi khóc ma. Lão không biết khóc ma là làm sao, bèn hỏi:
– Khóc ma là làm sao?
– Là khóc ma mà!
– Mà khóc làm sao?
– Là khóc ma.
– Tại sao mua gà khóc ma?
– Thì mua gà khóc ma mà!
– Ai phải đem gà đến nhà ma?
– Tao!

Lão đành chào thua cái kiểu cắt nghĩa có một không hai ấy.

Hôm nay bà con kẻ trước người sau ra vào nhà Lão mua gà, hỏi ra mới biết mua gà về khóc ma Yă Oe, vợ ‘bok Goi, nhà đối diện nhà rông làng Hle Ktu. Lão bèn nói với Lão Ngơ:

– Này, Lão tui giả vờ đi công chuyện, đến nhà ma, Lão đi chậm chậm lại để xem khóc ma là khóc thế nào. Ma này đã để hai ngày, chắc có mùi rồi.

Nói rồi Lão giả vờ đi công chuyện thật. Đến chỗ nhà ma, Lão cũng giả vờ đi chậm chậm liếc xéo vào nhà ma, một bà mẹ trẻ người dân tộc địu con đang uống rượu ở mé đường nhìn thấy lão, chị ấy bỏ ghè rượu chạy ra khoác tay Lão ra vẻ thân tình lắm. À, thì ra chị Pdơng vợ anh Chơ.  Lão thành công trong chuyện giả vờ.

– Yă (Dì, Sơ) đi đâu vậy?
– Yă đi công chuyện, ai chết vậy?
– Yă Oe, bác tao đó, Yă vào đi.
– Cho vào không?
– Cho chớ.

Thế là chị Pdơng khoác tay Lão dẫn vào. Thấy Lão ai ai cũng đến chào, mời Lão uống rượu ghè của mình. Lão không thể ngờ có nhiều người biết Lão đến thế. Sao mà nhiều rượu thế, cột la liệt chung quanh nhà, ghè nào cũng có mấy người vây quanh, từ ông già bà cả đến bé em xíu xíu uống vui vẻ. Người này kéo Lão ngồi xuống ghế của mình, người kia cũng dìu Lão ngồi xuống nhắm thịt. Lão thì không nhớ hết, mà sao người ta nhớ Lão đến thế, ai cũng tíu tít gọi Lão và tỏ ra là biết Lão, quen Lão, Lão hỏi một người:
– Biết Yă hả?
– Biết chớ, đứa nào cũng biết mà.
– Yă Oe làm sao chết?
– Nó già rồi.
– Chết mấy ngày rồi?
– Hai, ba ngày gì mà.
– Rượu ở đâu nhiều thế?
–  Làng đem đến mà.
– Thịt ở đâu nhiều thế?
– Nhà nó giết hai con bò mà.
– Gà ở đâu có?
– Bà con nó đem đến mà.
– Cồng chiêng ở đâu có?
– Làng mang đến mà, đánh cồng chiêng cho nó nghe.

Thật vậy, nó nghe cồng chiêng mệt nghỉ, suốt hai ngày đêm cồng chiêng đánh không ngơi nghỉ chung quanh nhà.

– Đi khóc ma sao không khóc mà chỉ thấy uống rượu, ăn thịt?
– Khóc chớ, khóc rồi ăn uống, ăn uống rồi khóc
– Ai khóc?
– Cả làng khóc mà, đứa nào cũng khóc
– Khóc có nói gì không?
– Khóc mà.

Thấy Lão cứ la cà hết nhóm này đến ghè khác, chị Pdơng lại khoác tay Lão lên nhà sàn chỗ người chết nằm (dù có nhà xây đẹp là nhà trệt nhưng người Bahnar ít khi ở nhà xây, bà con nói rằng ở cái nhà truyền thống của mình chứ không ở nhà xây – nhất là lúc chết, người chết phải chết ở nhà sàn và để người chết nằm ở nhà sàn). Trong nhà chỉ có thân nhân người chết và “bong” (quan tài). Đây là nhà giàu nên người chết có cái chơnang mà nằm (chơnang là cái sạp để người chết nằm), chơnang đóng lúc nào cũng tuỳ gia đình, khi đóng chơnang cũng phải giết bò để mừng chơnang, đóng rồi gác lên mái nhà, khi nào có người chết thì mới bỏ chơnang xuống và đặt người chết vào, lúc gần đi chôn mới bỏ người chết vào bong. Lão lên đến nơi thì họ đã bỏ người chết vào bong và chuẩn bị đem đi chôn. Bong của Yă Oe là một bong bằng gỗ khoét rỗng theo truyền thống của người Bahmar. Nhà Yă Oe giàu nên có bong bằng gỗ, nhà nghèo mua bong làm bằng xi măng. Cái bong nhỏ, gọn chỉ có 1 cái chiếu bó người chết bỏ vào chứ không để thêm được thứ gì nữa. Lúc sắp đưa người chết ra khỏi nhà mọi người đều khóc, trong nhà khóc, ngoài sân khóc, người khiêng khóc, khóc rất to, khóc thật tình, khóc nước mắt chảy ròng ròng. Chị Pdơng quay sang bảo Lão:

– Yă khóc như chúng nó đi!
Khổ nỗi lúc này Lão có khóc được đâu, Lão bảo chị Pdơng:
– Yă không khóc được có sao không?
– Biết đâu mà! Đứa nào cũng phải khóc.

Khiêng bong xuống sân chỗ để đòn khiêng, bà con ràng dây cột vào bong cho chắc rồi khiêng đi (bong ở dưới đòn khiêng chứ không ở trên như người Kinh). Những người thân cầm đồ dùng của người chết đi theo: chơnang, tơ’nglớp (nắp bong), gùi, cuốc, xẻng, nồi niêu, bát, dĩa, quần áo,… Cả làng đi ra mả, vừa đi vừa khóc lớn tiếng, khóc thiệt tình, khóc như thật vậy (mà họ khóc thật đấy). Đoàn khóc ma đi ào ào tung đầy bụi đất, Lão đi đâu có kịp, đã thế ai cũng muốn đi với Lão, người ta thì hai người khoác hai tay đi, Lão thì mấy người xúm vào khoác tay khiến Lão đã đi chậm lại càng chậm hơn, Lão thì không thể nào khóc được, những người khoác tay Lão thì khóc quá chừng, Lão thấy cũng ngại quá, lúc này có người Kinh nào nhìn thấy Lão được người Bahnar dìu đi thế này, có lẽ cho rằng Lão là người ruột thịt thân thiết nhất của người chết, nên thê thảm quá đi không nổi khiến mọi người phải xúm vào dìu đi – Ngộ quá!!!

Biết Lão chưa một lần ra mả, nên mấy người dẫn Lão đi bảo những người đứng chung quanh huyệt ra ngoài cho Lão vào xem chôn người chết. Ôi, sao cái lỗ đào nông thế kia, bỏ bong xuống thì gần tới miệng huyệt còn gì nữa, đã thế bỏ bong xuống rồi mới lấy cái tơ’nglớp bong đậy lên trên mà chẳng đóng đinh hay buộc cột gì cả, thậm chí cái chiếu bó người chết còn chìa ra khỏi bong nữa, sợ thật, quá là sơ sài. Sau đó, mọi thứ đồ dùng của người chết xếp lên trên bong… bỏ hết mọi thứ xuống thì chỉ còn cách mặt đất chưa đầy 60cm, nông ơi là nông, sợ thế, chắc chắn mai mốt sẽ bay mùi tùm lum cho mà thưởng thức. Lúc này làng đã ra về chỉ còn người thân ở lại lấp huyệt, Lão cũng ở lại thông công tới cục đất cuối cùng, trước khi ra về, cái chơnang được khiêng đậy lên trên mả.

Về sau Lão mới biết chỉ có Lão đi khóc ma mà chẳng khóc ma lại không bị đuổi về, chứ bất cứ ai vào ma mà không khóc thì không ai cho vào, mà lỡ có vào ma thì a lê hấp bị đuổi ra liền, vì lệ làng là: đã đến nhà ma thì ai cũng phải khóc, có lẽ số Lão hên đấy. Bây giờ Lão mới hiểu lời dân làng nói: “đi khóc ma”, làm ma dân tộc Bahnar vui vẻ và không cô đơn, nào là được nghe cồng chiêng suốt ngày đêm, nào là được cả dân làng thương tiếc khóc um làng cho ma cũ sợ khỏi bắt nạt ma mới. Đến nhà ma thì ai cũng như ai, không có dấu hiệu gì để phân biệt người thân với người làng: không áo tang, không khăn tang, cũng khóc như mọi người, cũng ăn uống như mọi người. Đi khóc ma mới cảm nhận được tình huynh đệ với anh em dành cho nhau. Dù bận rộn đến mấy, dù ngày mùa gấp gáp đến đâu mà làng có người chết thì cả làng bỏ hết công việc đến khóc ma, ma để một ngày thì khóc một ngày, mà để hai ngày thì khóc hai ngày… khóc cho đến khi ma đem ra mả mới về nhà mình. Không phải vì miếng ăn mà dân làng đến, nhà nghèo không giết bò, giết heo làng cũng đến, có trâu, có bò, có heo làng cũng đến, đến vì người chết: “nó chết một lần thôi mà”, đến để thương, thương thì khóc, khóc để nói lên tình thân thương với nhau. Lão hỏi: “không đến khóc ma có được không?” “Không được đâu, làng với nhau mà, thương nhau mà, mình chết nó cũng khóc mình như vậy mà”. Tình làng nghĩa xóm là thế.

Hơn nữa nơi người Bahnar không tin rằng chết là hết, nhưng ma đi về cõi “sống” của ma, ma có thế giới riêng của ma để sinh hoạt, chính vì thế mà từ ngày ma ra mả người nhà cũng đem cơm, nước, rượu, củi lửa ra cho ma, người nhà trịnh trọng đặt những thứ đó trước mả để ma dùng, ngày nào cũng thế cho đến ngày bỏ mả. Ngày bỏ mả bà con tin rằng hôm ấy ma chính thức đi vào cõi riêng của ma, không còn ở với người sống nữa. Ngày bỏ mả là ngày người sống tiễn ma vào thế giới của ma. Người Bahnar rất trân trọng người chết, không dám làm điều gì bất kính hay phiền lòng người chết.

Dù chưa biết Giáo lý đạo Công giáo, nhưng anh em Bahnar cũng cùng niềm tin với người Công giáo về điều này: chỉ có xác chết, còn cái gì đó trong xác không chết. Không biết dùng từ ngữ diễn tả, nhưng anh em tin rằng trong con người của mình không chỉ có cái xác, mà trong cái xác còn cái gì đó “cao hơn”. Khi cái xác chết thì “cái không chết ấy” đi vào cõi riêng của mình. Khi sống anh em không nhìn thấy cái “không chết” ở trong mình hay trong người khác, nhưng tin rằng có “cái không chết” và cái ấy sống mãi trong cõi riêng của mình khi không còn cái xác.

Bao giờ các Lão mới được gặp vị “Tông đồ Dân ngoại”, học cái chiêu hút hồn người khác của Ngài để nói với họ rằng: điều anh em tin mà không nhìn thấy, không biết gọi tên là gì thì đây tôi chỉ cho anh em, đó là linh hồn anh em. Bao giờ các lão mới gặp Phaolô mà học với Ngài những điều phải học: học ăn, học nói, học chơi với người Dân tộc để biết nói với họ về con người có hồn có xác. Bao giờ các Lão mới được tài hùng biện như vị tông đồ “rốt hết” để đứng giữa anh em dân tộc Bahnar Kông Chro nói cho họ biết: không phải bỏ mả nữa, linh hồn người chết về với cõi linh thiêng rồi, bỏ đi cái tục lệ bỏ mả đầy mê tín dị đoan và lạc hậu. Bao giờ …

Lão Khờ   

(Viết từ miền Truyền Giáo Tây Nguyên)

Comments are closed.

phone-icon