Vào ngày Chúa nhật hoặc thứ ba hàng tuần cứ đúng hẹn các chị em trong gia đình Học Viện lại lên đường “đi sứ vụ”, chúng tôi thường đến Bệnh viện Ung Bướu để an ủi, động viên, và thăm hỏi các bệnh nhân. Trong số những lần đến với các bệnh nhân, có một bệnh nhân đã để lại cho tôi ấn tượng khó quên, đó là người đàn ông tuổi đã ngoài năm mươi, nằm ở hành lang của Bệnh viện Ung Bướu Sài Gòn. Khi nhìn thấy tôi đến bà vợ đã khẽ gọi: Ông ơi có Soeur đến thăm ông đây này, người đàn ông khó nhọc lắm mới mở được cặp mắt đang nhắm ra và lẳng lặng nhìn. Hình như ông ta rất muốn nói với tôi một điều gì đó, nhưng đã quá muộn rồi, bởi ông ta không còn nói được nữa. Và giờ đây ông chỉ có thể diễn tả ước muốn, suy nghĩ của mình bằng ánh mắt hoặc một vài động tác quờ quạng của đôi tay mà thôi. Ông được đưa vào bệnh viện cách đây vài tuần, vì phát hiện ra ở cổ của mình có một khối u bất thường. Sau khi khám và dựa vào kết quả của cận lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán đây không phải là khối u bình thường mà là khối u ác tính không thể mổ được mà phải điều trị bằng phương pháp xạ trị. Nghe tin ấy xong, cả hai vợ chồng cảm thấy mọi vật xung quanh mình dường như đang bị đảo lộn, cả hai bắt đầu hoang mang, đau buồn về căn bệnh quái ác này, và ông bắt đầu lo sợ căn bệnh sẽ cướp đi mạng sống của mình. Chưa hết X- quang, điện tim, còn cho biết thêm: ông có vấn đề về tim, ngoài ra ông còn mắc thêm bệnh tiểu đường và cao huyết áp nữa. Lúc này, đối với ông sức khỏe rất cần để điều trị khối u.
Một tuần sau, đến thăm, tôi thấy sức khỏe của ông đã khá hơn, có lẽ ông đã chấp nhận được cái khối u ác tính kia không còn là một mối đe dọa nữa, nên ông có cái nhìn tích cực hơn về bệnh tình của mình, ông có thể ngồi dậy tiếp chuyện tôi như người khỏe mạnh. Qua hỏi thăm ông cho biết những tuần đầu ông ăn uống bình thường nhưng ngủ không được vì tiếng ồn ào của kẻ qua người lại. Hai tuần sau tôi trở lại, ông không thể ngồi dậy và nói chuyện như mọi khi và chỉ ăn được mỗi cháo trắng thôi, người lúc nào cũng hâm hẩm sốt. Sức khỏe ngày một suy yếu. Khi biết tôi đến thăm, ông rất vui và biểu lộ niềm vui bằng cách đặt bàn tay chỉ còn da bọc xương khô nóng và mềm rũ siết nhẹ tay tôi. Ông nằm yên, không nói một lời nào ông vẫn nắm lấy bàn tay tôi như muốn giữ tôi lại, mặc cho tiếng ồn của người qua lại nhưng ông vẫn nghe từng lời an ủi động viên của tôi. Và để biểu lộ sự hưởng ứng của mình, ánh mắt ông không rời khỏi tôi và thỉnh thoảng đáp lại bằng cái gật đầu. Tôi đọc trong ánh mắt ấy một nỗi khát khao được sống…
Chiều Chúa nhật kế tiếp, tôi lại ghé thăm ông, nhưng cái chỗ quen thuộc ấy nay đã có người khác thay thế. Hỏi thăm những bệnh nhân cũ nằm gần đó họ cho biết ông đã được bệnh viện trả về trong tình trạng rất nguy kịch không biết có về được đến nhà để gặp mặt những người thân lần cuối không, mọi người đều thương, quí mến ông. Họ nhận thấy dù đau đớn, khó chịu nhưng không thấy ông một lời kêu trách …Ông vẫn hy vọng về một tương lai tươi đẹp hơn. Tôi cảm thấy lòng mình chùng xuống. Không ngờ buổi gặp ấy là lần gặp cuối cùng, tôi như vẫn còn nhìn thấy dáng ông còm cõi, nhưng đôi mắt vẫn tràn đầy hy vọng và khao khát sống.
Mỗi lần đến thăm các bệnh nhân ở bệnh viện, tôi cảm nghiệm rõ hơn về sự mong manh của phận người. Hầu như đa số các bệnh nhân bước chân vào bệnh viện này đều phải chiến đấu với những cơn đau xé ruột gan, những mệt mỏi rã rời thân xác sau phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Những phương pháp điều trị này đều làm cho thân xác của họ gần như hoàn toàn biến đổi, thân hình gầy còm chỉ còn da bọc xương, màu da thâm xám, tóc thì đua nhau rụng … Tuy biết tương lai thì mịt mờ nhưng không ai bỏ cuộc bởi họ đều cố gắng tìm mọi cách để chữa chạy dù biết rằng sự sống chỉ có thể kéo dài thêm được một thời gian rất ngắn.
Nhìn các bệnh nhân và gẫm lại đời mình, tôi thầm tạ ơn Chúa về sức khỏe Ngài đã ban cho tôi và tôi thật may mắn, hạnh phúc hơn rất nhiều người. Có sức khỏe cũng là một nén bạc quý giá mà Chúa trao tặng tôi và muốn tôi sinh lời. Tôi tự hứa với lòng mình sẽ gìn giữ sức khỏe tốt hơn và dùng chính ân ban này để giúp đỡ và xoa dịu những con người đang sống với ước mơ được mạnh khỏe như tôi để sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Maria Bích Phượng (HV)