Tông đồ nhí

0

 Trời chiều chạng vạng, mặt trời đang khuất dần, những tia nắng cuối ngày rớt lại trên hàng cây Hoàng Lam làm ánh lên một màu vàng rực rỡ. Gió chiều mát rượi, tiếng ếch kêu ồm ộp nghe văng vẳng bên tai lúc xa lúc gần, lúc to lúc hỏ kéo An về lại với tuổi thơ, những ngày còn là một tông đồ nhỏ cách đây hơn chục năm về trước.

Ngày đó An là một thành viên của Hội Cầu Nguyện hay còn gọi là Lêgiô. Là thành viên nhỏ nhất, cô bé và các bạn được gọi là những Juniô – Tông đồ nhỏ của Đức Maria. Mỗi tuần một lần được chị trưởng phân chia cho những công tác khác nhau, khi thì “Được sai đi từng hai người một” đến thăm các bệnh nhân, thăm các cụ ông, cụ bà già yếu neo đơn, có khi lại được ở nhà làm bó hoa thiêng dâng lên Mẹ. Trong những công tác đó An thích nhất là được đến thăm những người già, những công việc mà An và các bạn vẫn thường giúp đỡ khi tới thăm họ là: sách nước, nhặt củi, quét nhà, quét sân… có khi còn nhổ cả tóc sâu nữa, vừa làm việc vừa tíu tít kể đủ thứ chuyện, những câu chuyện của đám trẻ con, kể hoài không hết.

Kỷ niệm làm An nhớ nhất khi còn sinh hoạt trong hội đó là một buổi chiều mùa hè năm đó. An học lớp 7 trên đường đến nhà thờ an gặp bà lão ăn xin, vô tình va quẹt phải ông khách sang trọng, bà ngã ra đường, ông ta đã không đỡ bà dậy lại còn quay lại chửi rủa: “bà mù hay sao mà lại đi đứng kiểu đó, muốn chết hả, thật là…” nói rồi ông ta vội bỏ đi. Nhìn bà lão ăn xin từ từ ngồi dậy, hai tay quờ quạng như muốn tìm vật gì, An vội vàng chạy tới và khám phá ra bà mù thật. An nhẹ nhàng đặt cây gậy vào tay bà và hỏi nhỏ: “bà có đau lắm không? Áo bà rách hết rồi”.

Với giọng nói khàn đục bà trả lời chậm trãi: “Ờ bà không sao đâu, cám ơn cháu, cháu có thể dắt bà qua bên kia đường được không?”

An nắm lấy đôi bàn tay chai sần, gân guốc của bà dắt qua bên kia đường. Một lần nữa bà lão lại nói lời cám ơn: “Cô bé tốt thật, cháu tên gì?”

An nhanh nhảu: “Dạ cháu tên là Xuân An”.

“Cám ơn cháu, tới đây bà có thể tự đi được rồi, thôi chào cô bé” (Bà lão nói)

An đứng lặng nhìn theo dáng người khắc khổ đang dò dẫm từng bước mà lòng thấy thương quá đỗi “chắc bà cũng trạc tuổi như bà ngoại”.

Đêm cao nguyên càng về khuya càng lạnh. Nằm cuộn tròn trong chiếc chăn ấm An nghĩ tới bà lão ăn xin mù, một manh áo rách liệu có đủ ấm hay không? Trong cái tĩnh mịch của đêm tối An nằm nghe từng hơi thở nhọc nhằn của Mẹ, tiếng ho lụ khụ của cha, bên ngoài tiếng côn trùng ngân nga rả rích không ngừng, vầng trăng khuyết trông hệt như chiếc thuyền bẻ cong cong trôi lơ lững ở một góc trời. An thầm mong cho trời mau sáng để được cùng các bạn đến thăm bà.

Sớm hôm sau, khi những tia nắng ấm áp xuyên qua màn sương lạnh, xa xa trên đỉnh đồi xanh mờ những đám mây trắng e ấp như còn đang ngái ngủ, An đã chạy qua nhà Nga để kể cho Nga hoàn cảnh đặc biệt mà An đã gặp. Theo lời chỉ dẫn của Dì Tám – mẹ Nga, hai đứa đã men theo con đường mòn, hai bên có những khóm hoa xuyến chi vừa nở vẫn còn ướt đẫm sương đêm. Phía cuối con đường túp lều tranh lụp xụp nằm thấp thoáng sau đám lau sậy cao vút bốn bề cỏ mọc um tùm. Đứng trước túp lều An lấy hết can đảm gọi to: “Bà ơi! Bà có ở nhà không?” phải đợi một lúc An mới nghe được giọng nói khàn đục quen quen chiều hôm qua: “Ai đó?” An kéo Nga lại gần nắm lấy tay bà lão: “Cháu là Xuân An đây. Chiều hôm qua cháu đã dắt bà qua đường, bà còn nhớ không? Bà lão đứng ngẩn ra một lúc rồi giật mình: “À cô bé tốt bụng, bà nhớ rồi” An tiếp: “Chúng cháu ở trong Hội Cầu Nguyện đến đây thăm bà” Thẳm sâu trong đôi mắt đục ngầu hai hàng nước mắt chực trào ra lăn dài trên gò má đen sạm đầy những vết nhăn. Xen lẫn trong những giọt nước mắt hạnh phúc, nụ cười đã nở trên khuôn mặt khắc khổ, xiết chặt tay hai đứa bà lão khẽ nói giọng run run “Cám ơn hai cháu”.

Kể từ hôm đó, An và các bạn lại có thêm một địa chỉ mới để lui tới trong mỗi lần được sai đi của mình. Đó là túp lều tranh của bà lão ăn xin mù.

Thời gian qua thật nhanh. Mới đó mà đã hơn 12 năm rồi. Cô bé của ngày xa xưa ấy bây giờ đã là một Tập sinh sắp được sai đi thi hành sứ vụ. Những con đường mà cô bé đã từng đi qua có màu xanh mướt trải dài típ tắp của những cánh đồng nơi cô đã có những buổi chiều thả diều, hái hoa bắt bướm, có màu sáng lấp lánh của dòng sông tuổi thơ trong mát, là con đường có những hàng cây đang thay lá, lá nâu vàng rụng đầy lối đi và những lộc non đang trổ xanh biếc… tất cả chỉ còn là những kỉ niệm của một tuổi thơ êm đềm. Khép lại những trang nhật ký cô tự hỏi: “con đường phía trước sẽ như thế nào?” Cho dù có như thế nào đi nữa thì cô vẫn luôn xác tín và can đảm bước đi vì lời Chúa đã phán: “Có Ta ở với ngươi”. 

Anna Lệ Quỳnh 

Comments are closed.

phone-icon