Tv 122: Thành Thánh Giêrusalem

0

1 Ca khúc lên Đền. Của vua Đa-vít.
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên Đền Thánh CHÚA
!”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2 cửa nội thành, ta đã dừng chân.
3 Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn.
4 Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
5 Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.
6 Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
7 tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
8 Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”
9 Nghĩ tới Đền Thánh CHÚA
, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô.

Tiếp bước bao thế hệ xưa đã hành hương lên Giê-ru-sa-lem, trong đó chính Đức Giê-su đã từng có  những lần nhịp bước lên đền. Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi cùng nhau đọc chậm và ngâm nga hát ca Thánh vịnh 122, không nhất thiết phải là trong bối cảnh một cuộc hành hương tới Giê-ru-sa-lem Đất Thánh, nhưng lúc nào cũng có thể trong ý hướng và tâm tình của một lữ khách đang tiến về Giê-ru-sa-lem vĩnh cửu.

Hướng lên cao 

Chưa kịp cất tiếng hát lời ca thánh, mới chỉ vừa chạm mắt tới tiêu đề, người ca ngâm đã được Tv 122 kêu mời hướng lên cao. Tiêu đề của 15 Thánh vịnh, từ 120 – 134, đều là Ca khúc lên Đền, dịch sát là Ca khúc đi lên hoặc Ca khúc của những cuộc đi lên (המעלות שיר: shir hama’alot). Lên cao ở đây không phải để hưởng không khí trong lành, những làn gió mát, tầm nhìn khoáng đạt thênh thang cho bằng để được gặp gỡ Đấng vô biên và ngàn trùng chí thánh.

15 Thánh vịnh lên Đền hẳn phải là những Thánh vịnh được đặc biệt hát trong các dịp dân Chúa hành hương Giê-ru-sa-lem, cụ thể là vào ba kỳ đại lễ Vượt Qua, Ngũ Tuần và lễ Lều hằng năm (x. Đnl 16,1-17) . Nói như thế vì trong tiếng Híp-ri[1], động từ đi lên (עלה : ‘alah) vẫn thường được dùng khi nói về các cuộc hành hương Giê-ru-sa-lem (x. Tv 24,3 ; 2 V 23,2), bởi thành này xây nơi cao, trên núi (x. Tv 2,6; Tv 68,16-17; 2 Sb 3,1  ; St 22,2).

Đi lên còn là một biểu tượng: đối với người tin, hành trình lên Giê-ru-sa-lem tượng trưng cụ thể cho cuộc tiến bước trong hành trình tâm linh; Và hành hương Giê-ru-sa-lem là điều rất quan trọng đối với Ít-ra-en, là lệnh truyền của Thiên Chúa (x. Xh 23,14-17 ; Đnl 16,1-17).

Cả 15 Thánh vịnh từ 120-134 đều mang tiêu đề Ca khúc đi lên với ý nghĩa và mục đích sử dụng vừa nêu trên. Tuy nhiên, trong suốt nội dung, trừ Tv 122 ra, 14 Thánh vịnh kia chỉ phản ánh những nét cụ thể của người hành hương : mệt mỏi, cầu xin, mong cho mau đến, yêu mến Đền Thờ, yêu mến Giê-ru-sa-lem, vui mừng sâu xa, cậy trông, tín thác…, chứ không trực tiếp và minh thị nói về cuộc hành hương nào.

Duy nhất có Tv 122 là nói rõ về hành hương lên Giê-ru-sa-lem. Đây cũng là Thánh vịnh rất được biết đến và có lẽ được nhiều Ki-tô hữu yêu thích hơn, sánh với 14 Thánh vịnh lên Đền kia.

Đi vào vòng tay Đức Chúa

Không chỉ nêu đích danh Giê-ru-sa-lem, Thánh vịnh 122 còn nhắc tới hai địa danh khác : Đền Thánh CHÚA (cc. 1.9) và vương triều Đa-vít (c. 5). Gọi vương triều Đa-vít là địa danh thì nghe cũng hơi lạ! Thực ra, từ vương triều ở đây được dùng dịch từ Híp-ri  בית  (bàyit) – từ này nghĩa đen là NHÀ, khi đi với Đa-vít thì có thể hàm ý vương triều,hay triều đại, hoặc cung điện. Cũng như trong cụm từ Đền Thánh CHÚA, từ Đền Thánh cũng là dịch từ từ Híp-ri  בית(= NHÀ) vừa nói. Vậy nên trong Thánh vịnh này, hai cụm từ Đền Thánh CHÚA vương triều Đa-vít có thể được thay thế bằng Nhà Đức Chúa nhà Đa-vít. Thay như thế thì thấy ngay đây là hai địa danh.

Xét về phương diện địa lý hay vật chất, Nhà Đức Chúa nhà Đa-vít dẫu có là đền thờ và cung điện nguy nga đến mấy cũng nằm trong phạm vi Giê-ru-sa-lem hay lọt vào giữa thành đô này. Nhưng nếu đọc kỹ và lưu ý tới vị trí mà ba địa danh được xếp đặt trong toàn Thánh vịnh một cách có chủ đích, chúng ta sẽ nhận thấy tầm quan trọng của các địa danh được tác giả xác định theo một trật tự hoàn toàn khác, từ đó mới nhận ra ý nghĩa và tâm tình ông muốn diễn tả, gửi gắm và khơi lên. 

Lần theo từng câu trong Thánh vịnh, ta thấy ba địa danh chiếm các vị trí như sau :

1 : Nhà Đức Chúa 

2 : Giê-ru-sa-lem

3 : Giê-ru-sa-lem

5 : nhà Đa-vít

6 : Giê-ru-sa-lem

9 : Nhà Đức Chúa

* Nhà Đa-vít được đóng khung bởi Nhà Đức Chúa.

* Giê-ru-sa-lem lặp lại ba lần, và cũng được Nhà Đức Chúa đóng khung. 

Nhìn từ khía cạnh cấu trúc văn chương, Nhà Đức Chúa đứng sừng sững uy hùng ngay ở đầu ca khúc – rồi  vẫn đầy uy thế, lại tái xuất hiện ở cuối nữa ! Mọi người bình thường chỉ thấy Giê-ru-sa-lem bao trùm Nhà Đức Chúanhà Đa-vít cùng với bao nhiêu nhà cửa cư dân, nhưng cặp mắt thi nhân được linh hứng lại thấy và muốn cho mọi người cùng ông thấy Nhà Đức Chúa mọc cao từ đầu này và vươn xa uy lực mãi đến tận cuối tầm nhìn ở đầu kia, như đang bao bọc, ôm trọn nhà Đa-vít, ôm trọn và bao lấy cả Giê-ru-sa-lem, thậm chí cả đất nước mà Giê-ru-sa-lem thành đô là biểu tượng.

Lối cấu trúc ôm hay cấu trúc đóng khung này rất ưa được sử dụng trong văn chương Do-thái, và qua đó, trong mỗi hoàn cảnh, người viết ngầm nhắn gửi người đọc một tâm sự, một nỗi niềm, hay một thông điệp đặc biệt gì đó .

Thông điệp ở đây là một niềm xác tín : Thiên Chúa sẽ ôm trọn Giê-ru-sa-lemnhà Đa-vít vào vòng tay chở che bao bọc của Người. Người là nguồn lực bảo đảm cho triều Đa-vít vững, cho vương quốc Ít-ra-en bền, điều mà Người đã hứa với Đa-vít qua ngôn sứ Na-than : Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra -, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. (2 Sm 7,12-13).

Từ niềm xác tín ấy, cấu trúc đóng khung mà tác giả sử dụng cho ca khúc khiến Đền Thánh CHÚA nổi bật lên trong tâm hồn những người đang say sưa ngâm hát, Nhà Đức Chúa rực sáng lên như tâm điểm của cuộc hành hương kính viếng và của lòng gắn bó trung thành. Nhà Đức Chúa chính là nguyên nhân cho niềm vui vỡ lở trào dâng. Vì mến yêu Nhà Đức Chúa, người muôn phương tuốn về Giê-ru-sa-lem (c. 1). Để cùng xưng tụng danh Đức Chúa như lệnh đã truyền, dân Ít-ra-en phải đổ tới Giê-ru-sa-lem, nơi có Nhà Đức Chúa (x. c. 4). Sau cùng, vì nghĩ đến Nhà Đức Chúa, mọi người tin tưởng bảo nhau cùng nguyện chúc an lạc, hạnh phúc mãi cho thành đô (cc. 8-9) !

Để cảm nếm niềm vui

Tác giả Thánh vịnh chia sẻ với người đọc niềm vui rất lớn của bản thân cũng như của những người vẫn đồng lòng và đang đồng hành với ông trong cuộc hành hương Thành Thánh (cc. 1-2). Tại chính địa điểm hành hương, niềm vui dàn trải trên khắp mọi người, mọi vật trong cảnh : vật là những kiến trúc đô thị hợp thành một khối hài hòa ; người là mười hai chi tộc họp thành một dân hiệp nhất, vua tôi cùng thờ phượng Thiên Chúa (cc. 3-5). Và niềm vui được người đang vui mong cho lan tràn và kéo dài mãi mãi : vui đã dâng đầy khi bình an được lặp lại tới 3 lần trong các câu 6-7-8 [2], vui còn gia tăng khi câu 9 rót thêm niềm hạnh phúc, tác giả tha thiết mời gọi chúc bình an cho Giê-ru-sa-lem và chính ông cũng cầu chúc !

Chúng ta sẽ theo sát trình tự vừa kể để đào sâu ý nghĩa thánh thiêng của những dòng thơ và ngụp  lặn trong niềm vui trào dâng của người trong thơ, cũng theo sát hướng nhìn của nhà thơ, tác giả đang nức lòng với từng cảnh tượng trước mắt, đồng thời chung nhịp với con tim rộn ràng của vô số khách hành hương đang khấp khởi mừng và tràn trề hy vọng. Mọi người cùng chăm chú nhìn Giê-ru-sa-lem để chiêm ngắm, thưởng ngoạn, gắn bó, mến yêu Thành và Đền Thờ, nhất là bái phục tôn thờ Đấng ngự nơi đây, để thành này nên Thành Thánh và nếp kiến trúc trung tâm này nên Đền Thánh của Người.  

Chúng ta sẽ cùng mọi người hướng tới và sống với Giê-ru-sa-lem qua ba khía cạnh :

– Giê-ru-sa-lem, niềm vui của khách hành hương (cc. 1-2).

– Giê-ru-sa-lem, biểu tượng của hiệp nhất (cc. 3-5).

– Giê-ru-sa-lem, đối tượng của lời chúc bình an (cc. 6-9).

* Giê-ru-sa-lem, niềm vui của khách hành hương (cc. 1-2)

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên
Đền Thánh CHÚA !”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân
(Tv 12,1-2).

Niềm vui như vỡ trào cho người được nghe báo tin hành hương. Ông vừa được loan báo, vừa được gọi mời cùng lên đường, cùng bước đi với nhiều đồng đạo, chung nỗi khổ niềm vui suốt hành trình dài và thánh thiện:

“Ta cùng trẩy lên Đền Thánh CHÚA !”

Thật tuyệt vời, cả một đoàn người đông đảo có nhau và bên nhau chia sẻ trong suốt hành trình, họ cảm nhận  ân thưởng khi được dừng chân hả hê thỏa mãn, tha hồ mà chiêm ngắm, tha hồ mà ngưỡng mộ kính yêu sau những ngày dài đường xa mong mỏi : Đây rồi,  Giê-ru-sa-lem thánh đô, 

«cửa nội thành, ta đã dừng chân ! » 

Nhưng tại sao lên Đền Thánh lại khiến cho người lữ hành khấp khởi mừng và chan chứa vui đến thế ? Có thể hiểu vì đối với dân Ít-ra-en thời ấy, các lễ hội tôn giáo là sinh khí cuộc sống và mọi sinh hoạt đều  xoay quanh đó. Hành hương Giê-ru-sa-lem là lễ hội lớn của tất cả mọi người, mọi thành thị, thôn xóm, mọi chi tộc Ít-ra-en, mặc dầu năm nào cũng chỉ diễn ra đều đặn, nhịp nhàng như thế.

Tuy nhiên, câu ca ngâm đầu Thánh vịnh thích hợp hơn với tình cảnh của những người đã từng phải sống lưu vong và bị áp chế ngặt nghèo chốn tha phương đất khách, không được về quê hương dự lễ. Nỗi buồn biền biệt cách ly ấy được diễn tả phần nào trong Tv 120,5 :

Thật bất hạnh cho tôi
phải trú ngụ trong miền rợ Me-séc,
phải sống cùng dân du mục Kê-đa.

và Tv 42,5 :

Tôi thả hồn miên man tưởng nhớ
thuở tiến về lều thánh cao sang
đến tận nhà Thiên Chúa,
cùng muôn tiếng reo mừng tán tạ,
giữa sóng người trẩy hội tưng bừng.

Đối với những trường hợp đó, câu 1 ở đây không những là lời loan báo tin vui lên Đền, mà còn làm sống lại nỗi mừng vì được giải thoát :

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên
Đền Thánh CHÚA !”

Cảnh tượng mừng vui tưng bừng nhộn nhịp này càng thích hợp hơn nữa với những người đã hồi hương sau thời lưu đày khổ nhục. Họ nô nức lên Giê-ru-sa-lem, lòng dạt dào cảm xúc. Họ bồi hồi nhớ lại cảnh Đền Thờ bị thiêu rụi và Thành Thánh bị triệt phá đến bình địa hoang tàn hồi năm 587. Họ tự hào vì với Nơ-khe-mi-a và Ét-ra, khoảng năm 515, những công trình tái thiết đã hoàn tất, thật huy hoàng tráng lệ (x. Er 6,19tt). Những ngày hội thánh thiêng đang bù lại cho họ biết bao nỗi nhục nhằn cay đắng từng hứng chịu :

* Nhục trước quân thù ngoại bang :

Chúng con bị láng giềng thoá mạ
người chung quanh phỉ báng nhạo cười.
Đến bao giờ, lạy CHÚA, Ngài còn nổi giận,
Ngài nổi giận mãi sao ?
(Tv 79,4-5)

* Tủi vì bị Thiên Chúa ruồng bỏ do lỗi lầm của tiền nhân :

Tội tiền nhân, xin Chúa đừng nhớ mãi
mà trừng phạt chúng con.
Xin dủ lòng thương mau đến giúp,
vì chúng con đã khổ quá nhiều.
(Tv 79,8)

* Ngậm ngùi vì cảnh tôi đòi nơi đất khách :

Bờ sông Ba-by-lon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xi-on ;
trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn…
(Tv 137,1-2)

* Vất vả âu lo vì một thời gian dài vừa xây lại tường thành, vừa phải chiến đấu chống kẻ thù quấy phá như được mô tả trong Nơ-khe-mi-a 3,33 – 4,17, nhất là 4,10-11 :

Từ ngày ấy, một nửa tráng đinh của tôi lo làm việc ; còn nửa kia thì cầm giáo, khiên mộc, cung nỏ và mang áo giáp ; các thủ lãnh làm hậu thuẫn cho toàn thể nhà Giu-đa đang xây tường thành (Nkm 4,10-11).

Khổ nhục những ngày ấy càng như đến tuyệt vọng thì niềm vui hôm nay càng tràn ngập đến vô biên khi Thiên Chúa đã thương ngoảnh mặt lại, đáp lời họ cầu khẩn. Niềm vui của người lên Đền hôm nay như òa vỡ vì đó chính là niềm vui của người được giải thoát, được Thiên Chúa đoái nhìn và thứ tha.

Mặt khác, niềm vui thánh vịnh gia và khách hành hương có được không chỉ do chính tin vui, mà còn do người loan tin :

“Ta cùng trẩy lên Đền Thánh CHÚA !”

Họ là những người thân quen, họ hàng hay bằng hữu của nhau, họ gọi nhau, rủ mời nhau, động viên khuyến khích nhau cùng trẩy hội. Nói cách khác, đây không phải chỉ là niềm vui lên Giê-ru-sa-lem, mà còn là niềm vui có nhau và bên nhau trên đường ; không phải chỉ vui vì được biết tin đăng trình, nhưng còn vui vì tin mừng được chia sẻ xuất phát tự đáy những cõi lòng đang phấn chấn reo vang tình huynh đệ !

Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Lời cảm thán do ngưỡng mộ và mến yêu thành, đồng thời còn bộc lộ nỗi hân hoan sung sướng vì cảm thấy nhẹ nhõm sau chuyến hành trình dài lâu vất vả. Qua hết rồi bao nỗi thấp thỏm lo âu vì con đường nhiều đỗi gian nan hiểm trở. Chỉ còn lại đây niềm vui ngỡ ngàng xen lẫn nỗi tự hào rạo rực trước thành thánh Giê-ru-sa-lem, thành của tổ tiên cha ông và của chính họ, nhất là thành có Đức Chúa ngự trị và là thành của Đức Chúa !

Ngưỡng mộ công trình kiến trúc tại thành phố Giê-ru-sa-lem là tâm trạng của anh nhà quê lên tỉnh, của dân tỉnh lên thành đô, đến với trung tâm tôn giáo lẫn văn hóa của cả nước, đi vào tụ điểm kinh tế của miền Giu-đa trù mật. Ngưỡng mộ cũng là tâm trạng của kẻ du mục về thành. Họ ngỡ ngàng trước những khối đá liên kết với nhau tài tình làm nên một ngôi đền tráng lệ trên những cây cột trụ to lớn, giữa những bức tường thành vững chãi, trong khi dân du mục thì vẫn chỉ quen với những túp lều vải thô sơ, đám nhà quê thì xưa nay nhà cửa thường thấp lè tè, sơ sài và thưa thớt.  Nhưng sâu xa hơn nữa, khách hành hương còn thấy phản ánh nơi đây tâm trạng của một đoàn dân hậu lưu đày : họ thực sự xúc động khi ông chuyền tai cha, con chuyền tai cháu, mọi người đều biết rất rõ lịch sử của dân tộc, biết rất rõ rằng chính từ một đống tro tàn xưa kia (x. Nkm 3,33-34), Giê-ru-sa-lem hôm nay đã lại sừng sững, bề thế như một thành đô và đáng quý hơn cả là nên một khối vẹn toàn !

* Giê-ru-sa-lem, biểu tượng của hiệp nhất (cc. 3-5) 

Nói về thành để biết về người. Nói khối đá vẹn toàn để diễn tả đoàn dân hiệp nhất. Khối dân này gồm mười hai bộ tộc nhà Gia-cóp, cùng trẩy hội lên Đền như xưa mười hai chi họ tổ tiên cùng lên khỏi Ai-cập dưới sự lãnh đạo của Mô-sê để tiến về miền Đất Hứa (x. Ds 10,11-28 ; Mk 6,4 ; Xh 32,7-8) theo cột mây cột lửa của một Đấng Thiên Chúa giải phóng đầy uy quyền. Khách hành hương quy tụ nơi đây nên một khối vẹn toàn để cùng làm mới lại Giao Ước với Thiên Chúa như dân xưa quy tụ tại Si-khem bên ông Giô-suê, cùng cam kết chỉ thờ phụng một mình Người (x. Gs 24). 

Giê-ru-sa-lem khác nào đô thị
được xây nên một khối vẹn toàn
(Tv 122,3).

Một khối vẹn toàn, cụm từ này muốn nói về một mối hiệp nhất, nhất thiết phải được xây nên, một tình gắn bó nhất định phải được kết thành giữa dân Ít-ra-en. Và đây là những hình ảnh minh họa thêm cho tình liên đới giữa khối duy nhất của thành và cho sự nên một của dân ấy :

* Giê-ru-sa-lem đã được xây nên một khối thì mọi chi tộc nhà Gia-cóp phải cùng qui tụ cả về: 

Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây…
(Tv 122,4)

* Mọi chi tộc đều là của Thiên Chúa, nên phải đồng loạt lên đây mà cùng chung tiếng xưng tụng danh Người, cùng thi hành một mệnh lệnh Người đã truyền ban, cùng nhận quyền quản cai xét xử của một vị vua chính Người đã tuyển chọn :

… để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít
(122,4b-5).

* Và thế là mọi chi tộc cùng có chung một định mệnh, cùng mang chung một hy vọng từ lời hứa Thiên Chúa đã dành cho…

Những yếu tố trên đây liên kết họ nên một. Cùng nhau lên Giê-ru-sa-lem là dịp cho họ cùng nhau củng cố niềm tin vào Thiên Chúa, cùng nhau làm mới lại Giao Ước giữa họ với Người, cùng nhau ý thức sâu xa hơn họ là dân Giao Ước và phải sống đúng sứ mạng của dân này : xưng tụng danh CHÚA. Bởi vì danh CHÚA, tiếng hip-ri là יהוה (YAHVE), chính là danh xưng mà chính Thiên Chúa đã mặc khải cho Mô-sê (x. Xh 3,14), khởi đầu biến cố xuất hành, biến cố ký kết Giao Ước.

Nhưng nói hiệp nhất là đã ngầm giả thiết chia rẽ vẫn hằng đe dọa. Mà đúng thế, ngay từ khi mới manh nha chế độ quân chủ, thời Đa-vít, hai miền nam bắc đã từng theo hai nhà: bắc, thường gọi là Ít-ra-en; và nam, Giu-đa, tùng phục nhà Đa-vít. Bắc nam đã từng gươm giáo chống lại nhau, tức là chống lại chính anh em đồng bào mình ! (x. 2 Sm 2,12-13.24-27 ; 3,1). Nam bắc phân chia làm hai (x. 1 V 11 – 12) và cứ thế mà kỳ thị nhau cho mãi đến tận thời Chúa Giê-su vẫn còn chưa dứt (x. Ga 4)!

Từ nỗi đau phân chia nhức nhối do lịch sử để lại, tác giả Thánh vịnh 122 ý thức sâu xa tầm quan trọng của hiệp nhất, không những trên bình diện chính trị mà nhất là về mặt tôn giáo, nên đã nhấn rất mạnh việc phải cùng tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất :

Để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.

Đây là ơn gọi riêng của Ít-ra-en. Họ được tách riêng ra, được dành riêng cho Thiên Chúa – tức là được thánh hiến – để trở thành một dân chuyên lo việc tế tự phụng thờ, chuyên xưng tụng danh Chúa. Bao lâu các dân nước chưa nhận ra Thiên Chúa, thì vai trò của Ít-ra-en giữa chư dân vẫn là vai trò của một Dân Tư Tế. Đồng thời, họ còn có sứ mạng là phải làm sao cho muôn dân cùng được biết và cùng ca tụng danh Thiên Chúa, như ngôn sứ I-sai-a đã từng loan báo (Is 2,2-3). 

Lên Đền Thánh để ca tụng danh Chúa, khách hành hương lại nghĩ đến ngai báu Đa-vít :

Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít
(Tv 122,5).

Nhắc đến vương triều Đa-vít là nói đến niềm tự hào về thời đại vàng son đã qua và cũng là niềm hy vọng của Ít-ra-en về sự phục hưng vương quốc sẽ tới, cho dù từ sau lưu đày, lời hứa về sự bền vững của vương triều Đa-vít vẫn chỉ là lời hứa, nhiều khi tưởng chừng như đã bị chìm vào quá khứ lãng quên hay chỉ còn là một chuyện viển vông mơ ước. Nhưng cấu trúc đóng khung của Thánh vịnh 122 lại cho thấy Nhà Đức Chúa bọc lấy nhà Đa-vít !

Lối diễn tả gợi đến trình thuật Thiên Chúa loan báo chính Ngài sẽ xây nhà cho Đa-vít chứ không phải ngược lại như Đa-vít từng cưu mang (x. 2 Sm 7). Mà một khi Thiên Chúa không bỏ rơi dân Người, vì Người đã đoái nhìn đến họ ngay tự thuở lưu đày, thì họ vẫn còn hy vọng từ lời hứa, cũng là hy vọng về mối hiệp nhất mà Giê-ru-sa-lem vẫn là một biểu tượng. Và do đó, Giê-ru-sa-lem vẫn là đối tượng cho những lời cầu chúc bình an. 

* Giê-ru-sa-lem, đối tượng của lời chúc bình an (cc. 6-9)

Trong 3 câu từ 6-8, từ  שלום (shalom)hòa bình, bình an – trong nguyên bản Híp-ri được lặp lại y nguyên đến ba lần (còn bản dịch của chúng ta, như đã trình bầy lý do, diễn tả ý của shalom bằng ba từ nói được là đồng nghĩa dị âm). Shalom là lời cửa miệng của người Do-thái. Họ chào nhau ‘shalom’ mỗi khi gặp gỡ.

Hòa bình an lạc hạnh phúc là chủ điểm của riêng bốn câu cuối Thánh vịnh này. Đây phải là mối bận tâm chính của vịnh gia, vì thế, bài thơ vịnh cuộc hành hương Thành Thánh được ông kết thúc bằng một lời kêu mời tha thiết :

Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”
Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô
(Tv 122,6-9).
 

Hãy cầu chúc shalom cho người người nhà nhà của khách hành hương, cho họ hàng bằng hữu, cho Đền Thờ và Thành Thánh, và, qua thành đô, cho toàn dân tộc. Cũng ngầm hiểu thi nhân muốn kêu mời mọi người chúc vinh cho cả danh Thiên Chúa nữa, Đấng ngự nơi Đền và hiển trị thành đô, đất nước !

Ngay sau khi từ đất lưu đày trở về, dân hồi hương đã phải đối đầu với mối hiềm khích thù địch của các dân xung quanh (x. Nkm 4,1-4). Hòa bình hầu như chẳng hề có trên mảnh đất vẫn gọi là Hứa Địa này, mảnh đất Ca-na-an mà Ít-ra-en có được bởi Lời Hứa của Thiên Chúa và cũng bởi những trận chiến đấu dữ dội cam go ! Và trước đó cũng thế, từ thưở đầu sở hữu, Đất Hứa dành cho Ít-ra-en luôn bị các nước láng giềng cố sức giành giật, xâm chiếm, nhất là quân Phi-li-tinh. Vị vua đầu tiên được chọn để khai mở đế chế của họ – vua Sa-un – đã mất mạng ngay trên chiến trường cùng với con trai là Gio-na-than. Còn Đa-vít, con người của trận mạc, thì suốt một đời chinh chiến và đổ máu quân thù (x. 1 Sb 22,8). Ngay như Giê-ru-sa-lem, thành mang tên Shalom đã được đặt làm kinh đô và trung tâm của Giu-đa, đã được mệnh danh là Thành của Đa-vít, nhưng Đa-vít cũng chỉ có được nó sau cuộc chiến thật ác liệt cướp nó khỏi tay người Giơ-vút (x. 2 Sm 5,6-7).

Chiến tranh triền miên. Ít-ra-en ra công phòng thủ, nhưng chỉ đủ sức đối phó với quân thù từ mấy nước láng giềng nhỏ bé. Rồi một ngày, đại họa sẽ ập đến từ các đế quốc khổng lồ phía bắc rồi phía đông : Năm 722, Sa-ma-ri bị quân Át-sua xóa sổ (x. 2 V 15,5-6). Năm 587 là cùng tận của vương quốc Giu-đa, dân bị lưu đày sang Ba-by-lon. Chính trong bối cảnh này, lời loan báo của I-sai-a về Hoàng Tử Hòa Bình đã được gióng lên (x. Is 9,1-6). 

Cuộc hành hương của Ki-tô hữu

Chưa và sẽ không bao giờ có hòa bình nếu thế giới này không lấy Đức Giê-su Ki-tô làm điểm Ω (Ô-mê-ga) cùng đích để tập trung và hướng tới, nếu nhân loại này không nhận Đức Giê-su Ki-tô làm Hoàng Tử Hòa Bình để yêu mến, làm Vua Tình Yêu để suy phục, nghe theo.

Hơn hai ngàn năm đã qua kể từ khi bị đế quốc Rô-ma thiêu hủy, Đền Thánh Giê-ru-sa-lem vẫn chưa được tái thiết và chỉ còn trơ lại duy nhất một Bức Tường Than Khóc. Nhưng khách hành hương Ki-tô hữu từ muôn phương vẫn không ngừng tuốn về, vẫn yêu thích lặp lại ca khúc lên Đền kia, khi đặt chân lên mảnh đất thuở xa xưa là Thành Thánh.

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên
Đền Thánh CHÚA !”

Thay cho tin vui Thành Thánh và Đền Thờ được xây dựng lại, Đức Giê-su Ki-tô, Đấng chúng ta tôn nhận là Hoàng Tử Hòa Bình, Vua Tình Yêu, Vua Vũ Trụ, đã cho chúng ta một tin mừng ngàn lần vĩ đại hơn: Mọi Ki-tô hữu sẽ được tiến về Nhà Cha trên trời, nơi đó ai cũng có phần. Người khẳng định : Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở ; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó (Ga 14,2-3).

Đầy vui mừng và hy vọng, Ki-tô hữu chúng ta sống ngay từ bây giờ niềm vui của người hành hương tiến về Thành Thánh Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc ấy (x. Kh 21,2).

Xưa kia, Giê-ru-sa-lem Đền Thánh là những viên đá liên kết thành một khối duy nhất làm biểu tượng đầy ước mơ cho sự hiệp nhất các chi tộc Ít-ra-en ; ngày nay, Đấng Phục Sinh là viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường (1 Pr 2,7). Trên Người và quanh Người, thay cho những phiến đá địa chất, chúng ta đã được Người trao Thần Khí tự lưng trời Gôn-gô-tha (x. Ga 19,30), nên sẽ để Thiên Chúa dùng chúng ta như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, sẽ để Người đặt chúng ta làm hàng tư tế vương giả, làm dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người ngay khi chúng ta còn mang thân khách lạ và lữ hành (x. 1 Pr 2,5.9.11) :

Từng chi tộc, chi tộc của CHÚA,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh CHÚA, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en

(Tv 122,4).

Được làm dân riêng của Thiên Chúa, chúng ta luôn có Đức Giê-su là Mục tử dẫn đường. Người là *Đa-vít mới vừa theo huyết thống, vừa theo Lời Hứa (Cv 13,22), sẽ nắm giữ vương quyền đến muôn thuở, sẽ ngự ngai xét xử và thực hiện hiệp nhất thực sự vĩnh viễn một khối vẹn toàn, không những hiệp nhất toàn thể nhân loại, mà còn cả muôn vật tạo thành. Bởi chưng Thiên Chúa đã muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời (Cl 1,20).

Hành trình bung ra từ những Phòng Tiệc Thánh nội tâm, từ những Phòng Tiệc Thánh gia đình, cộng đoàn hay Giáo Hội,để đến với con người, bắt đầu từ những người nghèo hèn nhỏ bé nhất, muốn vơ lấy hết, muốn ôm lấy cả, cả mọi người, cả thế giới, mà đưa về Giê-ru-sa-lem trên trời, hành trình đó sẽ là hành trình luôn bên nhau và cùng nhau, luôn có nhau và sẵn sàng bưng chậu quỳ xuống hầu nhau. Anh trọng lắm, chị quí lắm, em đáng giá lắm, đáng giá, đáng quí, đáng trọng bằng máu Thầy, máu đã trào ra đến giọt cuối cùng tự đáy trái tim bị đâm thâu mà rửa từng người chúng ta, không loại trừ từ bỏ một ai.

Từ suy tư đó, một gia đình hay cộng đoàn phải có tôn ty, trật tự, và Hội Thánh phải có phẩm trật, nhưng trong những cộng đồng Ki-tô hữu này, mọi thứ quyền bính chỉ là để phục vụ chứ không để thi thố quyền lực. Càng làm đầu thì lại càng phải hầu và hầu cho đến người rốt hết. Người cha, người chồng, người bề trên, người quyền chức sẽ được yêu quí, được tôn trọng, được khẩu phục mà nhất là tâm phục, khi họ « cúi xuống » chứ không do bắt người khác phải ngước lên. Những thất vọng bỏ cuộc, bỏ nhà, bỏ nhóm, bỏ cộng đoàn hay lìa xa Giáo Hội của một ai đó trong những người đã cùng nhau chung lý tưởng đời tu, sẽ là một nỗi nhức buốt cho mọi người ! Không ai muốn ai phải xa đoàn rã cánh vì mình thiếu tự hạ để gắn kết liên đới với họ, nhưng cần phải ý tứ kẻo chính khi vinh vang đẳng cấp lại tách lìa họ, đẩy họ ra xa !

Niềm vui hướng tới Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc sẽ là động lực cho chúng ta trong lữ hành đường xa :

Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên Đền Thánh CHÚA !”

Sẽ không còn buồn nản hay thất vọng vì cuộc sống hiện tại đầy thách đố khi biết rằng Giê-ru-sa-lem Thiên Quốc đang chờ đón chúng ta. Đồng thời, chúng ta cũng không lẩn tránh cuộc sống này, nhưng luôn được thúc đẩy để sống mọi chi tiết đời mình một cách có ý nghĩa, trong tình người và cả tình yêu thiên nhiên, vì tất cả đều là thụ tạo của Thiên Chúa, đều đang tiến đến một ngày cùng với loài người được biến đổi trong trời mới đất mới.

Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng
(126,5)

Dạt dào vui và ngập tràn hy vọng, chưa hết hứng khởi với Thánh vịnh lên Đền 122, người Ki-tô hữu có thể đã nghe rộn lên trong lòng mình câu hát trên của Thánh vịnh 126, một Thánh vịnh lên Đền khác…

Sr. Agnès Cảnh Tuyết

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Aletti, Jean-Noël ; Gilbert, Maurice ; Ska, Jean-Louis, Vocabulaire raisonné de l’exégèse biblique.Paris : Cerf, 2005.

Biblia Hebraica Stuttgartensia,Elliger,K.  (éd.) et  Rudolph, W. (éd.), 1977. 2ème édition,  Stuttgart : Deutsche Bibelgesellschaft, 1984.

Botterweck,  Johannes G. ;  Ringgren, Helmer et  Fabry, Heinz-Josef, Theological dictionary of the Old Testament.  Grand Rapids (Michigan); Cambridge U.K. : W.B. Eerdmans  (15 volumes), 1977-

koehler, Ludwig et  Baumgartner, Walter,The Hebrew and Aramaic lexicon of the Old Testament.  Leinden; New York; Köln : E.J. Brill (5 volumes), 1994-1999.

GUTHRIE, D (ed), NOUVEAU COMMENTAIRE BIBLIQUE. Edition Emmaus, 1978.

GIARARD, Marc, Les psaumes redécouverts. De la structure au sens, 101-150. Québec : Bellarmin, 1994

MANNATI, Parina, Les psaumes IV. Paris : Desclée de Brouwer, 1968 (Ps 107-150)

[1]   Tiếng Híp-ri là ngôn ngữ đã được dùng trong nguyên bản của nhiều sách trong bộ Sách Thánh, trong đó có sách Thánh vịnh. 

[2]   Các Thánh vịnh vốn là những áng thơ tiếng Híp-ri. Bản dịch CGKPV ở đây cố gắng chuyển tả chất thơ của nguyên tác bằng ít nét đẹp và chút phong phú về hình ảnh và âm thanh mà tối thiểu một ‘bài thơ’ tiếng Việt phải có, nên dịch cùng một từ shalom (שלום) trong tiếng Híp-ri bằng ba từ tiếng Việt khác nhau nhưng đều có nội hàm cơ bản như nhau là bình an ; ba từ đó lần lượt ở ba câu 6.7.8 là : thái bình, yên ổn, an lạc. Sẽ rõ hơn nếu xem bản dịch Nguyễn Thế Thuấn (lặp lại từ thái bình ở cả ba câu) hay các bản dịch tiếng Anh / tiếng Pháp (cả ba lần, shalom đều được dịch là peace/paix).

Comments are closed.

phone-icon