Sự dữ

0

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

Chúng ta thường hình dung sự thiện buộc tội sự dữ, sự dữ buộc tội sự thiện. Chúng ta thường nghĩ một cách tự phát rằng người công chính và người tội lỗi buộc tội lẫn nhau[1]. Hơn thế nữa, chúng ta còn duy trì hình ảnh về một Thiên Chúa, Đấng Công Chính tuyệt đối, buộc tội con người vốn “tội lỗi bẩm sinh”.

Đọc Kinh Thánh và nhất là đến học ở “Trường Lời Chúa”, chúng ta sẽ được chữa lành khỏi những kiểu hình dung dễ dãi như thế, khỏi tính tự phát máy móc và bất di dịch của chúng; thay vào đó, chúng ta sẽ nhận được những ánh sáng mới, phát sinh chầm chậm, nhưng thật cụ thể và đầy sức sống.

I. Buộc tội và Sự Dữ

Thay vì sự thiện và sự dữ buộc tội lẫn nhau, thì chính hành vi buộc tội là một điều dữ. Miệng khô đi vì buộc tội liên tục, điều đó không phù hợp với sự thiện. Sự thiện thể hiện mình bằng cách đi qua hành vi buộc tội, chắc chắn là điều không thể tránh khỏi; và trong Kinh Thánh, không thiếu những bản luận tội thốt ra từ miệng các ngôn sứ, các tác giả Thánh Vịnh và cả Đức Giêsu nữa. Nhưng đó không phải là chỗ đứng đích thực của sự thiện, không phải là chỗ đứng sau cùng của sự thiện.

Ngược lại, chỗ của kẻ buộc tội rốt cuộc được dựng lên là để cho sự dữ đứng vào. Chúng ta nói “rốt cuộc” vì chính trong sách Khải Huyền, sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh, mà chúng ta đọc được những lời sau đây:

Vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước tòa Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài. (Kh 12, 10)

Thế mà, một cách rất chắc chắn, “Kẻ Tố Cáo” là một tên gọi được thêm vào những tên gọi có sẵn của Satan:

Con Rồng khổng lồ bị tống ra, đó là Con Rắn xưa, mà người ta gọi là ma quỷ hay Xa-tan, tên chuyên mê hoặc toàn thể thiên hạ; nó bị tống xuống đất, và các thiên thần của nó cũng bị tống xuống với nó. Và tôi nghe có tiếng hô to trên trời: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Ki-tô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài.” (Kh 12, 9-10)

Cách gọi này có nguồn gốc xa xưa hơn. Thật vậy, trong một thị kiến được ban cho ngôn sứ Dacaria, vị thượng tế đứng trước thiên thần của Đức Chúa,

Còn Xa-tan đứng bên phải ông để tố cáo ông. (Dcr 3, 1)

Trong phần dẫn nhập của sách Ông Gióp, chúng ta thấy Satan đối đầu với Thiên Chúa và đảm nhiệm chức năng của người buộc tội. Thiên Chúa tin tưởng nơi sự tốt lành của ông Gióp (Gi 1, 8), nhưng Satan lại nghi ngờ ông. Đã bao nhiêu lần, chính chúng ta đã tưởng tượng ra một Thiên Chúa hay ngờ vực ! Ở đây, người ngờ vực không phải là Thiên Chúa, nhưng là Satan. Nếu chúng ta tưởng tượng ra một Thiên Chúa ngờ vực, đó chính là vì chúng ta ngờ vực. Satan không thể tin vào sự thiện, bởi vì nó buộc tội ông Gióp trước khi ông nói được điều gì: “Ngài cứ thử giơ tay đánh vào mọi tài sản của nó xem, chắc chắn là nó nguyền rủa Ngài thẳng mặt” (Gi 1, 11; 2, 6).

Và Satan vẫn lập lại lời buộc tội, ngay cả khi các sự kiện diễn ra sau đó chứng tỏ rằng nó đã lầm. Điều này cho thấy rằng sự dữ ở trong nó, chứ không phải ở nơi người mà nó tố cáo[2].

Chỗ đứng của người buộc tội rốt cuộc thuộc về sự dữ, bởi vì rốt cuộc đó là chỗ của kẻ thua cuộc và chính vì thế mà buộc tội là hành vi rất nguy hiểm. Người buộc tội chẳng mấy chốc sẽ cho thấy tội lỗi của riêng mình (x. Ga 8, 1-11). Hẳn là có đôi lúc, người ta nên buộc tội còn hơn là giữ thinh lặng, nhất là khi người ta có lý do và vì đó buông mình trong cơn nóng giận, nhưng để rồi “sau cơn mưa trời lại sáng”. Nhưng lựa chọn do chiều hướng tự nhiên chỗ đứng của người buộc tội, chính là chọn lựa đi vào cái bẫy được giăng ra cho kẻ xấu.

Tất cả những gì vừa được trình bày ở trên một cách thật rõ ràng đến từ chính sách Thánh Vịnh.

II. Thánh Vịnh và Kẻ Tố Cáo

Các Thánh Vịnh biết rõ Kẻ Tố Cáo mà chúng vừa nói ở trên. Trước hết, các Thánh Vịnh biết đến những kẻ tố cáo hữu hình, bởi vì các tác giả Thánh Vịnh là nạn nhân của những vụ án triền miên:

Bởi vì kẻ gian ngoa độc dữ mở miệng nhằm hại con,
nói với con toàn lời dối trá,
buông lời hằn học bủa vây con, tấn công con vô cớ. (Tv 109, 2-3)

Nhưng kẻ tố cáo hữu hình này rất giống với Kẻ Tố Cáo vốn đứng ra chống lại ông Gióp và vị thượng tế của Dacaria. Thực vậy, những kẻ xấu nói chống lại những người ngay như sau:

Xin cho kẻ dữ nổi lên chống nó,
bên phải nó, đặt một người cáo tội đứng kèm.
Ước gì nó phải mang án khi ra khỏi cửa công,
và lời xin ân xá thành lời buộc tội.
(Tv 109, 6-7)

Và tác giả Thánh Vịnh đã hình dung ra sự thất bại của kẻ buộc tội mình như là hậu quả của những lời mà chính kẻ này đã thốt ra:

Nó đã lấy lời nguyền rủa làm như áo mặc,
thì cho lời nguyền rủa thấm vào thân nó:
như nước thấm ruột gan, như dầu vào xương tuỷ.
Ước chi lời nguyền rủa như áo choàng quấn chặt lấy nó,
như đai lưng thắt mãi không rời ! (Tv 109, 18-19)

Những lời này phù hợp với quan niệm rất phổ biến trong các Thánh Vịnh và trong toàn bộ Kinh Thánh: sự dữ bị hủy diệt bởi chính nó; và nhờ vậy mà người ta nhận ra đó là sự dữ:

Nó đào hầm đào hố,
chính nó lại sa chân.(Tv 7, 16; cf. 9, 16)

Phường ác nhân tuốt gươm giương nỏ
nhằm hạ kẻ nghèo hèn, và giết người chính trực;
nhưng gươm chúng lại đâm vào tim chúng, và nỏ gẫy tan tành.(Tv 37, 14-15)

Có thể nói, dụng cụ thông thường để hủy diệt sự dữ bởi chính sự dữ, chính là cái miệng; cái miệng như là cái hố sẽ nuốt trửng chính kẻ đã muốn mở nó ra. Đó cũng là cái lưỡi; cái lưỡi như là lưỡi gươm sẽ đâm thâu chính kẻ đã muốn hãm hại người khác bằng loại gươm này:

Tấc lưỡi mình hại mình là thế !
Thiên hạ xem, ai cũng lắc đầu. (Tv 64, 9)

Lời thóa mạ như là cục đá, sẽ quay lại rớt trên chính những người đã ném nó đi:

Xin đừng để bọn vây hãm con ngẩng đầu lên được;
xin cho điều độc ác miệng chúng thốt ra
bao phủ lên người chúng !
(Tv 140, 10)

III. Sự dữ và Lề Luật

Chúng ta hãy dừng lại để đón nhận mặc khải của Kinh Thánh liên quan đến sự dữ và ơn cứu độ; và đây là những điều quan trọng nhất. Khi suy nghĩ về sự dữ, hoặc là chúng ta bị chóng mặt vì được dẫn tới bờ vực sâu thẳm, hoặc là chúng ta đứng ở quá xa bờ vực đến độ chỉ thấy được bề mặt mà thôi. Các bản văn của Tân Ước đã không sợ vực thẳm và đặc biệt, thánh Phaolô thường hay dẫn chúng ta đến đó. Và để đỡ bị chóng mặt, chúng ta có thể đi những nẻo đường của Cực Ước để soi sáng các bản văn khó nhất của Tân Ước[3].

1. Sự dữ sử dụng Lề Luật

Theo thánh Phaolô, Satan đã dùng Lề Luật như là dụng cụ để buộc tội trước mặt Thiên Chúa, nhằm hủy diệt con người: “Thực vậy, khi chúng ta còn ở trong xác thịt, các đam mê tội lỗi dùng Lề Luật mà hoạt động nơi các chi thể chúng ta, để chúng ta sinh hoa kết quả cho sự chết” (Rm 7, 5). Và đó chính là một trong những suy tư chính yếu của thư gởi tín hữu Roma: “Nhưng chính tội, để cho nó bị phơi bày ra như là tội, nó đã dùng điều tốt để gây nên cái chết cho tôi.” (Rm 7, 13)

Những lời trên đây quả là khó hiểu, nhưng lại phù hợp với những lời của sách Khải Huyền mà chúng ta đã trích dẫn ở đầu chương; và những lời này cho chúng ta biết rằng Satan có một chỗ đứng ở tòa án xét xử. Satan nhân danh Lề Luật công bố danh sách tất cả các lầm lỗi của con người và yêu cầu án tử dành cho con người. Như tác giả sách Khải Huyền, thánh Phaolô cũng đón nhận một mặc khải đã được ban từ rất xa xưa: Satan đã dùng Lề Luật (x. St 3); nó đã dùng một điều tốt; nó phải là như thế, bởi lẽ, với tư cách là tội, nó là kẻ gian dối. Làm điều xấu với một điều tốt, đó chính là định nghĩa thật cô đọng về sự dữ. Do đó, Satan đã sử dụng Lề Luật để cho thật rõ ràng rằng nó là tội, để nó lộ ra là tội.

Trong cuộc sống, hầu như hằng ngày chúng ta nghe đến chán chê qua báo chí, các bài diễn văn hay các bài giảng, vô vàn những lời lên án mọi lỗi lầm của người khác, của xã hội và thậm chí của cả loài người! Đó không phải là “sử dụng điều tốt” nhằm làm bật ra sự bất lực của mình trong việc làm phát sinh những hoa trái tốt đẹp hay sao? Lời Kinh Thánh thật khó nghe, những sẽ giải thoát chúng ta khỏi ngõ cụt, nếu chúng ta biết thinh lặng lắng nghe.

2. Sự dữ và Thập Giá Đức Kitô

Gian dối là thứ tội dựa vào vẻ bề ngoài: nó tách biệt vẻ bề ngoài ra khỏi sự thực; nó tách chữ viết của Lề Luật ra khỏi tinh thần của Lề Luật để sử dụng Lề Luật cho sự dữ (x. 2 Cr 3, 6).

Gian dối được hiểu như trên, giúp chúng ta nhận ra cách hành xử của Satan trong lịch sử loài người, vốn hội tụ nơi Thập Giá của Đức Kitô và bị làm cho phải lộ nguyên hình. Thật vậy, nơi Thập Giá, Satan đem lại cho ý muốn hủy diệt của nó vẻ bề ngoài công chính của Lề Luật. Tất cả những ai đi với Satan đều làm như thế. Satan phô bày hình dạng bên ngoài hay tính khả giác của sự thiện. Tôi tớ của Satan cũng làm như thế.

Satan sẽ rơi vào chính cái bẫy của nó. Thật vậy, Thiên Chúa mang lại cho sự thánh thiện của thân thể Đức Kitô vẻ bề ngoài của sự bất chính, bởi vì thân thể thánh thiện này sẽ giống như thân thể của một người bị chết phơi thây vì sự bất chính của mình, như là một tội nhân chết trên giá treo cổ, nơi của “công lý”, vốn thu hút loài người chúng ta; bởi vì tội và sự tan nát thể xác đi đôi với nhau. Đó chính là nơi hẹn gặp mà các Thánh Vịnh nêu ra một cách thật rõ ràng.

Vẻ bề ngoài tương ứng với vẻ bề ngoài: một bên là vẻ bề ngoài công chính nơi Satan, còn bên kia là vẻ bề ngoài bất chính nơi Đức Giêsu, người bị lên án chết. Vì Thiên Chúa làm cho Con của Ngài xuất hiện: “Giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8, 3): “Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5, 21). Thực vậy, Đức Kitô đã cứu chúng ta bằng cách:

Chính Người trở nên đồ bị nguyền rủa, vì có lời chép:
“Đáng nguyền rủa thay mọi kẻ bị treo trên cây gỗ !” 
(Gl 3, 13)

Satan ở vào chỗ của Kẻ Tố Cáo, Thiên Chúa nơi Con của Ngài là Đức Giêsu-Kitô, ở vào chỗ của người bị cáo. Satan ở vào chỗ của công lý, bởi lẽ nó sử dụng vặn vẹo Lề Luật, vốn là điều tốt đẹp, đúng đắn và thánh thiện (x. Rm 7, 12), và Thiên Chúa ở vào chỗ của tội lỗi, bởi lẽ khi sai Con của mình đến, Thiên Chúa đã đồng hóa Ngài với tội (x. Rm 8, 3). Vậy là vẻ bề ngoài tương ứng với vẻ bề ngoài, nhưng vấn đề ở đây là nhìn thấy hơn là suy luận: nơi Đức Giêsu, chúng ta hãy nhìn ra Đấng, tương hợp hoàn toàn với một bệnh nhân bị lên án, và với một tội nhân bị xử phạt.

*  *  *

Tại sao và làm thế nào cái nhìn có thể cứu được? Thánh Gioan nhắc lại chuyện rắn độc cắn dân chúng trong thời gian ở sa mạc (Ga 3, 14). Môsê khi đó đã treo một con rắn lên cột gỗ và ai nhìn lên nguyên nhân gây ra cái chết được phô bày ra đó, thì được chữa lành.

Loài người chúng ta bị bệnh bởi những vẻ bề ngoài, bởi những gian dối công chính, bởi những hình ảnh sai lầm về Thiên Chúa, bởi sự thánh thiện hay bác ái ảo tưởng; khi chúng ta nhìn thấy tất cả những vẻ bề ngoài này bị dập tắt và chết đi trên Thập Giá của Đức Kitô, đó chính là điều chữa lành chúng ta và trả lại cho chúng ta cái nhìn lành mạnh. Nếu những vẻ bề ngoài của sự dữ, trên Thập Giá, cứu chúng ta, chính là bởi vì những vẻ bề ngoài của thiện đã làm cho chúng ta hư mất.

THẬP GIÁ ĐỨC KI-TÔ
và SỰ DỮ

 

 

SATAN

(và những người thuộc về Satan)

ĐỨC KITÔ

 

 

 

 

Vẻ

bề ngoài

Dựa trên:

–  Chữ viết của Lề Luật.
– Sự công chính của Lề Luật.
– Vẻ bề ngoài hay tính khả giác của sự thiện.

 

Để đóng vai Kẻ Tố Cáo và thực hiện công lí

Người “đồng hóa” mình
với kẻ bị cáo và với Tội[Sự bất chính, tội nhân]

↓    ↑

[Chết phơi thây, trên giá gỗ]

 

Điểm hẹn của Thánh Vịnh

– Bệnh nhân bị lên án
– Tội nhân bị xử phạt

 

 

Sự  thật

(vô hình, được mặc khải bởi Tin Mừng)

 

GIAN DỐI
TỘI
SỰ DỮ

SỰ THẬT
VÔ TỘI TUYỆT ĐỐI
THÁNH THIỆN 

Hoàn tất Lề Luật, bằng cách dựa trên:
– Tinh thần hay cùng đích của Lề Luật
–  Sự công chính đến từ Thiên Chúa

Ø  Sự Thiện nơi Thiên Chúa

[1] Các chuyện cổ tích, tiểu thuyết hay phim chuyện thường được xây dựng trên lối suy nghĩ này.

[2] Không tin người khác có thể sống và làm được điều tốt, khi không có mình, khi không có chương trình và kỷ luật thật chặt chẽ, và khi mình không có mặt để giám sát điều này không hiếm thấy nơi cách ứng xử của chúng ta, nhất là nơi các “đấng bậc”, các “nhà huấn luyện” tự cho mình là nghiêm túc. Tuy nhiên, Kinh Thánh mặc khải cho chúng ta rằng, thái độ này có liên quan đến một trong những cách ứng xử căn bản của Satan, vì hàm chứa, ý thức hay không ý thức, thái độ “không tin”!

[3] Các bản văn khó nhất của Tân Ước có lẽ là các bản văn của thánh Phaolô. Thực vậy, chính thánh Phêrô cũng phải nhìn nhận: “Và anh em hãy biết rằng Chúa chúng ta tỏ lòng kiên nhẫn chính là để anh em được cứu độ, như ông Phao-lô, người anh em thân mến của chúng ta, đã viết cho anh em, theo ơn khôn ngoan Thiên Chúa đã ban cho ông. Ông cũng nói như vậy trong tất cả các thư của ông, khi bàn đến các vấn đề này. Trong các thư ấy, có những chỗ khó hiểu; những chỗ ấy cũng như những chỗ khác trong Kinh Thánh, bị những kẻ vô học và nông nổi xuyên tạc, khiến chúng phải chuốc lấy hoạ diệt vong” (2 Pr 3, 15-16).

Comments are closed.

phone-icon