Chuông giáo đường đổ dồn dập, khắp các góc phố cờ xí tung bay phất phới; đèn điện nhấp nháy xung quanh các lối ngõ, và các hang đá lộng lẫy được làm xung quanh các ngôi thánh đường. Đường phố cũng tấp nập người xe đi lại, nhà nhà giăng điện xung quanh bảng “MERRY CHRISTMAS” làm cho cả dãy phố rực sáng lung linh. Khung cảnh rực rỡ dường như làm cho lòng người cũng hân hoan hơn, người người vui vẻ đi bên nhau trong ngày đại lễ của toàn thế giới, thỉnh thoảng có vài ông già Noel xuất hiện trao gởi nụ cười dễ thương không chỉ dành riêng cho những em bé ngoan mà còn cho những ai đang đi tìm một niềm vui trong đêm Giáng Sinh này.
Vượng lững thững đi từ phố này sang phố khác lòng cảm thấy thật cô đơn lạc lõng. Người đi chật kín đường nhưng không ai để ý đến anh. Không một ai biết anh đang tồn tại. Mọi người đều vội vã, gương mặt ai cũng hớn hở chuẩn bị cho một đêm vui. Thỉnh thoảng ngước nhìn họ, anh càng cảm thấy xót xa hơn cho thân phận mình. Có lẽ đây là đêm Noel cuối cùng trong đời anh! Chưa bao giờ anh cảm thấy cuộc sống đáng quý như lúc này. Anh khát khao được sống những tháng ngày trước, anh thầm ước được một lần bước lên sân khấu trong đêm Noel để cùng giáo xứ của anh trình diễn đêm Canh Thức Giáng Sinh. Nhưng bây giờ tất cả đã xa rồi. Mơ ước chỉ còn là ước mơ mà thôi. Giờ anh chỉ còn một điều ước duy nhất là được trở về với gia đình và được chết trong vòng tay của ba mẹ. Giá mà…
Đang mải chìm trong suy nghĩ, anh giật bắn người bởi tiếng xe máy thắng “két” gấp gáp và tiếng chửi dữ dằn:
– Đ.m, cái thằng đui. Mày đi đứng cái kiểu gì vậy? Muốn chết hả, để tao cho mày chết luôn…
Nói xong, anh ta nhảy xuống xe lao vo túi bụi vào người anh. Vượng ngớ ra chưa kịp hiểu chuyện gì thì đã lãnh đủ mấy cái đấm vào mặt. Máu từ mũi anh xịt ra. Thấy máu, anh chàng kia mới hả cơn giận và để ý đến nạn nhân của mình. Đến lúc này hắn thảng thốt kêu lên:
– Anh Vượng! Đại ca! Có phải là đại ca không?
Vượng lạnh lùng đáp:
– Ừ, tao tên Vượng nhưng tao không phải là đại ca của mày.
– Thôi mà đại ca, em biết lỗi em rồi. Em là thằng Dũng Bò. Đại ca còn nhớ em không? Đại ca bỏ qua cho em. Em có mắt như mù không biết đại ca.
Hắn vừa nói vừa xoắn xít rút khăn lau máu trên mặt Vượng, anh gạt tay hắn:
– Thôi, bỏ đi. Mày đừng đụng vào người tao.
Anh rẽ đám đông hiếu kỳ đang vây xung quanh, tiếp tục lầm lũi bước đi. Dũng Bò vội vàng chạy đến dắt chiếc xe máy chạy theo năn nỉ:
– Đại ca muốn đi đâu em đưa đại ca đi!
– Mày đi đi, tao đến nơi rồi.
– Đại ca còn giận em sao? Hay em đưa đại ca đến chỗ tụi em? Đêm nay có nhiều mục hấp dẫn lắm, “hàng” mới, gái đẹp, “đã” vô cùng. Lâu rồi không gặp, nay thấy đại ca chắc tụi nó mừng lắm.
– Tao đã bảo không đi, mày làm ơn đừng léo nhéo bên tai tao có được không?
– Dạ, đại ca không muốn, em thiệt không dám ép. Thôi, em đi. À, em gởi đại ca cái này xài tạm, khi nào cần, đại ca cứ đến chỗ tụi em.
Dũng Bò nhét vội gói hàng vào tay Vượng rồi rồ ga chạy mất. Vượng nắm chặt tay, cảm giác thèm thuồng trong anh chỗi dậy mãnh liệt. Anh vừa mới qua thêm một lần cai nghiện nữa nhưng trong lòng anh vẫn không thoát khỏi nỗi nhớ “nàng tiên nâu” mà anh đã từng thân thiết gần gũi suốt mấy năm nay. Anh định ném gói bột trắng trong tay nhưng thấy tiếc nên lại nhét vào túi. Lòng anh nổi lên một cuộc chiến dữ dội. Anh đi như chạy, cố thoát ra khỏi sự giằng co của bản thân nhưng càng lúc anh càng cảm thấy không thể cưỡng lại được nữa, anh đưa tay vào túi áo, lôi gói bột trắng ra, hít vội vàng…
Đêm đã khuya, dòng người đã vãn. Vượng lảo đảo bước đi, người mệt lả. Mắt anh sáng lên khi thấy một dãy ghế đá, chưa kịp nhận ra đó là nơi nào, anh đã nằm vật xuống. Trời mùa đông se lạnh, gió thốc vào người, anh quắp người lại, co ro mơ màng. Có ai đó lay thật mạnh, Vượng cứ ngỡ mẹ anh gọi dậy, anh kéo áo xuống chân, nhắm mắt ngủ tiếp, miệng lẩm bẩm:
– Còn sớm mà mẹ, hôm nay con không phải giúp lễ, con đi lễ chiều.
– Chú ơi, khuya lắm rồi dậy về đi, đặng tui còn đóng cổng nhà thờ.
Vượng mở to mắt, cố nhìn hình ảnh mờ mờ ảo ảo của một ông già nhỏ bé trước mặt. Anh hỏi:
– Sao lại là nhà thờ? Sao mà đóng cửa? Ông cứ đóng cửa đi, để tui nằm ngủ chút coi.
– Không được đâu chú ơi. Chú làm ơn về đi để tui còn về nhà nữa, các con tui đang chờ tui đó.
Vượng bực mình hét lớn:
– Tui đã bảo im cho tui ngủ, sao ông nhiều chuyện quá vậy?
– À, thằng này láo. Mày bảo tao nhiều chuyện à? Chỗ này không phải giường của mày. Có cút đi không thì bảo?
Vượng sừng sộ bước xuống ghế, tiến về phía ông Từ…
Thấy có tiếng cãi vã, người đang đứng trước Hang Đá bước tới. Ông Từ liền phân bua:
– Thưa cha, cái thằng này ngủ ở đây, con bảo nó về mà nó không chịu. Con còn phải về nhà coi tụi nhỏ đã về nhà hết chưa. Cha bảo nó về để con còn đóng cửa ạ.
– Thôi được, ông cứ đi về trước đi, để cửa đó tôi đóng cho.
Ông Từ ghé tai vị linh mục nói khẽ:
– Cha cẩn thận, hình như thằng này nghiện xì ke, con thấy giống lắm. Con không dám để Cha ở lại một mình đâu, rủi có bề gì…
– Tôi đã bảo không sao mà, ông cứ về đi.
Chờ cho ông Từ ra khỏi cổng, vị linh mục tiến lại gần bên Vượng. Lúc này anh cũng đã tỉnh hẳn. Ánh sáng từ trong hang đá hắt ra giúp anh trông rõ gương mặt của ngài hơn. Chợt anh cảm thấy sống lưng lạnh buốt! Trời ơi, cha xứ cũ của anh. Cha Lam! Không lẽ anh đã trở về nhà sao? Làm sao bây giờ? Anh quay mặt vào trong, không dám lộ diện. Vị linh mục đã nhanh chóng phát hiện ra phản ứng khác thường của anh, ngài đi vòng ra phía sau khiến Vượng không thể tránh mặt được nữa.
– Thưa cha, con không có ý quấy rầy đâu, tại con mệt quá…con…con… xin phép cha con về ạ.
– Khoan, đợi cha chút nào. – Cha xứ rút từ trong túi tấm ảnh nhỏ đưa cho anh – Cha tặng con cái này, chúc mừng Giáng Sinh con nhé.
Anh đứng sững như trời trồng. Hình ảnh những đêm Noel trước lại hiện ra trong anh chập chờn. Vẫn là cha với thói quen tặng ảnh trong đêm Noel. Những đêm Noel ở giáo xứ anh luôn là những ngày kỷ niệm đáng yêu. Anh như còn nghe thấy tiếng chúc mừng và cười nói vui vẻ của bạn bè anh thủa nào… Tiếng của vị Linh mục cất lên đưa anh về thực tại:
– Từ đây về nhà con còn xa không?
– Con không biết, đây là đâu vậy cha?
– Giáo xứ Thánh Tâm, con ạ. Con có ở xứ này không sao cha thấy quen quen ?
– Dạ không. Thôi, con về. Chào cha.
Vượng vừa đi ra tới cổng thì nghe tiếng gọi với theo:
– Này, anh ơi. Đợi tôi chút.
Vị linh mục đi như chạy đến chỗ anh, vội vàng nắm lấy tay anh kéo đi:
– Vào đây con, cha nhớ ra rồi. Con là thằng Vượng trong đội giúp lễ của cha hồi ở xứ Lộ Đức, đúng không?
– Không phải đâu cha, người giống người mà, chắc là cha lầm lẫn, cha cho phép con về kẻo khuya quá.
– Không sao, đàng nào thì cũng khuya rồi, nếu cần, cha sẽ cho con ngủ ở phòng khách, sáng mai con đi cũng không muộn.
– Cha không sợ bị mất trộm sao? Dân bụi đời như con không đáng tin đâu.
– Không sao, còn có Chúa mà con.
Không còn cách nào để từ chối, Vượng đành miễn cưỡng theo chân cha vào phòng khách. Không cần biết anh có nhận làm người quen của cha không, cha Lam cứ đều đều kể cho anh nghe chuyện của nhóm giúp lễ của giáo xứ anh, chuyện gia đình anh, ảnh hưởng của việc anh bỏ nhà ra đi… Nghe đến gia đình, anh buột miệng:
– Ba mẹ con có khoẻ mạnh không cha?
Chỉ chờ có thế, cha Lam mừng rỡ reo lên:
– Con đúng là thằng Vượng rồi. Cha làm sao mà lầm được. Con thay đổi nhiều quá. Ba má con không khoẻ đâu? Không lẽ cả mấy năm nay con không ghé về nhà một lần sao?
– Lúc trước con không dám về, con sợ cây gậy của ba con. Còn bây giờ thì có muốn con cũng không thể về được nữa, con bị nhiễm rồi cha ạ, đang ở giai đoạn cuối.
– Con nói gì? Con bị nhiễm gì? Đừng nói là con nhiễm HIV chứ. Cha vẫn nuôi hy vọng có một ngày nào đó tìm lại được con và thằng Hải. Hai đứa con là nỗi ân hận lớn nhất trong lòng cha, cha đã thiếu quan tâm để đến nỗi này, chúng con là những đứa lễ sinh cha tin tưởng nhất, vậy mà…
– Con không biết tại sao lại như vậy nữa. Con chỉ biết từ khi con bị nghiện con đã làm rất nhiều việc sai trái, thế rồi ba con đuổi con ra khỏi nhà, cha vội vàng đuổi con ra khỏi đội giúp lễ, ca đoàn kỷ luật con, không một ai tin con, không một người nào chứa chấp con, kể cả gia đình con. Ba con đã quá kỳ vọng về con nên ông không thể chấp nhận được một đứa con hư hỏng như con. Không ai cho con một con đường để quay trở lại, không ai cho con cơ hội để sống. Người ta gán ghép cho con cả những việc con không làm, con có làm tốt cũng không ai tin tưởng con. Tủi nhục và căm hận đã biến con thành một tay anh chị, con từng là đại ca của một băng nhóm cướp giật, thằng Hải hiền hơn con nhưng nó cũng phải ra đường để kiếm thuốc như con. Không biết bây giờ nó đi đâu. Nhiều lúc con cũng muốn về nhà nhưng có ai thương yêu, có ai tin con đâu mà về hả cha? – Vượng nói với tất cả sự đau đớn dồn nén trong lòng bấy lâu.
– Tại con không biết chứ mọi người đều thương con, có ai bỏ con đâu. Đánh phạt con là điều phải làm ngoài ý muốn thôi. Vượng à, con trở về nhà đi. Lúc trước có dịp về thăm gia đình con, cha thấy gia đình con thê thảm lắm. Ba mẹ con đã đi tìm con khắp nơi nhưng vô vọng, giờ vẫn cứ ngóng đợi con về. Má con đau nặng lắm, em gái con phải bỏ học để đi làm và chăm sóc má con. Còn cha, tuy cha đã đổi về xứ này nhưng cha vẫn luôn dò tìm con, bất cứ nơi nào có thể cha đều tìm tới nhưng vẫn không thể tìm được con.
– Cha ạ, con bây giờ mà về chỉ gây thêm đau khổ cho ba má con, thà rằng cứ để ba má con quên đi còn hơn nhìn thấy con vật vã vì lên cơn nghiện, rồi lại thấy con chết dần chết mòn vì căn bệnh quỷ quái này. Con không còn cơ hội để sống lâu nữa đâu. Cha cứ để mặc con, đối với con sống chết không còn quan trọng nữa. Xin lỗi cha, con rất tiếc, con đi đây.
– Đừng đi, con hãy ở lại đây, cha có thể giúp con mà.
– Cha cho con ở lại sẽ phải hối hận đó. Con vẫn còn nghiện, cai hoài không được, khi con đến cơn, con không còn biết cha là ai đâu. Hơn nữa, cha nên tránh xa con kẻo nhiễm bệnh đó. Ai cũng tránh con mà.
– Không sao, cha chấp nhận hết. Cha sẽ đưa con đi chữa bệnh. Cha tin con sẽ ổn thôi mà.
– Không được đâu cha. Con đã từng cai rồi lại nghiện, thà không cai còn dễ chịu hơn. Con hối hận nhiều lần lắm rồi cũng đâu vào đó, nếu được trở lại ngày xưa, con sẽ không bao giờ bước vào con đường không lối thoát này, nhưng bây giờ muộn rồi, cha sẽ không làm gì được cho con đâu. Vô ích thôi cha ạ. Cha có biết con bị nhiễm từ đâu không? Từ trường cai đấy. Con bị công an gom khi đang lên cơn nghiện. Vào trong đó, tụi con thèm thuốc, cả chục thằng mà chỉ giấu được có một cái kim tiêm, chẳng biết lây từ đứa nào, đứa nào cũng bị nhiễm, có đứa chết queo rồi. Thà như vậy mà sướng.
– Con đừng quá bi quan như thế. Bất cứ việc gì cũng có thể giải quyết được, chỉ cần có giải pháp thôi. Con cứ tin tưởng vào Chúa, Ngài có cách mà. Cũng như cha đã từng tin rằng sẽ có ngày gặp lại con và cha đã gặp thật.
– Cha đừng hy vọng kẻo thất vọng thêm. Khi con người ta gặp quá nhiều thất vọng thì hy vọng cũng không ích gì, con đã từng hy vọng rồi cũng thế, cha đừng uổng công phí sức.
– Con cứ thử một lần nữa xem sao, ít nhất con cũng có những ngày tháng thanh thản, cha sẽ nâng đỡ con.
– Sao cha nói nhiều quá, con không ở lại đâu. Con phục các cha lắm, các cha không ăn chơi như con, các cha không nghiện ngập như con, có lỗi lầm gì, các cha còn hối cải được vì các cha còn có sự nể phục, còn có người thương mến, quý trọng. Lạc thú đối với cha chẳng là gì, nhưng với con thì khác. Bây giờ con mất hết rồi, chẳng còn gì để lưu luyến hối tiếc. Thôi, cha ngủ đi, con đi đây.
Không khuyên được Vượng nên cha Lam đành để anh ra đi. Bóng anh vừa khuất, cha đóng cửa đi theo anh. Vượng lảo đảo đi như người say. Những lời nói của cha vẫn vang vang bên tai anh. Không chịu nổi nữa, anh ngồi bệt xuống đất, nức nở khóc như một đứa trẻ. Ngay chính anh cũng không thể ngờ mình lại có thể tuột dốc nhanh và thê thảm đến như vậy. Đâu rồi một học sinh khôi ngô tuấn tú? Đâu rồi đứa con trai duy nhất của dòng họ Nguyễn Lê? Đâu rồi một thành viên tích cực của giáo xứ ? Đâu rồi niềm hy vọng tràn trề của ba má?… những câu hỏi cứ xoáy vào lòng anh. Đau buốt. Chỉ vì chút sĩ diện trước lời khích bác của bạn xấu mà anh đã sa đà không phanh như thế này. Giá mà đừng có đêm Noel hôm ấy, giá mà anh đừng hoàn thiện quá để người khác còn e dè mà bảo vệ cho anh đừng rơi vào mê hồn trận của nàng tiên nâu, giá mà ba anh đã không đuổi anh ra khỏi nhà khi biết anh rơi vào nghiện ngập. Giá mà… Những lúc tỉnh táo, anh trở về đứng xa xa nhìn vào căn nhà của gia đình anh mà lòng ngổn ngang bao điều, anh cũng muốn trở về lắm chứ, nhưng ai sẽ đón nhận anh? Gần 10 năm lưu lạc trong chốn giang hồ, anh đã nếm đủ mùi đời. Lúc đầu, cuộc sống trước mắt anh cứ như nàng tiên có đôi môi hồng quyến rũ, nhưng khi anh đặt môi hôn rồi mới chợt nhận ra dưới đôi môi đó là hàng răng nanh lởm chởm, là làn hơi thở hôi hám tởm lợm, là cái lưỡi dài thoòng đen đủi… Anh cứ ngỡ rằng mọi người đã bỏ rơi anh, anh không còn niềm tin để hy vọng. Giá mà anh biết mọi người vẫn thương anh sớm hơn một chút, có lẽ kết cục đời anh không bi thảm như hôm nay.
…
Cha Lam đứng lặng nhìn anh khóc mà lòng đau như cắt. Đã gần 10 năm trôi qua, hình ảnh của một cậu bé giúp lễ đẹp như thiên thần, một thanh niên đầy triển vọng lại trở nên hư hỏng ngay trong vòng tay của cha đã làm cha day dứt khôn nguôi. Cha đau với nỗi đau của người mục tử không chu toàn bổn phận đối với đàn chiên của mình, chiên của cha đã trở nên yếu đau què quặt, nó đang giãy chết trước mắt cha mà cha bất lực không làm gì được. Không chỉ có một con chiên mà càng ngày càng có nhiều con chiên bỏ đàn ra đi để rồi lâm vào cảnh cùng đường như thế này. Cha ngước mắt nhìn trời, kêu tên Chúa Giêsu với tất cả niềm hy vọng rồi bước đến bên Vượng, khẽ đặt tay lên vai anh. Vượng ngước nhìn lên, nhận ra cha, anh oà lên nức nở. Anh khóc như chưa từng được khóc. Cha Lam vẫn im lặng chân thành siết chặt tay anh. Khi nước mắt đã vơi, giải tỏa hết bao uẩn ức trong lòng anh, Vượng mới mở lời:
-Thưa cha, con muốn xưng tội. Từ lúc bỏ đi đến giờ con chưa vào toà giải tội. Con nhiều tội lắm, con không biết phải bắt đầu từ đâu nữa. Con sợ, con… con…
– Không sao, cha sẽ giúp con. Chúng ta bắt đầu nhé!
Xưng tội xong Vượng cảm thấy thật bình an. Được làm một con người bình thường thật là hạnh phúc! Lần đầu tiên trong đời anh cảm thấy sự sống thật cao quý. Vậy mà anh đang đánh mất sự cao quý này chỉ vì một lý do không đâu. Bây giờ mọi sự hối tiếc đều đã muộn màng, anh không thể kéo dài sự sống được nữa… Như có một lực đẩy, anh quỳ gối giơ cao tay đọc lời thề với Chúa, anh thấy Chúa thương anh thật nhiều, Chúa đã tha thứ cho anh, anh không muốn làm cho Chúa buồn nữa. Anh sẽ cố gắng sống thật tốt trong những tháng ngày ngắn ngủi còn lại. Chưa bao giờ anh cảm thấy lòng thanh thản như lúc này.
Chuông giáo đường lại đổ vang. Vậy là một đêm đã trôi qua. Anh đã thức trắng đêm. Anh đã từng có những đêm trắng như thế, những đêm dài đồng loã với anh trong tội luỵ. Đêm nay, cũng là một đêm nhưng là một đêm tối của ăn năn sám hối, đêm của thứ tha. Anh tin vào ngày mai. Ngày mai trời sẽ lại sáng và anh sẽ được đón ngày mới với tư cách là một con người. Từ nay, anh sẽ được trở lại làm người, sẽ được sống và chết như một con người. Anh không còn mong gì hơn nữa.
Cha Lam đưa Vượng đến phòng khách, trao cho anh ly sữa và một bộ đồ còn mới của cha và dặn:
– Con ngủ một chút cho khoẻ. Cha đi dâng lễ đây. Hôm nay lễ Giáng Sinh. Chút về cha con mình nói chuyện tiếp nghen.
– Cha, con cám ơn cha thật nhiều. Cha đã dành trọn đêm cho con rồi, chắc là cha mệt nhiều lắm.
– Không đâu con, cha cảm thấy rất vui. Cám ơn con đã tặng cho cha một món quà thật ý nghĩa trong dịp Giáng Sinh này, con không thể hiểu cha đã vui đến thế nào đâu.
Vượng thật bất ngờ trước những lời của cha Lam, anh đâu có tặng cha cái gì, anh có gì đâu mà tặng cha chứ. Chợt nhớ ra, anh thò tay vào túi, đưa ra gói bột trắng:
– Cha, đây là số hàng còn lại, con muốn tặng cha thay cho lời cam kết: từ nay con sẽ cố gắng từ bỏ nó. Con sẽ làm lại từ đầu. Con sẽ lại sống như một con người và sẽ được chết như một con người. Cha hãy tin con. Nhất định phải tin con.
Cha Lam nắm chặt tay anh:
– Nhất định rồi, cha rất tin con. Cha tin con sẽ làm được mà.
Cha Lam vừa bước ra nhà thờ, lòng tràn ngập vui mừng vừa thầm thĩ với Chúa: “Con chiên của con, con chiên lạc đàn bị thương tích, cám ơn Chúa đã cho nó trở về. Tội lỗi của nó, cho dẫu chính con không thể ngờ nó có thể phạm những tội như thế nhưng con tin chắc rằng Chúa đã tha cho nó. Chúa ơi, cho đến bây giờ đầu đã hai thứ tóc con mới hiểu được tại sao Chúa luôn yêu thương và tha thứ. Chỉ có tình yêu và sự tha thứ mà thôi, mới đem lại sự hoán cải đích thực, phải không Chúa?”
Vượng cảm thấy mệt lả sau một đêm thức trắng, nhưng hôm nay là lễ Giáng Sinh, anh muốn đến với Chúa. Anh gượng đứng lên, thay bộ đồ đẹp của cha Lam mới cho rồi bước ra ghế đá nhà thờ. Anh không dám bước vào phía trong vì cảm nhận mình bất xứng. Ngồi ngoài hiên tuy trời se lạnh, nhưng tâm hồn anh cảm thấy thật ấm áp. Anh đã xưng tội và chút xíu nữa anh sẽ lại rước Chúa vào lòng. Cảm giác được Chúa tha thứ, được Chúa cứu độ, được Chúa yêu thương khiến anh bình an biết bao. Anh dâng lễ thật sốt sắng vì biết đây là lễ Giáng Sinh cuối cùng của anh và anh sẽ vĩnh viễn rời xa thế giới này vào một ngày không xa. Anh sẽ thanh thản chờ đợi ngày đó đến, anh sẽ trở về với Đấng Cứu Độ anh, Đấng đã vì anh mà giáng sinh trong hang đá cơ cùng…
Thánh lễ kết thúc, tiếng vỗ tay rôm rả, tiếng chúc mừng vang vang trong nhà Thờ. Anh cảm thấy niềm vui lan sang anh, rộn rã trào dâng trong lòng anh. Lâu lắm rồi anh mới tìm thấy niềm vui này, niềm vui của người tìm được kho tàng đã mất, anh đã tìm lại được niềm tin, tìm thấy được Chúa. Như vậy là anh đã mãn nguyện.
Những tia nắng đầu tiên đã xuyên qua tàn cây báo hiệu một ngày nắng đẹp. Vượng tiến về phía hang đá, anh ngắm gia đình Nazareth quây quần bên nhau với đầy xúc cảm. Anh nhớ ba mẹ, nhớ em gái quá đi thôi. Anh mong được trở về dù chỉ một lần cũng được. Anh đang tỏ bày ước nguyện cùng Chúa Hài Đồng thì Cha Lam cười tươi rạng rỡ tiến về phía anh :
– Con ở đây mà cha tìm mãi. Con vào ăn sáng rồi đi với cha nhé.
– Đi đâu cha? Con không muốn đi đâu hết cha à, à không, con chỉ muốn đi đến một nơi, là… là …
– Cha biết rồi, đó là nơi cha muốn con đi với cha. Cha sẽ đưa con đến đó, cha sẽ cùng đi với con.
– Cám ơn cha. Cám ơn món quà Giáng sinh tuyệt vời mà Chúa dành cho con qua cha.
– Cám ơn Chúa con ạ, con là món quà quý của cha trong dịp Giáng Sinh năm nay, và cha nghĩ con cũng là món quà ý nghĩa nhất dành cho gia đình con. Ba mẹ con nhất định sẽ rất bất ngờ, rất hạnh phúc khi gặp lại con. Vượng à, tất cả chúng ta đều vui vì tìm lại được con.
Vượng mỉm cười mà nước mắt lại tràn khóe mi. Anh ước chi “món quà” này có thể đem đến niềm vui nào đó cho gia đình anh trong dịp Noel này bởi đây sẽ là món quà cuối cùng anh trao tặng họ, món quà của đứa con hoang đàng sám hối trở về khi không còn cơ hội để làm lại cuộc đời. Anh tin ba mẹ anh đủ quảng đại để đón nhận và tha thứ cho anh.
Bên trong hang đá, hình như Chúa Hài Đồng cũng đang nheo mắt chia sẻ nỗi niềm với anh.
Sr. Xuân Bích