Trần Hạ ngồi sau chiếc xe Hon-đa loại ‘cùi bắp’ đời ‘81’ do một nam lưu sinh cầm lái chạy vùn vụt qua những làn xe đông người trên tuyến quốc lộ 1. Xe qua Cầu Sập, rồi rẽ vào con lộ nhỏ dẫn vào khu Công nghiệp chế xuất Hố Nai. Vào thời điểm vắng bóng người, lái xe tăng ga, gió lạnh vút qua mặt, một vài chiếc lá me bên đường lợi dụng rơi trên tóc, dán vào má. Trần Hạ phấn khích cất giọng hát nho nhỏ: “Em đi đâu hè, mà tóc đầy me?!” Nam sinh bớt tay ga, hai Dì cháu cùng cười sảng khoái…
Trần Hạ được phân công tác đến một cộng đoàn mà người ta thường ví là ‘Trại giáo dưỡng’. Bởi vì các thiếu niên nam sinh được gửi đến đây từ cấp I đến cấp II thường là những thành phần bất hảo hoặc về bản thân, hoặc về gia đình; về bản thân thì là những em học lực quá kém, cứng đầu, quậy phá… gia đình không thể giáo dục nổi; còn về gia đình thì thường là cha mẹ của các em đã ly thân hoặc ly hôn; vì vậy mà việc giáo dục các em thật không đơn giản.
Lưu xá nằm sâu trong vùng đất bạc nhạc nạc-mỡ nông trường và công trường. Dọc theo đường quốc lộ, bên ngoài là khu đô thị Hố Nai thuộc thành phố Biên Hòa, đi sâu vào trong khoảng hơn cây số về hướng nam: một bên là khu công nghiệp rộng lớn trùng điệp những công ty, xí nghiệp; một bên là vùng đất nông nghiệp rộng mênh mông canh tác cây lâu năm hoặc ngắn ngày; thỉnh thoảng lại xen vào một vài căn nhà của những người ở lại giữ đất; và chỗ lưu xá ở chính là giữa vùng đất rộng heo hút bóng người này.
Sau ngày đầu chào thăm các đồng nghiệp và soạn sửa hành lý, ổn định chỗ ở, Trần Hạ bắt đầu làm quen với công việc: Sáng sớm đi chợ mua thực phẩm cho Lưu xá, sau đó kèm cặp cho các Lưu sinh học tập, còn buổi chiều thì tha hồ chạy nhảy ngoài vườn điều.
Buổi chiều đầu tiên chạy ra vườn, lạo xạo lạo xạo chân dẫm lá vàng khô, Trần Hạ đang thích thú tự ví mình như “chú nai vàng ngơ ngác” của một bài thơ nào không nhớ rõ tên thì “bụp” – chân phải lọt thỏm xuống một hầm mối rỗng khiến toàn thân ngã chúi về phía trước. Đang loay hoay chống tay rút chân lên xuýt xoa thì đàng sau có âm thanh cười nhẹ:
– Hà hà, cô bé cẩn thận chứ! Không là sẽ sập bẫy dài dài đó. Chân có sao không, để tôi xem nào!
Trần Hạ tròn mắt nhìn người thanh niên lạ mặt:
– Hứ, chân tôi không sao, không cần quan tâm! Mà anh là ai vậy? Người lạ sao ở trong vườn nhà tôi, tính trộm điều phải không?
Thanh niên cười cười:
– Này, cô bé hỏi nhiều quá vậy sao tôi trả lời. Nhưng tôi không phải là người lạ, tôi là Phú Sơn, chủ của vùng đất này. Cô bé mới đến nên không biết tôi cũng dễ hiểu thôi… Ái chà, đừng có đứng lên mạnh bạo như thế kẻo ngã, có đi được không để tôi đưa về! Phú Sơn vội bước tới khi thấy Trần Hạ chợt đứng lên, Trần Hạ xua tay:
– Thật là không cần đâu, tôi có thể tự đi được. Dù sao cũng cám ơn anh. Anh đi trước đi, tôi muốn ngắm phong cảnh một chút.
Thấy vẻ mặt Trần Hạ như muốn tống khứ mình, Phú Sơn cười khổ:
– Vậy cô bé cứ thong thả ngắm cảnh nhé, tôi không phiền cô bé nữa, tôi đi đây. Tôi sẵn sàng giúp cô bất cứ khi nào có thể.
Phú Sơn đi rồi, Trần Hạ mới kiếm một khúc cây làm gậy chống, nhảy từng bước lò cò về nhà. Đồng nghiệp xúm quanh, người thì lấy nước rửa, người thì nắn chân, mang thuốc bóp xôn xao cả một góc nhà làm cho Trần Hạ cảm động đến rơi nước mắt. Chuyện Trần Hạ gặp Phú Sơn không làm cho ai ngạc nhiên; anh ấy luôn quan tâm đến mọi người ở nơi đây vì anh là ông chủ, đây là vùng đất của anh, nó là máu thịt anh, là chính con người của anh. Lần đầu tiên gặp anh ai cũng cảm thấy sợ như sợ sự cô quạnh hoang vắng và hiểm nguy của vùng này, nhưng rồi với thời gian, người ta sẽ hiểu và yêu mến anh rất nhiều, bởi vì anh là một ‘ông chủ rất tốt bụng và dễ mến’.
Cảm kích và cảm thấy được an ủi rất nhiều trước tấm lòng của mọi người, tuy nhiên cái chân đau làm cho Trần Hạ trằn trọc khó ngủ, phải khuya lắm Trần Hạ mới rơi vào giấc ngủ chập chờn. Trong mơ, Trần Hạ thấy khuôn mặt Phú Sơn sần sùi, ửng đỏ, lỗ rỗ như quãng đường đất đầy sống trâu, ổ gà dẫn vào khu lưu xá, rồi bỗng nhiên lại trở nên dịu dàng, cười cười nói: “Này, cô bé có sao không để tôi giúp cho.” …
Sau ba ngày được hoàn toàn nghỉ ngơi vì đau chân, Trần Hạ lại tiếp tục công việc của mình. Vị phụ trách ở đây rất có tấm lòng đại lượng và quan tâm các thành viên, nên Trần Hạ hoàn toàn vững dạ khi thi hành công tác. Ngày tháng qua, ‘ông chủ’ Phú Sơn không còn xa lạ với Trần Hạ nữa. Và trong chính nơi mà người ta gọi là vắng cả bóng “khỉ ho cò gáy” này mà Trần Hạ và Phú Sơn đã trở nên thân thiết. Mỗi buổi sáng thức dậy, Trần Hạ đã nhìn thấy Phú Sơn chỉnh tề như anh chưa bao giờ ngủ. Sau Kinh thần vụ, đi lễ ở nhà thờ cách đó khoảng hơn cây số, Phú Sơn cùng đồng hành, và bao giờ cũng thế khuôn mặt Phú Sơn vào buổi sớm rất nhẹ nhõm, dễ chịu, khác hẳn vẻ lầm lì, căng thẳng hay đỏ ửng nhễ nhại mồ hôi khi phải giải quyết hàng đống công việc vào những giờ cao điểm trong ngày. Trần Hạ cũng thích đi dạo cùng Phú Sơn vào những buổi xế chiều nắng vàng nhẹ nhàng hạ xuống trên những rừng chàm đang được gió ngàn mơn man lay động, hay chập tối sau cơm chiều, khi màn đêm vừa buông xuống và những vì sao đã điểm lác đác trên bầu trời trong như những viên kim cương kiêu sa đỏm dáng; vào những lúc này khuôn mặt Phú Sơn mang vẻ trầm mặc, dịu dàng, nhưng cũng đầy bí ẩn.
*****
Hè đến, thu đi rồi đông tới, thời gian như thoi đưa thấm thoát đã qua ba mùa. Mối tình với Phú Sơn lớn lên từng ngày trong tim Trần Hạ. Trần Hạ vui với niềm vui của Phú Sơn, cảm thấy xốn xang khi Phú Sơn có chuyện buồn, hân hoan khi Phú Sơn thành công và cũng u sầu não nề khi Phú Sơn thất bại…. Tuy nhiên, trong tất cả mọi cảnh huống ấy, nàng đều đem đến tâm sự với Thầy Giê-su nơi ngôi Nhà Tạm trong nguyện đường của Lưu xá. Bởi vì nàng biết rằng, thầy Giê-su, vị Tôn sư rất đáng yêu – người bạn tri âm, tri kỷ của nàng – người đã se duyên tình của nàng với Phú Sơn sẽ cho nàng những đáp án khôn ngoan cùng với sự yên bình sâu thẳm của trái tim… Một buổi tối cận kề Lễ Giáng Sinh, cả Lưu xá đã đi tham dự buổi canh thức và lễ vọng sinh nhật, bên ngọn đèn chầu, một mình Trần Hạ ngồi đối diện với thầy Giê-su cúi đầu, bên ngoài vẳng vẳng đâu đây những ca khúc giáng sinh đầy nét vui tươi “Giáng sinh về, giáng sinh về đêm giá băng. Chúa ra đời, Chúa ra đời trong hang lừa…” :
– Thế là Trần Hạ nhất định phải đi sao?
– Đúng thế cô bé ạ.
– Nhưng tại sao? Người biết Trần Hạ yêu Phú Sơn mà. Tại sao Người lại làm cái việc chia loan rẽ thúy ấy? Hơn nữa, Trần Hạ lại rất hợp với các Lưu sinh, các em cũng rất mến Trần Hạ. Công tác đang ổn định, tại sao Trần Hạ phải ra đi!?
– Vì không còn cách nào khác hơn. Hơn nữa, Trần Hạ nên biết, Trần Hạ đã có lời thề hứa nguyện sẽ phục vụ bất cứ nơi đâu cần đến và sẽ không để cho bất cứ tình cảm cá nhân nào có thể làm cho mình sao lãng sứ mệnh.
Trần Hạ vẫn tấm tức:
– Thế còn Phú Sơn thì sao?
– Đừng lo cô bé ạ, ta sẽ có cách. Thôi nào, đừng buồn cũng đừng khóc nhè làm gì, hãy mang Phú Sơn trong tim và nguyện cầu, như thế sẽ tốt hơn, và nếu có duyên thì sẽ gặp lại thôi.
Ngọn đèn cạnh ngôi Nhà Tạm lung linh, lắc lư theo làn gió nhẹ như muốn làm nhân chứng về một điều gì đó rất bí nhiệm. Trần Hạ vẫn cúi đầu, bờ vai khẽ rung theo tiếng nấc. Không biết thời gian qua đi bao lâu, thầy Giê-su vẫn bên cạnh, âu yếm truyền sinh lực cho Trần Hạ. Trần hạ ngước lên, cô bé đã hiểu, cô rất yêu quí Phú Sơn, nhưng cô phát hiện tình yêu cô dành cho thầy Giê-su còn lớn hơn rất nhiều. Chỉ nơi Thầy cô bé mới tìm được điểm tựa cuộc đời; chỉ nơi Người cô bé mới có niềm vui đích thực; chỉ nơi Người cô bé mới có được sự yên bình của tâm hồn. Trần Hạ có quyết định rồi – Trần Hạ sẽ rời Phú Sơn để đến miền đất khác, nơi có những con người đang mong chờ sự đồng hành và giúp đỡ của Trần Hạ. Phú Sơn sẽ trở thành kỷ niệm đẹp mà Trần Hạ nhớ tới trong lời nguyện cầu….Trần Hạ cảm thấy tâm hồn nhẹ nhõm, cô bé bước ra trước Hang đá của nguyện đường. một máng cỏ nhỏ nhoi với chút rơm, vài chú bò nằm hếch mõm ngắm Chúa Hài đồng. Đêm nay có biết bao con người vui say với rượu nồng và đèn hồng, nhưng cũng có biết bao con người còn đói rét co ro. Hình ảnh Hài Nhi Giê-su chập chờn và hòa quyện vào hình ảnh những em bé rách rưới lang thang, những con người bất hạnh cơ khổ đang mong chờ sự chia sẻ của một tình yêu hiến dâng vô vị lợi…
Rồi Nàng Chúa Đông cũng rửa đi khuôn mặt lạnh lẽo của mình để chào đón Nữ hoàng Mùa Xuân tưng bừng rực rỡ về. Những nụ mai e ấp nay bắt đầu bung nở, những bông hoa đầu tiên khoe những cánh vàng mượt mà như tơ lụa. Trong chính những ngày đầu năm này, Trần Hạ đã chính thức nhận được sứ mệnh công tác mới. Tập thể Lưu xá ngậm ngùi chia tay. Sau bữa tiệc điểm tâm nhẹ, một người bạn đồng hành với cô bé lên đường thi hành sứ vụ được giao….
Phú Sơn xiết nhẹ tay Trần Hạ và thầm thì:
– Cám ơn Trần Hạ rất nhiều!
– Anh cám ơn về điều gì?
– Cám ơn tình cảm Trần Hạ đã dành cho Phú Sơn, cám ơn vì niềm vui mà Phú Sơn cảm nhận được khi có Trần Hạ, cám ơn về sự cộng tác nhiệt tình của Trần Hạ trong việc phục vụ và giáo dục các Lưu sinh nơi đây…
– Thôi, thôi cho em xin, nói đúng ra, Trần Hạ Phải cám ơn mọi người và Phú Sơn rất nhiều, vì nhờ sự nâng đỡ của mọi người mà Trần Hạ đã trưởng thành hơn rất nhiều – Trần Hạ nhoẻn cười và rút tay về đưa lên ngực – “forget me not!”
Cô bé bước lên ngồi sau chiếc Hon-đa ‘cùi bắp’ đời ‘81’ – chiếc xe đã cùng đồng hành với Trần Hạ đến nơi này cũng như suốt thời gian công tác ở đây. Xe chuyển bánh, Trần Hạ vẫy tay: – Xin chào mọi người! Tạm biệt Phú Sơn, nhớ đến tôi trong lời cầu nhé. Rồi cô bé khe khẽ hát “Gia tài là chiếc bị người mang trên vai…” trong một niềm vui vô tư lự!
Ánh mặt trời đã lên cao dọi những tia nắng vàng rực rỡ như đón chào và khích lệ Trần Hạ tiếp tục lên đường thi hành sứ vụ với niềm vui thênh thang, tự do như cánh chim giữa bầu trời lộng gió…
Sr. Maria Chinh Anh