Không phải đang mang trách nhiệm đào tạo nên chứng bệnh nghề nghiệp trở thành nỗi ưu tư trăn trở, nhưng quả thực đào tạo là một vấn đề sống còn của Hội Dòng. Bởi lẽ đào tạo liên quan đến con người, đến những thế hệ tiếp nối linh đạo và truyền thống của Dòng. Việc đào tạo hay huấn luyện các tu sĩ ảnh hưởng hay mang tính quyết định đến việc canh tân các Hội Dòng[1]. Đầu ra – Nữ tu Đa Minh Tam Hiệp sẽ ra sao rất tùy thuộc nơi đầu vào là việc đào tạo. Hiến Pháp Chị Em đa Minh Việt Nam đã nhấn mạnh: “Việc canh tân, thích nghi các Hội Dòng tùy thuộc rất nhiều vào việc đào tạo tu sĩ” (HP. 76).
Canh tân và thích nghi là hai điểm nhắm trong các Tổng Hội của Dịng. Trước những thách đố, trào lưu do xu hướng khử thiên tục hóa ngày càng đa tạp như hiện nay thì việc đào tạo cần phải được bận tâm hơn nữa, nếu không muốn nói là phải được ưu tiên xem xét đặc biệt trong Tổng Hội – cơ quan quản trị và lập pháp cao nhất của Hội Dòng.
Nhưng đào tạo là gì?
I. Khái niệm
Danh từ đào tạo được cấu thành bởi hai từ Đào và Tạo. Việc đào tạo sẽ khiếm khuyết nếu thiếu một trong hai vế. Đào có nghĩa là đào lên những “kho tàng” đang chôn giấu nơi thụ huấn sinh, giúp họ chân nhận, ngộ ra và phát huy những kho tàng tốt của mình và vứt bỏ đi những gì không phù hợp với đời tu. Song song với việc Đào là việc Tạo. Tạo là giúp thụ huấn sinh hình thành những gì còn yếu và còn thiếu nơi họ theo bậc sống họ đang theo đuổi.
Khái niệm trên cho thấy việc đào tạo là một trách vụ với rất nhiều đòi hỏi không duy từ phía người đào tạo nhưng cả từ phía người được đào tạo. Chính vì thế, Bộ tu sĩ trong Văn kiện Huấn luyện các tu sĩ đã nhấn mạnh: “Chính cá nhân tu sĩ là người chịu trách nhiệm trước tiên của lời thưa “xin vâng” đáp lại tiếng Chúa kêu gọi họ, và chấp nhận mọi hậu quả của việc chấp nhận đó” [2]. Xét về phương diện đức tin, thụ huấn sinh phải trở nên như nắm đất trong tay Chúa và để Chúa như người thợ gốm nhào nắn họ (Gr 18,6). Nhưng xét về phương diện nhân bản, họ phải cộng tác với những người có trách nhiệm để tự đào tạo mình. Quả vậy, không ai có thể được đào tạo nếu họ không tự đào tạo mình. Một vận động viên hay ca sĩ có thể trở thành vô địch trên sân cỏ hay ngôi sao trên sân khấu phần lớn là nhờ những giờ khổ công tự tập luyện ngoài những lần thụ huấn từ huấn luyện viên hay thầy của mình. Tự huấn luyện mình là cách thế để xây dựng Hội dòng ý nghĩa nhất. Khi đề cập đến việc tự đào tạo là nói đến kỷ luật cá nhân mà sách Gương P húc gọi là “tập thắng mình”. Rất thường thắng một vạn quân dễ hơn thắng mình. Thánh Phaolô ý thức được điều này nên có lần ngài đã phải thốt lên: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19).
II. Bí quyết nghề đào tạo
Nếu bí quyết của nghề nông là “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì nghề đào tạo gắn với nguyên tắc “WHWW”.
1. Who? – Ai? Đây là câu hỏi đầu tiên người đào tạo cần trả lời. Muốn việc đào tạo đạt hiệu năng, người đào tạo phải xác định hay biết rõ đối tượng đào tạo. Câu hỏi cho vấn nạn tại sao nguyên tắc thứ nhất này quan trọng sẽ tìm thấy giải đáp qua nguyên tắc kế tiếp.
2. How? – Thế nào hay cách nào? Mỗi người là một huyền nhiệm rất cá vị, rất riêng tư. Việc đào tạo vì thế không thể là chuyện đồng bộ hay hàng loạt theo mẫu số chung, nhưng phải làm sao nhắm đến từng cá nhân. Tuy nhiên, như thế không có nghĩa là xem nhẹ hay tách rời khỏi nguồn gốc với những đặc nét chung của Dòng. Nói khác đi, việc đào tạo phải cùng lúc giúp thụ huấn sinh cắm rễ sâu nơi căn cội, nền tảng hình thành nên Dòng và hướng dẫn họ biết sống và đáp trả lời mời gọi từ trên cao theo những nét rất riêng của họ. Việc đào tạo vì thế có thể được ví như việc chăm cây cảnh. Mỗi thụ huấn sinh là một loài hoa hay loại cây đòi phải được trồng, chăm, vun, xới, tưới, cắt tỉa khác nhau. Chắc chắn trong những điều kiện khác nhau như thế, mỗi loại cây hay loại hoa với những hương sắc rất khác nhau. Chính sự khác biệt đó mới là và làm nên nét tuyệt của nghĩa Đa Minh.
3. What? – Cái gì? Việc đào tạo sẽ đi về đâu nếu chỉ đặt nặng đến hình thức mà không quan tâm đến nội dung. Nội dung đào tạo là yếu tố căn cốt quyết định thành quả hay hoa trái của việc đào tạo. Khi đề cập đến yếu tố này, Văn kiện về việc huấn luyện đã chỉ rõ: “Việc huấn luyện toàn diện con người gồm các chiều kích: thể lý, luân lý, trí thức và tâm linh”[3]
Trong bốn chiều kích này, chiều kích tâm linh phải được xếp ưu tiên hàng đầu, bởi mục đích của việc đào tạo không gì khác hơn là giúp thụ huấn sinh có kinh nghiệm về Thiên Chúa và làm triển nở kinh nghiệm ấy nơi cuộc sống của họ[4]. Ngoài ra, Văn kiện cũng đề cập tới nội dung khác của việc đào tạo, đó là khổ chế và phái tính. Việc đào tạo sẽ khiếm khuyết nếu không bao hàm hai nội dung này. Nhất nữa là trong một xã hội hiện nay, thụ huấn sinh cần phải biết yêu khổ chế và hiểu phái tính để có đủ sức đề kháng với những trào lưu đề cao hưởng thụ, tôn thờ tự do, cuốn theo thế tục.
4. When? – Khi nào? Một nguyên tắc nữa cũng rất cần phải lưu tâm, đó là thời điểm hay hạn định. Không như những lãnh vực khác, việc đào tạo đòi hỏi phải liên tục, trường kỳ. Mỗi giai đoạn đưa thụ huấn sinh lên một mức độ cao hơn của lời mời gọi trở nên hoàn thiện. Việc đào tạo có thể ví được như việc leo núi. Để có thể lên tới đỉnh núi, người leo núi không thể dừng lại hay lần xuống nhưng phải leo; dừng lại hay lần xuống là thụt lùi; leo lên là độc đạo.
Những nguyên tắc này xem ra khác biệt nhưng không tách rời. Trái lại, chúng có liên hệ hỗ tương với nhau. Để việc đào tạo đạt hiệu năng, bốn nguyên tắc trên cần phải được song thi. Tuy nhiên, việc đào tạo sẽ chỉ đúng nhưng chưa đủ nếu thiếu việc cầu nguyện. Vì thế, người đào tạo cần phải luôn khiêm tốn mặc lấy tâm tình của Phaolo: “Tôi trồng, Apolo tưới, còn Chúa cho mọc lên” (1Cr. 3, 6). Tuyệt vời biết bao nếu người đào tạo nói được như lời của một vị Giám mục đã khuất: “Lạy Chúa, con với Chúa đổi công. Con để giờ cầu nguyện và Chúa chăm sóc Giáo phận”. Nói khác đi, việc đào tạo tuy mưu sự tại nhân, nhưng thành sự tại thiên.
Sr. Sông Thu
[1] x. Theo Chúa Kitô – Những chỉ dẫn về việc huấn luyện – Văn kiện Potissimum institutioni, tr. 435
[2] x. Theo Chúa Kitô – Những chỉ dẫn về việc huấn luyện – Văn kiện Potissimum institutioni, tr. 455
[3] x. Theo Chúa Kitô – Những chỉ dẫn về việc huấn luyện – Văn kiện Potissimum institutioni, số 34, tr. 458
[4] x. Theo Chúa Kitô – Những chỉ dẫn về việc huấn luyện – Văn kiện Potissimum institutioni, số 35, tr. 458