Đức Giêsu và người phụ nữ ngoại tình

0

1. Bố cục: Bài Tin Mừng này có thể chia thành 3 đoạn như sau:

•cc. 1-3: Giới thiệu nơi xử và các nhân vật

• cc. 4-9: Kinh sư và người Pharisêu gài bẫy Đức Giêsu

– cc. 4-6a: Kinh sư và người Pharisêu tố cáo tội trạng của người phụ nữ để gài bẫy Đức Giêsu nhằm biến Ngài thành người tự cáo

– cc. 6b-9: Đức Giêsu tránh được cạm bẫy

• cc. 10-11: Chúa Giêsu tha thứ cho người phụ nữ

2. Tìm hiểu bản văn

a) Giới thiệu tòa án (cc. 1-3)

Đức Giêsu đang giảng dạy tại Đền Thờ trong tuần lễ cuối cùng của đời Người. Nhiều chi tiết cho biết như thế: Núi Ôliu, Đền Thờ, giảng dạy có uy quyền chung quanh Đền Thờ. Dân chúng vây quanh, lắng nghe Người. Thánh sử Gioan nói “toàn dân” để cho hiểu là lời rao giảng của Đức Giêsu gây một ảnh hưởng lớn trên người Do Thái.
Những câu này cho chúng ta biết gì về nơi diễn ra phiên tòa?

• Đền thờ: nơi diễn ra phiên tòa

• Nguyên cáo: kinh sư và người Pharisêu

• Bị cáo: phụ nữ ngoại tình

• Quan tòa: Chúa Giêsu

b) Cạm bẫy (cc. 4-6a)

Lần này, các kẻ thù của Đức Giêsu tưởng là cuối cùng họ đã có thể đưa Người vào bẫy để tiêu diệt Người. Họ không tranh luận với Người nữa, nhưng mang đến cho Người một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Vụ việc đã quá rõ: bà này có tội. Để xác định tội trạng, đã có những người có uy tín nhất trong xã hội, những người biết giải thích Luật, đó là các kinh sư và người Pharisêu. Các kinh sư là những chuyên viên về Luật, còn các Pharisêu là những người ra sức bảo vệ việc áp dụng Luật theo mặt chữ. Lề Luật tuyên bố minh nhiên: “Khi người đàn ông nào ngoại tình với đàn bà có chồng, ngoại tình với vợ người đồng loại, thì cả đàn ông ngoại tình lẫn đàn bà ngoại tình phải bị xử tử” (Lv 20,10; x. thêm Đnl 13,7-10; 17,2tt). Trường hợp ở đây thì quá rõ, vì đây là ca bắt quả tang. Thế nhưng chỉ có người phụ nữ ngoại tình bị dẫn đến trước Đức Giêsu, còn người đàn ông kia đâu? Phải chăng có sự không công bằng trong trường hợp này?

Các đối thủ của Đức Giêsu tận dụng tình thế này để gây khó khăn cho Người. Họ đưa người đàn bà ngoại tình đến và xin Người cho ý kiến: “Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà này. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”. Trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu phải làm gì? Có hai trường hợp có thể xảy ra và trong mỗi trường hợp sẽ kéo theo hệ quả:

• Hoặc là Người phải đồng thuận đi theo cách thực hành của các đối thủ, tức là yêu cầu ném đá người đàn bà tức khắc. Trong trường hợp này, Người cũng đồng thuận với lập trường của họ đối với những người tội lỗi, Người sẽ bị buộc phải phủ nhận cách xử sự của Người đó là lòng nhân từ và thế là Người sẽ bị lật mặt nạ ra như là vị thầy giả hiệu. Nói cách khác nếu theo luật Môsê thì giáo thuyết của Người về lòng nhân từ sẽ bị sụp đổ và danh tiếng của Người cũng bị tiêu tùng.

• Hoặc là Người không chấp nhận lối xử sự của họ. Trong trường hợp này, Người khinh thường Lề Luật, Người phủ nhận một khoản luật rất rõ ràng và cũng sẽ bị toàn dân coi là kẻ vị phạm Lề Luật. Nếu theo lòng nhân từ mà không áp dụng luật Môsê thì Người sẽ bị tố cáo là chống luật Môsê.

Đức Giêsu sẽ ứng xử thế nào trong hoàn cảnh có vẻ không lối thoát này?

c) Tránh được cạm bẫy (cc. 6b-9)

Chúa Giêsu tránh cạm bẫy như thế nào? Ngài làm thế nào mà kẻ chăng bẫy lại lọt bẫy của mình? Kẻ đi tố cáo người lại tự tố cáo mình? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xét hành vi và lời nói của Chúa Giêsu.

Hành vi: Thay vì trả lời cho những lời tố cáo người phụ nữ, Chúa Giêsu cúi xuống viết trên đất. Đây là lần đầu tiên Tin Mừng ghi lại Chúa Giêsu viết nhưng không nói Ngài đã viết gì. Người ta đã tìm đủ cách để đoán xem Chúa viết gì.

• Có người cho rằng Chúa chỉ nguệch ngoạc, không viết rõ chữ gì để tỏ thái độ không muốn dây mình vào việc xét xử ai.

• Có người cho rằng Chúa viết những lời than trách của ngôn sứ Giêrêmia về tội dân Do thái phản bội Chúa còn nặng tội gấp mấy người phụ nữ này.

• Có người cho rằng lần nhất Chúa viết số thứ tự của mười điều răn, lần hai Ngài viết các tội nặng của những kẻ đứng ra tố cáo về ngày giờ, nơi chỗ và lý do phạm tội với ai.

Nhưng tất cả chỉ là phỏng đoán mà thôi. Bản văn Tin Mừng đã cố ý không nói Chúa Giêsu viết gì cả. Cách giải thích hợp lý nhất, đó là cách Chúa tạo một khoảng thinh lặng chờ đợi để cho những kẻ tố cáo người phụ nữ này kịp suy nghĩ lại.

Lời nói: Đức Giêsu không trả lời câu hỏi của họ, nhưng lời Ngài nói ra làm cho họ ngạc nhiên đến choáng váng. Chúa không nói: “Đừng ném đá chị ta”, vì Ngài không muốn tỏ vẻ chống lại lề luật. Và Ngài cũng không nói: “Hãy ném đá chị ấy”, vì Ngài đến không phải để làm mất đi những gì Ngài đã tìm lại được, nhưng là để tìm kiếm những gì đã hư mất. Vì vậy Chúa nói với họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (c. 7). Chúa không phủ nhận tội của người đàn bà kia, cũng không phủ nhận luật Môsê, nhưng Chúa đưa ra một quan điểm mới: hãy tự xét xử mình trước khi xét xử người khác.

Các kinh sư và người Pharisêu đang dựa vào luật Môsê để xét xử người khác, thì Chúa bảo họ hãy dựa vào đó mà xét xử chính mình trước đã. Ngài yêu cầu họ hãy trở về với chính mình. Họ mưu toan bên ngoài nhưng họ lại không nhìn vào đáy lòng mình. Họ trông thấy người ta ngoại tình nhưng họ không nhìn vào chính mình, vì hễ ai chú ý xét mình, người ấy sẽ thấy mình là kẻ tội lỗi. Vậy hoặc là trả tự do cho người phụ nữ ấy, hoặc hãy cùng với bà ta chịu sự trừng phạt của lề luật đi. Đức Giêsu nhắc họ nhớ đến tội lỗi của họ, họ không thể xem mình như những kẻ vô phương trách cứ và không có tội, nhưng ngược lại, chính họ cũng cần chạy đến xin Thiên Chúa thương xót họ. Thế là xảy ra một kết quả: không một ai dám khẳng định là mình không có tội; không một ai dám cầm đá mà ném trước cả. Tất cả đã bỏ đi.

d) Đức Giêsu tha thứ cho người phụ nữ (cc. 10-11)

Khi Đức Giêsu ngẩng lên lần nữa, thì chỉ còn lại người phụ nữ đứng đó. Cho tới đây, Người chỉ quan tâm đến các kẻ tố cáo người phụ nữ; bây giờ Người ngỏ lời với bà. Hai câu hỏi của Người đã làm sáng tỏ hoàn cảnh mới này: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?” (c. 10). Tất cả mọi kẻ tố cáo đã bỏ đi, không ai kết án bà phải chịu ném đá. Người hỏi vì ngạc nhiên hay là có ý châm biếm? Có lẽ phải nói lời này vừa có ý minh giải hoàn cảnh vừa tạo sự yên tâm cho người phụ nữ, và như thế tương đương với câu: “Như vậy, họ đã bỏ rơi vụ này rồi”. Vì những người chứng và những người tố cáo đã bỏ đi, vụ việc đã hỏng rồi.

Đến đây Đức Giêsu mới lấy lập trường: chính Người cũng không kết án bà phải chịu ném đá, nhưng Người khuyến cáo: “Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (c. 11). Đức Giêsu không hề chuẩn nhận cho lối sống của người phụ nữ này hoặc giảm thiểu mức độ của lối sống đó. Những gì bà đã làm là tội lỗi, là những điều đi ngược lại thánh ý Thiên Chúa. Đức Giêsu mạnh mẽ khuyến khích bà tránh đi lối sống đó. Người tha thứ cho bà và chỉ cho bà thấy trách nhiệm mới của bà.

Suy thêm

1/ Điều gì đánh động bạn nhất trong trình thuật “chị phụ nữ ngoại tình”?

2/ Bài này mạc khải cho bạn về một Đức Giêsu như thế nào?

3/ Khi bạn làm một điều lỗi mà có một người đứng ra bênh vực bạn thì bạn cảm thấy như thế nào?

Tài liệu tham khảo

1/ Chú giải của Noel Quesson.

2/ Chú giải của Fiches Dominicales.

3/ “Chúa Nhật 5 Mùa Chay C. Chúa bênh vực tội nhân (Ga 8,1-11)”, Tin Mừng Chúa Nhật năm C, tr. 86-90.

Sr. Anna Hoàng Thị Kim Oanh

Comments are closed.

phone-icon