San bằng những khác biệt chính là sự bách hại văn hóa – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 21.11.2017

0

San bằng những khác biệt chính là sự bách hại văn hóa
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 21.11.2017

66

Một sự hiện đại hóa mà cố gắng san bằng những khác biệt, thì chẳng khác gì một sự bách hại văn hóa. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới cuộc Tử Đạo của Cụ Eleasar mà Bài Đọc I, tức bài trích sách Macabê (6,18-31) nói về. Cụ đã chết vì Cụ đã không muốn chối bỏ Lề Luật của Thiên Chúa dưới sự thống trị của vua Antiocho Epiphane. Trong khi phần đông dân chúng đã vứt bỏ truyền thống và niềm tin của mình dưới sự ảnh hưởng của tân lãnh chúa, thì Cụ Eleasar đã chọn con đường hy sinh bản thân để đưa ra một dấu chỉ cho một vương quốc mới, nhằm chống lại khuynh hướng xu thời. Những tập tục mới thường mang tính “hiện đại, nhưng lại ngoại giáo và thế tục” – Đức Thánh Cha giải thích. Dưới thời Antiocho, một cuộc thuộc địa hóa liên tục về mặt văn hóa và ý thức hệ đã diễn ra, mà cuộc thuộc địa hóa đó san bằng tất cả, và bất khoan dung đối với tất cả những gì gọi là khác biệt. Đức Thánh Cha nhấn mạnh:

Đó là con đường của những cuộc thuộc địa hóa về mặt văn hóa, nhưng chúng cũng sẽ kết thúc với việc bách hại nhắm vào các tín hữu. Chúng ta không cần phải nhìn đâu xa để thấy được những thí dụ về điều đó. Chúng ta hãy nghĩ tới những cuộc diệt chủng của thế kỷ vừa qua. Và đó cũng là những cuộc diệt chủng trong mối liên hệ đến vấn đề văn hóa, và ´mới`: ´Tất cả phải như nhau, và những ai không có dòng máu thuần chủng thì đều bị giết bỏ… Tất cả phải như nhau, không có chỗ cho sự khác biệt, không có chỗ cho những người khác, và cũng không có chỗ cho Thiên Chúa. Khi tận mắt chứng kiến những cuộc thuộc địa hóa về mặt văn hóa có nguồn gốc từ một ý thức hệ đồi bại ấy, thì chính Cụ Eleasar đã trở thành một cội rễ.”

Cụ Eleasar trở thành một cội rễ đối với dân của Cụ trong Đức Tin: Cụ hy sinh chính mình cho những người trẻ, “cụ trao hiến mạng sống mình vì Tình Yêu đối với Thiên Chúa và đối với Lề Luật” – Đức Thánh Cha quảng diễn. Cụ đã trở thành “cội rễ của tương lai”, trong khi những kẻ khác thì chạy theo “những cái mớ mẻ” của tân lãnh chúa. Không phải cái gì mới cũng đều xấu – Đức Thánh Cha đưa ra nhận định với cái nhìn hướng về Chúa Giê-su và Tin Mừng. Tuy nhiên, cần có khả năng biện phân để tách trấu ra khỏi gạo:

Người ta phải biết biện phân những điều mới mẻ. Điều mới mẻ này có đến từ Chúa, từ Thánh Thần, từ cội rễ của Thiên Chúa hay không, hay nó lại đến từ một nguồn gốc đồi bại? Trước đây thì người ta không dám giết những em bé, nhưng ngày nay thì đó là chuyện thường, chẳng có vấn đề gì – và đó là một sự mới mẻ đầy bệnh hoạn. Trước đây, những khác biệt là điều rõ ràng; điều gì Thiên Chúa đã sáng tạo nên thì người ta phải tôn trọng, nhưng ngày nay chúng ta đã chạy theo mốt thời thượng một chút rồi… ´Mọi điều không được quá khác biệt`… và sau đó người ta pha trộn thêm những điều khác.”

Trái lại, sự mới mẻ của Thiên Chúa thì không thể thương lượng – Đức Thánh Cha bổ sung.

Những cuộc thuộc địa hóa ý thức hệ và văn hóa chỉ nhìn xem hiện tại, chúng khước từ quá khứ và không nhìn về tương lai. Chúng sống trong khoảnh khắc, và không sống trong thời gian, vì thế chúng không thể hứa hẹn cho chúng ta bất cứ điều gì. Khi làm cho tất cả trở nên giống nhau với thái độ này, và hủy diệt những khác biệt, chúng đã phạm phải một trọng tội, đó là tội phỉ báng Thiên Chúa. Với bất cứ hình thức nào đi nữa thì một ý thức hệ như thế sẽ luôn phạm phải tội chống lại Thiên Chúa, chống lại Đấng Sáng Tạo, vì người ta muốn làm biến dạng công trình sáng tạo. Và để chống lại tội ác này thì có một phương dược: chứng tá, Tử Đạo.”

Giống như cụ Eleasar, người đã nghĩ về tương lai với sự hy sinh mạng sống của mình, đã nghĩ tới “di sản phát xuất từ chứng tá của mình”, Cụ muốn để lại di sản đó cho những thế hệ trẻ, và di sản đó chính là “một lời hứa có khả năng đơm bông kết trái”. Đức Thánh Cha đã mời gọi các tín hữu hãy nhìn gương Cụ già đó để thấy được hướng đi nhằm chống lại khuynh hướng “muốn làm mới tất cả” và muốn “xóa sạch tất cả mọi truyền thống, xóa sạch lịch sử và tôn giáo của một dân tộc”.

Theo de.rv 21.11.2017 pr

Lm. Đa-minh Thiệu

Comments are closed.

phone-icon