CÂU CHUYỆN
Mùa hè năm đó, một mùa hè trống vắng. Những buổi chiều đến và đi qua một cách u ám. Những đám mây đen từ đâu kéo về phủ kín đầy trời. Trời như thấp xuống, cảnh trí ảm đạm như buồn theo, như muốn chia sẻ niềm ưu tư, băn khoăn với một người đàn bà trẻ tuổi.
Loan, Người đàn bà đó, từ khi lớn lên cuộc đời đã chơi vơi. Sinh ra trong một gia đình đông anh chị em ở nông thôn. Cuộc sống trước sau thật bình dị. Quê của Loan là một xứ đạo, có ngôi Thánh đường cao vút, có vườn cây trái chin ngát hương thơm, ruộng đồng bao la thẳng cánh cò bay, những con đường mòn thân thiết, những dãy nhà thân yêu nối tiếp nhau nằm hiền hoà trong sương sớm nắng chiều. Mùa xuân, hoa mai nở vàng bên lối đi. Mùa thu, những cơn gió heo may từ phương xa về hiu hắt trên những thềm hè, hiu hắt trong sân.
Nông thôn mà Loan lớn lên như một loài thảo mộc vươn cao duới ánh nắng mặt trời, thánh thót tiếng chuông ngân những buôỉ bình minh, vang tiếng chim kêu gọi đàn trở về những buổi hoàng hôn. Nông thôn ấp ủ Loan đó là một quê hương, đối với Loan, hội đủ nét vẻ, hội đủ mầu sắc và sự vật. Cảnh trí quê hương đã là bức họa rộng lớn, khắc in trong tâm khảm Loan và hơn nưã quê hương lại còn vinh dự là một địa danh đã diễn ra trong cuộc chiến nổi tiếng. Quê huơng đó: Quê hương Bình Giả đơn thuần đó đã cho Loan bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu suy tư, để rồi một ngày trong tuổi thanh xuân. Loan đã rời bỏ quê hương, gia đình đi theo lẽ sống của một niềm tin yêu cao đẹp, từ bỏ tất cả, đem thân mình, nguyện đi vào con đường của tâm linh.
Tại quê hương Loan lớn lên như một loài mộc đặc biệt. Lớn lên trong âm vang cũa những hồi chuông thức tỉnh của nhà thờ, lớn lên trong những kinh cầu cuả những buổi tối, những buổi bình minh, lớn lên trong những lời giảng cứu rỗi. Lớn lên trong ánh nhìn tình người của hình ảnh Đức Mẹ nhân aí. Tất cả đó đã ấp ủ trái tim Loan, đã khơi dậy trong Loan một ý thức chọn lựa và một nhận thức về một lẽ sống thật người.
Ở nơi thôn xóm bình dị của quê hương Bình Giả, Loan càng lớn lên tâm hồn càng bình thản, trái tim càng trong trắng, bản tính càng ngây thơ. Ý thức chọn lựa đã hình thành trong Loan và từ lâu đã trở thành mộng ước duy nhất. Nàng không màng tới cuộc sống đời thường khác. Nàng muốn xa lánh hệ luỵ, nàng muốn thoát ra khỏi sự ích kỷ, những ham muốn thường tình và những ràng buộc nhỏ nhoi.
Một ngày của tuổi mộng mơ thời con gái, nở đẹp như một đóa hoa tươi thắm, Loan đã dứt bỏ tất cả để buớc vào Tu Viện. Trong những năm tháng sống lặng lẽ trong bốn bức tường phong kín của Tu Viện, tâm hồn Loan đã hơn bao giờ hết lắng xuống thanh thản, bắt đầu sự dấn thân cho một lẽ sống cao cả. Nàng trau dồi đức hạnh và niềm tin. Hơn bao giờ hết Loan cảm thấy hạnh phúc, một hạnh phúc ý nghĩa tuyệt vời. Trong niềm hạnh phúc này, nàng đã ý thức được trọn vẹn sự cao cả, thiêng liêng bao la vô cùng. Cũng trong niềm hạnh phúc mang ý nghiĩa dọn mình, hy sinh cho chân lý, cho mục đích tình thương, cho mục đích chia sẻ và cảm thông đến mọi người, nàng rất cảm kích đã tự thân vượt ra khỏi đựợc lẽ sống đời thường, gói trọn vị kỷ và những ước mơ nhỏ nhoi bản thân.
Tại Tu Viện, Loan không ngừng bồi đắp niềm tin, gây dựng tình thương, tự hào về ơn riêng cao cả, nàng thầm nguyện dâng hiến đời mình, hy sinh cho ý nghĩa đã chọn lựa về một tình yêu thương cao vời mà nàng cảm kích đã nhận biết được, mà hiện giờ đang như nở ra từng cánh hoa một của chân lý trong tâm tưởng nàng. Ở Tu Viện, nàng sống chan hòa với cảm giác thân thiết với mọi người cùng chung một con đường quên mình sống cho mọi người. Vì vậy, nàng đón nhận đời sống ở đây bằng tất cả sự tận tình và coi Tu Viện như mái ấm gia đình thân yêu.
Đến dịp nghỉ hè, nàng rời Tu Viện về thăm lại gia đình. Vốn là người đôn hậu, hơn nữa nay lại được tôi luyện trong Tu Viện nên tất cả thể hiện của nàng, đều đặn tình yêu thương. Đức tính quên bản thân mình, nghĩ đến niềm vui của mọi người đã sẵn có trong nàng từ khi là một người con gái ở trong ngưỡng cửa của gia đình, núp dưới bóng cha mẹ, anh chị em. Nay đức tính đó lại được phát huy nhờ sự hy sinh và sự hy sinh đó đã trở nên hiện thực trong mọi hành động lớn hay nhỏ.
Mỗi lần về thăm lại gia đình, nàng sống hòa mình thân thiết với mọi người. Giản dị trong chiếc áo bà ba, chiếc quần đen, tóc ngắn ngang vai, nàng vui vẻ làm bất cứ công việc gì, để hết cả tình chăm sóc những đứa em, hướng dẫn em út biết kính trên nhường duới, biết cảm thông và yêu thương mọi người, biết chia sẻ khổ đau và khốn khó với bất cứ ai. Nàng thực hành nghiêm chỉnh điều luật của nhà dòng, chia sẻ với các em về những kỷ niệm, những công việc, những khó khăn đã vượt qua và cả những phấn đấu từng giây từng phút để thắng bản thân, gạt bỏ lòng ích kỷ, dọn mình trong sáng thiện tâm để sẵn sàng hiến dâng đời mình cho chân lý.
Hình ảnh nàng, hình ảnh người chị hiền hoà, tấm lòng nhân từ với chan hòa tính bác ái đã in sâu đậm trong tâm hồn những đứa em. Hình ảnh chị mỗi lần tưởng nhớ tới như thấy tất cả vẻ đặc trưng êm ả của hình ảnh xóm làng thân thương. Hình ảnh chị và tất cả những gì thuộc về chị đã trở thành những dấu ấn, những kỷ niệm nằm tận sâu trong tiềm thức của các em. Hôm nay, ở bên bờ đại dương cách trở muôn trùng, người viết những giòng này, chính là đứa em nhỏ của chị ngày xưa kia, viết để tỏ lòng tiếc thương chị, viết để tỏ chút tình máu thịt thân thương.
Hỡi người chị đã quên đời mình bước vào Tu viện. Chí hướng của chị giữa đường dang dở…
Thời thế bỗng nhiên biến đổi. Một sự đảo lộn toàn khắp. Tu viện phải ngưng hoạt động. Chị phải ngậm ngùi trở về với gia đình.
Chị sống khắc khoải tình hình êm xuôi để được trở về với Tu Viện, nhưng sự chờ đợi này không biết kéo dài cho đến bao giờ. Một đời con gái sẽ đi qua rất nhanh. Tiếp tục cuộc tu hành, hoàn cảnh xã hội không cho phép. Vậy nên, gia đình chị, trước thực tế của đời sống, đã khuyên chị phải lập gia đình.
Chị xót xa từ bỏ ý nguyện sống cho tha nhân. Chị lấy chồng và sau một thời gian sống với đời thường, chị đã có bốn đứa con.
Trong suốt quãng đời này những sớm mưa vội, những chiều nắng muộn, thân phận người đàn bà với trái tim đơn thuần, với tâm hồn hiền long, với đức tính hy sinh, đã không hề có một niềm vui riêng, mà chỉ vui theo cái vui của chồng và con. Hành trang để đi vào cuộc đời của nàng là những điều cao quý hái được ở Tu viện, đó là phải luôn tự nâng cao tâm hồn của mình sống mỗi ngày tiến gần đến sự thánh thiện, vâng lời, mở rộng trái tim thương yêu và độ lựơng.
Trong gian đoạn khó khăn của sự đổi đời bất chợt, đảo lộn cả nếp sống bình thường, nàng đã cùng chồng phấn đấu liên tục và chính bản thân nàng đã không hề quản ngại, lao mình vào cuộc sống cho gia đình bé nhỏ, nhận lấy nhưng gian nan vất vả, nhận lấy cả những lo âu buồn thương. Tuy nhiên, nàng vẫn luôn giữ nụ cười để an ủi khích lệ chồng, để gây dựng sự an nhiên thanh thoát cho tâm hồn thơ dại của các con. Cũng bởi vậy, dù có những trở ngại trong đời sống, nàng thầm lặng nhận lấy, không than trách, không hờn giận, lặng lẽ với bổn phận làm vợ và làm mẹ.
Tháng năm lần hồi trôi đi, bổn phận cũng tiếp diễn không ngưng. Những gian khổ hôm qua vừa trang trải thì ngày tới những trở ngại lại tới. Suộc sống nhọc nhằn đầy những buồn lo lúc nào cũng như chờ đợi sẵn. Có những đêm dài thao thức, trăn trở, nàng muốn tìm một giấc ngủ an bình, để đựơc sống trong sự quên lãng, mà sự quên lãng này như một sự chùn bước, đầu hàng cuộc sống. Nhưng rồi nàng lại tự thức tỉnh vì nghĩ đến tương lai của các con. Nàng lại vùng lên tiếp tục nhận lãnh những khổ đau.
Cũng có những lúc khao khát một niềm vui riêng, sự nhàn hạ, rong chơi. Có những lúc ngao ngán cảnh đời thường. Có những lúc tâm hồn buồn bã, cô đơn, có những lúc trong lòng ngập đầy tâm sự không thể ngỏ, không chia sẻ cùng ai. Có những buổi chiều nơi thôn quê bình lặng, thẫn thờ nhìn phương xa tưởng đến một khung trời, một thế giới nào khác. Có những lúc đời thường lầm than đầy những bon chen, ích kỷ, đầy những ngộ nhận, nàng lại nuôí tiếc cuộc sống tu hành buộc phải dang dở. Tất cả buồn phiền nếu có, nếu đến để rồi cuối cùng đối diện với thực tại, nàng lại như con gà mẹ gạt bỏ hết những nỗi suy tư, đứng vội lên, đương đôi cánh, chống chọi với mọi cản trở trong đời, che chở cho các con tuổi đời còn non dại.
Cuộc sống tới tấp đến và đến, những gian truân cho người đàn bà hiền hậu, nhỏ bé đáng thương. Gian truân đã làm mờ đôi mắt, đã làm chùng đôi vai, đã làm tê dại cả đôi cánh tay. Người đàn bà đó, người mẹ hiền lương đó đã như con cá nhỏ vùng vẫy miệt mài trong ao hồ của sự cố gắng.
Cho đến một hôm nàng gặp phải cơn đau ngặt nghèo, cơn đau quằn quại thân thể nàng một cách khủng khiếp. Theo vài người chứng kiến kể lại thì buổi sáng nàng vẫn gánh lúa đi xay, chiều về ngã bịnh, một căn bịnh không có tên tuổi, không có căn nguyên, cũng một chiều…Buổi chiều này gió đã lặng, những ngọn cây xanh im lìm chứng kiến được cơn đau hành hạ thân xác nàng như muốn nói lời giã biệt lần cuối với nàng. Cơn đau đến làm thân xác quằn quại, tê tái. Đột nhiên, nàng gọi cả bốn đứa con lại gần, đôi mắt nàng dàn dụa lệ, như một điềm báo. Nàng cố đưa tay lên vuốt lại mái tóc, và vuốt nhẹ những đôi má hây hây thơ dại cả bốn đứa con. Đứa nhỏ nhất mới lên ba, nàng đau xót và linh cảm rằng nàng sắp rời xa con, xa chồng, hồn nàng lúc đó như vỡ ra từng mảnh. Nàng nhắm mắt ôm chặt bốn đứa con vào lòng trong lúc thân xác nàng vẫn đau quằn quại, nàng không muốn buông chúng ra. Lòng tan nát, nàng không nói được nên lời, rồi cuối cùng nàng cố gắng lắm mới thì thào trong cơn đau vỏn vẹn chỉ có một câu: “Mẹ không thể sống nổi…và không ở với các con được, mẹ sẽ đi bịnh viện và sẽ không về nữa”. Đứa con đầu mười bốn tuổi đã hiểu được câu nói của mẹ, nó bật khóc. Nó vội vàng đạp xe lên gọi mấy Dì và cậu nó đến để đưa mẹ đi bịnh viện, đứa thì chạy gọi ba còn làm trong rẫy về cùng đi với mẹ. Vào đến bịnh viện, cái bịnh tưởng không tên không tuổi được kịp thời cấp cứu, nhưng “chị tôi” lại quá bất hạnh gặp những bác sĩ, y tá dường như cũng không tên không tuổi và rồi chỉ vỏn vẹn một mũi chích nhẹ nhàng để “chị tôi” nằm nghỉ yên giấc.
Cuối cùng chị lớn yêu cầu chuyển đến bịnh viện “Chợ Rẫy”. Xe cứu thương vừa đến trước cổng bịnh viện chưa kịp nhập viện, hình như nàng hiểu được cơn bịnh và nàng đã không để mất thêm thì giờ nên nàng vĩnh biệt cuộc đời ngay trên chiếc xe cứu thương đang chờ đợi được nhập viện. Bà chị lớn và chồng nàng khóc lóc và lạy lục mãi tài xế mới chịu quay đầu xe mang cái xác không hồn của nàng trở lại căn nhà thân yêu đang có bốn đứa con chờ tin mẹ. Tài xế uống thêm ngụm càfe nóng và hít hà điếu thuốc sảng khoái trước khi ra giá với chồng nàng để mang nàng trở lại quê nhà. Nàng nhắm mắt xuôi tay không từ giã cuộc đời được một lời trăn trối. Ra đi êm đềm như giấc mơ, bỏ lại bốn đứa con khờ dại và người chồng đã cùng nàng chia sẻ những nỗi vui buồn trong cuộc đời.
Buổi chiều hôm đó, nơi quê hương khốn khó, mây trời một màu xám thật buồn, người đàn bà dịu dàng ấy như một bóng chim khuất vội dưới đèo…
Ngã rẽ cuộc đời ………..!
Hiệp, đứa con trai đầu lòng, lặng người cả giờ trước quan tài của mẹ, lòng Hiệp man mác. Mẹ ra đi để lại cho Hiệp, mới mười bốn tuổi đời, những nỗi lo âu, và những trách nhiệm đối với ba em nhỏ. Nước mắt Hiệp tuôn trào. Ngồi lặng lẽ bên mẹ, Hiệp quên hết tất cả, tất cả không có nghĩa gì đối với Hiệp lúc này. Bên mẹ, Hiệp không ngớt cầu nguyện cho mẹ được phần thưởng trong ơn Chúa. Giờ đây Hiệp đã thật sự mất mẹ, chỉ còn được thấy mẹ vài tiếng đồng hồ nữa là tiễn mẹ đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Đi theo linh cữu mẹ, Hiệp chỉ biết khóc để xóa bớt cơn đau. Hiệp muốn ôm chầm lấy quan tài, ôm hình hài mẹ. Hiệp lặng lẽ bước. Rồi mai đây Hiệp hiểu được cuộc sống sẽ triền miên lạc lõng, cuộc đời Hiệp sẽ tiếp nối những tháng ngày bơ vơ buồn thảm.
Sau những giọt lệ cuối cùng tuôn rơi từ giã mẹ, Hiệp lủi thuỉ theo mọi người ra về, Hiệp thấy cô đơn thật sự. Thế là không bao giờ nữa Hiệp tìm lại được không khí đầm ấm của những bữa cơm, những lần hồi hộp vui sướng khi mẹ đi chợ về, hình ảnh nụ cười của mẹ lúc vui, khuôn mặt trầm tư của mẹ lúc buồn. Rất nhiều đêm Hiệp nằm thấy mẹ và giật mình bàng hoàng. Hiệp và em sống khác nào con chim lạc đàn, mà tâm tư Hiệp ngay từ khi mất mẹ đã tràn đầy lo âu. Tuy được chiều chuộng của tất cả mọi người chung quanh, của ba, của ngoại và nội, Hiệp vẫn thấy thiếu vắng. Người mẹ đã cứu cánh không chỉ cho Hiệp và cho luôn cả ba đứa em mình. Nghĩ vậy Hiệp lặng người. Nỗi đau thương lại đến tràn ngập trong lòng khiến Hiệp oà khóc.
Nghĩ đến cuộc đời của mẹ, Hiệp buồn và đau xót. Xác thân mẹ đã nằm yên dưới mộ từ lâu, Hiệp vẫn sống với những chuỗi ngày dài thật trống vắng. Cô đơn của tuổi chưa lớn hẳn để hiểu đời nhưng Hiệp cũng đã cảm nhận và hiểu được nỗi cô đơn của cha, Hiệp xót thương ba. Nhưng Hiệp vẫn nhận chân thấy rõ rằng không thể có một hình bóng nào có thể thay thế mẹ được. Riêng ba, như thấu hiểu được sự mất mát to lớn của các con mình nên lặng lẽ đem tất cả tình thương yêu của một người cha, thể hiện để bù đắp sự côi cút tình mẹ của các con thơ.
Cuộc đời lắm lúc thật đắng cay, những đứa trẻ thơ, những tâm hồn ngây dại chưa đủ ý thức để thông cảm, chưa đủ khả năng để hiểu biết, chưa có nghị lực để nhận chịu đã phải chấp nhận những éo le, bất hạnh trong cuộc đời. Người mẹ đã nằm xuống nhưng linh hồn vất vưởng, thấp thoáng đâu đó trong không gian với nỗi đau, nỗi lo sợ của những đứa con yêu quý của mình, phần thịt da của thân xác mình để lại, không biết có được no ấm, yên vui không?…
***
Vùng thôn quê mờ bụi đỏ, nơi chúng ta đã sống bên nhau tháng năm thơ ấu. Và, bây giờ nơi đó, có nấm mồ của chị, thời gian qua đã mấy lần thay cỏ. Nắng Hạ nghiệt ngã, gió Thu héo hon, cỏ trên mộ không biết bao nhiêu ngọn đã vàng. Ở đây, những con đường em đã đi qua cũng có nắng có mưa. Nhưng những cơn mưa nước mắt dấu kín trong hồn mới là đáng nói, hơn cả những cơn mưa bão ngoài trời.
Trong bất cứ hoàn cảnh nào, mỗi khi tưởng nhớ đến chị, em lại khựng bước, khựng cả tâm trí, lòng đau, nghĩ đến các cháu, nghĩ đến anh, rồi em lại tự hỏi, hiện nay những người thân thương đó “ra sao”.
Chỉ hai tiếng đơn thuần “ra sao” nhưng đã dâng lên trong lòng em biết bao là buồn thương…Và chị yêu dấu, em cũng muốn hỏi chị rằng ở bên kia thế giới mà hiện chị đang ở đó, có một Tu Viện để chị tiếp tục con đường chị đã đi dang dở không?
……………………………………………………………………………………..
Phần thêm:
Hoàn cảnh và định mệnh đã quá khắt nghiệt với người chị xấu số của tôi. Chị ra đi quá đột ngột lúc chị mới 39 tuổi sau hai tháng phẫu thuật bướu độc ở cổ. Sau khi chị Loan mất rồi, thì những lá thư của chị dồn dập và những tiếng thở than, phiền muộn của chị đến với tôi như những cơn bão…Chị đã lặng lẽ dấu kín một đời với những niềm đau cho đến khi tưởng sẽ chia sẻ được với người em xa xứ…Ai ngờ những lá thư đến sau khi những ngọn cỏ trên phần mộ của chị đã xanh…
Một đời tôi vẫn giữ lại để được nói với linh cửu chị rằng:
Chi Loan! Em rất nhớ chị và sẽ làm theo ước nguyện của chị như chị đã nói trong thư vội …vã…
Uyên-Phương
(Năm 2012)