Ngôn Sứ luôn luôn là một người mang niềm hy vọng – Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô ngày 17.04.2018

0

Ngôn Sứ luôn luôn là một người mang niềm hy vọng
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô ngày 17.04.2018

Ngôn Sứ là một người có thể khóc về dân tộc mình mặc dù dân ấy không lắng nghe ông. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã giảng như thế trong Thánh Lễ vào sáng sớm thứ Ba vừa qua tại nguyện đường Thánh Mác-ta của Tòa Thánh Vatican.

Trong bài giảng của mình, Đức Thánh Cha đã đề cập tới Thánh Stêphanô, và nhấn mạnh rằng, Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta hãy trở thành các Ngôn Sứ để củng cố tư cách thuộc về Thiên Chúa của mình.

Thực ra Thánh Stêphanô không được biết đến với tư cách là một vị Ngôn Sứ, nhưng là một vị Tử Đạo. Ngài đã trách cứ dân tộc Ngài về việc không lắng nghe Chúa Thánh Thần, và vì thế Ngài đã bị điệu tới pháp đình. Dân có một “con tim khép kín” – Đức Thánh Cha nhận xét, và dựa vào Bài Đọc I, tức Bài trích sách Tông Đồ Công Vụ (Cv 7,51 -8,1a) Ngài đã trình bày về con đường đời của vị Thánh Tử Đạo này.

Thánh Stêphanô đã bị bách hại vì Ngài rao giảng chân lý – Đức Thánh Cha quả quyết:

Nhưng đối với Cha, điều gì là bằng chứng để nói rằng, Ngài là một Ngôn Sứ khi Ngài rao giảng về chân lý? Đó là việc vị Ngôn Sứ ấy có khả năng không chỉ nói nhưng cũng còn khóc về dân tộc của mình nữa, vì dân ấy quay lưng lại với chân lý. Một mặt, Chúa Giê-su đã lên án với những lời mạnh mẽ, chẳng hạn như thế hệ đồi bại và ngoại tình, nhưng mặt khác Ngài lại khóc về Giê-ru-sa-lem. Đó là bằng chứng. Một Ngôn Sứ đích thực là một người có thể khóc về dân tộc mình, và khi cần, cũng có thể nói với dân tộc ấy những lời chát chúa. Ông không phải là người hâm hâm dở dở, nhưng luôn luôn thẳng thắn.”

Vấn đề không chỉ là lên án, nhưng cũng còn mở ra cho niềm hy vọng nữa – Đức Thánh Cha giải thích tiếp. Vì một Ngôn Sứ đích thực sẽ không phải là người chỉ biết vẽ “lên tường những tên quỷ”, nhưng cũng còn là một người biết giới thiệu niềm hy vọng. Một vị Ngôn Sứ có ba sứ mạng – Đức Thánh Cha trình bày:

Mở ra những cánh cửa, chữa lành tận gốc rễ, và củng cố tư cách là thành viên của Dân Thiên Chúa để tiến về phía trước: Ngài không phải là người làm nghề phê bình, không, Ngài là một con người của niềm hy vọng. Ngài lên án khi cần, nhưng mở ra những cánh cửa để có thể thấy được đường chân trời của niềm hy vọng. Tuy nhiên, anh chị em hãy coi chừng: một Ngôn Sứ đích thực, nếu Ngài thi hành tốt sứ mạng của mình, sẽ tự gây rủi ro cho cuộc sống của Ngài.”

Giáo hội cần tới sứ vụ của các Ngôn Sứ. Thánh Stêphanô đã chết dưới sự quan sát của Sao-lê, vì vị Tử Đạo luôn liên kết với chân lý. Đức Thánh Cha đã trưng dẫn một vị Giáo Phụ: “Máu các Thánh Tử Đạo chính là hạt giống làm nẩy sinh các Ki-tô hữu.”

Giáo hội cần tới các Ngôn Sứ. Cha xin bổ sung thêm: Giáo hội mời gọi tất cả chúng ta hãy trở thành các Ngôn Sứ. Chúng ta không nên trở thành những nhà phê bình, đó là một điều khác. Đó là một vị quan tòa ưa chỉ trích, ông không hài lòng với bất cứ điều gì, và luôn nói rằng, cái này và cái kia đều không được. Đó không phải là Ngôn Sứ. Ngôn Sứ là một người cầu nguyện, nhìn ngắm Thiên Chúa, quan sát dân Người, và cảm thấy đau khổ khi dân mắc phải lỗi lầm, ông sẽ khóc – và ở trong tình trạng khóc về dân tộc mình; nhưng ông cũng ở trong tình trạng nói về chân lý.

Theo vaticannews.va – 17.04.2018, 12:26

Đa-minh Thiệu

Comments are closed.

phone-icon