WYD: Đức Thánh Cha Phanxicô cầu nguyện với các bạn trẻ tại Chặng đàng Thánh giá (Toàn văn)
‘Con đường Chúa Giê-su tiến lên đồi Can-vê là con đường của đau khổ và cô độc vẫn tiếp tục trong thời đại của chúng ta.’
26 tháng Một, 2019 01:07
Ngày 25 tháng Một năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxico cùng đi Chặng đàng Thánh giá với các bạn trẻ tại Ngày Giới trẻ Thế giới ở Panama. Dưới đây là văn bản (tiếng Anh) của Vatican cung cấp bài cầu nguyện của Đức Thánh Cha trong dịp này.
******
Lạy Chúa, người Cha giàu lòng thương xót, trong Coastal Beltway này, cùng với rất nhiều bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới, chúng con đã đồng hành với Chúa Con trên con đường Thập giá của Người: con đường Người muốn bước qua để cho chúng con thấy rằng Người yêu thương chúng con vô cùng và Người luôn chăm sóc cho đời sống của chúng con.
Con đường Chúa Giê-su tiến lên đồi Can-vê là con đường của đau khổ và cô độc vẫn tiếp tục trong thời đại của chúng ta. Người bước đi và gánh lấy đau khổ trên tất cả những khuôn mặt bị thương tổn vì sự kiêu ngạo và sự thờ ơ băng giá của xã hội chúng con đang phá hủy và bị phá hủy, đang làm ngơ và bị làm ngơ, bị mù trước sự đau khổ của những anh chị em của chúng con.
Lạy Chúa, chúng con cũng vậy, là những người bạn của Người, đã thỏa hiệp với sự hờ hững và thụ động. Rất thường khi chúng con lại thuận theo đám đông, và nó làm chúng con tê liệt. Thật khó khăn cho chúng con có thể nhìn thấy Người nơi những anh chị em đang đau khổ của chúng con. Chúng con đã ngoảnh mặt đi để không phải nhìn thấy; chúng con chìm đắm trong những tiếng ồn ào để không phải nghe thấy; chúng con đã che lấp miệng của mình để không phải cất lên tiếng kêu.
Cám dỗ luôn luôn như nhau. Chúng con thấy dễ dàng hơn và “đáng đồng tiền” để trở thành bạn bè trong những vinh quang và chiến thắng, trong sự thành công và ca tụng; chúng con thấy dễ dàng hơn để gần gũi với những con người nổi tiếng và thành đạt.
Thật dễ dàng cho chúng con rơi vào văn hóa ức hiếp, quấy rối, và hăm dọa.
Với Người thì không như vậy, lạy Chúa: trên thập giá, Người đồng hóa mình với tất cả những người đau khổ, với tất cả những người bị lãng quên.
Với Người thì không như vậy, lạy Chúa: vì Người muốn ôm lấy tất cả những người mà chúng con thường cho là không xứng đáng để được ôm, được âu yếm, được chúc phúc; hay còn tệ hơn thế, chúng con thậm chí không nhận thấy rằng họ rất cần điều đó.
Với Người thì không như vậy, lạy Chúa: trên thập giá, Người đồng hành với con đường thập giá của mọi người trẻ tuổi, của mọi hoàn cảnh, để biến nó thành con đường phục sinh.
Lạy Cha, ngày nay con đường thập giá của Con của Cha vẫn đang tiếp tục:
trong những tiếng khóc bị bóp nghẹt của những trẻ thơ không được chào đời và của nhiều trẻ thơ khác bị từ chối quyền có một tuổi thơ, có một gia đình, được học hành, hoặc được chơi đùa, ca hát và ước mơ …
trong những người phụ nữ bị ngược đãi, bị bóc lột và bị bỏ rơi, bị tước đoạt phẩm giá và bị đối xử như những món đồ vật;
trong đôi mắt trĩu buồn của những người trẻ nhìn thấy niềm hy vọng về tương lai của mình bị cướp mất vì thiếu học hành và việc làm đúng phẩm giá;
trong nỗi thống khổ của những khuôn mặt trẻ, những người bạn của chúng con, đã bị rơi vào bẫy của những kẻ bất nhân – trong đó có những người cho rằng họ đang phục vụ Người, lạy Chúa – những cái bẫy bóc lột, hoạt động tội phạm, và lạm dụng tình dục, cướp mất cuộc đời của họ.
Con đường thập giá của Con của Người vẫn còn tiếp tục trong tất cả những người trẻ và các gia đình bị vướng vào vòng xoáy tử thần do hậu quả của ma túy, rượu, mãi dâm và buôn người, đã bị cướp mất không những tương lai nhưng cả hiện tại của họ. Lạy Chúa, cũng như tấm áo của Người bị phân chia, phẩm giá của họ cũng bị phân chia và ngược đãi.
Con đường thập giá của Con của Người vẫn còn tiếp tục trong tất cả những người trẻ cúi mặt lầm lũi vì đã mất đi khả năng ước mơ, xây dựng và định hình cho tương lai của mình, và đã chọn cách “về hưu” trong sự buông xuôi hoặc tự thỏa mãn, một trong những loại mê dược được chọn dùng nhiều nhất trong thời đại của chúng ta.
Con đường đó vẫn tiếp tục trong nỗi đau câm lặng và đầy căm giận của những người vấp phải sự gạt bỏ, sự buồn phiền và khổ cực thay vì sự đoàn kết của một xã hội phồn vinh, và bị gạt bỏ trong cô đơn và bị xem như phải chịu trách nhiệm cho những căn bệnh của xã hội.
Con đường đó vẫn tiếp tục trong sự cô đơn tuyệt vọng của những người bị loại bỏ và những người già bị bỏ rơi.
Con đường đó vẫn tiếp tục trong những dân tộc bản địa nơi mà người khác đến cướp đoạt đất đai, nguồn cội, và văn hóa của họ, làm ngơ và làm câm lặng những tiếng nói thông thái vĩ đại họ mang đến.
Con đường thập giá của Con của Người vẫn còn tiếp tục trong tiếng kêu cầu tha thiết của mẹ trái đất, đã bị thương tổn nặng nề do sự ô nhiễm bầu trời, sự cằn cỗi của những cánh đồng, sự nhiễm bẩn những của dòng nước, bị giày xéo dưới chân bởi sự thiếu quan tâm chăm sóc và cơn đói của chủ nghĩa tiêu thụ bất chấp mọi lý lẽ.
Nó vẫn tiếp tục trong một xã hội đã đánh mất khả năng biết khóc thương và động lòng trước sự đau khổ.
Vâng, lạy Cha, Chúa Giê-su vẫn lê bước, vác thập giá và sự đau khổ của Người trên tất cả những khuôn mặt đó, trong khi một thế giới hờ hững đang chìm đắm trong thảm kịch của tính phù phiếm của nó.
Và lạy Chúa, chúng con phải làm gì?
Chúng con phải phản ứng như thế nào cho Chúa Giê-su khi người đau khổ, di tản, di cư nơi những khuôn mặt của rất nhiều bạn bè của chúng con, hoặc nơi tất cả những người xa lạ mà chúng con đã học cách như không nhìn thấy?
Và với chúng con, lạy Cha giàu lòng xót thương,
Chúng con có biết an ủi và đồng hành với Chúa, sự vô vọng và đau khổ nơi những người nghèo khó nhất và bị bỏ rơi trong anh chị em của chúng con không?
Chúng con có biết giúp vác đỡ sức nặng của thập giá, như Simon thành Cyrene, qua cách trở thành những người xây dựng hòa bình, những người xây dựng các cầu nối, trở nên một lớp men cho tình huynh đệ không?
Chúng con có biết đứng dưới chân thập giá như Mẹ Maria không?
Chúng ta hãy nhìn đến Mẹ Maria, người phụ nữ đầy nghị lực. Chúng ta hãy học cách đứng dưới chân thập giá từ nơi Mẹ với sự kiên tâm và can đảm như Mẹ, mà không lẩn tránh hoặc đánh lừa. Mẹ đồng hành với sự đau khổ của Con của Mẹ, là Con của Người; Mẹ hỗ trợ Người bằng ánh mắt nhìn của Mẹ và bảo vệ Người bằng tâm hồn của Mẹ. Mẹ chia sẻ sự đau khổ của Người, nhưng lại không để nó lấn át. Mẹ là một người phụ nữ đầy nghị lực, người đã cất lên lời “xin vâng,” người hỗ trợ và đồng hành, bảo vệ và ôm lấy. Mẹ là một người bảo vệ vĩ đại cho niềm hy vọng.
Chúng con cũng muốn trở thành một Giáo hội hỗ trợ và đồng hành, có khả năng thưa, “Này con đây!” trong cuộc sống và giữa những thập giá của tất cả những đức Ki-tô đang ở bên cạnh chúng con.
Từ Mẹ Maria, chúng con học cách nói lời “xin vâng” trước sự kiên nhẫn và bền bỉ của rất nhiều người mẹ, người cha, và những người ông người bà không bao giờ ngừng hỗ trợ và đồng hành với con cái và cháu chắt của họ trong sự khó khăn.
Từ Mẹ Maria, chúng con học cách nói lời “xin vâng” trước sự chịu đựng một cách gan lỳ và sáng tạo của những người dũng cảm luôn sẵn sàng bắt đầu trở lại trong những hoàn cảnh khi mọi việc dường như đã bị đánh mất, với nỗ lực tạo ra những không gian, những căn nhà, và những trung tâm chăm sóc để có thể trở thành một cánh tay vươn ra tới tất cả những người gặp khó khăn.
Nơi Mẹ Maria, chúng con học được sức mạnh để có thể nói “xin vâng” với những người đã từ chối không giữ im lặng khi đứng trước một văn hóa ngược đãi và lạm dụng, miệt thị và gây hấn, và những người làm việc để tạo ra những cơ hội và tạo ra môi trường an toàn và bảo vệ.
Nơi Mẹ Maria, chúng con học cách chào đón và đón nhận tất cả những người bị gạt bỏ, và bị buộc phải rời bỏ hoặc mất quê hương, mất nguồn cội, mất gia đình và công việc của họ.
Giống như Mẹ Maria, chúng con muốn trở nên một Giáo hội biết thúc đẩy một văn hóa chào đón, bảo vệ, thăng tiến và hội nhập; không phân giai cấp, bớt đi sự thỏa mãn trước những kết án vô nghĩa và vô trách nhiệm đối với mọi người nhập cư như là một sự nguy hiểm cho xã hội.
Từ nơi Mẹ chúng con học cách đứng dưới chân thập giá, không phải với tâm hồn khóa chặt, nhưng với tâm hồn có thể đồng hành, với tâm hồn dịu dàng và tận tụy, tâm hồn thể hiện lòng thương xót và đối xử người khác bằng sự tôn trọng, nhạy cảm, và thấu hiểu. Chúng con muốn trở nên một Giáo hội ghi nhớ, biết trân trọng và tôn trọng người lớn tuổi và trao cho họ vị trí đúng mực.
Như Mẹ Maria, chúng con muốn học biết ý nghĩa của “sự đứng vững.”
Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết đứng vững dưới chân thập giá, dưới chân của mọi thập giá. Đêm nay xin mở đôi mắt và tai của chúng con, và cứu chúng con thoát khỏi căn bệnh tê liệt và tình trạng mơ hồ, khỏi sự sợ hãi và tuyệt vọng. Xin dạy chúng con biết nói: Này con đứng nơi đây, cạnh bên Con của Người, cạnh bên Mẹ Maria và tất cả những người môn đệ được yêu luôn khát khao chào đón Vương quốc của Người trong tâm hồn của mình.
[00115-EN.01] [Văn bản chính: tiếng Tây Ban nha]
© Libreria Editrice Vatican
[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 27/1/2019]