Tìm kiếm ân sủng của Thiên Chúa trên hành trình đau buồn cá nhân của tôi.
Bởi: KATHY MASLOW
Phản ứng của chúng ta đối với sự mất mát có thể xác định (tính chất) chúng ta. Chúng ta có bám lấy niềm hy vọng ngay cả khi nó chỉ bằng một sợi chỉ mỏng manh, hay chúng ta rơi vào sự cám dỗ đến tuyệt vọng? Sự lựa chọn của chúng ta có thể mở ra hoặc đóng một cánh cửa trước ân sủng của Thiên Chúa.
Trải nghiệm đau buồn nhất đối với Mike, chồng tôi và tôi vào năm 2010 khi con trai mười sáu tuổi của chúng tôi, Alex, bị tai nạn xe hơi. Khi nhận được cuộc điện thoại, chúng tôi vội vã đến bệnh viện và chờ đợi. Sau đó, chúng tôi được thông báo rằng những người ứng cứu khẩn cấp gần như đành mất Alex tại nơi xảy ra vụ tai nạn. Họ đã làm việc anh hùng để cho Alex đủ ổn định hầu trực thăng có thể đưa cậu đến bệnh viện. Alex phải thở oxy và chúng tôi được thông báo rằng vết thương của cậu con trai chúng tôi quá lớn khiến cậu không thể sống sót. Sáu đứa con khác của chúng tôi đã có thể đến và gặp Alex tại bệnh viện trước khi gỡ bỏ ống thở bằng oxy. Đó là một trải nghiệm đau thương cho họ nhưng cho phép họ một cơ hội để nói lời tạm biệt.
Đau Buồn Như Một Gia Đình. Vài năm sau biến cố đau buồn cũng dần trôi qua. Trong một thời gian dài, Mike và tôi đã bị sốc. Chúng tôi đã cố gắng tìm ra ý nghĩa của một gia đình mà không có Alex. Những đứa con còn lại của chúng tôi vào độ từ bảy đến hai mươi tuổi và tất cả chúng tôi ai nấy đều đau buồn. Mike và tôi giúp các con vượt qua nỗi đau buồn trong khi chính chúng tôi cũng đang đau buồn. Một số ngày tôi chỉ cố gắng để làm điều đó trong năm phút tiếp theo.
Trong những năm đó, tôi đã biết ý nghĩa của việc sống trong giây phút hiện tại. Đó là nơi mà ân sủng của Thiên Chúa thể hiện. Đó không phải là quá khứ hay tương lai; đó là ngay bây giờ.
Nhiều ngày tôi chỉ cảm thấy muốn bỏ cuộc. Điều đó đã quá khó. Các con tôi đã phải chiến đấu và rất cần đến tôi, trong khi tôi có rất ít để cho đi. Tôi đã không có câu trả lời cho các con hoặc bản thân mình. Vào những lúc tôi lắng nghe một trong những đứa con của mình khi chúng phải giằng co chiến đấu, tôi đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, con không biết phải nói gì. Con không biết các con con cần nghe gì”. Khi các con tôi nói hoặc khóc xong, tôi đã tìm thấy những lời phải nói. Tôi biết đó không phải là lời của tôi mà là lời của Chúa Thánh Thần.
Lựa Chọn để Tin Tưởng. Vào những ngày tôi cảm thấy trống rỗng, buồn bã và sẵn sàng từ bỏ, tôi nghĩ đến môn đệ Simon Phêrô, người đã nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin” (Ga 6, 68-69). Nhiều môn đệ của Chúa Giêsu đã rời bỏ Người và Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ của mình rằng liệu họ cũng sẽ bỏ đi chăng. Những lời của Phêrô đã trở thành lời tôi nói trong đức tin.
Tôi vẫn sẽ bị cám dỗ để tuyệt vọng, nhưng tôi biết đó là một sự cám dỗ đẩy tôi rơi vào sự tự thương hại và để nỗi đau nuốt chửng lấy tôi. Tôi biết tôi đã không muốn chọn con đường đó. Vì thế, giống như Phêrô, tôi đã chọn Chúa. Đôi khi sự lựa chọn được thực hiện với một chút khó khăn. Nhưng tôi vẫn chọn. Và khi tôi cảm thấy mình không phải cho thêm một thứ gì đó cần thiết nữa, Thiên Chúa đã ban cho tôi sức mạnh.
Không Có Con Đường “Đúng Đắn”. Sẽ không bao giờ có Alex nữa. Cậu là một người độc đáo và không thể lặp lại. Thế giới của tôi nhỏ hơn bởi vì cậu không ở đây. Và điều đó đúng như vậy. Như Nicholas Wolterstorff đã viết trong bài ca ai oán về cái chết của chính đứa con trai mình: “Nếu con tôi đáng được yêu thương, thì cháu đáng để người ta đau buồn hơn. Đau buồn là bằng chứng hiện sinh cho giá trị của người thân yêu. Điều đó đáng để tuân theo”.
Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi đã hiểu về nỗi đau buồn rằng nó là duy nhất cho mỗi người và cho mỗi mất mát. Nhận biết điều này giải thoát chúng ta khỏi nỗi thương tiếc theo cách riêng của chúng ta. Tôi may mắn vì những người nâng đỡ tôi trong suốt hành trình đau buồn cho phép tôi đau buồn khi mất con trai mà không phán xét và kỳ vọng. Họ khóc với tôi, họ cười với tôi và không bao giờ có ai khiến tôi cảm thấy mình nên ở một chỗ khác. Tôi được tự do bày tỏ tất cả những cảm xúc mà người ta cảm thấy khi đau buồn. Tôi được tự do đặt câu hỏi và đấu tranh. Và nếu tôi nghi ngờ rằng ân sủng của Thiên Chúa đã tìm thấy tôi giữa lúc đau buồn, tôi chỉ cần nhớ nhiều anh chị em trong Chúa Kitô đã đồng hành cùng tôi trên hành trình đau buồn. Họ thực sự là chính thân thể của Chúa Kitô ở đây trên trần gian này.
Đau Buồn với Niềm Hy Vọng. Cho dẫu là một nỗi đau, nhưng đau buồn là một cơ hội để mở rộng bản thân hơn cho lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Tâm hồn tôi đã thay đổi vì nỗi đau buồn khi mất con trai. Tôi đã nhận ra rằng khi trái tim bạn tan vỡ, nó cũng có thể lớn lên. Khả năng yêu thương của tôi đã tăng lên, cũng như khả năng đồng hành cùng người khác của tôi thông qua những thử thách của riêng họ cũng gia tăng.
Đau buồn là một phần của cuộc sống, một phần của tình yêu. Nếu chúng ta dám yêu, chúng ta sẽ đau buồn. Tôi đã tự hỏi chính mình: “Một Kitô hữu đau buồn như thế nào?” Và câu trả lời tôi đã tìm thấy là “Chúng ta đau buồn với niềm hy vọng”.
Khoảng một năm sau khi Alex qua đời, chúng tôi có mặt ở đám tang cho đứa con trai mười lăm tuổi của một số người bạn. Trái tim tôi đau nhói cho họ vì tôi biết nỗi đau của họ. Tôi vẫn còn nhớ rõ ràng một phần của bài giảng. Vị linh mục nói rằng khi một người thân yêu qua đời, một mảnh trong chúng ta chết cùng với họ và bây giờ tồn tại trên thiên đàng. Khi chúng ta trải qua cuộc sống và trải nghiệm nhiều mất mát hơn, nhiều mảnh ghép của chúng ta có được chỗ đứng trên thiên đàng. Hình ảnh rất đẹp và rất đúng. Chúng ta càng đau buồn với niềm hy vọng trong sự phục sinh, bức màn giữa trời và đất càng trở nên mỏng hơn. Cuối cùng, việc lên thiên đàng sẽ là sự đoàn tụ của chính chúng ta với chính chúng ta cũng như với những người đã đi trước chúng ta.
Bây giờ, mỗi lần chúng ta hát bài Sanctus (Thánh, Thánh, Thánh…) trong thánh lễ, khi tiếng của chúng ta được kết hợp với các vị thánh và các thiên thần trên trời, tôi cảm thấy gần gũi với con trai mình. Tôi biết có nhiều nỗi đau buồn hơn sẽ đến. Nhiều người thân yêu sẽ chết. Tuy nhiên, mỗi mất mát cho tôi một cơ hội để mở rộng trái tim tôi thêm một chút cho tình yêu biến đổi của Thiên Chúa. Và tôi đã được biến đổi như một kết quả. Tôi đang trở nên con người đầy đủ hơn và sống trọn vẹn hơn trong Chúa Kitô.
Kathy và Mike Maslow sống bên ngoài Thành phố đôi ở Minnesota.
Như Kathy đã khám phá ra sau khi mất con trai, quá trình đau buồn tự nhiên là một hành trình khác nhau đối với mỗi người. Đó là một phần của những gì thúc đẩy Sue Erschen viết cuốn sách Tìm Kiếm Một Vị Thiên Chúa Yêu Thương Giữa Lúc Đau Buồn, một cuốn sách dành cho những người đau buồn và những người yêu thương họ. Là người điều hành một nhóm hỗ trợ và phục hồi đau buồn, Sue dựa vào những tấm gương của những người bình thường cũng như những vị thánh đối phó với nỗi đau buồn để viết cuốn sách đó. Cuốn sách của cô sẽ giúp độc giả cầu nguyện qua từng khía cạnh đau buồn và đến gần với Thiên Chúa trong những thời điểm khó khăn. Cách tiếp cận nhẹ nhàng của Sue là cả một nguồn lực thực tế và tinh thần cho những người đang kiến tạo hòa bình (bình an) sau một sự mất mát.
Tìm Kiếm Một Vị Thiên Chúa Yêu Thương Giữa Lúc Đau Buồn của Sue Erschen có sẵn từ The Word Among Us tại bookstore.wau.org và amazon.com.
Theo The Word Among Us [wau.org]
September Issue 2019
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương