Những gợi ý hữu ích, thực tế này sẽ chỉ cho bạn thấy cách làm thế nào.
Bởi: PATRICIA MITCHELL
Nếu bạn không chắc chắn phải bắt đầu thế nào, thì đây là một số điểm mấu chốt dành cho các bậc cha mẹ. Không có một cách đúng như ý muốn nhưng có rất nhiều cách! Cho dù bạn có tìm thấy thời gian lúc bận rộn hay tạo được thói quen cầu nguyện giờ đi ngủ hay không, thì cầu nguyện cùng với nhau có thể mang lại sự bình an, niềm hy vọng và đức tin lớn hơn trong suốt mùa lễ này.
“Gia đình” và “cầu nguyện” có liên quan với nhau. Sau hết, như Công đồng Vatican II đã dạy, các gia đình của chúng ta là “hội thánh tại gia”. Còn nơi nào tốt hơn cho con cái để học biết về vẻ đẹp của việc cầu nguyện và hoa trái của việc ấy hơn là trong chu trình cuộc sống và tình yêu gia đình của họ? Tuy nhiên, việc cầu nguyện gia đình có thể có khuynh hướng khô khan trong các gia đình bận rộn, kéo theo sự hạn chế đối với công việc và các hoạt động khác.
Nếu gia đình bạn chưa thiết lập một truyền thống cầu nguyện với nhau, thì Mùa Vọng là thời gian hoàn hảo để bắt đầu. Mùa Vọng mang lại cho chúng ta một sự phong phú về các truyền thống, như vòng hoa Mùa Vọng[1], lịch Mùa Vọng và hang đá Giáng Sinh, được dùng như những điểm quan trọng để cầu nguyện. Trong sự háo hức của mùa mua sắm này, việc cầu nguyện gia đình trong suốt Mùa Vọng sẽ giữ được ý nghĩa cho Giáng sinh từng có từ trước cho chúng ta và con cái chúng ta. Và một khi thói quen về việc cầu nguyện gia đình được thiết lập, chúng ta có thể dễ dàng hơn để tiếp tục việc cầu nguyện qua các mùa phụng vụ khác trong năm.
Nếu bạn đã cố gắng cầu nguyện như một gia đình nhưng không có hiệu quả, thì bạn có thể cần thử lại. Có rất nhiều sự cản trở mà chúng ta có thể kể ra một số như: thiếu thời gian, sự nhàm chán và sự phản kháng của các trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nhưng với sự kiên định và sáng tạo, các gia đình có thể tìm ra một cách chỉ cần ít thời gian mỗi tuần để tụ họp với nhau nhân danh Chúa Giêsu.
Tại Sao Phải Cầu Nguyện Cùng Với Nhau? “Cha mẹ là … sứ giả đầu tiên loan truyền Tin Mừng cho con cái của họ”, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết năm 1981 trong “Về Vai Trò của Các Gia Đình Kitô Giáo trong Thế Giới Hiện Đại” (Familiaris Consortio). Bằng cách cầu nguyện với con cái của mình, đọc Thánh Kinh cho con cái và giới thiệu các bí tích và Giáo Hội cho con cái, Đức Thánh Cha đã viết: cha mẹ trở thành “cha mẹ (theo nghĩa) trọn vẹn”, họ không chỉ thông trao sự sống thể xác nhưng còn cả sự sống của Thánh Thần cho con cái mình qua thập giá và và phục sinh của Chúa Giêsu (Familiaris Consortio 39).
Khi chúng ta cầu nguyện với con cái của mình, chúng ta giới thiệu cho các con ngôn ngữ của đức tin để ngôn ngữ đức tin ấy trở nên tự nhiên cho con cái hầu chúng chuyện trò với Chúa và với nhau. Bằng gương sáng và sự hướng dẫn của chúng ta, con cái chúng ta học cách ca ngợi Thiên Chúa, cách cám ơn Chúa, cách cầu xin sự tha thứ, cách cầu thay nguyện giúp cho những người khác và cách để cầu xin cho những nhu cầu của chính mình.
Việc cầu nguyện gia đình đều đặn cũng biểu lộ cho con cái của chúng ta thấy rằng là một Kitô hữu có nghĩa là Thiên Chúa ngự trị trong gia đình chúng ta không chỉ trong những ngày Chúa Nhật nhưng là mỗi ngày của cả năm. Là một Kitô hữu có nghĩa là sống trong sự hiệp thông mật thiết với Chúa và với nhau. Trong Tông huấn Familiaris Consortio, Đức Giáo hoàng đã viết: “Gia đình có sứ mạng ngày càng trở nên cái nó là, nghĩa là, một cộng đoàn của cuộc sống và tình yêu” (số 17). Cầu nguyện gia đình là một cách chúng ta có thể thực hiện và hoàn trọn sứ mạng đó. Để sống như một cộng đoàn của sự sống và tình yêu đòi hỏi phải có lòng trắc ẩn và lòng thương xót. Việc cầu nguyện cùng với nhau có thể mang lại sự bình an và sự hòa hợp khi chúng ta học cách tha thứ và cầu xin sự tha thứ, và mỗi gia đình cần ân sủng của Thiên Chúa để tha thứ cho nhau.
Tuy nhiên, phần lớn cha mẹ Công giáo không cần phải được thuyết phục về lợi ích của việc cầu nguyện gia đình. Vấn đề khó khăn là việc thực hiện nó! Những gợi ý dưới đây có thể hữu ích.
Tìm Thời Gian. Một câu nổi tiếng trong Sách Giảng Viên khẳng định: “Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi sự đều có thời” (Gv 3,1). Trong nhịp điệu của ngày, các buổi sáng, các buổi tối và các bữa ăn là những thời khắc tự nhiên để tạm ngừng và cầu nguyện cùng với nhau.
Một cơ hội tự nhiên cho việc cầu nguyện gia đình là ngay trước bữa ăn tối. Ngoài việc đọc với nhau lời “Cầu Nguyện trước Bữa Ăn”, thời gian này có thể là một cơ hội để cầu nguyện cho các bạn hữu và cho các thành viên trong gia đình bị ốm đau hay đau khổ và để tạ ơn Chúa về những phúc lành đã nhận trong suốt cả ngày sống. Một bà mẹ đã thử làm điều này phát biểu: “Việc đó (cầu nguyện) không mất nhiều thời gian, tuy nhiên, một số buổi tối thời gian cầu nguyện vắn của chúng tôi làm phát sinh cuộc trò chuyện trong suốt bữa ăn.
Nhiều gia đình cầu nguyện với con cái của họ trước khi đi ngủ, cầu nguyện cá nhân hoặc chung với nhau. Họ có thể bắt đầu bằng việc thắp sáng một ngọn nến hoặc hát một bài thánh ca, và sau đó tiếp tục đến việc cầu nguyện tự phát để tạ ơn hoặc cầu xin cho một gia đình và cho các bạn hữu. Một Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng và Kinh Vinh Danh có thể đọc để kết thúc giờ cầu nguyện. Trong một gia đình, Cha và Mẹ làm dấu thánh giá bằng nước phép trên trán của mỗi đứa con với những cái ôm, hôn trước khi cho chúng đi ngủ .
Khi lịch trình của công việc và trường học cho phép, các gia đình cũng có thể cố gắng cầu nguyện vào buổi sáng. Một gia đình mà con cái đã lớn có thể dùng Kinh Sáng của Phụng vụ các Giờ Kinh của Giáo hội, bởi vì bài tụng ca (thánh ca) và các đáp ca, giúp khuyến khích mọi người, ngay cả các các em thiếu niên không sẵn lòng cùng tham gia. Những giờ Kinh tối của Phụng vụ các Giờ Kinh cũng có thể được các gia đình dùng để cầu nguyện.
Tìm Mẫu Thức (Mô Hình để cầu nguyện). Một khi bạn đã tìm được một thời gian tốt để cầu nguyện, bạn sẽ cần phải thử nghiệm với mẫu thức. Cho dẫu bạn cầu nguyện một cách tự phát, hãy dùng Thánh Kinh, những lời cầu nguyện trang trọng hoặc kết hợp, bạn cầu nguyện theo cách nào miễn là các con bạn sẽ hiểu được.
Với các trẻ em, thách đố là việc giữ cho chúng biết chú ý và cư xử tương đối tốt. Đối với các trẻ em chưa đến tuổi đi học, việc đó có thể có nghĩa là hát bài hát ngợi khen và vỗ tay theo, hoặc tạ ơn Chúa vì một điều đặc biệt nào đó.
Tuy nhiên, những gì áp dụng cho một độ tuổi này sẽ không nhất thiết phải áp dụng cho một độ tuổi khác, vì thế chúng ta nên linh hoạt. Khi con cái lớn lên, các em có thể “tăng dần dần” từ những lời cầu nguyện trước khi đi ngủ đến những gì giống hơn với việc phục vụ giờ cầu nguyện buổi tối.
Nếu các em trước tuổi teen[2] hay ở độ tuổi teen[3] vẫn kháng cự, bạn hãy yêu cầu các em tham gia vào việc cầu nguyện bằng cách chọn một bài hát hoặc lời cầu nguyện để thưa lên. Tuy nhiên, nếu các em chọn không tham gia, thì đừng bắt buộc các em hoặc đừng bắt các em ở một chỗ, nơi các em cảm thấy mình phải “biểu diễn” (làm điều các em không muốn).
Đây thường là bước đầu tiên tích cực chỉ nhằm có các trẻ em hiện diện trong khi các lời cầu nguyện được cất lên, và điều đó có thể tác động đến các em nhiều hơn bạn nghĩ. Một người phụ nữ chia sẻ rằng: khi chị còn là một cô gái, mẹ và các dì của chị thường tụ họp với nhau để cầu nguyện Kinh Mân Côi. Tất cả họ đều cho con cái đi cùng, các em chơi trong phòng của mình trong khi các bà mẹ của các em cầu nguyện. Các trẻ em chưa bao giờ tham gia vào giờ cầu nguyện, nhưng người phụ nữ này lại thích nhớ về những ngày đó. Chị đã lớn lên với cảm giác bình an, an toàn và sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thời gian thực sự mà bạn dành cho việc cầu nguyện không cần dài. Một người cha của ba cậu bé, mười bốn, mười hai và mười tuổi nói rằng: Mười lăm phút cho việc cầu nguyện là được.
Để giữ cho các cậu bé khỏi nhàm chán, người cha ấy nói: “Chúng tôi kết hợp”. Sau khi cho nghe một bài hát tôn kính Chúa từ CD, họ có thể đọc một chương trong Thánh Kinh và thảo luận về ý nghĩa của chương đó và về cách áp dụng vào gia đình của họ. Hoặc, họ có thể cầu nguyện bằng một hoặc hai mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi, hoặc dùng một cuốn sách kinh mân côi phù hợp với Thánh Kinh. Họ thường kết thúc giờ cầu nguyện bằng những lời thỉnh cầu cho bạn hữu và các thành viên trong gia đình. Để tránh sự chia trí, thì cho đứa con nhỏ nhất (hai tuổi) xem video ở một phòng khác trong thời gian cầu nguyện này và em sẽ cầu nguyện với cha mẹ mình khi đi ngủ.
Cầu Nguyện Khi Bận Rộn. Ngay cả nếu việc xác định thời gian cầu nguyện gia đình dường như không ưu đãi bạn, thì bạn đừng bỏ cuộc! Bạn vẫn có thể tìm thấy những thời khắc để cầu nguyện như một gia đình. Hãy cầu nguyện trong xe hơi trên một chuyến đi hoặc trong khi đang bận rộn làm việc này việc kia. Hãy cầu nguyện với con của bạn khi cháu bị bệnh hoặc lúc cháu đang gặp thử thách. Hãy đi lễ cùng với nhau một ngày trong tuần. Nếu bạn không thể cùng nhau liên kết toàn thể gia đình với nhau, nếu người phối ngẫu của bạn không sẵn lòng tham gia, Thiên Chúa sẽ vẫn chúc lành cho lời cầu nguyện của bạn ngay cả khi chỉ có một hay hai đứa con hiện diện. (Chúa Giêsu đã khẳng định): “Ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20).
Trên hết mọi sự, hãy chịu đựng bất cứ cảm giác không thích đáng nào. Đời sống cầu nguyện của bạn có thể không được kiên định hoặc không nhất quán như bạn muốn, nhưng bạn vẫn có thể hướng dẫn gia đình bạn trong việc cầu nguyện, và bạn hãy thực hành bước đức tin đó để cầu nguyện với gia đình của bạn hầu củng cố nó. Khi bạn học cách cảm thấy thoải mái hơn để cầu nguyện một cách tự phát, con cái của bạn cũng sẽ làm như thế. Hãy dạy cho con cái của bạn một số lời cầu nguyện quý giá của Giáo Hội. Và hãy nhớ rằng mỗi bước bạn thực hiện – dù nhỏ bé – sẽ dẫn gia đình bạn đến gần với Chúa Giêsu hơn. Chúc mừng mùa Vọng!
Patricia Mitchell là biên tập viên nội dung cho tạp chí The Word Among Us.
Theo The Word Among Us [wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương
[1] Vòng hoa Mùa Vọng (Advent wreath): 4vòng lá, ở giữa có 4 cây nến được lần lượt thắp lên qua 4 tuần Mùa Vọng.
[2] Preteens: trước tuổi teen (trước độ tuổi 13, từ 9-12 tuổi).
[3] Teen: Tuổi teen (Từ 13-19 tuổi).