“Đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2)
Mỗi Thứ Tư Lễ Tro, chúng ta nghe những lời này từ thư của Thánh Phaolô. Những lời ấy mời chúng ta dành Mùa Chay để đón Chúa Giêsu vào trong cuộc sống của chúng ta.
Những lời ấy nói với chúng ta rằng Mùa Chay cho chúng ta một cơ hội đặc biệt để chúng ta lớn lên trong đức tin và để cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa cách đầy đủ hơn. Những lời ấy nói với chúng ta rằng Thiên Chúa sẽ tiếp tục ban thêm ân sủng cho chúng ta trong mùa Chay này, nếu chúng ta chấp nhận lời mời của Người.
Nhưng làm cách nào chúng ta có thể nhận lời mời của Thiên Chúa, nếu chúng ta không biết “ơn cứu độ” này là gì? Làm thế nào chúng ta có thể lớn lên trong đức tin và đào sâu thêm mối tương quan của chúng ta với Chúa nếu chúng ta không biết rõ những gì Người muốn làm trong cuộc đời của chúng ta? Trong một thế giới có quá nhiều triết lý và ý tưởng so sánh về Thiên Chúa dễ đưa đến nhầm lẫn. Hơn nữa, trong thế giới có xu hướng đặt Chúa vào cái hộp (khuôn khổ), chỉ dành cho Chúa những buổi sáng Chúa Nhật mà thôi. Điều này dễ hạ thấp kỳ vọng của chúng ta và giảm thiểu niềm tin về đến việc đi lễ và tuân giữ một lô các lề luật.
Nhưng mỗi Mùa Chay, Chúa Giêsu sẽ mang đến cho chúng ta nhiều điều hơn thế nữa. Năm này tới năm khác, Người ban cho chúng ta một mùa ân sủng dồi dào để tâm hồn chúng ta có thể được biến đổi cách sâu sắc hơn nữa và cuộc sống của chúng ta được làm canh tân cách trọn vẹn hơn. Bây giờ là thời gian! Không phải tháng tới hay năm tới hoặc sau khi chúng ta đã nghỉ việc về hưu. Ngay bây giờ, thời gian của ân sủng, đây là thời gian của chúng ta!
Như thế, để nhận lời mời này, chúng ta hãy (muốn) tập trung vào ơn cứu độ mà Chúa Giêsu đã chiến thắng cho chúng ta. Chúng ta hãy (muốn) xem xét đoạn văn này: “Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Chúng ta hãy (muốn) hỏi những lời này, những lời chuyển tải Tin Mừng cứu độ, có ý nghĩa gì đối với cuộc sống của chúng ta.
Tôi tin… Có lẽ không có bản tóm tắt nào về sứ điệp cứu độ ý nghĩa hơn là Kinh Tin Kính mà chúng ta tuyên đọc trong Thánh lễ mỗi Chúa Nhật. Kinh Tin Kính cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và là Cha của chúng ta. Kinh Tin Kính cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu là Con Một của Người, một Ngôi Vị của Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh Tin Kính nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã trở thành một con người như chúng ta, Người đã chết trên thập giá vì chúng ta và vì ơn cứu độ của chúng ta, Người đã sống lại từ cõi chết. Kinh Tin Kính nói với chúng ta rằng Chúa Giêsu đã sai Chúa Thánh Thần đến để cho chúng ta được chia sẻ vào trong sự sống thần linh của Người. Kinh Tin Kính cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội như một dấu hiệu phổ quát (toàn cầu) về quyền năng và sự hiện diện của Người. Và Kinh Tin Kính cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại vào cuối thời gian để đưa tất cả chúng ta tới sự sống đời đời.
Đây là tâm điểm của đức tin chúng ta, cốt lõi của sứ điệp ơn cứu độ. Đó là sứ điệp mà Tông đồ Phêrô đã rao giảng vào ngày Lễ Ngũ Tuần và là sứ điệp mà Phaolô đã rao truyền trong tất cả các hành trình truyền giáo của mình. Đó là sứ điệp của tất cả các tông đồ, một sứ điệp mà Giáo Hội đã bảo vệ và công bố trong hai ngàn năm qua. Đó là sứ điệp chứa đầy sự can đảm của các vị tử đạo đầu tiên, sứ điệp đã lôi kéo những người như Thánh Phanxicô Assisi và Catarina Siena đến một cuộc sống cầu nguyện, và sứ điệp đã thúc đẩy mẹ Têrêsa Calcutta và cha Gioan Boscô dấn thân vào một cuộc sống phục vụ yêu thương.
Bất kể chúng ta nhìn vào lịch sử của Giáo Hội từ điểm nào, chúng ta đều nhận thấy sức biến đổi tương tự đang hoạt động: tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúa Giêsu đã cứu chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta. Và nhờ niềm tin vào Người, chúng ta có thể sống một cuộc sống mới.
Hơn Cả Sự Tha Thứ. Khi chúng ta nghĩ về Tin Mừng, chúng ta gần như tự động nói rằng Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Đây là sự thật và là một sự thật tuyệt vời. Nhưng Chúa Giêsu đã làm nhiều hơn nữa chứ không chỉ giành được ơn tha thứ cho chúng ta. Hãy nghĩ về điều đó như thế này: Nếu bạn có một khoản nợ hàng triệu đô la và một người lạ đã đến và thanh toán hết, chắc chắn bạn sẽ rất biết ơn đối với người ấy – có khi bạn còn quá đỗi vui mừng! Cuộc sống của bạn sẽ thay đổi cách kinh ngạc, nhưng bạn sẽ vẫn là cùng một người như thế. Thậm chí bạn sẽ tiếp tục bước đi và lặp lại những việc làm tương tự với điều đã khiến cho bạn phiền muộn trước đó bởi vì trong bạn không hề có bất kỳ một sự thay đổi nào.
Chúa Giêsu đã chết vì tội lỗi của chúng ta. Người đã cứu chuộc chúng ta khỏi cái chết và giải thoát chúng ta khỏi sự phán xét mà chúng ta đáng phải chịu. Nhưng tuyệt vời và cao cả biết bao khi đó chỉ là một trong những gì Chúa Giêsu đã làm cho chúng ta trên thập giá. Chúa Giêsu đã đến không chỉ để cứu độ chúng ta khỏi tội lỗi của chúng ta nhưng còn đến để ban cho chúng ta cuộc sống mới. Nếu sứ mạng của Người chỉ giới hạn trong việc tha thứ tội lỗi cho chúng ta, Người đã không sai Thánh Thần vào tâm hồn chúng ta, và Người đã không ban cho chúng ta tất cả các bí tích và những giáo huấn của Giáo Hội. Chúa Giêsu đã đến không chỉ để tha thứ tội lỗi của chúng ta; Người đến để ban cho chúng ta cuộc sống mới. Người đến để làm cho chúng ta trở nên một thọ tạo mới!
Hãy Ở Lại trong Chúa Kitô. Khoảng năm trăm năm trước khi Chúa Giêsu đến, ngôn sứ Êdêkien đã cho chúng ta một bức tranh về công trình tuyệt vời mà Chúa Giêsu sẽ làm. Êdêkien nói rằng Thiên Chúa muốn tẩy sạch chúng ta để ban cho chúng ta một trái tim mới và đặt một tinh thần mới vào trong chúng ta. Ngôn sứ đã đi xa đến mức nói rằng Thiên Chúa muốn đặt Thần khí của Người vào trong chúng ta (x. Ed 36,26-27). Nói cách khác, Thiên Chúa muốn cứu chúng ta và ban cho chúng ta sự sống thần linh của chính Người.
Chính Chúa Giêsu đã nói về lời hứa tuyệt vời này khi Người nói với Nicôđêmô: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên” (Ga 3,7). Chúa Giêsu đã nói về điều đó cách rõ ràng hơn tại Bữa Tiệc Ly khi Người nói với các tông đồ: “Thầy là cây nho, anh em là cành” (Ga 15,5) và “hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở trong anh em” (Ga 15,4).
Bạn thấy gì khi bạn nhìn vào một cái gì đó giống như cây nho? Bạn thấy những chiếc lá, những cành nho, những nhánh rễ và thậm chí cả những trái nho. Nhưng chúng không tách biệt nhau. Những gì bạn thấy là những phần khác nhau của cùng một cây nho. Cũng vậy, Chúa Giêsu muốn chúng ta hiệp nhất với Người, nên một với Người, “trong Người”. Người muốn sức mạnh và sự sống của Người chảy tràn vào chúng ta giống như những cành trên cây nho nhận được sự sống của mình. Người muốn đổ đầy sự sống của Người vào chúng ta đến độ chúng ta biết rằng chúng ta được liên kết với Người ở mức độ sâu sắc và thân thiết.
Chúng Ta Có Thể Được “Thần Thánh Hóa”. Theo như các Giáo phụ của Giáo Hội đã đề cập, thì lời hứa được lấp đầy bởi sự sống của chính Chúa là trung tâm của sứ điệp Tin Mừng. Và không ai diễn tả lời hứa này cách rõ ràng và hùng hồn hơn là Thánh Athanasiô, một giám mục sống vào cuối thế kỷ thứ ba ở Alêxandria, nước Ai Cập. Trong luận án của mình, về Sự Nhập Thể (On the Incarnation), ngài đã viết những lời nổi tiếng này: “Thiên Chúa trở thành con người để con người có thể được làm Thiên Chúa” (54). Ngài tiếp tục giải thích rằng Thiên Chúa đã “thần thánh hóa” chúng ta bằng cách kết hợp chúng ta với Chúa Kitô trong Bí tích Rửa Tội. Giống như Chúa Giêsu đã mang lấy thân xác nhân loại của chúng ta, nên đó cũng là kế hoạch của Thiên Chúa là nhân loại chúng ta sẽ nhận lấy sự tương tự thánh thiêng của Chúa Giêsu. Dĩ nhiên, “sự thần thánh hóa” không có nghĩa là chúng ta trở thành những vị thần nam và thần nữ riêng lẻ hoặc chúng ta trở thành những đối tượng thờ lạy. Đúng hơn, điều đó có nghĩa là Thánh Thần của Thiên Chúa có thể biến đổi chúng ta nhiều đến mức chúng ta bắt đầu suy nghĩ và hành động để sống và yêu thương như Chúa Giêsu đã làm.
Theo Thánh Athanasiô, Ađam và Eva đã trải nghiệm sự kết hợp trực tiếp và mật thiết với Thiên Chúa trong Vườn Địa đàng. Ngày qua ngày, họ được cảm nghiệm những phúc lành của Thiên Chúa và được chia sẻ vào trong sự sống của Người. Và điều đó có nghĩa là dần dần họ ngày càng trở nên giống Chúa hơn.
Nhưng tất cả đã thay đổi khi ông bà nguyên tổ của chúng ta bất tuân phục Thiên Chúa và sa vào tội lỗi. Việc đánh mất đi trạng thái ân sủng nguyên thủy của mình đã làm tổn thương họ và tất cả chúng ta. Nhưng khi Chúa Giêsu chết trên thập giá, Người không chỉ tha thứ tội lỗi cho chúng ta; Người còn đưa chúng ta ra khỏi tình trạng chết chóc mà tội lỗi đã đặt chúng ta vào. “Người đã vừa loại bỏ cái chết khỏi chúng ta vừa đổi mới chúng ta” (On the Incarnation, 16).
Thánh Athanasiô cũng nói rằng việc thần thánh hóa là không thể nếu không có ân sủng và quyền năng của Thiên Chúa. “Không ai khác có thể hồi phục những gì đã bị hư hỏng đến mức không thể sửa chữa được, ngoại trừ chính Đấng Cứu Thế” (26). “Khi Chúa Giêsu mang bản tính con người, Người không chỉ hạ thấp chính mình để trở nên giống như chúng ta; Người còn nâng chúng ta lên để nên giống như Người” (49).
Bây giờ là thời gian. Mùa Chay thực sự là thời gian “thi ân” mà Thiên Chúa đã đặt ra để chúng ta đến gần với Chúa Giêsu và cảm nghiệm tình yêu và quyền năng của Người. Toàn bộ thời gian này là “ngày cứu độ” cho chúng ta (2 Cr 6,2). Thế nên, chúng ta hãy tận dụng thời gian này để nhận lấy ơn cứu độ đó. Chúng ta hãy chắc chắn rằng chúng ta sẽ loại bỏ tội lỗi của mình và cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Nhưng chúng ta cũng hãy bảo đảm rằng chúng ta đang theo đuổi lời hứa được thần thánh hóa. Chúng ta hãy dành thời gian để ngồi dưới chân Chúa Giêsu và xin Người chỉ cho chúng ta thấy cách Người “đã tiêu diệt thần chết và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh” (2 Tm 1,10).
Theo The Word Among Us [wau.org]
Personal Spirituality Resources
Chuyển ngữ: Sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương