Anh chị em thân mến,
1. Biến cố Ngày Thế Giới Truyền Giáo hàng năm sẽ được cử hành vào ngày 22 tháng mười năm 2000, thúc đẩy chúng ta tái ý thức về chiều kích truyền giáo của Giáo Hội và nhắc nhở chúng ta sự khẩn cấp của sứ mạng “đến với muôn dân”, sứ mạng này “liên quan tới tất cả các kitô hữu, tất cả các giáo phận, giáo xứ, các tổ chức và các hội đoàn của Giáo Hội” (RM số 2). Năm nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo càng phong phú về ý nghĩa dưới ánh sáng của Năm Toàn Xá, năm hồng phúc, sự cử hành ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban cho toàn thể nhân loại do tình yêu thương xót của Ngài. Kỷ niệm 2 ngàn năm ngày Chúa Giêsu sinh ra cũng có nghĩa là cử hành ngày khai sinh sứ mạng truyền giáo: Chúa Kitô là nhà truyền giáo đầu tiên và cao cả nhất của Chúa Cha. Ngài được sinh ra qua việc nhập thể của Ngôi Lời, sứ mạng ấy vẫn tiếp tục trong thời gian nhờ sự loan báo và làm chứng của Giáo Hội. Năm Thánh là thời kỳ thuận tiện, để toàn thể Giáo Hội dấn thân trong đà tiến truyền giáo mới nhờ Chúa Thánh Thần.
Vì thế, tôi đặc biệt tha thiết mời gọi tất cả những ai đã lãnh nhận bí tích rửa tội bởi vì, với lòng can đảm khiêm nhường, đáp lại lời mời gọi của Chúa và những nhu cầu của con người trong thời đại của chúng ta, những người nam người nữ hãy trở nên sứ giả của Tin Mừng. Tôi nghĩ tới các Giám mục, linh mục, các tu sĩ nam nữ và giáo dân; tôi nghĩ tới các giáo lý viên và các nhân viên mục vụ khác, thuộc các cấp độ khác nhau, làm cho sứ mạng “đến với muôn dân” trở thành lý do cho sự hiện hữu của mình, kiên trì cả khi gặp khó khăn lớn. Giáo Hội rất biết ơn sự cống hiến của họ vì đã bao lần, họ “gieo trong nước mắt…” (x. Tv 126,6). Chúng ta biết rằng sức mạnh và đau khổ của họ không trở nên vô hiệu, nhưng trái lại, chúng kết thành nắm men sẽ làm nảy sinh nơi tâm hồn của các tông đồ khác ước muốn dâng hiến cho sự cao quý của Tin Mừng. Nhân danh Giáo Hội tôi cám ơn và khích lệ họ kiên trì quảng đại: Thiên Chúa sẽ trả công bội hậu cho họ.
2. Tôi cũng nghĩ đến biết bao người có thể bắt đầu hoặc đào sâu sự dấn thân loan báo Tin Mừng Sự Sống. Qua những cách thức khác nhau, tất cả đều được mời gọi tiếp tục sứ mạng của Chúa Giêsu trong Giáo Hội. Đây là một tước hiệu vinh dự: người được sai đi kết hợp cách đặc biệt với con người của Chúa Kitô để thực hiện cùng một công việc của Ngài như Thầy chí thánh khẳng định: “Ai tin vào Thầy, thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm, người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14, 12). Tất cả được mời gọi cộng tác khởi đi từ hoàn cảnh cuộc sống của mình. Trong thời gian này, thời gian ân sủng và thương xót, tôi đặc biệt cảm thấy tất cả các lực lượng của Giáo Hội cần phải dấn thân cho công cuộc loan báo Tin Mừng mới và cho sứ mạng “đến với muôn dân”. Không một tín hữu nào, không một tổ chức nào của Giáo Hội có thể trốn tránh bổn phận tối cao là rao giảng Chúa Kitô cho mọi dân tộc (x. RM số 3). Không ai có thể cảm thấy được chuẩn chước khỏi sự cộng tác vào việc thi hành sứ mạng của Chúa Kitô đang tiếp tục trong Giáo Hội. Trái lại, lời mời gọi của Chúa Giêsu càng hiện thực hơn bao giờ hết: “Anh em hãy làm việc trong vườn nho của Thầy” (Mt 20,7).
3. Làm thế nào mà không đặc biệt nhắc đến ở đây, với lòng quí mến và xúc động sâu xa, các nhà thừa sai tử đạo vì đức tin, giống như Chúa Kitô, họ đã hiến dâng đời mình qua việc đổ máu? Họ đông vô số ngay cả trong thế kỷ XX, vào thời mà “Giáo Hội trở nên một Giáo Hội mới của các vị tử đạo” (x. Tông thư Ngàn Năm Thứ Ba đang đến, số 37). Đúng vậy, mầu nhiệm Thập giá luôn hiện diện trong đời sống kitô hữu. Tôi đã viết trong thông điệp Sứ Mạng Đấng Cứu Thế: “Như vẫn luôn xảy ra trong lịch sử Kitô giáo, các vị “tử đạo”, tức là các chứng nhân, thật là đông đảo và không thể thiếu trên con đường của Tin Mừng…” (RM số 45). Tôi nhớ lời của thánh Phaolô nói với tín hữu Philiphê : “Anh em đã được phúc chẳng những là tin vào Chúa Kitô, mà còn được chịu đau khổ vì Người” (Pl 1, 29). Chính thánh Tông đồ cũng khích lệ Timôthê, môn đệ của Ngài, chịu đau khổ mà không hổ thẹn, cùng với Người vì Tin Mừng, nhờ sức mạnh của Thiên Chúa (x. 1Tm 1, 8). Toàn bộ sứ mạng của Giáo Hội, đặc biệt là sứ mạng “đến với muôn dân” cần có các tông đồ sẵn sàng và kiên trì cho đến cùng, trung thành với sứ mạng đã lãnh nhận theo cùng một con đường Chúa Kitô đã đi, “con đường khó nghèo, vâng phục, phục vụ và hy sinh bản thân cho đến chết” (AG số 5). Ước gì các chứng nhân đức tin, những người chúng ta tưởng nhớ, trở thành gương mẫu và sự khích lệ cho tất cả các tín hữu, để việc công bố Chúa Kitô được coi là nghĩa vụ riêng của mỗi kitô hữu.
4. Trong nỗ lực ấy, người kitô hữu không lẻ loi. Quả thực không có sự tương ứng nào giữa sức lực phàm nhân và sự lớn lao của sứ mạng. Cảm nghiệm thông thường hơn và chân thực hơn là kinh nghiệm không thấy mình xứng đáng với bổn phận này. Nhưng cũng đúng, là vì “khả năng của chúng ta đến từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho chúng ta trở thành thừa tác viên thích hợp của Giao ước mới” (2 Cr 3, 5b-6a). Thiên Chúa không bỏ rơi những người Ngài mời gọi phục vụ Ngài. “Thầy đã được trao mọi quyền năng trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân… Này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 18-20). Sự hiện diện liên tục của Chúa trong Giáo Hội, đặc biệt trong Lời Chúa và các Bí Tích, là bảo đảm kết quả sứ mạng của Ngài. Ngày nay, sự hiện diện ấy được thể hiện qua những người nam và nữ đã cảm nghiệm ơn cứu độ trong chính sự mỏng dòn và yếu đuối của mình và làm chứng cho anh em, với ý thức rằng, tất cả chúng ta được mời gọi đạt tới cùng một cuộc sống viên mãn.
5. Như tôi đã nói, viễn cảnh của Năm Đại Xá mà chúng ta đang cử hành, cũng dẫn chúng ta tới một sự quyết tâm mạnh mẽ hơn trong việc truyền giáo “cho muôn dân”. Hai ngàn năm kể từ lúc khởi đầu công cuộc truyền giáo, vẫn còn nhiều miền rộng lớn về địa lý, văn hoá, con người và xã hội vẫn chưa biết Chúa Kitô và Tin Mừng của Ngài. Làm thế nào chúng ta không nghe được tiếng mời gọi phát xuất từ tình trạng này? Ai đã cảm nhận được niềm vui gặp gỡ Đức Kitô, người ấy không thể giữ trong lòng mình, nhưng phải toả lan niềm vui ấy. Cần đáp ứng lời mời gọi của Tin Mừng đang nổi lên từ các miền trên thế giới, cũng như lời mời gọi ấy đã đến với vị tông đồ Phaolô trong cuộc hành trình truyền giáo lần thứ hai của Ngài: “Xin hãy sang Macedonia và giúp chúng tôi!” (Cv 16, 9). Rao giảng Tin Mừng là một sự “trợ giúp” dành cho con người, vì Con Thiên Chúa đã nhập thể làm người để con người có thể làm được điều mà tự sức mình không thể làm được: đó là “tình bạn với Thiên Chúa, ơn thánh của Ngài, đời sống siêu nhiên, là điều duy nhất trong đó có thể thỏa mãn những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người… Giáo Hội khi rao giảng Chúa Giêsu thành Nazareth, là Thiên Chúa thật và là con người hoàn toàn, mở ra trước mỗi người viễn tượng được “thần hóa” và như thế trở thành con người trọn vẹn hơn. Đó là con đường duy nhất nhờ đó thế giới có thể khám phá ơn gọi cao cả của mình và thực hiện ơn gọi ấy trong ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện” (Tông sắc Mầu Nhiệm Nhập Thể, số 2).
Ngoài ra, chúng ta phải xác tín sâu xa rằng loan báo Tin Mừng cũng là việc phục vụ tốt đẹp cho nhân loại, xét vì nó giúp nhân loại thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng muốn liên kết tất cả mọi người với Ngài, biến họ thành một dân gồm những người được giải thoát khỏi mọi bất công náo động và khỏi những tâm tình liên đới chân thành.
6. Lúc này tôi muốn hướng nhìn về đông đảo những người giữ vai chính trong sứ mạng truyền giáo chuyên biệt “đến với muôn dân”: trước hết là các Giám mục và các cộng sự của Ngài là các linh mục, đồng thời nhớ đến hoạt động của các Cộng đoàn truyền giáo nam và nữ. Tôi cũng có một lời đặc biệt dành cho các giáo lý viên tại các xứ truyền giáo: họ là những người “xứng đáng, mang danh hiệu “giáo lý viên” cách đặc biệt…Giáo Hội sẽ không được xây dựng như ngày nay nếu không có họ” (Tông huấn Catechisi tradendae, số 66).
Sắc lệnh của Công đồng về hoạt động truyền giáo nói về các giáo lý viên như là “một đội ngũ đáng ca ngợi, đầy công lao trong việc truyền giáo cho muôn dân… Họ là những người thấm nhuần tinh thần tông đồ, đã vất vả rất nhiều để mang lại sự hỗ trợ đặc biệt và vô cùng cần thiết cho việc truyền bá đức tin và mở rộng Giáo Hội” (AG số 17). Đang khi làm việc với nỗ lực lớn lao và nhiệt thành truyền giáo, họ chắc chắn là nguồn hỗ trợ hiệu quả nhất cho các nhà truyền giáo trong nhiều công tác. Nhiều khi, vì thiếu các thừa tác viên, họ đảm nhận trách nhiệm trong các vùng rộng lớn, nơi họ theo dõi các cộng đoàn nhỏ, đóng vai trò linh hoạt trong việc cầu nguyện, cử hành phụng vụ Lời Chúa, giải thích giáo lý và tổ chức các hoạt động bác ái.
Nếu vai trò của các giáo lý viên quan trọng như thế, thì việc huấn luyện cho họ càng cần thiết hơn, nghĩa là họ cần được “chuẩn bị kỹ lưỡng về đạo lý và sư phạm, luôn canh tân về linh đạo và tông đồ” (RM số 74). Công việc của họ luôn cần thiết. Tôi mong rằng sự dấn thân của toàn thể Giáo Hội trong công tác này ngày càng được ý thức. Việc huấn luyện các giáo lý viên, cũng như tất cả các nhân viên thừa sai, là một ưu tiên mục vụ; có thể nói, đó là một “sự đầu tư nhân sự” vì chỉ có những nhà truyền giáo và những nhà đào tạo mới có thể cộng tác hiệu quả vào việc xây dựng Giáo Hội.
7. Môi trường làm việc rộng lớn và vẫn còn nhiều điều phải làm: đó là cần có sự cộng tác của mọi người. Thật vậy, không ai nghèo đến nỗi không thể cho đi cái gì. Trước hết, có thể tham gia vào việc truyền giáo bằng lời cầu nguyện, giờ kinh phụng vụ hoặc nơi kín đáo trong phòng riêng, bằng hy sinh, dâng cho Chúa những đau khổ của mình. Đó là sự cộng tác đầu tiên mà mỗi người có thể làm. Tiếp đến, điều quan trọng không thể tránh là đóng góp tài chánh, vốn là sự sống còn đối với nhiều Giáo Hội địa phương. Như mọi người đều biết, những gì lạc quyên được trong Ngày này, dưới trách nhiệm của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được sử dụng trọn vẹn cho những nhu cầu của công việc truyền giáo hoàn vũ. Trong dịp này, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn nhiệt liệt với Cơ quan Giáo Hội đáng khen này, từ năm 74 đến nay, từng quan tâm tổ chức Ngày Thế Giới Truyền Giáo và linh hoạt ý nghĩa truyền giáo cho toàn thể dân Chúa, nhắc nhớ rằng tất cả từ trẻ em cho đến người lớn, từ các Giám mục tới các linh mục, từ các tu sĩ tới giáo dân đều được mời gọi trở thành thừa sai trong chính cộng đoàn địa phương của mình, cùng nhau cởi mở đối với những nhu cầu của Giáo Hội hoàn vũ. Sự linh hoạt và cộng tác truyền giáo, được các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo cổ võ, trình bày cho dân Chúa việc truyền giáo như một món quà : đó là sự dâng hiến bản thân và các tài sản vật chất và tinh thần của mình để mưu ích cho toàn thể Giáo Hội (x. RM số 81).
Rồi năm nay, Ngày Thế Giới Truyền Giáo diễn ra long trọng đặc biệt ở Rôma, với việc cử hành Đại Hội Thế Giới Truyền Giáo cùng sự tham dự của các thành viên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo đến từ khắp nơi trên thế giới, đại diện các Giáo Hội địa phương của từng châu lục, như một dấu chỉ nói lên tính phổ quát của sứ điệp cứu độ của Đức Giêsu. Nếu Chúa muốn, tôi sẽ vui mừng chủ toạ Đại Hội này với đầy ý nghĩa.
8. Anh chị em thân mến, ước gì những lời của tôi là sự khích lệ cho tất cả những người quan tâm đến hoạt động truyền giáo. Khi cử hành Năm Thánh 2000, “toàn thể Giáo Hội càng dấn thân hơn cho một mùa vọng mới về truyền giáo. Chúng ta phải nuôi dưỡng nơi mình một quan tâm tông đồ thông truyền cho tha nhân ánh sáng và niềm vui đức tin, và chúng ta phải giáo dục toàn thể Dân Chúa về lý tưởng này” (RM số 86). Chúa Thánh Thần là sức mạnh của chúng ta! Ngài đã biểu lộ quyền năng của Ngài trong sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng đã được sai đi để “loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó… rao giảng một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4, 18), chính Thánh Thần cũng được đổ tràn trong tâm hồn tất cả các tín hữu chúng ta (x. Rm 5,5), để biến chúng ta thành chứng nhân về công trình của Thiên Chúa.
Lạy Đức Trinh Nữ Chí Thánh, Mẹ của Chúa Kitô và của các tín hữu, người nữ hoàn toàn vâng theo Chúa Thánh Thần, xin giúp chúng con biết lặp lại lời thưa “xin vâng” của Mẹ trong mọi hoàn cảnh với ý định cứu độ của Chúa, để phục vụ công cuộc truyền giáo mới.
Với những tâm tình này, tôi thành tâm ban Phép Lành Tòa Thánh đặc biệt cho tất cả anh chị em, những người dấn thân tận tình trong công cuộc truyền giáo “đến với muôn dân”, và cho các cộng đoàn của anh chị em.
Vatican ngày 11 tháng 6 năm 2000, lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
GIÁO HOÀNG GIOAN PHAOLÔ II
Chuyển dịch: Nt. Maria Phạm Thị Hoa, OP